14. 14
Tôi mời anh trạm trưởng và Chân ở lại. Chúng tôi làm thịt con gà béo nhất.
Anh bảo chúng tôi:
-
Các anh nên làm lương khô để mang theo đường, không nên phí phạm! Trên
đường dây này cái gì cũng không qua cái ăn. Anh có cái ăn rồi thì sẽ có
tất cả, ngay cả bạn bè. Cho thì không thiếu kẻ xin, nhưng xin thì không
ai cho, ngay cả bạn thân của anh.
Tôi tin lời anh trạm trưởng là đúng.
Cơm xong anh còn ngồi nán lại chơi. Câu chuyện anh bệnh binh lại được nhắc đến. Anh trạm trưởng nói:
-
Anh chàng này không ăn uống được gì nữa hết, chứ nếu ăn được thì mai
tôi lục ba-lô anh ta coi còn cái gì tôi sẽ đi đổi gà cho anh ta.
Tôi đâm ra ân hận vì lúc nãy nấu cháo gà mà tôi đã quên khuấy đi rằng bên cạnh mình có một người bệnh cần ăn cháo.
Tôi nói để chữa ngượng:
- Để mai coi anh ta có tỉnh dậy không, tôi sẽ nấu cho anh ta tí cháo.
- Phải đó, làm phước cho con cháu sau này.
Anh
trạm truởng ngồi trầm ngâm lâu lâu mới nói vài câu. Tôi cứ tưởng anh ta
sắp ra về nhưng trông chừng anh ta muốn nói chuyện gì.
Mãi lúc sau anh ta mới hỏi tôi:
- Các anh có nghe đài Bắc Kinh không?
- Có!
- Các anh nghe thế nào?
- Nghe như anh nghe vậy thôi.
- Tôi muốn hỏi thẳng các anh là có nghe vụ của đồng chí Lưu Thiếu Kỳ không?
- Có, có.
- Các đồng chí nghĩ thế nào?
- Còn biết nghĩ thế nào nữa! Bao giờ Trung Ương có chỉ thị thì mình học thế thôi!
Anh trạm trưởng lặng thinh. Tôi biết anh chàng này ít ra cũng trình độ tổ trưởng hoặc chi ủy.
Anh nói:
-
Thiệt rầu các ông anh bà chị mình hết sức. Đất nước họ hoà bình, ăn no
phè ruột ra ngủ, em út đánh giặc mệt ứ hơi, đã không lo giúp đỡ lại còn
chơi cái mững đó. Năm 1957, nằm hầm bí mật lính nó đái trên đầu mình bầm
gan tím ruột, muốn nhảy lên ăn thịt nó, vậy mà năm đó ông anh cả của
mình lại phạm vào chủ nghĩa “xét đi xét lại” chi đó. Liệt cường trên thế
giới không ủng hộ đã đành, ông anh mình lại cũng không ủng hộ. Thiệt là
kỳ cục.
Anh trạm trưởng tiếp:
- Tôi nói thật với các anh nhé! Các anh không có ở Miền Nam trong những năm đó nên không biết nỗi đau thương của bọn chúng tôi.
Bị
bắt, đày Côn Đảo gần hết. Còn sót mấy người không làm ăn gì, kẻ vô chùa
tu, người mai danh ẩn tích. Ngày ngày ngóng trông Miền Bắc, ngóng trông
các ông anh lớn. Rốt cuộc chẳng được cái cóc khô gì…
Phe
mình nói chuyện tày trời, nào tình nghĩa vô sản rùm beng. Rốt cuộc Mỹ
nó đánh mình mà không ai dám hó hé. Mình chửi nó, nhưng coi kỹ lại, mình
không bằng nó.
Anh trạm trưởng trợn mắt như cãi nhau với tôi:
-
Ừa, tôi dám nói vậy mà. Nhìn lại mà xem có đúng hay là không. Nó nói ít
hoặc không thèm nói mà làm nhiều. Nó đâu có la ó gì hung đâu, vậy mà
đùng một cái, nhảy vô năm trăm ngàn lính Mỹ ở Miền Nam làm thiên hạ
trắng mắt ra mà nhìn.
Còn
miền Bắc bị đánh tan nát như vậy đó, có anh Liên Xô nào lái máy bay
đánh với phi cơ Mỹ không? Có anh Trung Quốc nào dám nhảy vô cầm súng bắn
Mỹ không? Rốt cuộc ai cũng đứng đằng sau lưng thằng em út và lúc nào
cũng hoan hô “thằng con nít ăn ớt giỏi quá, ăn thêm vài trái nữa đi! Ăn
xong leo bẻ dùm mấy trái dừa kia nữa!”
Anh trạm trưởng cười mai mỉa:
-
Mà cũng chưa hết, thằng nhỏ bắt cá cũng giỏi lắm! Thằng nhỏ vốn liếng
thoắng thấy mấy anh lớn khen thì hừng chí, nhảy a vô thộp, tưởng các
lóc, không ngờ cá mặt quỷ gai góc đầy mình, mới vớ vô bị nó đâm la trời
nhưng vì lỡ nhận là mình gan lỳ rồi, không lẽ chịu thua, ráng bắt con
cá, bắt không được mà hai bàn tay sưng vù.. kêu cha kêu mẹ. Mấy thằng
lớn đầu đứng xa xa nhìn nhau cười ha hả!
Anh trạm trưởng kể chuyện nghe thật hài hước cho nên người nghe càng chua chát.
Tôi ngồi lặng thinh.
Anh trạm trưởng dường như gặp được người bạn tri âm, bèn xổ thêm bầu tâm sự.
-
Hồi tôi còn nằm trong tù, tôi thấy đau khổ cho cái số phận mình quá.
Đang đánh giặc ầm ầm tự nhiên ký kết Giơ-neo. Mình là kẻ đang tung hoành
ngang dọc bỗng nhiên lại xếp cánh nằm hang. Nghĩ thật bầm gan tím ruột.
Tôi nói thật với các anh là hồi đó tôi không còn mong ngóng cái gì nữa
hết. Cái sự xây dựng lực lượng hai năm ở Miền Bắc, rồi trở về thống nhất
đất nước càng nhắc càng nghe nó xa vời.
Tôi
ở trong tù đâu có biết tin gì. Có một hôm tên chúa ngục đập cửa gọi tôi
vào lúc nửa đêm. Tôi đang ê ẩm cả mình mẩy, tôi lên phòng tra, bụng
nghĩ chắc lãnh thêm một trận đòn nhừ tử, nhưng không phải! Hắn ta mời
tôi ngồi uống nước trà rồi hắn cười ngạo nghể:
- Anh biết tin gì không?
Tôi đáp:
- Không biết!
Hắn phì phà điếu thuốc xì-gà rồi cười:
-
Tôi cho anh hay tin mừng về sự xây dựng xã hội chủ nghĩa đại thắng lợi
khà…khà… Nè, biết uống la-de không? Làm một chai đi rồi tôi nói cho mà
nghe. Uống một chai để ăn mừng.
Hắn khề khà kéo dài câu chuyện một cách khó chịu, cuối cùng ra mới đứng dậy chống nạnh hai quai và nhìn thằng vào tôi mà hỏi:
- Anh có biết tổng số xe hơi Miền Bắc hiện nay là bao nhiêu không?
- Dạ không biết! – Tôi đáp.
Hắn xoè bàn tay ra và nói:
-
Có tất cả là 6 chiếc, trong đó có một chiếc không chạy được mang tên là
“Chiến Thắng”. Như vậy còn lại 5 chiếc tất cả. Thế nhưng vừa rồi, mới
rồi đây, chỉ còn lại có 4 chiếc… Toàn Miền Bắc XHCN của các anh chỉ còn
lại có 4 chiếc xe cam-nhông như vậy cũng nhiều quá chớ!
Tôi giận uất người lên, nhưng tôi làm gì được hắn, trong khi tôi nằm trong tay hắn.
Hắn gọi người mang la ve nước ngọt mời tôi và nói tiếp:
- Để tôi kể anh nghe nốt câu chuyện nhé!
Số
xe trên Miền Bắc XHCN các anh bây giờ tôi cam đoan không quá 5 chiếc,
là vì sao? Vì vừa rồi có một anh tư sản do chính phủ Bắc Kỳ bắt phải đi
cải tạo ở Vĩnh Linh. Công việc mà y phải làm hằng ngày là xúc đá đổ
đường.
Anh
tư sản kia vì không phải là vô sản tay trắng nên anh ta có xe hơi và
biết lái xe hơi. Vì thế cho nên từ việc xúc đá đổ đường anh ta được gọi
lên cầm lái ô-tô chở đá đổ đường. Cha chả, cầm lái xe là thành phần lãnh
đạo đó nghe. Như vậy là anh tư sản kia từ giai cấp bốc lột phải dìm
xuống bùn đen mà ngoi lên được giai cấp lãnh đạo rồi nhé!
Bỗng
một hôm nọ anh chàng lái xe “vỏ công nhân, ruột tư sản” kia không đời
nào cái sự chỉnh huấn thay đổi được , vọt xe qua cầu Hiền Lương mà chạy
thẳng về Sàigon… Đó nguyên nhân là như thế đó, cho nên toàn bộ xe hơi ở
ngoài Bắc Kỳ hiện giờ chỉ còn lại có 4 chiếc…
Anh trạm trưởng thở dài, một chốc anh hỏi tôi:
- Ở miền Bắc có chuyện như vậy thật sao anh?
Tôi lại ngồi lặng im. Anh trạm trưởng thở dài não ruột.
- Nếu quả tình có việc đó thì ở Miền Nam này bọn tôi còn trèo đèo lội suối làm chi nữa?
- Tại sao?
- Là vì sự xây dựng cái chủ nghĩa xã hội đâu có hấp dẫn gì đâu.
Trong
cái túi sắt của rừng thiêng nước độc này, tôi đã nhìn thấy không biết
bao nhiêu mái đầu tóc đã muối tiêu, mặt mũi hốc hác, cặp mắt thau láu
lúc nào cũng ngóng xem mặt trời ở hướng nào. Ở trong rừng, người đi
đường, cả người dẫn đường cũng đều mất hướng.
Tôi
biết họ cũng như tôi quá nửa cuộc đời theo “lý tưởng”, chân đã mòn, trí
óc đã tiêu hao. Tôi biết họ cũng như tôi, giờ đây mỏi mệt nhưng đích
thì chưa trông thấy đâu.
Anh
trạm trưởng móc thuốc ra hút rồi sau khi đã nuốt trững mấy ngụm khói
vào bụng, như muốn nén đi những nỗi thắc mắc kinh niên, anh nói lãng đi:
- Tôi còn mấy đứa nhỏ học ngoài đó…
- Anh có con lớn vậy à?
- Tôi đã 45 tuổi rồi chớ ít sao anh?
Tôi
thấy anh trạm trưởng rủ xuống với mái tóc xám tro của anh. Từ khi tiếp
xúc với anh tới giờ, tôi không nom thấy anh già nhưng bây giờ khi nghe
anh nói có con lên học đại học thì tôi mới trông thấy anh già. Tội
nghiệp! Con Bắc cha Nam!
Một chốc anh hỏi tôi:
- Tôi hỏi thật mà anh cũng phải trả lời thật nhé! Miền Bắc xây dựng XHCN có ngon hơn Miền Nam mình không?
Tôi cười và tìm cách nói loanh quanh, không trả lời thẳng. Điều tôi muốn nói với anh là: Chế độ nào nhiều cơm gạo, và thoả mãn người đời nhiều nhất thì đó là chế độ ta cần bảo vệ và vun bồi.
Chủ
nghĩa Cộng Sản trên lý thuyết thì có vẻ hay thật nhưng nó chỉ thực hiện
được khi nào nhân loại chỉ có một cái dạ dày chung. Đừng nghe lý thuyết
bất kỳ của ai, hãy nhìn vào nồi gạo của họ. Goethe nói một câu tuyệt
hay: “Tất cả lý thuyết đều trở thành màu xám, chỉ có cây đời mãi mãi
xanh tươi.”
Anh trạm trưởng biết tôi dù có nói cũng không nói thật, cho nên anh tiếp:
- Tôi bi quan từ hằng chục năm nay anh ạ. Nhất là từ khi tôi ra tù. Tôi không nhìn thấy cái gì sáng sủa nữa.
Tôi hỏi vặn:
- Nghĩa là sao?
- Nghĩa là tôi như lục bình trôi như vậy đó.
Tôi
không muốn khơi vào tâm sự của anh ta nữa. Bởi vì chích vào đó thì cũng
là động đến tâm sự của tôi, cho nên tôi kéo câu chuyện rẽ sang lối
khác.
Tôi nói:
- Nhưng, còn cả con cầy kia, mai ta làm một bữa. Anh nghe có lạc quan hay không?
- Khà..khà! – Anh trạm trưởng cười như đứa trẻ.
- Và kia nữa …
Tôi
trỏ vào Thu đang đi từ suối lên. Vì sợ ướt quần nên Thu xăn lên quá đầu
gối rất xa. Màu da trắng loáng thoáng qua những kẽ cây rừng. Tôi rỉ tai
anh trạm trưởng:
- Cặp đùi đẹp nhất thủ đô đó, anh xem dùm một chút là hết bi quan ngay.
- Khậc..khậc!
Anh trạm trưởng nhìn theo tay tôi chỉ rồi quay lại, nét mặt hửng lên, thơ nây như một anh chàng lần đầu mới nhìn thấy đàn bà.
Thu
không trông thấy tôi và anh trạm trưởng nên cứ tự nhiên đi tới, càng
lúc càng gần chúng tôi. Cái màu trắng mơ hồ lúc nãy bây giờ đã hiện lên
gần quá. Có thể nom thấy những hạt nước còn đọng trên làn da như những
hạt sương điểm trên những cành hoa bạch huệ.
Nhưng
anh trạm trưởng không nhìn thẳng. Hình như anh bị loá mắt trước một
hiện tượng kỳ lạ – xa lạ với cuộc sống lâu nay của anh.
Còn
tôi thì có thói quen, khi thì công khai, khi thì lén lút (nếu nói theo
danh từ thì “bí mật”), khi thì thiệt tình, khi thì vờ vịt, tôi đã nhìn
cái hiện tượng đó, cái kỳ quan đó không biết bao nhiêu lần, mỗi lần mỗi
rung động, mỗi ý nghĩa, mỗi diễn biến tâm trạng, mỗi dục vọng. Tôi đã
tìm thấy tất cả an ủi trong cái hiện vật lạ lùng ấy. Thơ tứ ở trong đó
và những ý nghĩa sôi nổi, những tình cảm nồng cháy cũng ở trong đó.
Tôi
không tự nhận rằng tôi yêu Thu nhưng tôi thấy thiếu thốn khi Thu vắng
bên tôi. Tôi không thấy hài lòng khi Thu nói chuyện thân mật với người
khác, ngay cả với Việt là người mà tôi chắc chắn rằng Thu không yêu. Nói
đến Thu là tôi nghĩ ngay đến thỏi ngà thon thon, không nó tròn quá cũng
không mong manh quá, một cái gì gần như được cân tiểu ly cân đo và một
bàn tay điêu khắc kỳ diệu nhào nặn tác hợp.
Thu: có nghĩa như vậy nhưng không phải chỉ như vậy mà thôi.
Tôi
là kẻ đa tình. Tôi tự biết như vậy, mà ở giữa cảnh rừng này đâu có cái
đẹp để mà nhìn. Cho nên quanh đi quẩn lại tôi chỉ còn có đôi chân của
Thu.
Thu vẫn giữ đôi chân trần như thế đi đến bên cạnh chúng tôi và nói:
- Thôi.. đi ăn đi anh! Cháo chín rồi!
Tôi lặp lại lời của Thu mà mắt vẫn không rời đôi chân Thu.
- Thôi đi ăn đi anh!
Anh trạm trưởng nói:
- Ăn gì?
- Gà nấu cháo! Cháo nấu với gà!
- Thế à?
Không để cho anh ngượng ngùng, tôi lôi tay anh đứng dậy và nói ngay:
- Đi làm bậy một chén cho ấm bụng.
Anh chống chế:
- Để các anh tẩm bổ, các anh còn đi xa quá.
- Còn chơi, hết thôi ! Mà sao anh kỳ cục vậy?
Anh trạm trưởng miễn cưỡng đi theo tôi. Cháo gà nấu trong 3 cái cà-mên đang sôi ùng ục bốc lên sực nức.
Đây
cũng là một kỳ quan nữa. Kỳ quan bên cạnh kỳ quan. Thu sợ ướt ống quần
nên vẫn cứ xăn lên như thế mà chạy lăng xăng lo việc này việc nọ.
Bỗng dưng tôi lại được hưởng một loại hạnh phúc xấp đôi này.
No comments:
Post a Comment