Friday, November 30, 2012

Xương Trắng Trường Sơn 12

Chương 12

(Độc giả nam nữ thân mến ! Tôi viết những dòng này với lòng yêu mến chàng nghệ sĩ tài hoa của đất Sài Thành ra đi kháng chiến chống Pháp đầu năm 1946. Có lẽ ngày nay vẫn còn đôi người yêu nhạc còn nhắc nhở tài danh Lê Trực đã từng làm rung lên hàng vạn trái tim nam thanh nữ tú bằng tiếng đàn son trẻ của Lê Trực đã hiện lên trên ngũ tuyến biểu của khúc ca “Tiếng Còi Trong Sương Đêm” như những cánh bướm say tình. ..

Tôi đã vượt Trường Sơn cùng với Hoàng Việt tức Lê Trực xưa của đất Sài Gòn. Hôm nay cả Hoàng Việt lẫn Lê Trực đều đã nằm im dưới đất ở một miền nào không rõ địa danh, nhưng có lẽ người yêu nhạc vẫn còn giữ lại cái dư âm của “Tiếng Còi Trong Sương Đêm ” như một kỷ niệm u buồn.

Vậy có thể những ngày cuối cùng của chàng nghệ sĩ mà tôi sẽ ghi lại trên con đường khổ ải kia, sẽ không đến đỗi làm mất thì giờ của độc giả.)

Đích thị là anh ta rồi ! Hoàng Việt quay lại.

Hoàng Việt gọi tên tôi, rồi phá lên cười. Tiếng cười của chàng nhạc sĩ vẫn tếu lại vừa châm chọc.

Hoàng Việt nhìn thẳng vào tôi và Năm Cà Dỏm đang đi tới và nói:

- Chà chà! Cái bụng teo là trông thấy. Thu vô mấy nấc dây nịt rồi vậy ?

- Mới có vài nấc thôi !

- Vài mà mấy?

- Tức là từ hai tới ba…!

- Khỏi tập thể dục he .

- Còn anh cái bộ bánh chè còn khua hết?

Rồi chúng tôi hỏi nhau ngay về tình hình của đoàn:

- Anh nằm lại đây hôm nào ?

- Nếu so với cậu thì bằng nhau.

- Bằng nghĩa là sao ?

- Nghĩa là tôi đi trước nhưng rồi cậu cũng bắt kịp chớ sao ! Nghĩa là trong lúc cậu nằm thì tôi đi, còn lúc cậu đi thì tôi lại nằm.

- Còn đứa nào ở lại với anh nữa không ? Tôi lo ngại hỏi.

- Không! Chúng nó đi mất mẹ hết rồi. Đứa nào thấy mình đau, cũng lẩn đi hết. Ở lại mần chi với thằng già này ? Ở lại để khiêng để vác à ?

- À,quên nữa !

- Sao?

- Thằng Lâm còn khóc dọc đường không?

- Hôm nay nếu cậu gặp lại nó chắc cậu sẽ không nhìn ra nó. Nó còn bằng con nhái bầu thôi !

- Anh ở đâu ?

- Ở đằng kia kìa.

- Quăng ” mấy cái tựa ” thì tới !

- Không xa đâu ! Đi giỏi thì tới trước mặt trời, đi chậm thì sau thì tới sau mặt trời.

Hoàng Việt nói với giọng bắt chước người Thượng. Chúng tôi nhại lại cái câu công thức của những anh giao liên người Thượng mỗi khi anh ta bị khách gạn hỏi bao giờ thì đến, mà cười xòa với nhau.

Hoàng Việt hỏi.

- Miss Thu ở đâu?

- Ở với “moả”.

- Ui cha cha, tài tử giai nhân mê mệt he!

- Ghé tụi tôi chơi, anh !

- Cậu thiệt không hở, buông cái này bắt cái khác !

Rồi chúng tôi dắt ông bạn nhạc sĩ về lều.

Lúc bấy giờ Năm Cà Dom mới đến trước mặt Hoàng Việt:

- Nhớ tôi không, ông bạn Lá Xanh ?

Hoàng Việt chớp chớp mắt nhìn Năm Cà Dom. Năm Cà Dom cười:

- Ông bạn đi Tây đi u nhiều quá rồi quên hết anh em.

Hoàng Việt vẫn nhìn Năm Cà Dom mà lặng thinh.

Tôi xen vào:

- Năm Cà Dom!

- À ạ…Năm Cà Dom!

Hoàng Việt như vớ được một đầu mối trong ký ức, nhưng nó hãy còn mơ màng chưa phăng ra gốc được.

Hơn nữa trên con đường này đầu óc minh mẫn của con người bị kí-nín nhuộm vàng đâu còn sáng suốt mà nhớ nổi những kỷ niệm của thời kháng chiến chống Pháp đã lộn xà ngầu cùng với nhữngsự việc mới như một mớ xà bần.

Năm Cà Dom trầm tĩnh và hóm hỉnh hỏi nhà soạn nhạc:

- Anh có nhớ lúc 307 xuống miền Tây’và chúng tôi gặp anh ở Ô Môn không nào?

- À tôi có xuống Ô Môn một vùng gạo trắng nước trong của miền Tây Nam Bộ. Cảm tình lắm.

- Rồi kế đến chúng tôi đánh đồn Tây ở Bảy Ngàn.

- Vâng, chính nhờ trận đánh đó, tôi viết bài “Đêm Mưa Dầm”.

- Rồi sau đó chúng tôi xuống vùng Cà Mau, Bạc Liêu, đánh tàu ở Kinh Nhật Nguyệt.

-Trận đó… Hoàng Việt bỗng kêu lên vỗ đánh bốp vào bắp đùi:

- Tôi nhớ ra rồi. Kinh Xáng Nhật Nguyệt. Trận đó tôi nhờ anh mang cái ” ba-lô-ma ” của tôi phải không ! Ôi chao ! Thiệt là gặp lại anh bất ngờ. Ừ ừ, có những người chiến hữu mình tưởng đã chết mất từ lâu, chẳng ngờ còn sống gặp lại mình.

Hoàng Việt tiếp:

- Trận đó, mình bị Tây rượt nột quá mà trước mặt thì con Kinh Nhật Nguyệt rộng mênh mông còn mình thì toàn “lội chó. ” Thế mới biết tài Năm Cà Dom. Gớm thật.

Hoàng Việt nói với tôi:

- Sông rộng thế mà anh ta một tay cầm ba khẩu súng trường giơ lên, một tay bơi xốc đứng.

Tôi cười:

- Vì thế mới có danh hiệu Cà Dom.

Hoàng Việt ngoặt sang ngay vấn đề ăn uống:

- Này, các cậu ăn uống thế nào ? Ủa Miss Thu đâu rồi ?

Tôi đáp:

- Tụi tôi vừa mới cướp giật được một mớ cá khô. Anh còn gạo không? Đem lại đây nấu cơm, còn thức ăn thì tôi bao cho một bữa.

- Bao có lủng không đó !

- Không sao đâu, cứ tự nhiên như một vị “khách… không mời mà đến. “

Hoàng Việt vui vẻ:

- Nhưng đãi món gì mới được chớ ?

-Thịt bò bảy món được không?

- Chà ! Dân Sài Gòn hả ông bác sĩ ?

- Không, Hóc Môn!t Còn anh ?

- Sài Gòn chánh cống con nai chà !

Hoàng Việt lại vui vẻ:

- Bỗng nhiên ông bạn làm tôi thèm rỏ dải vì cái món thịt bò đặc biệt đó. Kỳ thật, cái thằng cha này.

Hoàng Việt lên võng của tôi ngồi đu đưa. Và cười như nắc nẻ:

- Hay thiệt! Ở giữa chốn này mà nói chuyện thịt bò bảy món thì vui thật – Hắc hắc… chỉ tiếc cái là không có thực thôi…

Hoàng Việt là một con người hồn nhiên. Sống trong khung cảnh nào cũng vui vẻ bô lô ba la như vậy.

Hoàng Việt là một nhạc sĩ có tài, nếu không nói là nhất trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Văn Cao đã ngợi khen anh chàng này khi anh ta đi học nhạc ở ngoại quốc về và cho biểu diễn bản nhạc giao hưởng Quê Hương ở nhà hát lớn Hà Nội. Cộng sản cũng thừa biết rằng anh chàng này có tài, nhưng vẫn bạc đãi anh ta như thường.

Một cái anh chàng mà sáng tác nổi một bản giao hưởng (symphonie) như thế đâu có phải là có nhiều, mà là hiếm có, chưa có từ trước tới nay ở xứ Cộng sản miền Bắc.

Ấy vậy mà… khi về Nam, Hoàng Việt cũng quảy ba lô mang dép râu lội Trường Sơn như đám cá kèo lóc nhóc.

Hoàng Việt cũng lãnh một lít muối, một lon khô, một túm thuốc và quần thô áo vải nhúng nước, ướt mưa, nặng như sắt !

Vậy mà Hoàng Việt không thắc mắc chi cả. Cái lốt nhạc sĩ, anh ta quẳng đi qua một bên, làm một người Nam Bộ tha hương lâu ngày, nay được dịp may trở lại quê hương, bất chấp mọi việc. Trong lúc đó thì không thiếu chi những vị dây mơ rễ má với các ông lớn, nhờ chạy cửa sau mà được đi ” mé bay. “

Các bạn cứ thử nghĩ xem, một con người như vậy mà lại mang bị gậy lội Trường Sơn. Trong lúc người ta luôn luôn bô bô cái mồm đề cao văn nghệ hết mức (để khai thác khả năng phục vụ chánh sách Đảng) .

Anh ta đi như một thằng lính tải, lẫn trong đám vô danh. Nhưng không riêng gì anh Hoàng Việt mà cả bọn ” kỹ sư tâm hồn ” ma khác chúng tôi, anh nào anh nấy cũng thế thôi.

Hoàng Việt ốm tong ốm teo, một người Việt Nam loại bé, chỉ có cái hồn nhiên và mái tóc bạc là cái hấp dẫn nhất trong người anh. Ngoài ra thì còn mấy ngón tay nhuộm nhựa thuốc vàng cháy.

Anh ra đi phấn khởi hăng hái thực sự, vừa đi vừa cười nói râm ran, cười như nắc nẻ. Anh vui vẻ nói oang oang lên: “Tao về tới nơi thì năm sau tháng này chỉ Bảy tụi bây (tức vợ anh) sanh một thằng con trai đặt tên là Lè Tương Phùng ! “

Anh đi dọc đường gặp cái gì cũng lượm, và có một sự giải thích rất hợp lý nên anh tự cho phép mình nhặt tất cả những thứ ấy gắn vào ba lô. Anh nhặt cái hộp lon thi bảo: “đây là một dụng cụ toàn năng dùng vào chuyện gì cũng tốt cả, múc nước, nấu cơm, ca uống nước, dụng cụ nhạc! “

Anh nhặt một sợi mây với sự giải thích: “bỏ sẵn trong ba lô đó có nặng bao nhiêu đâu, khi cần, nửa đêm mắc cái tăng quờ đâu ra!”

Anh nhặt một cái mẩu ni lông thì cho rằng “nó sẽ đắc dụng vô cùng . Tụi bây cứ quen ngồi trên ba lô hỏng đồ đạc hết ! ”

Cho nên cái ba lô của anh phình to hơn người anh và đầy râu ria phụ tùng lóc cóc leng keng ở bên ngoài. Vậy mà còn những thứ khác không thể dồn hết vào ba lô phải mượn đám thanh niên mang dùm. Cái áo ni lông hai da không biết anh mua được ở đâu chứ Hà Nội thì không có bán. Anh mang về cho thằng con trai. Cũng may là cái áo mất dọc đường chứ đem về cho thằng con trai thì chắc nó càng thấy phụ tử thâm tình .

Cái Radio của ông thầy dạy nhạc anh ở Bungarie. Cả hai thứ này đều thừa nếu thãi ở Sài Gòn nhưng tội nghiệp anh đi xa Sài Gòn lâu quá anh muốn đem về cho con một chút tình cha. Ngoài ra còn cái băng nhạc bài “Quê Hương Giao Hưởng” của anh. Nhưng cậu mang dùm lại sốt rét ác tính chết dọc đường. Cậu này là họa sĩ tên Nguyễn Văn Núi.

Đấy rành rọt chi tiết về một con người mà tôi quen không nhiều chứ ít ra cũng hai mươi năm.

Cho nên gặp lại Hoàng Việt tôi rất mừng không ngần ngại đãi thức ăn cho anh (còn cơm thì tự túc) một cách thẳng thắn như thế đó.

Chúng tồi nấu cơm. Hoàng Việt cũng về lo nấu cơm để mang lại. Năm Cà Dom hỏi tôi:

- Thằng cha có tài vậy mà bắt đi bộ như mình à ?

- Ai?

- Hoàng Cò chớ ai!

- Suỵt, đừng gọi Hoàng Cò, ổng la dữ lắm.

- Sao la ? Việt cũng nhìn Cò vậy chớ khác gì ?

- Ổng đổi tên rồi.

- Tên gì?

- Lê Quỳnh.

- Tại sao phải đổi?

- Vi hai lý do. Lý do thứ nhất là trên đường đời này không ngờ lại có một thằng khác cũng tên Việt đi gần bên cạnh anh hằng ngày mà lại là một thằng xạo, một thằng láu cá vô dụng mà lại hưởng tiêu chuẩn cao hơn anh trong lúc đi đường.

- Là cái thằng chó chết nào kỳ cục vậy ?

- Là cái thằng Trí Việt đại úy quân đội dốt đặc cán mai mà làm biên tập Điện Ảnh đó. Nó mê con Thu lắm. Nó giả đau nằm lại trạm chờ con Thu để mong nhờ hoàn cảnh rừng núi mà hoạt động có kết quả, nhưng Thu vẫn không yêu như thường cho nền hắn lủi mất rồi. Có thể nay mai anh ta lại gặp mình, rồi tôi giới thiệu cho mà tiếp xúc.

- Chao ôi ! Văn nghệ của ông nhiều nhân vật đặc biệt lắm.

- Đó, vì thế cho nên cụ Hoàng ta mới thay danh đổi lánh. Nhưng còn một lý do nữa là… cụ Hoàng sợ lộ bí mật.

Năm Cà Dom ngẫm ngẫm một cuộc rồi nói:

- Đi giải phóng Miền Nam, la om trên đài nghe oai linh hùng vĩ lắm, thế mà trên mặt đất thì lén lút như đi ăn trộm. Đi đâu chẳng dám đi đâu, còn tên họ thì lại đổi hết. Nói chuyện thì xầm xì rỉ tai chằng dám nói to với nhau, giống tuồng bọn móc túi !

- Nói bậy cậu !

- Đúng vậy chớ, bậy sao được !

- Vậy sao cậu còn đi, còn đổi tên ?

- Chứ không đi đường nào về xứ được ?

- Vậy trên đường đi này cậu lấy tên gì ?

- Cà Dom!

- Nhưng có ai gọi bằng cái tên đó đâu ?

- Bây giờ thì tôi không cần, ai gọi gì cũng được, miễn tôi đi lọt vô Nam thì thôi.

- Đôi khi phải chịu nhục cậu ạ !

-Ứ hự!

- Tôi đây họ xét đi xét lại, “nghiền úp nghiên ngửa” mất ba năm trời mới cho tôi về đây.

- Tôi như cậu thì tôi không về làm mẹ gì. ở ngoài Bắc như các cậu, viết văn ngồi mát ăn bát vàng tà tà, về làm mẹ gì cho nó mệt. Ở đâu mà viết chẳng ra văn ?

- Cậu nói dễ ăn quá !

- Chớ sao.

Tôi cười:

- Cuộc đời của mình, mình không còn chủ động nữa, mà do ai đâu quyết định. Tôi bực mình lắm nhưng mà biết làm sao ? Có lần tôi đã nói thẳng với thằng cha tổ chức cơ quan: nếu kỳ này mà không cho tôi về, là tôi cưới vợ. Và khi tôi đã cưới vợ rồi thì tôi không về nữa. Có làm gì tôi cũng không về.

Năm Cà Dom cười khì khì:

- Trung thành với rau muống luộc dữ vậy ? Rau muống quấn chân hả ?

- Không phải vấn đề giản đơn là rau muống quấn chân nhưng đây là vấn đề nhân đạo.

- Nhân đạo làm ..?

- Nhân đạo đối với con người, với mình.

- Nghĩa là sao chớ ?

- Cậu có nhìn thấy ở đâu có tình trạng như nước mình không ?

: Nhưng mà sao mới được chớ ?

- Đất nước chia đôi, chồng Bắc vợ Nam ! Vợ trong Nam chờ đợi mười mấy năm trời, chồng ngoài Bắc cũng lóng ngóng mười mấy năm trời, kêu trời không thấu.

Năm Cà Dom cười:

- Khặc khặc ? Vì thế mới có câu thơ “đất Bắc anh gìn con tí ngẳng, trời Nam em giữ cái bề hê” là vậy đó.

Tôi không để ý tới sự pha trò của bác sĩ Cà Dom mà tôi quạu thực sự Tôi nói:

- Giữ với gìn cái con mẹ gì. Đàn bà mà bỏ đi mười lăm, mười bảy năm thời trẻ trung thì còn gì nữa.

- Chưa tới mười lăm năm, mới có mười bốn năm thôi, 1954-1967 mà !

Tôi nói:

- Bây giờ thì mới mười bốn năm thôi, chứ tương lai thì vô hạn định. Trời ! Vậy mà hồi được người ta đem vợ con theo lại không cho.

- Để tàu rộng người ta chở lúa ra Bắc chớ !

Tôi nói tiếp:

- Anh có thấy cảnh chia ly đó không ? Cha con không biết mặt nhau. Vợ chồng chờ nhau từ tóc xanh đến tóc bạc! Còn chờ làm gì?

- Ý, có nghĩa lắm chớ. Chờ ổng về bả ngoáy trầu cho ổng ăn!

Tôi lại tiếp:

- Cho nên tôi nhất định không lấy vợ Bắc, mà chờ ngày về Nam. Nhưng hễ không cho tôi về, tôi cưới vợ rồi thì tôi không về nữa.

- Cho rau muống quấn chết luôn.

- Nhất định, chớ có vợ con rồi về Nam bỏ vợ bỏ con mình ngoài đó mà chịu được sao ?

Năm Cà Dom cứ nói quát ra:

- Úy chu choa, anh Nam Kỳ mà lấy Bắc Kỳ thì đẻ con khôn nhất trần đời. Tôi thấy rất nhiều rồi đó !

Năm Cà Dom ngẫm ngẫm một chốc rồi nói:

- Nói đùa vậy chớ tôi có khác chi ông bạn, gần bốn mươi tuổi đầu rồi còn “solo” đây không thấy sao. Đi bướng về Nam để có mà “hốt ổ” cho kịp kẻo tụi nó về trước chúng nó hốt hết.

- Anh Hoàng Việt làm gì mà lâu thế nhỉ ? Cơm mình chín từ lâu rồi mà ảnh chưa xong à ?

Tôi bảo:

- Thôi cậu ở nhà tôi đi tìm lão coi. Cái lão này gà mờ lắm chỉ được cái tài “Tiếng Còi Trong Sương Đêm “ thôi. Còn ngoài ra thì vô tích sự lắm !

Rồi tôi đi tìm Hoàng Việt.

Kể thì gặp lại ông cụ non này cũng vui. Có người mình nói chuyện nhưng có một cái khổ khác cụ thể hơn là anh bạn yếu quá. Đi chung lại mệt cho mình. Đã phải dìu cô Ba Lê rồi, lại đèo thêm một ông Giao Hưởng nữa sao xuể ?

Hoàng Việt chiếm đóng một nơi rất hiểm hóc. Có tảng đá, có hang và có cả hai thân cây rất vừa làm để mắc võng. Tôi gọi:

- Anh Hoàng!

Hoàng Việt quay trở lại giụi mắt nhìn tôi, nước mắt nước mũi ròng ròng cặp mắt đỏ chạch. Tôi hỏi:

- Làm cái gì lâu vậy?

- Thì có làm cái gì đâu. Có cái nấu ga-men cơm mà nãy giờ chưa xong chớ đâu có làm cửa làm nhà gì.

Tôi nhìn vào bếp của anh. Củi leo heo vài cành. Mà của đáng tội toàn củi mục. Cho nên nhóm không cháy. Trong bếp chỉ có ít lá tre còn ga-men cơm thì chưa có hơi tí nào cả.

Hoàng Việt lại lắc đầu:

- Lửa gì mà nhóm mãi không cháy he?

Thôi xách cái cà mèn lại đằng tôi, tôi nấu cho. Nấu giờ này là nấu trộm mà anh cứ giềnh giàng mãi như vậy giao liên nó bắt gặp nó chọc lủng nồi của anh ngay !

- Ừ nhỉ ! Nhưng mà muốn đi đằng đó thì tôi phải cuốn hết đồ đạc quảy đi chứ nếu để ở nhà thì nó “mượn không thời hạn” hết ráo.

- Ừ thì đi.

Thế là Hoàng Việt quảy cả tăng màn ba lô đi theo tôi. Trở về đến nơi thì nghe tiếng Thu và Năm Cà Dom cãi nhau léo nhéo.

Vừa trông thấy tôi, Năm Cà Dom đã vọt miệng nói ngay:

- Mất mẹ nó hết thức ăn rồi.

-Thức ăn gì?

- Khô cá, khô voi, muối.

- Thế à ? Tôi tâng hẩng, đứng chết trân, chẳng hiểu ra làm sao cả Thật tình tôi không hiểu ra sao cả.

Tôi hỏi Thu:

- Chớ còn em đi đâu ?

- Thì em nằm bên võng em ngó sang.

- Ngó sang sao nó ăn cắp mà không biết ?

Năm Cà Dom đỡ cho Thu:

- Ngó sang nhưng ngó lâu quá thì mỏi mắt… mỏi mắt rồi thì mí mắt sụp xuống nhắm lại luôn. Thế đó.

Hoàng Việt cười khè khè:

- Thật là tài dách he ! Giữa ban ngày mà…

- Thôi cũng được. Vậy mình đãi ông bạn mình bằng món bình thường. – Năm Cà Dom vui vẻ nói- Gặp nhau đây liên hoan cái mồm thôi cũng đủ vui rồi.

- Nào dọn ra đi ! Tôi bảo.

Tôi cố làm ra vẻ tự nhiên để lướt qua nỗi đau đớn trong lòng. Mất bấy nhiêu thức ăn đó trên đường này bằng người ta mất cả lạng vàng trong hoàn cảnh binh thường. Có khi còn hơn. Tôi dọn cơm ra. Nói là dọn vậy, nhưng có cái gì đâu, ngoài mớ thịt kho mặn mà tôi còn giữ được một phần, rất kỹ, dù thèm cách mấy cũng không mang ra ăn, định bụng để khi nào đau đắng miệng mới dùng tới.

Nhưng hôm nay, tôi mang ra “đãi” Hoàng Việt là vì cụ Hoàng đã từng đãi tôi nguyên cả một cái lạp xưởng lúc đi được vài tuần lễ.

Một cái lạp xưởng ở giữa Trường Sơn, đó là một điều vô cùng bất ngờ, không thể đào bới ra đâu được. Ăn cái lạp xưởng đó, tôi tưởng đời tôi không bao giờ còn được hưởng cái gì, món gì, vật gì ngon lành, thú vị, khoái chí hứng thú hơn nữa.

Bây giờ nhìn lại cụ Hoàng tóc bạc trắng dựng đứng lên như bọt suối mà đôi má thỏn, cái cầm nhọn hẳn xuống như một giọt chấm than, mà cái mồm hốc hác không ngậm kín lại được cứ phô hai hàm răng đầy nhựa thuốc lá vàng ệnh ra, tôi nhớ cái lạp xưởng lúc trước vô cùng.

Giá bây giờ mỗi đứa được một cái thì chắc tất cả những nét thảm the đó sẽ biến đi .

Hoàng Việt sẽ lại là anh chàng nhạc sĩ tuy có tuổi nhưng vẫn bảnh trai, nho nhã, các cô nàng ở thủ đô nom thấy phải mê vì sắc kính vì tài. Nhưng bây giờ thì không có lạp xưởng cũng không có cái gì cả, cho nên Hoàng Việt nhạc sĩ số một của Nam Bộ kháng chiến và người nhạc sĩ đạt tới đỉnh cao nhất của nền âm nhạc Cộng sản ở xứ Bắc Kỳ, trông thiệt là gớm ghiếc quá !

Cái đầu chờ vờ như con cá lóc ghe. Tay chân tóp lại và dài ngoẳng như tay vượn, quần áo rộng thùng thình. Ấy vậy mà vẫn còn tếu, tuyên bố tháng này năm sau chị Bảy mày,. . . nọ kia ! Thấy tôi giở lon kho lưng đến phân nửa, Hoàng Việt kêu lên:

- Cậu phí quá! Chưa gì mà đã hết từng ấy hàng chiến lược rồi.

- Chưa gì là sao anh Bảy ?

- Tức là mới được đâu gần gần… nửa đường thôi.

- Thế à.

-Thế à thế ừ gì nữa.

- Thì cho là nửa đường đã qua rồi. Mình hết một nửa lon kho mặn cũng là hợp lý chứ sao.

- Cái “nửa”sau này bằng ba cái “nửa” trước cậu ạ. Đừng có dốt quá như vậy. Bây giờ cậu nhớ lại xem. Nếu con Phương còn đi chung với cậu thử xem cậu còn có dắt vô rừng rậm như lúc mới đi nữa không?

Tôi nháy mắt cụ Hoàng bảo có Thu. Thu đang nấu cơm đàng kia. Hoàng Việt trừng mắt nhìn tôi rồi lại gầm lên, tỏ ý hiểu tôi đang có “vấn đề” với cô Ba Lê Thu:

- Cũng nữa hè ! Nó kiểm thảo, nó bắt hứa là chấm dứt yêu đương ở trong trường mà thoát ra một cái là cứ thế!

Tôi cười:

- Chíp ! Con người không có sự đó như cục đất không mặt trời vậy anh Bảy à !

- Nhưng mà để cho cặp đầu gối còn nước nhờn mà co vô dãn ra với Nó đóng vôi lại một cái là bỏ mạng !

Thấy tôi sớt kho mặn nguyên chất ra, anh Bảy kêu lên:

- Ấy chết!

- Gì thế anh Bảy ?

- Trộn muối vào chớ ăn puya (pur) thế này à ?

- Thì lâu lâu mới đem ra đãi khách.

- Thôi đừng làm thế, nó phí đi. Để dành lúc đau hãy mang ra xài. Đau trên đường này khổ lắm. Ai lo cho. Chị Bảy cậu mà nó biết tôi đi đường như thế này nó không đồng ý đâu.

- Sao anh không xin đi máy bay ?

- Máy mẹ tôi chớ máy bay.

- Cỡ anh là thừa sức đi mà ! Chớ ông chủ trại cưa Kim Hữu (tức Lưu Hữu Phước ngủ có tật ngáy rầm trời như cưa cây nên anh em đặt ông ta là trại cưa Kim Hữu. Vì khi vô trường đi B, ông thay tên là Kiến Hữu) đi máy bay đó thì sao ?

- Ổng là vụ tưởng ! Ổng là người ” có chức , ” cậu hiểu chưa ? – Hoàng Việt nhấn mạnh chữ “có chức ” một cách cố ý. – Còn mình là thằng cán bộ quèn lo mà cuốc bộ cho có. Được về quê đây cũng đã là mang ơn mưa móc và hồng ân của Chúa Thượng rồi !

Bữa cơm không có gì đáng kể cả. Cơm xong, Hoàng Việt nấu nước sôi rồi lấy trà ra châm và mời tụi tôi. Hoàng Việt quay sang vui vẻ trò chuyện với Thu, còn tôi và Năm Cà Dom thì đi sưu tầm số chiến lợi phẩm bị ăn trộm.

- Sao ? Chân cẳng thế nào ? Hoàng Việt hỏi.

- Đau quá anh ơi.

- Liệu có đi đến nơi không cô em ?

- Chưa biết anh ạ.

- Cố mà đi chứ.

- Các anh thì nên cố, còn em. . .

- Còn em thì không à?

Thu lặng thinh.

- Tại sao bây giờ em có ý nghĩ lừng chừng như vậy?

- Các anh đi về quê, còn em thì càng đì xa quê.

- Thế ra em nghĩ rằng quê anh và quê em là hai quê à?

- Tất nhiên.

-Tại sao? .

Nam là một. Bắc là một !

- Nam Bắc một nhà mà !

- Khi em ở ngoài Bắc, ở tại nhà em thì em nghĩ như vậy, nhưng khi em đi một bước rời Hà Nội thì em lại nghĩ khác ngay.

- Sao bấp bênh vậy ? .

- Có những cái anh xa rồi anh mới hiểu.

- Tại sao vậy ?

- Đối với em có những cái như vậy. Ví dụ có khi em múa một điệu rồi, người ta hoan nghênh ầm ĩ, em chẳng thấy gì cả, không biết rằng mình và biểu diễn một tiết mục đặc sắc, mà chỉ gục đầu vào một cô bạn mà khóc, hoặc nếu không khóc thì cứ bàng hoàng lâng lâng không có cảm xúc gì cả.

Nhưng sau đó có khi một giời, có khi một tuần, có khi một năm, em nhớ lại cái điệu múa mà mình đã biểu diễn, nhớ từng “phi-guya” một, từng cử chỉ một, cười ngạc nhiên, ngạc nhiên, em không hiểu sao em lại làm được những động tác đó .

Thu ngừng lại nuốt ực, rồi tiếp ngay như những ý nghĩ đã đến tràn đầy óc Thu. Thu nói tiếp:

- Cũng như khi em ở Hà Nội thì em đâu cớ nghĩ rằng những tình cảm của mình sẽ biến động ra sao khi em phải xa Hà Nội một ngày một tháng hay một năm?

Hoàng Việt ngồi thừ người ra.

Hoàng Việt cả tôi đều công nhận rằng Thu đúng là một cô gái thông minh, tình cảm rất tế nhị và chân thành

.Hoàng Việt cũng có những tình cảm đối với Sài Gòn như Thu đối với Hà Nội. Chính vì thế mà anh mang cái tấm thân còm cõi của anh trên con đường chết tiệt này.

Quê hương! Đó là bản giao hưởng thứ nhất cũng là bản cuối cùng của anh. Đó, Cộng sản dùng một con người như Hoàng Việt như thế đó ! Để rồi khi anh chết đi, thân thể tan tành, chỉ còn một chỏm tóc bạc thì ở ngoài Hà Nội làm một cái lễ truy điệu thật to đọc một bài diễn văn tràng giang đại biển,

khóc khóc, mếu mếu, còn khi anh ta còn sống thì xem như con chó, đi lang thang trong rừng Trường Sơn không có một tấc sắt trong tay, không có ai giúp đỡ với cái chân què mưng mủ sưng to lên như cái bánh bò. Mỗi lần qua suối ai hảo tâm thì cõng dùm, không hảo thời thôi, ông bạn nhạc sĩ số một đó cứ lội bơi và đi cà lỉa với cái chân què.

Hoàng Việt bất thần bảo Thu.

- Đâu xăn quần lên coi.

- Cái anh này.

- Tôi nói thật mà, cô em !

- Anh kỳ quá, Hoàng Việt chứ phải Trí Việt sao ?

- Ừ thì Hoàng Việt chứ Trí Việt làm sao mà dám bảo Thu làm như vậy ?

- Anh kỳ quá hè!

- Cha chả, cô em bị lai Nam Bộ rồi đó nhé.

- Lai gì?

- Lai cái tiếng “hè “đó.

Thu ngồi tưng hửng. Hoàng Việt lại cười:

- Có lẽ cô đã Nam Bộ hóa hồi nào cô không hay phải không ?

- ….

- Bây giờ trong máu cô có chất Nam Bồ rồi đấy nhé.

Thu nhìn xuống đỏ rừ đôi má.

Hoàng Việt cười:

- Cho anh Bảy xem cặp chân thần kỳ của cưng chút cưng !

- Thôi mà anh… kỳ cục quá hà !

- Anh Bảy muốn xem xem vô Sài Gòn Thu còn múa “ba lê” được nữa không ? Hay vô tới đó rồi chỉ còn “lết, ba lết ? ” hả ? Cha chả… cặp chân của Thu đem mà mài trên đá tai mèo này lắm lúc tôi cũng xót ruột quá. Còn cái khỉ khô gì mà lê với lết ?

Thu bỗng òa lên khóc, úp mặt vào hai bàn tay.

- Úy chết. Sao vậy Thu ? Kìa, coi kìa.

Hoàng Việt có tính hay trêu đám con gái, mà trêu rất nghệ thuật, cho nên có đứa bị trêu thì cười lăn ra mà thích thú còn Thu thì khóc òa lên.

Hoàng Việt không ngờ Thu lại khóc như vậy. Hoàng Việt định đùa chơi chút thôi chớ đâu có ngờ đó chính là tâm sự của Thu mà lâu nay tôi không dám đụng vào.

Hoàng Việt hơi hoảng, cố vuốt ve Thu:

- Nói vậy chớ đâu có sao. Chân cẳng có rêm chút đỉnh vô trong đó mình tẩm bổ vài… tháng thế là đâu lại vào đấy, có gì đâu. Rồi thì đôi má căng lên, đôi chân tròn như ống chỉ, Thu lại lên sân khấu với đôi chân ngà ngọc chớp lóe như sao sa. . .

Thu vụt vén ống quần lên và nói:

- Sao sa đây này, anh xem đây này.

Hoàng Việt nhìn đôi chân của cô con gái mà Hoàng Việt đã quen mắt nhìn ngắm trong lúc cô nàng biểu diễn cũng như đôi lần lội suối trên đường này.

Cặp chân gầy đi, và đầy vết sẹo thâm thẩm, chẳng khác da con lươn bông.

Hoàng Việt quay mặt đi lắc đầu, tang thương quá. Nghệ thuật gì nữa. Đôi chân đã trở nên một nỗi khố tâm cả cho Hoàng Việt.

Hoàng Việt thấy ngồi lâu không ổn cho nên chàng nhạc sĩ ròm quảy đồ lề rút lui với cái chào của một bá tước gửi lại công chúa Trường Sơn. Chàng gập mình xuống ba mươi lăm độ, đặt bàn tay phải trên tim, và lại giơ lên một cách cung kính. Xong chàng ba chân bốn cẳng chạy tìm tôi mà kể lể hết mọi sự tình. Rồi chàng nói:

- Tôi lỡ tôi đụng nhằm trái mít ướt rồi. Nó đang sút củi đổ tòe loe ra đó. Vê mà gom mà hốt vô!

- Cái gì vậy anh?

- Nó khóc hu hu đằng đó.

- Sao vậy ?

- Thì có gì đâu, tôi thấy cặp chân của cô ta thảm hại quá…

- Thôi chết rồi. Cái vết thương của người ta mà anh đụng vào mần chi ?

Hoàng Việt cười khè khè.

- Vết thương “nòng” hả ? Vết thương mà hóa công đã rạch thì kim chỉ phàm cũng khó nổi vá may !

- Ở đâu mà ông nhạc sĩ lại gẩy Điệu Đàn Muôn Thuở của Lê Văn Trương vậy ?

- Khè khè. Thôi, tớ về nhé. Thỉnh thoảng rồi tớ sang.

Tôi trở về lều. Thu vẫn còn ngồi khóc. Tôi biết tính Thu. Ứccmà khóc cũng có, nhưng giá đáng khóc vài giọt thì đủ rồi, nhưng lại khóc đầm đìa ra cho có vẻ bi đát thêm lên. Mà nếu tôi có an ủi dỗ dành thì nàng lại làm già nên tôi hỏi sang chuyện khác, xoáy vào cái khuyết điểm của Thu vừa rồi:

- Sao em lơ là để cho mất khô và muối hết vậy ?

- Em có ngờ đâu?

- Không ngờ gì, đã bảo là nó ăn cắp như rươi mà ! Chứ em không thấy bao nhiêu vụ trước mắt đó à ?

Thu lặng thinh.

Tôi biết như thế là vừa đủ để đắp một cái đê ngăn con sông Hồng nước mắt cho nên tôi ngưng lại ngay chớ nếu xoáy sâu vào thêm nữa thì nước mắt lại trào ra và cái đê nọ lại vỡ ngay vì một lý do mới

No comments:

Post a Comment