Hòm sắt cỡ lớn B.29 dùng để chuyển tiền vào miền Nam
|
TT - Tiền của "Quỹ ngoại tệ đặc biệt" được cất giữ
nghiêm ngặt tại tầng hầm Ngân hàng Nhà nước trung ương, 49 Lý Thái Tổ,
Hà Nội, do "Quỹ ngoại tệ đặc biệt" (B.29) quản lý.
Nghe đọc nội dung toàn bài: |
Đến thời điểm hẹn trước, một bộ phận đặc biệt chuyên
trách vấn đề vận chuyển là đơn vị C.100 thuộc Đoàn 559 cùng B.29 tiến
hành các thủ tục giấy tờ giao nhận, đóng thùng đặc chủng và chở đi.
Trong giai đoạn đầu, tiền đi vào Nam theo một con đường khá "sang
trọng":
Tiền được đặt trong "vali ngoại giao", hoặc nếu nhiều
thì đóng vào các thùng nghi trang như đồ hộp xuất khẩu, đi theo tuyến
hàng không Hà Nội - Phnom Penh hoặc Hà Nội - Quảng Châu - Phnom Penh.
>> Kỳ 1: Vận chuyển quá cảnh
>> Kỳ 2: Nối các đường dây về nước
>> Kỳ 3: Quá cảnh đường hàng không
>> Kỳ 4: Cuộc chuyển tiền ngược chiều
>> Kỳ 5: Quỹ ngoại tệ đặc biệt
>> Kỳ 2: Nối các đường dây về nước
>> Kỳ 3: Quá cảnh đường hàng không
>> Kỳ 4: Cuộc chuyển tiền ngược chiều
>> Kỳ 5: Quỹ ngoại tệ đặc biệt
Tiếp nhận và "chế biến" tại chỗ
Con đường thường xuyên và gian khổ nhất của đại bộ phận
đôla vẫn là tuyến đường Trường Sơn, bằng xe tải quân sự và đường biển
trên những chuyến tàu không số, cất giấu dưới hầm tàu hai đáy trên con
đường Hồ Chí Minh trên biển.
Hành trình của các loại tiền kể trên từ Hà Nội vào Nam
được phân bổ theo từng phân đoạn, theo quy định của trung ương: tiền tới
địa chỉ nào thì nơi đó có đơn vị đặc nhiệm tiếp nhận và cất giữ. Trung
ương phân bổ theo từng khu vực lớn là: Trị Thiên - Huế, Khu V, Tây
nguyên, Nam bộ (B2)... Tại từng khu vực nói trên, việc cấp phát, phân
bổ, sử dụng, chi tiêu là công việc nội bộ từng nơi, dưới sự lãnh đạo
toàn diện của từng đảng bộ, với sự tham mưu chỉ đạo chuyên ngành là các
ban tài chính hoặc ban kinh - tài trực thuộc.
Khi có nhu cầu chi tiêu bằng biệt tệ mà số do trung
ương đã đổi và chuyển vào không đủ, phải tiến hành "chế biến" tại chỗ.
Việc "chế biến" này được thực hiện theo phương pháp phân tán nhỏ lẻ để
khỏi bị lộ (trung ương không chủ trương tích giữ dài ngày đồng tiền Sài
Gòn, bởi từ sau năm 1970 sự mất giá của tiền Sài Gòn xảy ra liên tục, tỉ
lệ mất giá ngày càng cao). Việc quản lý thu, chi, theo dõi hạch toán kế
toán, kho quỹ được thực hiện rất chặt chẽ. Tại ban kinh - tài hoặc cơ
quan ngân tín được đảng bộ từng khu vực giao trách nhiệm chỉ đạo, điều
hành công tác này, các bộ phận chuyên trách về kế toán và kho quỹ đều
được thành lập. Kế toán từng khu vực đều tiến hành đối chiếu số liệu
định kỳ với kế toán B.29.
Từ năm 1964-1965 chi phí cho miền Nam tăng lên rất
nhiều, phương thức AM càng thêm khó khăn, tốn kém, kể cả sự hi sinh
xương máu. Trong tình hình mới nó bộc lộ nhiều nhược điểm. Thứ nhất, Mỹ
ra sức đánh phá các con đường trên bộ và trên biển, gây rất nhiều khó
khăn cho việc vận chuyển. Thực tế đã xảy ra một số lần đối phương ném
bom trúng xe chở hàng, trong đó có các thùng đựng tiền, vỏ thùng đựng
tiền tuy không bị cháy nhưng sức nóng của lửa đã làm phân hủy số đôla
bên trong. Từ giữa thập kỷ 1960 tình hình chính trị của Campuchia bất
ổn, đặc biệt từ khi có đảo chính của Lonnol thì con đường này cũng chỉ
có thể được sử dụng một cách rất hạn chế. Thứ hai, việc "chế biến" lần
thứ hai từ đôla ra tiền Sài Gòn cũng gặp khó khăn, không thể nào "chế
biến" một cách nhanh chóng một số tiền quá lớn trên thị trường miền Nam.
Phương pháp mới
Ông Mười Phi (trái) gặp ông Mai Hữu Ích tại Phnom Penh bàn về triển khai phương pháp mới FM. Ảnh tư liệu
|
Từ 1965, Trung ương Cục có chủ trương phát triển các cơ
sở tại nội thành. Những cán bộ chủ chốt của Ban Tài chính đặc biệt đã
được đưa vào nội thành để bám trụ. Hai cán bộ là Mười Phi và Nguyễn
Thanh Quang (còn gọi là Năm Quang, tức Dân Sanh) đã nảy ra ý định "chơi
theo luật chơi", nghĩa là sử dụng chính hệ thống ngân hàng của thế giới
và của chế độ Sài Gòn để chuyển tiền cho cách mạng.
Phát hiện bất ngờ này được đề xuất với trung ương. Sau
đó được trung ương chấp thuận cho thực thi, gọi là phương pháp mới, ký
hiệu là FM. FM là phương thức chi viện tiền cho miền Nam bằng chuyển
khoản. Chuyển khoản có hai chiều: nhận và trả.
Khâu nhận: Tiền Z (tiền Sài Gòn) được lấy ngay tại Sài
Gòn qua một đường dây hoạt động nội thành của Ban Tài chính đặc biệt
thuộc Trung ương Cục miền Nam (tức N.2683), sau đó hoàn trả cho nhà cung
cấp tại nước ngoài bằng đôla. Nhà cung cấp tiền Z Sài Gòn là những chủ
kinh doanh lớn sẵn sàng hợp tác với một đầu mối của N.2683 trong nội
thành Sài Gòn, có mật danh là C.130 do Dân Sanh đảm nhiệm. Họ có tài
khoản tại các ngân hàng thương mại nước ngoài và ở Sài Gòn. Theo sự thỏa
thuận với N.2683, họ rút tiền Z từ ngân hàng để cung cấp cho cách mạng
nhưng lấy lý do để sản xuất kinh doanh. Trong nhiều trường hợp có những
khoản lớn là tiền Z, không cần rút từ ngân hàng mà thu trực tiếp do bán
hàng nhập khẩu.
Tiền Z được giao tại những nơi quy ước là vùng giáp
ranh ven đô Sài Gòn - Gia Định, có khi còn đi xa hơn, phân tán trong các
kho nhỏ rồi tổ chức các chuyến ôtô đem đi. Phương pháp này được mang ký
hiệu là FM vì FM vừa là tên gọi một kênh phát sóng ngắn hơn AM, vừa là
chữ viết tắt của phương pháp mới (F: phương pháp; M: mới). Phương pháp
này có nhiều thuận lợi hơn phương pháp AM: có thể giải quyết một vụ
chuyển tiền lớn chỉ trong một ngày thay vì nhiều tháng hành trình đầy
rủi ro của phương pháp AM, an toàn hơn, kín đáo hơn, không bị thiệt thòi
do vấn đề tỉ giá, mà có trường hợp còn sinh lợi nhờ hưởng lãi suất phát
sinh tại các ngân hàng (khoản lãi suất này trong mười năm tính ra tới
gần 25 triệu đôla).
Để thực hiện FM cần phải có một hệ thống tổ chức rất
tinh vi và dày công bố trí. Tại Hà Nội, bộ phận B.29 thuộc Vietcombank
dùng các mật mã, điện đài để liên lạc với miền Nam và liên lạc với các
ngân hàng trên thế giới để nhận và gửi các lệnh chi tiền, chuyển tiền.
Bộ phận đó vẫn do ông Mai Hữu Ích điều hành và trưởng phòng thanh toán
Nguyễn Nhật Hồng (còn gọi là Ba Hồng) trực tiếp phụ trách.
Ở trong Nam, một bộ phận có bí danh là N.2683 do ông
Mười Phi làm trưởng ban tài chính đặc biệt của Trung ương Cục phụ trách.
Một bộ phận đặt tại Sài Gòn. Cơ sở này trực thuộc Trung ương Cục, gọi
là Ban Công tác đặc biệt. Nó là một "đối tác" đặc biệt của B.29. Đầu mối
và cũng là cơ sở của N.2683 là một đại thương gia có khả năng chi tiền
mặt cho N.2683. Rồi theo thông báo của N.2683, B.29 lại chi trả cho họ
bằng cách chuyển ngân vào tài khoản của họ ở các ngân hàng nước ngoài.
Ông Mười Phi nhận định: "Đây cũng là một loại đường mòn
Hồ Chí Minh nhưng không dùng ôtô, tàu thủy, máy bay hay đường ống nên
không có vết chân nguời. Chỉ có những lệnh chuyển tiền thôi. Anh Phạm
Hùng cho tôi danh sách năm người để tôi chọn. Tôi chọn anh Ba Châu và
nhắc anh Phạm Hùng nên cho anh Ba Châu đi học thêm tiếng Khơme, học tình
báo rồi hãy vào Phnom Penh giúp chúng tôi".
Ông Lữ Minh Châu (Ba Châu) - phó Ban N.2683 - kể lại:
"Chiến trường mở rộng, nhu cầu tiền càng nhiều, càng nhanh càng tốt và
phải cung cấp cho nhiều nơi. Với biện pháp FM, nói cách khác, với hoạt
động ngân hàng đặc biệt trong thời kỳ chống Mỹ tại miền Nam, chúng tôi
"Ban Công tác đặc biệt" trực thuộc Trung ương Cục miền Nam với các loại
bí số D.270 và N.2683, mà tôi là phó trưởng ban, anh Mười Thăng Long là
trưởng ban, đã cung cấp các loại tiền nhanh chóng, đủ và đúng theo yêu
cầu của Cục Hậu cần miền Nam".
ĐẶNG PHONG
---------------------------------------
Khâu tiếp theo rất quan trọng và đầy rủi ro
là chuyển tiền về các vùng căn cứ. Phải tổ chức một loạt đường vận
chuyển hợp pháp để kết hợp chở hàng, chở khách với việc chở tiền.
Xem tiếp phần 7 Chuyển Tiền Về Căn Cứ
Xem tiếp phần 7 Chuyển Tiền Về Căn Cứ
No comments:
Post a Comment