12. 12
Cuối
cùng, chúng tôi đi đến một chỗ quanh của con suối bên một hốc rễ cây.
Tôi nhìn thấy những trái bầu khô xếp bên cạnh nhau rất thứ tự. Đó là
những quả bầu đựng nước suối, miệng quả bầu nhét nút bằng một loại lá
cây cuộn tròn. Bên cạnh quả bầu này là một cái hố con đào trên bờ cát.
Nước suối thấm vào đấy và được lọc ra những lớp cát, trở thành nước
uống.
Chúng tôi đang lom khom quan sát những quả bầu thì có tiếng chân người.
Tôi
quay ra thì thấy một người Mọi trần truồng như nhộng, khi nhìn kỹ thì
thấy anh ta có choàng một cái khố đơn sơ tiệp hẳn với màu da của anh ta.
Tôi biết rằng mình đã gặp đối tượng rồi.
Tôi vung tất cả quần áo khăn khíu lên và run run vẫy vẫy. Người Mọi trố mắt ra nhìn, với vẻ ngạc nhiên thèm muốn hậm hực lạ kỳ.
Anh ta xáp lại gần tôi rồi không chút ngần ngại, anh ta cầm lấy một cái áo nâng lên tận mũi hít hít.
Tôi tỏ vẻ muốn vào tận buôn của anh ta để đổi đồ nhiều hơn bằng cách vung mớ đồ đạc lên và trỏ vào cái mồm mà nhai với hai hàm răng trống trơn.
Anh
Mọi đi phía trước. Bọn tôi đi theo sau. Anh ta tỏ vẻ ưng chịu một cách
tự nguyện. Có lẽ anh ta cũng đang thèm muốn những món đồ này.
Anh
ta vừa đi, chốc chốc quay lại nhìn với cặp mắt biểu lộ sự tốt bụng hể
hả, không chút nghi ngờ. Có lẽ đây là lần đầu tiên anh ta bắt gặp những
món đồ kỳ lạ này.
Tôi bảo Việt:
- Cậu có ngại gì không?
- Không! Ngại cái gì chớ?
- Tôi cũng không ngại, nhưng phải đề phòng.
- Đề phòng cái gì chớ?
- Biết đâu đấy!
- Biết đâu cái khỉ gì. Mình đến đây đồi đồ của nó, chứ mình có giật của nó đâu?
- Mình không giật của ai, chuyện đó đã đành nhưng ngộ người ta giật của mình thì sao?
Việt dẫy nảy :
- Hừm! Tầm bậy!
- Sao tầm bậy?
Việt im lặng, không có câu trả lời. Tôi tiếp:
- Nhất là ở trong vùng hoang này, không có chính quyền. Ai can thiệp được?
Tôi biết Việt hơi chùn bước nhưng Việt làm ra vẻ mạnh dạn.
Việt nói:
- Tôi đoán chắc tụi nó ngán mình lắm. Vì mình đường đường thế này mà.
- Đường đường một con ma sốt rét phải không?
Hai
đứa lặng lẽ đi trên bờ suối cát trắng, cát vàng từng mảng, từng vùng có
lúc cũng nên thơ, nhưng rồi sự lo sợ đắn đo làm cho tứ thơ vụt bay đi
hết. Tôi trỏ con dao rừng đeo lủng lẳng bên hông anh Mọi mà nói với
Việt:
- Con dao đó với cái cổ mình gần lắm.
- Anh chỉ việc nói gở !
- Khì… khì…
Tôi cũng hơi ân hận vì đã gợi lên những điều mà chính mình cũng sợ. Thà giữ nó trong lòng.
Tôi
càng tức giận hơn cái anh cán bộ trung ương nói chuyện trên trời dưới
đất. Nói mười chuyện chưa nghe một, còn chin chuyện kia thì sai hết đủ
vừa chin. Nhập vào đường Trường Sơn này, chúng tôi giống in như là những
con kiến bị ném vào một cái chảo nước, mạnh con nào con ấy bơi, bơi tới
đâu thì tới, càng bơi thì nghe nước càng nóng, và cuối cùng theo qui
luật của chảo nước trên lửa là nước sôi. Nước sôi đối với một lũ kiến!
Một thứ tổ chức vô tổ chức, một sự phản khoa học, phản tình cảm của con người, xem mạng người không bằng mạng kiến.
Thà
rằng mình đi vào một cuộc phiêu lưu mà mình biết trước rằng đó là cuộc
phiêu lưu. Thà rằng mình như cái lá trôi theo dòng, mà mình biết trước
thân phận mình như cái lá ấy, nước trôi tới đâu thì trôi, thà như thế mà
mình vui lòng. Còn đằng này cái gì nói ra nghe cũng chắc như đinh đóng
cột nhà vậy mà khi đi ra rồi thì không có cái đinh nào đóng cột nào cả.
Hành quân chiến đấu gì kỳ cục vậy? Giống y như là chuyện chơi, chuyện bời, chuyện hài, chuyện huớc.
Đang đi mà cứ nghĩ chuyện lung tung thì cũng đỡ lo.
Anh
người Mọi đi lóm thóm trước mặt tôi, lưng anh ta hơi còng đầu bỗ tới,
hai cái chân gầy như hai que củi và thanh dao rừng đeo bên hông cứ gõ
vào cái đít gùi đeo trên lưng như một thứ nhịp trường canh cho anh ta
đều bước.
Đang đi bỗng anh ta quay lại:
- Ớ … ớ…. – Anh ta chỉ vào thắt lưng của tôi.
Tôi
không hiểu việc gì. Tôi rợn người. Tôi nghĩ là anh ta chỉ vào con dao
găm của tôi. Cha chả! Muốn gì mà anh ta chỉ vào con dao găm, con dao mà
có lần tôi đã trình diện với độc giả. Nhưng dầu sao nó cũng là cái dao
găm.
Tôi
nhìn trong đôi mắt anh Mọi. Một tia sáng kỳ quặc ánh lên báo hiệu điềm
chẳng lành. Trong lúc anh ta chưa có thêm cử động nào thì tôi rút con
dao găm ra cầm tay, thủ thế.
Nhưng anh ta đã sờ lấy chiếc thắt lưng của tôi mà rên rỉ, như tiếng kêu rên của một con vật bị tử thương.
Tôi càng sợ hãi. Có lẽ anh Mọi này còn mang trong mình mối quốc thù của một dân tộc ly tan và không quên mối thù nước đó.
Họ không thể nào rửa hận cho non sông của họ thì họ thoả mãn cá nhân họ: giết vài người Việt Nam trong cái dịp may hiếm có này!
Vì
vậy cho nên tôi càng thấy anh Mọi dẫn đường vui vẻ bao nhiêu tôi càng
ái ngại bấy nhiêu. Tôi cứ nghĩ rằng anh ta lừa chúng tôi vào một cái bẫy
mà đến lúc này dù có muốn thoát cũng khó.
Có
thể bọn Mọi cắt cổ tế sống chúng tôi trong một buổi lửa trại huy hoàng
để rửa hận cho đất nước chúng. Chúng sẽ nhảy múa suốt sáng bên xác hai
thằng Việt Nam.
Đột nhiên tôi bảo Việt:
- Quay lại cậu à!
- Sao?
- Tớ ớn quá, linh tính báo trước thế nào ấy.
- Linh quái gì, đói bỏ mẹ rồi còn linh với tính.
- Nếu có chuyện gì xảy ra thì sao?
- Chết là cùng!
- Lý sự cùn thế!
- Chớ anh muốn làm sao? Rút lui à? Muộn rồi!
Tôi thở dài. Quả thật hai đứa đã đi quá xa trạm, kêu sao thấu được?
Thôi đành nhắm mắt đưa chân.
Đã
thấy những mẩu lá giống như rau muống, những ống nứa đen thui dùng nấu
cơm nếp và những cái xương còn dính thịt vương vải ở ven bờ suối.
Người
Moị bản xứ kêu ré lên. Anh ta giơ cánh tay khẳng khiu lên run run và
thét những câu không rõ nghĩa gì. Tôi có cảm giác hắn như một tướng
cường sơn gào thét ra lệnh với lâu la.
Người
ta ào ào chạy tới, mang theo cùng với họ mùi hôi tanh của những cái khố
lâu năm không giặt, những thân hình nhớp nhúa, bệnh tật đến đổi ruồi
nhặng cũng không đậu vào.
Họ
không ngần ngại xáp lại gần bên tôi và Việt, giật ngay những món hàng
trên tay tôi. Tôi không chần chờ giương những món hàng lên vai lên ngực
tôi. Nói tóm lại chúng tôi trở thành những con man- nơ- canh (mannequin)
sống, quơ múa mặt hàng khêu gợi khách: những cái quần, cái áo lụa Hà
Đông, những chiếc áo cổ vuông, những bộ đồ kaki còn mới nguyên, những
cái khăn sọc rằn kiểu Nam Bộ….
Họ cầm lấy ướm thử vào mình một cách khoái trá, tự nhiên, như trong đời họ chưa từng thấy những vật này bao giờ.
Một
chị đàn bà tay bế con, quơ lấy cái áo lụa trên vai tôi phất lên người
chị. Có lẽ chị chưa biết xỏ tay vào áo bao giờ. Chị kêu lên the thé, tỏ
vẻ ngạc nhiên thích thú đến cực độ.
Tôi nhìn chiếc áo lụa phủ trên vai chị mà xót xa. Da của chị là một sự tương phản tàn nhẫn đối với màu lụa Hà Đông mịn màng.
Người đàn bà gọi ngay đàn gà của mình lại.
Chúng chạy nhảy dưới sàn nhà. Một con gà mẹ đang xù lông lên gọi đàn con đang chạy chung quanh nhà kiếm ăn.
Lâu
quá tôi không trông thấy cảnh gà mẹ túc gọi gà con xúm xít, mổ thóc
trên sân. Chúng tôi đang đi trên con đường dẫn chúng tôi vào sự man rợ.
Bỗng anh Mọi khi nãy nhảy xổ đến nắm lấy thắt lưng tôi vừa kêu lên:…Ù ơ ơ…ư….ư vừa ra dấu.
Tôi không rõ anh ta muốn nói gì chỉ biết anh ta thèm sợi thắt lưng của tôi để đeo con dao rừng.
Tôi
suy nghĩ mất một phút. Cái thắt lưng này là một loại hàng chiến lược vô
cùng quan trọng. Chung quanh nó bám đầy những hàng chiến lược khác như:
vải che mưa, bông băng phòng khi bị thương, dao găm, cây rút dép. Nhiều
người đeo cả bi- đông vào đấy v.v… . Không có thắt lưng thì đeo các thứ
đó vào đâu?
Ví dụ như trời mưa bất ngờ thì vải mủ đấy, lấy ra mà choàng. Dép sút bất ngờ thì cây rút dép lấy ra mà xỏ vào mà đi ngay.
Và còn một tác dụng lớn nhất là…khi đói thì uống nước suối và thắt lưng buộc bụng lại mà đi!
Ấy vậy mà tôi phải gật đầu đồng ý đổi chiếc thắt lưng cho anh Mọi.
Tôi
mở ra ngay. Tôi thấy những khó khăn hiện ra trước mắt khi không có cái
thắt lưng, nhưng cái thắt lưng đẻ ra bao nhiêu là thịt thà, cơm gạo.
Những cái này thì cần thiết hơn cả những gì gì cao quý nữa kia chứ đừng
nói là cái thắt lưng.
Cho
nên tôi trao cái vật quý đó cho anh Mọi một cách khá tự nguyện. Anh ta
nịt ngay và buộc chiếc dao rừng vào đấy, rồi vừa đi, anh vừa ngắm con
dao đong đưa bên hông có vẻ hào hứng lắm.
Bỗng Việt vỗ vai tôi:
- Mình làm một con cầy đi anh!
- Cầy gi?
- Cầy chớ cầy gì!
Tôi ngẩn người ra một lúc mới nhớ lại cái tiếng quen thuộc đó. “Cầy”!
Tôi
gật đầu. Việt chỉ cho tôi xem một trự mặc “com- lê” đen mướt dưới sàn
nhà. Tôi thích quá! Tất cả các món nấu tuyệt ngon trong cái bếp thịt cầy
bốc lên mũi tôi.
Chú Mực vẫn nằm im nhìn chúng tôi không tỏ vẻ ngạc nhiên.
Việt vỗ vai anh Mọi và trỏ vào con Mực.
- Đổi cái đó nghe!
Anh
ta đang ngắm nghía sợi thắt lưng với cái “búc” bằng đồng sáng loáng và
tự ngắm nghía bộ tịch của mình khi được mang sợi thắt lưng ấy. Thấy anh
Việt trỏ con chó, anh ta gật ngay, ú ớ mấy tiếng và cười khoe hàm răng
dưới vàng ệch khói thuốc còn hàm răng trên thì cưa mài đến sát nớu.
Tôi
có kinh nghiệm, khi đổi đồ với họ, họ đòi món gì mình chịu món ấy thì
mình đòi lại món gì của họ cũng được. Ví dụ như sợi thắt lưng có đáng
giá là bao nhưng mình có thể đổi bắt con chó. Còn nếu họ không thích thì
dù mình cho cả bộ đồ mình vẫn không lấy được của họ một trái chuối.
Anh
Mọi hăm hở vào nhà rồi trở ra với một vắt cơm trên tay. Anh ném vắt cơm
xuống đất, vẫy tay gọi con chó lại. Con chó ngây thơ men đến bên vắt
cơm giữa tiếng cười khúc khích của đám người.
Con
chó vửa dí mõm vào mớ cơm thì nhanh như sóc, anh Mọi nhảy tới. Như có
võ nghệ, anh ta chộp một chân sau của con chó, rồi trong lúc nó chưa
ngoái cổ lại kịp để đớp vào tay anh thì anh đã nhoài tới hai tay chận
ngang cổ con chó thật chặt và giở hổng nó lên khỏi mặt đất.
Khốn
nạn, con vật bị lừa, bị tóm ngang cổ. Cái lưỡi của nó thè ra dài nhằng,
cặp mắt nó lòi ra như hai hạt nhãn. Một người khác trẻ tuổi hơn đã thủ
sẵn một sợi dây, nhảy tới và trói giật cánh khuỷu hai chân trước của con
chó lên trên lưng.
Xong anh Mọi ném con mực xuống đất. Nó nằm kêu ri rỉ bên đống cơm chưa ngửi được hạt nào.
Tội nghiệp! Nó bị chủ nó lừa.
Nó tưởng được ăn ngon, chẳng dè bữa ăn được thay bằng cái chết.
Tôi
mừng quá đưa luôn cho anh Mọi cả bộ đồ lụa Hà Đông. Đối với tôi bộ đồ
lụa này chỉ là một gánh nặng, chứ không có nghĩa lý gì. Trên đường này
không ai mặc đồ lụa, không ai chữa sốt rét bằng lụa, cũng không ai giải
quyết cơn đói bằng lụa, và cũng không ai ràng rịt đôi chân rã rời bằng
bộ đồ lụa bao giờ.
Một
con chó! Từ đó tôi giải quyết được tất cả, kể cả cái mộng tưởng của tôi
là về đến tận quê nhà. Bao món ăn, một bữa cỗ giành cho chúng tôi, và
ba-lô của chúng tôi sẽ phình ra vì những gói ruốc chà bằng thịt chó.
Nhưng
chưa đủ! Một con chó không đủ cho chúng tôi cứng đầu gối suốt con đường
đi Ông Cụ. Tôi ngó quanh quất. Tôi lại trỏ vào lũ gà đang chạy lao xao
dưới sàn nhà.
Một
người đàn bà lấy chiếc quần đùi bằng vải thôi trên tay tôi và gật đầu
ngay. Chỉ trong giây lát tất cả đồ đạc của chúng tôi tan biến đi ngay và
chúng tôi được một số gà, một con chó và một trái bí đao rất to.
Việt cởi luôn quần áo đang mặc, chỉ chừa lại cái quần tiều, ném cả xuống đất và ra dấu đổi đồ. Tôi bảo:
- Đổi thì đổi luôn một thể!
Tôi
thấy số thực phẩm nhiều quá không biết làm cách nào chở chuyên cho hết.
Tôi bèn nghĩ cách làm thịt con chó tại chỗ rồi khiêng thịt về nhà cho
nhẹ nhưng Việt phản đối. Việt đi chặt một cái đòn dài rồi tất cả gà và
chó xỏ qua cây đòn, mỗi đứa khiêng một đầu.
Bỗng nhiên anh Mọi đến đứng trước mặt tôi và xoè một bàn tay ra trợn hai con mắt lên trắng dã trông rất khiếp đảm và quát:
- Đá lửa!
Anh
ta nói rất rõ tiếng, và xoè một tay ra như biểu hiện quả quyết bắt tôi
phải cho hắn. Đá lửa trong túi tôi còn đến những 40 viên nhưng biết
chừng nào đến nơi mà cho được? Đi rừng không thể thiếu lửa!
Vì
vậy tôi hơi lưỡng lự nhưng tôi thấy cặp mắt trắng dã của anh ta thì tôi
hãi quá. Tôi lấy ra một viên. Chỉ một viên thôi, ruột tôi cũng đã thắt
lại. Trông thấy viên đá của tôi đặt trên bàn tay anh Mọi tất cả những
người đứng chung quanh reo lên mừng rỡ, bằng thứ tiếng riêng của họ nghe
rất đáng sợ.
Rồi
tôi và Việt bắt đầu lạch bạch khiêng mớ chiến lợi phẩm về. Vừa đi, tôi
cứ nơm nớp lo. Chúng sẽ phục kích ở ven suối. Chúng chỉ cần lẫy tôi và
Việt mỗi đứa một mũi tên thuốc độc. Pạch! Không nghe tiếng động, thế là
xong đời, chúng tôi ngã gục xuống suối và hồn lìa khỏi xác. Thế là hết
về quê!
Tôi
cứ thấy trước mặt tôi cái anh Mọi lưng mang gùi lom khom đi như cuốc
lủi. Cái bộ mặt anh ta trông hì hợm đáng ngại quá! Và con dao rừng bên
hông anh ta nữa, cái lưỡi nó dài và sáng loáng quá đi mất.
Tôi
đang nghĩ như thế thì nghe có tiếng chân sột soạt phía sau lưng. Tôi
quay lại thì đúng thật anh Mọi đang sải những bước dài đuổi theo chúng
tôi.
Tôi bảo Việt:
- Nhanh lên cậu!
- Nặng bỏ mẹ, nhanh gì nổi anh!
- Tớ sốt đây mà còn đi nổi.
Tôi không muốn nói với Việt cái hiện tượng nguy hiểm ở phía sau lưng chúng tôi, sợ truyền sang Việt sự sợ hãi.
Cho
nên tôi chỉ giục suông anh ta chớ không nói lý do. Nhưng Việt cũng là
người thông minh, có lẽ anh ta nghe trong giọng nói của tôi điều gì bất
thường.
Việt quay lại và nói ngay với tôi:
- Làm gì anh ta có vẻ đuổi theo mình dữ vậy anh?
Tôi muốn trấn tĩnh Việt nên chối quanh:
- Có lẽ anh ta vội ra nương rẫy gì đấy thôi.
Nói xong tôi quay lại thì thấy anh Mọi chạy lúp xúp.
À,
chết rồi, hắn đuổi theo chặt đầu mình lấy đá lửa và tìm muối. Tôi vụt
nhớ chuyện những anh Mọi đổi một cái thủ cấp lấy 1 kí lô muối.
Trong
nhà họ có một cái ống tre bộng trong đó chỉ có vài hạt muối. Những lúc
bệnh nặng họ mới lấy muối ra ăn. Những buổi giỗ lớn họ ngồi quanh đống
lửa chuyền tay nhau một cục muối, mỗi người liếm một cái đến suốt lượt
rồi lại bỏ vào ống tre treo lên bếp như một thứ thuốc quí, một vị thần
linh.
Anh Mọi này biết chúng tôi có muối nhưng giấu anh ta. Có thể là như thế!
Nghĩa
vậy hai đứa chúng tôi bảo nhau bắt đầu chạy nhanh lên. Tôi quay lại thì
thấy anh Mọi cũng đuổi theo. Đích thị anh ta định làm thịt chúng tôi
rồi. Thế nào sau lưng anh ta cũng có một đoàn chạy theo tay nỏ tay cung.
Qua
suối, gặp chỗ nước tràn, Việt vừa lội xuống thì vấp ngã. Tôi cũng ngã
theo. Lũ gà và con chó dẫy dụa nước văng trắng xoá và kêu ré ầm lên như
một bản nhạc loạn.
Anh Mọi đã đến sát bên tôi khi tôi mới vừa lồm cồm ngồi dậy, chưa kịp thủ thế. Anh ta cười. Anh ta đưa cái nón của Việt bỏ quên.
Tôi thở phào, hú hồn hú vía!
Tôi cầm cái nón đưa cho Việt và gật gù tỏ vẻ cảm ơn anh ta. Anh ta lại xoè bàn tay ra theo cái kiểu lúc nãy.
- Đá lửa!
Ý anh ta muốn đòi trả công.
Mặc
kệ, tôi không đắn đo, tôi chỉ biết móc túi đưa cho anh thêm một viên đá
nữa. Tôi liếc nhìn, gương mặt anh ta rất hả hê. Có lẽ mục đích mang cái
mũ ra là thế.
Tôi
và Việt nhấc đòn đặt lên vai. Gà và chó bị nhúng nước ướt mèm. Chúng
kêu vang động. Gà đập cánh, chó dẫy dụa nước văng đầy mặt chúng tôi.
Thiệt là một pha đặc biệt trong cuộn phim dài Giải Phóng Miền Nam.
Đến vừa đúng chỗ khúc quanh thì gặp một lão chài cá. Trong gùi lão ta có mớ cá to. Tôi bảo Việt ngay:
- Kiếm thêm mớ cá cậu ạ!
- Thịt nhiều quá rồi, ăn ngả nào cho hết?
- Cậu đừng tưởng việc ăn uống trong vài hôm mà nên nghĩ tới cái khả năng vài tháng.
- Ừ, nhưng mà nặng ba-lô quá thì sao?
- Cái gì nặng chớ mang thức ăn thì không nặng.
- Nhưng mà, có cái gì đâu mà đổi.
- Lột quần áo ra mà đổi chớ.
Chúng
tôi để gánh thực phẩm xuống và men lại lão già đang chài. Tôi vừa đi
vừa cởi áo cởi quần ra. Chỉ còn cái quân xà lỏn dính da. Tôi đưa bộ quần
áo vừa lột ra khỏi người tôi và vẫy vẫy . Lão già vứt chài trên phiến
đá và đi nhanh về phía tôi ngay.
- U…u…ơ…ơ…
- U…u…ơ…ơ… – Tôi vừa lên tiếng vừa trỏ vào cái gùi cá.
Lão già gật đầu ngay. Không suy tính thiệt hơn gì hết, tôi vứt cả bộ đồ trên phiến đá và mó vào mấy con cá trong gùi.
Chao
ôi! Thiệt là mát tay, nhớt cá nhầy nhụa như truyền cho tôi sinh lực
mới. Nhớ hôm trước đây cũng có lần đi qua suối có một cậu bất ngờ bắt
được một con cá không rõ là cá gì.
Hình
thù nó không giống loại cá nào ở đồng bằng hết. Khi đến chỗ nghỉ quân,
cậu ta đem con cá ra đánh vảy thì một cậu khác gắt ầm lên:
- Sao lại đánh vảy, hả? Cứ rửa sơ sơ thôi, miễn có chất tanh vô người thì gân cốt khoẻ lên thôi!
Và cậu kia ngoan ngoãn nghe lời. Của đáng tội, con cá chỉ bằng ngón tay cái thôi!
Chất tanh ! Đó là cái chất gì?
Trên đường dây này đã phát minh ra cái “chất tanh” đó. Nó bổ dưỡng vô cùng.
Có biết bao nhiêu chất tanh trong gùi của ông lão chài cá.
Tôi cầm từng con cá ra xem. Mùi tanh của nó phất vào mũi làm tôi khoẻ thật. Mồm tôi ứa ra bao nhiêu là nước dãi.
Tôi
cứ tha hồ chọn và bắt. Tôi bắt một con cá chép rõ to. Vảy nó ánh lên
như bạc, mắt nó long lanh. Chỉ nội vảy của nó cũng đủ nấu nồi canh chua.
Việt bắt được một con cá chài đuôi đỏ, mình nó thon dài như ống trúc, nung núc những thịt.
Lão chài được cả một bộ đồ hình như không thiết tới gì nữa, để cho hai vị khách quý tha hồ bắt cá của lão.
Lão
đang loay hoay có lẽ không biết làm sao để mặc áo quần. Tôi thấy vậy
bèn đến chỉ cách cho lão ta. Chỉ một loáng lão ta đã mặc xong bộ áo quần
vào người . Lão cứ đứng xoay bên này xoay bên kia, tự ngắm mình mãi với
sự ngạc nhiên kỳ lạ.
No comments:
Post a Comment