Một lớp y tá được đào tạo cấp tốc của tuyến đường 1-C - Ảnh tư liệu |
TT - Phần việc không kém khó khăn và phức tạp là đưa số
hàng tại các kho ở biên giới vào chiến trường miền Nam. Khâu tiếp nhận
và vận chuyển vũ khí về các kho ở biên giới là do đoàn hậu cần 17 phụ
trách.
Từ các kho biên giới, đoàn 17 phân bổ hàng hóa theo
nhiều ngả khác nhau về miền Nam: tuyến vận chuyển về Tây Ninh do đoàn
18A phụ trách; tuyến vận chuyển về Khu VIII (Long An, Đồng Tháp) do đoàn
P100 của Quân khu VIII phụ trách; tuyến vận chuyển về Quân khu IX, tức
miền Tây Nam bộ, do đoàn 195 phụ trách.
Thành lập đoàn thanh niên xung phong
Đoàn 195 do Quân khu IX thuộc miền Tây Nam bộ tổ chức
từ năm 1966. Nhiệm vụ của đoàn 195 là tiếp nhận vũ khí từ biên giới
Campuchia đưa về miền Tây. Trưởng đoàn là một trong những cán bộ rất
thông thạo công việc này, đó là ông Phan Văn Nhờ, tức Tư Mau.Trụ sở của
đoàn đóng tại huyện lỵ huyện Túc Mía, thuộc tỉnh Cam Pốt, Campuchia.
Phương thức vận chuyển chủ yếu là thuyền nhỏ bằng gỗ. Chính ông Tư Chức,
Việt kiều ở Campuchia, đã giúp đoàn 195 mua gỗ từ Phnom Penh chuyển về
Sóc Chuốc và lập tại đây một xưởng đóng xuồng gỗ.
Tháng 9-1966, Khu ủy miền Tây ra nghị quyết về việc
thành lập đoàn thanh niên xung phong, phục vụ trên tuyến vận tải 1-C (là
tuyến đường hai chiều từ biển Đông lên và từ biên giới xuống). Phương
thức vận chuyển qua nhiều công đoạn khác nhau. Trước hết là xe của đoàn
17 chở hàng hóa tới bến Lò Vôi thuộc thị trấn Túc Mía. Mỗi xe có trọng
tải 10 tấn, khoảng 2-3 ngày có 2-3 xe đưa hàng tới bến Lò Vôi. Đoàn 195
dùng tàu của Việt kiều chở xuôi sông về bến Sóc Chuốc, tức trạm 95.
Từ trạm Sóc Chuốc, kho 95 phân phối hàng cho những
chiếc thuyền nhỏ của thanh niên xung phong thuộc tuyến đường 1-C. Mỗi
đợt lấy hàng ở kho trạm 95 có tới 30-40 thuyền, mỗi thuyền chở 200-300kg
đi qua biên giới về kênh Vĩnh Tế và đi tiếp vào các trạm tiếp theo. Đây
chính là chặng đường gian nan vất vả nhất. Nhiều đoạn không có kênh
rạch, có những đoạn có kênh rạch nhưng lại bị đồn bót và tàu thuyền của
đối phương kiểm soát nghiêm ngặt, nên chỉ có cách vượt qua kênh rạch
trong chớp nhoáng rồi lẩn vào sình lầy. Có nhiều đoạn đội thanh niên
xung phong phải ngâm mình dưới nước, phủ cỏ và bèo cả người lẫn xuồng và
đẩy đi trên những đoạn dài 20-30km.
Có những đợt vận chuyển phải đi liên tục 28-29 ngày
trong một tháng. Những đợt vận chuyển đó hầu hết thanh niên xung phong
đều bị ghẻ lở, hắc lào, đặc biệt là bệnh thối móng chân do ngâm bùn quá
lâu. Lại cũng do phải ngâm người trong nước, không được tắm rửa, không
được thấy ánh nắng mặt trời nên hầu hết phụ nữ đều bị rụng tóc. Đoàn
phải tự tổ chức những lớp đào tạo y tá để chăm sóc những chiến sĩ ốm
đau, bị thương...
Từ đầu năm 1959, đối phương đã phát hiện con đường này
nên tổ chức ngăn chặn bằng mọi giá. Trên không, máy bay B52 thường xuyên
giội bom những khu rừng bị nghi là có các đoàn vận chuyển vũ khí. Một
số không ít chiến sĩ đã hy sinh trong các trận oanh tạc này.
Trên các kênh rạch, đặc biệt là kênh Vĩnh Tế, các đoàn
tàu tuần tiễu lùng sục suốt 24/24 giờ. Máy bay Mỹ còn rải những "cây
nhiệt đới" để thu tiếng động của các đoàn vận tải. Đến cuối năm 1969,
kênh Vĩnh Tế bị phong tỏa chặt chẽ tới mức không thể nào vượt qua được.
Trong rất nhiều trường hợp, đoàn thanh niên xung phong và các chiến sĩ
của đoàn 195 buộc phải nổ súng chống trả những cuộc càn quét đó.
Tổng kết lại, trên tuyến đường này từ năm 1967 cho tới
năm 1974 đã vận chuyển được 13.650 tấn vũ khí cho miền Tây, đưa đón hơn
30.000 lượt người gồm bộ đội, cán bộ ngược xuôi từ Trung ương Cục về
miền Tây. Con đường vận chuyển từ cảng Sihanoukville chỉ tồn tại đến
khoảng năm 1970. Sau đó, ngày 18-3-1970, Mỹ đã giúp nhóm Lonnol và Sirik
Matak tiến hành đảo chính lật đổ chế độ Sihanouk nhằm xóa bỏ nền trung
lập của Campuchia. Từ đó, nguồn tiếp tế quan trọng này bị cắt đứt.
Quá cảnh không qua cảng Sihanoukville
Bản đồ đường mòn từ cảng Sihanoukville vào chiến trường miền Nam
|
Nói nguồn hàng bị cắt đứt không có nghĩa là tuyến đường
vận tải tối quan trọng này đã ngừng lại. Điều khác trước chỉ là thay
đổi nguồn hàng: thay vì vận chuyển vũ khí bằng đường biển tới cảng
Sihanoukville rồi chuyển về biên giới, từ nay phải lấy nguồn hàng trên
tuyến đường Trường Sơn của đoàn 559. Để mở được tuyến đường này, vấn đề
là phải tạo ra một vùng đất ngoài vòng kiểm soát của chính quyền Lonnol.
Quân giải phóng đã khéo léo liên minh và phối hợp với
những lực lượng chống đối chính quyền Lonnol ở Campuchia, tiến hành
những chiến dịch để giải phóng các tỉnh ở miền Đông sông Mekong trên đất
Campuchia, chủ yếu gồm các tỉnh Stung Treng và Siem Reap. Sau khi giải
phóng tuyến đường này, con đường vận tải của đoàn 559 từ Nam Lào bắt đầu
đưa vũ khí vào đất Campuchia và về biên giới.
Để mở con đường này, tháng 7-1970, tức là chỉ bốn tháng
sau cuộc đảo chính của Lonnol, Bộ chỉ huy Miền đã quyết định thành lập
đoàn 770 chuyên trách việc tiếp nhận và vận chuyển hàng từ đông bắc
Campuchia về Nam bộ. Vì đây là nguồn hàng rất lớn nên đoàn 770 có quân
số tới 3.377 người, chia thành năm cánh, sử dụng phương tiện cơ giới vận
tải khối lượng lớn.
Sang năm 1971, cầu tiếp nhận này kéo dài tới bờ sông
Mekong trên đất Campuchia, đoàn này do đoàn 340 phụ trách. Đoàn 340 là
đoàn hậu cần lớn nhất trong các đoàn hậu cần của Trung ương Cục, quân số
vào thời điểm cao nhất lên tới 4.189 người, gồm bốn cánh quân nhu, ba
tiểu đoàn vận tải, năm liên trạm đường dây nối liền từ Stung Treng xuống
tới bắc Kratie. Để phục vụ số quân rất lớn kể trên, ngoài lực lượng vận
tải, đoàn 340 còn có bốn bệnh viện lớn, một tiểu đoàn công binh để làm
đường, bắc cầu...
Riêng trong các năm từ 1970-1972, trên tuyến đường này
26.147 tấn vũ khí các loại đã được vận chuyển. Cùng với vũ khí, tuyến
đường này đã đưa hàng nghìn cán bộ và chiến sĩ từ miền Bắc vào tăng
cường cho chiến trường Nam bộ.
ĐẶNG PHONG
-----------
Miền Bắc thời kỳ này rất tiết kiệm trong việc sử
dụng đường hàng không đối với lĩnh vực dân dụng. Nhưng để chi viện cho
miền Nam, ngành hàng không của miền Bắc không tiếc sức người sức của.
Xem tiếp phần 3 Quá Cảnh đường hàng không
Xem tiếp phần 3 Quá Cảnh đường hàng không
No comments:
Post a Comment