Monday, November 26, 2012

BẮN GIẾT TRÊN ĐẤT LÀO

 
“Trời nhập nhoạng tối. Toán lính Bắc Việt ngày càng đến gần hơn, vừa chĩa súng bắn chúng tôi, vừa nhắm lên chiếc trực thăng Kingbee mà nhả đạn xối xả.”
Cuốn “Across the Fence - The Secret War in Vietnam” của tác giả John Stryker Meyer, thuộc lực lượng đặc biệt SOG Hoa Kỳ, kể lại thời gian chiến đấu cùng VNCH. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

“Sáu và Hiệp bắn cản đường cho chúng tôi bò về hướng trực thăng trong tuyệt vọng. Phải mất hơn 10 phút chúng tôi mới đi hết được 9 mét cuối, đến gần được đến chiếc Kingbee đang bay lởn vởn cách mặt đất chừng 3 mét.”
“Kiểm nhanh lại vũ khí, tôi thấy mình chỉ còn một quả lựu đạn, một lựu đạn khói và hai băng đạn 15 viên. Nếu không thoát được, thì quả lựu đạn cuối cùng này tôi sẽ dành cho chính mình, vì tôi không thể chấp nhận số phận một tù binh, nhất là sau khi toán trinh sát 'Idaho' đã giết biết bao nhiêu là lính Bắc Việt. Nếu phải rút chốt để tự kết liễu đời mình, tôi sẽ cố gắng gây tổn thất tối đa cho kẻ địch.”
“Cuối cùng chúng tôi cũng đứng được ngay dưới bụng chiếc Kingbee. Wolken tiến lên, đứng đối mặt với tôi, lưng quay về đầu máy bay. Khi Davidson đến gần, Wolken và tôi nắm lấy anh rồi ném vào chiếc trực thăng vẫn đang bay là đà. Tiếp đó, chúng tôi đẩy Hiệp và Sáu vào. Vừa lọt vào bụng Kingbee, họ nhào ngay cạnh thủ xạ đang đứng cạnh cửa sổ máy bay, tiếp lấy vũ khí, nhắm vào đám lính Bắc Việt phía dưới mà xả đạn. Phước tiến đến, Wolken và tôi túm lấy rồi ném Phước vào trong.”
“Từ dưới đất ngước lên, tôi kinh ngạc khi thấy nét mặt người đại úy phi công Việt Nam tên Thịnh thật bình tĩnh, thản nhiên, như không hề thấy sự hỗn loạn phía dưới, và đám lính Bắc Việt đuổi sắp đến nơi. Chúng tôi đã chạm địch cả giờ đồng hồ, ai cũng nhếch nhác bẩn thỉu, mồ hôi vã như tắm, và gần như kiệt sức, thân máy bay mang đầy vết đạn, thế mà trông Thịnh vẫn bình chân như vại, như anh đang đón chúng tôi đi một cuộc du ngoạn. Hình ảnh này đã khắc ghi như in trong tâm trí tôi cho đến nhiều năm sau. Tôi nhớ đã thầm phục là không hiểu sao ngay trong khi lửa đạn đang trút xuống như mưa, cái chết gần trong gang tấc, mà Thịnh vẫn có thể vững vàng, thản nhiên, chăm chú điều khiển máy bay như thế.”
“Cuối cùng thì chỉ còn Wolken và tôi ở dưới đất. Vì là chỉ huy, Wolken là người cuối cùng được lên máy bay. Wolken vừa đẩy tôi vào, thì một lằn đạn nữa bắn gần đến rát cả màng tang. Tôi cúi rập người, nắm lấy chiếc áo khoác ngoài của Wolken và cố nhấc thân hình nặng hơn 100 kg của anh kéo vào khoang máy bay với mình. Bóng tối chợt ập xuống. Tôi nhả nguyên một băng đạn về hướng lính Bắc Việt đang bám theo sát nút.”
“Không để phí một giây, đại úy phi công, tên Thịnh, đưa chiếc Kingbee bay vụt lên, trong khi Hiệp và Sáu chăm chú bắn từ cửa sổ bên trái, Phước và Davidson bắn xuống từ bên phải, Wolken và tôi nhả những băng đạn cuối cùng vào bóng hàng chục, không, hàng trăm, bóng quân lính Bắc Việt nhấp nhô bên dưới.”
“Tôi ném lựu đạn khói vào kẻ thù. Khói trắng bay lên làm sáng một vùng rừng xanh thẳm phía sau và những lằn đạn lửa dọc ngang chi chít bầu trời trông như một cây Giáng Sinh thắp đèn rực rỡ. Wolken và Hiệp la lên mỗi khi nghe một tràng đạn bắn vào, rồi chỉ vào những lỗ thủng chi chít trên thân máy bay. Tôi như không nghe thấy gì nữa vì tai đã ù đi. Rồi máy bay vút đi, bỏ lại đám lính Bắc Việt lố nhố phía dưới.”
“Khi chiếc Kingbee chở chúng tôi biến vào đám mây, tôi cảm thấy lạnh. Hơi lạnh như lời chào mừng chiến thắng. Không có tiệc liên hoan, không có lời reo hò cổ vũ, cũng không có vòng tay thân nhân đón người sống sót trở về. Vẫn chỉ có Ðại Úy Thịnh vẫn chăm chú điều khiển chiếc Kingbee, nhưng hình như có một nụ cười mỉm rất mong manh trên môi anh. Không biết Thịnh mừng vì điệp vụ thành công, hay mừng là chúng tôi lại một lần nữa thoát chết.”
“Tôi nhìn trái lựu đạn cuối cùng trong tay mình, và rùng mình nghĩ nếu Thịnh không kịp đưa chúng tôi thoát hiểm, thì tôi đã ôm trái lựu đạn này và rút chốt. Thoát chết, có nghĩa là sáng mai lại nhìn thêm được một bình minh nữa, lại không biết có phải đó là bình minh cuối cùng trong đời mình không, và lại bắt đầu một điệp vụ mới.”
Ðó là vài đoạn trong cuốn “Across the Fence - The Secret War in Vietnam” của tác giả John Stryker Meyer, thuộc lực lượng đặc biệt SOG (Studies & Observation Group) Hoa Kỳ, kể lại thời gian cùng những người lính Việt Nam Cộng Hòa trong đội “Idaho,” một nhóm trinh sát sáu người (Mỹ và Việt Nam) cùng nhau vào sinh ra tử với nhiệm vụ len lỏi qua Cambodia, Lào và Bắc Việt, để theo dõi hành tung của lính Bắc Việt dọc đường mòn Hồ Chí Minh.
Trong cuốn sách dài hơn 300 trang, tác giả John Stryker Meyer kể lại một cách rất sống động sự nguy hiểm, đau đớn, giận dữ, tình huynh đệ và hoạt động bí mật của những người lính biệt kích Hoa Kỳ và Việt Nam trong thời gian từ năm 1968 đến 1970.
Với lối kể chuyện thật xuất sắc qua những chi tiết rõ ràng, và cách viết tỉ mỉ, tác giả đưa người đọc vào trận chiến, cùng ông sống những giây phút nghẹt thở, trái tim đập thình thình trong lồng ngực vì hồi hộp, lo sợ. Trong cuộc chiến bí mật này, John và những đồng đội biệt kích Lôi Hổ Việt Nam, là những anh hùng không tên tuổi, những chiến sĩ vô danh, không mặc quân phục, không đeo số quân, và nếu rủi ro phải hy sinh, xác họ trở thành những tử thi vô chủ. Họ sống sót vì tận tụy với nghĩa vụ, vì can đảm và hy sinh để bảo vệ nhau, và bằng những khả năng không học ở trường lớp.
Trong phần đề tặng (dedication) của cuốn sách, tác giả John Meyer cho biết ông viết cuốn sách này để riêng tặng cho thành viên các đội trinh sát thuộc lực lượng biệt kích Lôi Hổ SOG Hoa Kỳ và Việt Nam, những phi đoàn yểm trợ, đặc biệt là phi đoàn 219, đã ngày đêm sát cánh với ông và đồng đội, lăn lóc dưới đất, phía bên kia hàng rào, trong cuộc chiến bí mật của Mỹ.
Trong “Across the Fence - The Secret War in Vietnam,” tác giả John Meyer không chỉ tả lại một cách tỉ mỉ và sống động một cuộc chiến khốc liệt, mà còn bầy tỏ cảm tình và sự trân quý dành cho những đồng đội Việt Nam, mà ông cho là can đảm, kiêu hùng và gan dạ.
Ðọc “Across the Fence - The Secret War in Vietnam” để hiểu, để thương, để không bao giờ lãng quên những người anh dũng bỏ mình trong cuộc chiến, và để hãnh diện về những người lính VNCH, đặc biệt là nhóm biệt kích Lôi Hổ và phi đoàn 219


( BLOG CHUYỆN BIỆT KÍCH  MINH THÍCH LẮM CHỨ, VÌ NÓ GỢI CHO MÌNH NHỮNG KỶ NIỆM NGÀY XƯA...MÀ KHÓ AI CÓ TÂM TƯ GIỐNG MÌNH...TRONG PD 219 CÓ RẤT NHIỀU ANH EM , CHƯA HIỂU VÀ KHÔNG BIẾT NHIỀU VỀ NKT...VÌ THỜI GIAN PHỤC VỤ TRONG PHI ĐOÀN QUÁ NGẮN , CÒN MINH TỪ NHỮNG NGÀY ĐẦU THÀNH LẬP PHI ĐOÀN , CHO ĐẾN NGÀY ĐỨT FILM...VÀ CÓ RẤT NHIỀU TÂM HUYẾT VỚI TẤT CẢ ANH EM NKT & 219 NÊN KỶ NIỆM KHÓ PHAI...)

BẮN GIẾT TRÊN ĐẤT LÀO
John "Tilt" Stryker Meyer, One Zero of Spike Team Idaho

        Nhiệm vụ cho toán biệt kích Idaho rất rõ ràng, nhưng sự thật không đơn giản như thế. Đầu tháng Mưòi Một năm 1968, những toán biệt kích SOG trên căn cứ hành quân tiền phương 1 (FOB-1, Phú Bài) đều nếm mùi “bầm dập”. Những toán biệt kích SOG trong hành quân “Prairie Fire” (Cánh Đồng Lửa) trên đất Lào đều công nhận... rất khó xâm nhập.
        Quân đội Bắc Việt đã tổ chức, huấn luyện thêm các đơn vị “săn biệt kích”, và đưa thêm vào đất Lào nhiều đại bác phòng không 37 ly bắn trực thăng rất công hiệu. Ngoài ra địch quân cho người canh gác những chỗ trực thăng có thể đáp để thả biệt kích xâm nhập. Tuy nhiên, sĩ quan hành quân (S-3) trên những căn cứ hành quân tiền phương vẫn phải tìm cách đưa những toán biệt kích SOG xâm nhập khu vực hành quân Prairie Fire, để lấy tin tức.
        Tin tức tình báo cho biết, quân đội Bắc Việt có hơn 40000 quân bảo vệ hệ thống đường mòn HCM trên đất Lào. Địch quân xử dụng những con đường bí mật này, xuyên qua rừng núi, đưa quân cùng với đồ trang bị, tiếp vận vào miền nam Việt Nam.
         Quân đội Bắc Việt càng ngày càng gia tăng sự hiện diện của họ trên đất Lào, do đó giới chức trong Saigon cũng muốn lấy được những tin tức chính xác về các hoạt động của địch trên đất Lào. Trên căn cứ hành quân tiền phương Phú Bài, vài ngày trước khi toán biệt kích Idaho bốc thăm trúng mục tiêu “Echo 8”, toán Idaho đã nổi tiếng về kỷ lục “bắn giết” trên nhiều bãi đáp để xâm nhập. Nhiều nhất trong các toán biệt kích.
        Phá kỷ lục, chưa ai để ý đến con số, đó là những kinh nghiệm rất nản chí và nguy hiểm. Là người trưởng toán biệt kích, buổi sáng tôi sẽ đi bay thám sát mục tiêu trên chiếc phi cơ thám thính O-1 “Covey”, nếu đủ thời gian, tôi sẽ chọn bãi đáp để xâm nhập, bãi chính, bãi phụ, bãi phụ 2, v.v... Sau đó toán biệt kích SOG sẽ lên trực thăng H-34 “Kingbees”, phi đoàn 219 Không Quân Việt Nam biệt phái làm việc cho đơn vị SOG, bay đến bãi đáp chính, rồi bị địch bắn ngay tại bãi đáp, phải bay đến bãi đáp phụ... cũng bị địch bắn lên... Thêm một điều nữa, từ căn cứ hành quân tiền phương đến khu vực hành quân Prairie Fire xa, nên phải bay về Phú Bài (FOB-1) lấy thêm nhiên liệu, ăn trưa, rồi bay trở lại Prairie Fire... và cứ thế.
        Sau bốn ngày liên tục “bắn giết ngay trên bãi đáp”, toán biệt kích Idaho đã chán ngấy. Trong ngày thứ tư, toán biệt kích đã bị “xua đuổi” trên các bãi đáp cả buổi sáng, phải bay về căn cứ hành quân tiền phương Phú Bài. Trong khi chúng tôi đang ăn trưa, sĩ quan hành quân S-3 đến cho biết một mục tiêu khác “Echo-8”. Sau khi nhận lệnh hành quân mới, tôi đi tìm phi công “Covey” báo tin cho anh ta, trung sĩ nhất Robert J. “Spider” Parks.
        Lúc đó “Spider” đang đấu láo, đùa giỡn với các bạn trong câu lạc bộ. Khi tôi báo tin mục tiêu mới “Echo-8”, nụ cười biến mất trên khuôn mặt Parks, lên tiếng báo động “Nhớ chuyện gì đã xẩy ra cho Lane không! Cẩn thận, địch quân đang chờ đợi. Đến bây giờ vẫn chưa biết, chuyện gì đã xẩy ra cho anh ta”.
        Lane đây là trung sĩ nhất Glenn Lane, năm 1968 anh ta là trưởng toán biệt kích Idaho, xâm nhập vào mục tiêu Whisky-2 cách Echo-8 vài cây số. Sau khi vào mục tiêu, người hiệu thính viên báo cáo là mọi chuyện êm xuôi (OK!). Không ngờ đó cũng là những lời báo cáo cuối cùng của toán biệt kích SOG. Liên tiếp, hai, ba ngày sau, phi cơ thám thính “Covey” bay bao vùng đi tìm, cố gắng liên lạc với toán biệt kích, nhưng không ai lên máy truyền tin trả lời. Bỗng dưng toán biệt kích Idaho biến mất.
        Tiếp theo, Bộ Chỉ Huy Bắc (CCN) cho toán biệt kích Oregon nhẩy vào với nhiệm vụ “Bright Light” (tìm kiếm, giải cứu, thâu hồi tử thi). Các toán biệt kích SOG (Hoa Kỳ) trong Bộ Chỉ Huy Bắc thường có tên những tiểu bang ở Hoa Kỳ: Idaho, Oregeon... Các toán trên Bộ Chỉ Huy Trung (CCC) có tên là những dụng cụ như: Hammer, Sickle... Các biệt kích trong nhiệm vụ “Bright Light” trang bị hỏa lực mạnh mẽ, để đối đầu với địch quân. Họ không đem theo đồ ăn, vì không phải “nằm vùng” để dò thám. Nhiệm vụ “Bright Light” rất rõ ràng, đi tìm các quân nhân (xác) Hoa Kỳ và đem về. Toán biệt kích Oregon nhẩy vào bị quân đội Bắc Việt tấn công dữ dội. Khi trực thăng vào cứu được toán Oregon đem về, người nào cũng bị thương.
        Không một ai nghe nói đến toán biệt kích Idaho. Hai tuần lễ sau, “Spider” được trao cho nhiệm vụ 1-0 (One-Zero, trưởng toán), toán biệt kích Idaho mới xây dựng lại, còn tôi trở thành 1-2 (One-Two) nhân viên truyền tin. Trong năm 1968, đơn vị SOG bị tổn thất nhiều, đến tháng Mười Một, “Spider” được lái máy bay thám thính “Covey”, còn tôi lên làm trưởng toán (1-0) biệt kích Idaho.
        Nghe lời báo động của “Spider”, tôi nhắc lại cho toán viên trong toán biệt kích. Cặp mắt của biệt kích quân tên Sáu mở to ra khi tôi chỉ tay vào mục tiêu trên tấm bản đồ “Number Ten, hạng bét, nguy hiểm”. Sáu là biệt kích quân trong toán Idaho dưới thời Lane, nhưng may mắn không đi chuyến định mệnh đó. Ăn bữa trưa xong, chúng tôi lên chiếc trực thăng “Kingbees” bay về hướng tây. Sự mất tích của Lane cùng toán biệt kích Idaho vẫn còn ám ảnh trong đầu tôi.
        Trên đường đến mục tiêu, “Spider” báo cho tôi biết, tìm được một bãi đáp trên sườn núi. (phi cơ thám thính thường bay vào vùng trước để quan sát, “Spider” đã từng là cựu trưởng toán biệt kích Idaho). Mặc dầu đã lên làm trưởng toán biệt kích (1-0), nhưng tôi vẫn theo thói quen, mang máy truyền tin cho toán Idaho. Nhiều nhân viên truyền tin thiếu kinh nghiệm đã “điều không” lầm vào quân bạn.
        Tôi ngồi ngay cửa trực thăng để nhìn xuống quan sát, Shore ngồi bên cạnh. Khi viên phi công “Kingbees” trông thấy bãi đáp, anh ta “thả rơi” chiếc trực thăng già nua H-34 xuống từ trên cao, như đầu một con ngỗng gục chết.
        Khi còn cách mặt đất khoảng 100 thước, viên phi công mới điều khiển chiếc trực thăng ngừng lại rồi đáp xuống. Toán biệt kích Idaho nhanh chóng nhẩy ra, tôi quan sát xung quanh bãi đáp xem có mìn bẫy! trong khi Shore đảo mắt quan sát hàng cây cao xung quanh bãi đáp trực thăng. Lần đầu tiên trong bốn ngày qua, chúng tôi mới xuống đất mà không bị tiếng súng địch xua đuổi cũng như mìn bẫy.
        Trước mặt là khu rừng thưa, có vẻ trống trải, tôi ra lệnh cho toán biệt kích dàn hàng ngang, di chuyển lên núi. Sáu nhắc nhở mọi người phải xóa dấu chân của mình, vì không có ai đi sau lưng. Thay vì di chuyển chậm trong cánh rừng rậm rạp, tôi cho lệnh tiến nhanh lên đỉnh núi, rồi báo cho chiếc “Covey” biết toán biệt kích OK.
        Bình thường, khi nhận được tín hiệu “OK”, chiếc phi cơ quan sát “Covey” (FAC) lặng lẽ rời khu vực hành quân xâm nhập. Nhưng “Spider” đã từng là trưởng toán Idaho nên cho chúng tôi một “đặc ân”. Anh ta cho biết, bay đến khu vực xâm nhậm của một toán biệt kích khác, phát xuất từ Mai Lộc (Quảng Trị), khoảng một tiếng đồng hồ sẽ quay trở lại, nếu toán Idaho “OK” lần nữa mới thực sự bay về căn cứ hành quân tiền phương Phú Bài. Để bảo mật cho toán biệt kích, vấn đề liên lạc truyền tin phải được giữ tối thiểu, “OK” thường là bấm vào combinet máy PRC-25 hai cái thật nhanh.
        Tôi muốn tránh xa bãi đáp trực thăng thật nhanh. Cả toán biệt kích dàn hàng ngang, cứ thế leo núi khoảng một tiếng đồng hồ, rồi mới trở về đội hình bình thường, một hàng dọc. Cho đến lúc đó, chúng tôi vẫn chưa ngừng lại nghỉ mệt, và phải leo núi nên người nào cũng “thở dốc”. Đỉnh núi vẫn còn xa, tôi hy vọng lên đến nơi sẽ nghỉ ngơi và đóng quân đêm.
        Toán biệt kích di chuyển được khoảng 1:25 phút, Sơn là người dẫn đầu, Sáu kế tiếp, ngừng lại ra thủ hiệu, có con đường mòn trước mặt. Cả toán biệt kích dừng lại, cũng là dịp để lấy lại hơi thở, trong khi Sơn và Sáu bò lên phiá trên quan sát.
        Vài phút sau, Sáu quay trở lại báo cáo. Một tin vui, có lính Bắc Việt đi “tà tà” trên lộ trình hướng đông-tây ngang con đường, trang bị tiểu liên AK-47. Anh ta nói với người thông ngôn Hiệp là có lẽ địch quân chưa biết có toán biệt kích xâm nhập (thái độ tà tà). Tin xấu là “con đường mòn” rất rộng như xa lộ, hai xe Molotova có thể chạy ngược chiều cùng lúc.
        Phiá bên kia đường có nhiều trụ căng dây điện thoại. Tôi muốn cả toán biệt kích băng qua bên kia đường thật nhanh. Sáu di chuyển qua hướng đông, tôi qua hướng tây, giữ an ninh cho mọi người băng qua đường. Mọi chuyện diễn ra êm xuôi, tôi ra lệnh cho toán biệt kích tiếp tục di chuyển lên trên khoảng 100 thước. Sáu leo lên một trụ căng dây điện thoại đặt máy nghe lén,  Shore, Sơn và Tuấn đi xuống đặt mìn bẫy trên con đường. Theo kế hoạch, chúng tôi sẽ cho nổ ba qủa mìn Claymore trên con đường để giết nhiều địch quân, một miếng C4 plastic đặt trong hàng cây cách con đường khoảng 6 bộ, sức nổ đủ mạnh làm những những tên sống sót bất tỉnh (muốn bắt sống tù binh).
        Đơn vị MACV-SOG đã hứa, toán biệt kích nào bắt sống được tù binh đem về sẽ được thưởng tiền và năm ngày phép ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Tôi và Shore ngồi mơ mộng đến những ngày nghỉ phép, trong khi Sáu và Hiệp lo nhiệm vụ để ý máy nghe lén điện thoại. Chúng tôi ngồi trên một độ cao lưng chừng núi, quan sát con đường ở dưới, chợt một toán quân Bắc Việt đang đi trên con đường, trong đó có sĩ quan. Họ bước đi rất thản nhiên, không biết đang bị một toán biệt kích theo dõi, với ý định bắt sống một người.
        Lúc đó trên bầu trời, phi cơ thám thính “Covey” đã quay trở lại, tôi vui mừng báo cho “Spider” biết, gọi “Kingbees” chuẩn bị và cho biết giờ giấc việc tác xạ tập trung trên bãi đáp chính, vì chúng tôi hy vọng sẽ đem về tù binh... Rồi chuyện kế tiếp diễn ra không như ý. Từ trên chiếc “Covey”, “Spide” trông thấy trên mặt đất có điều gì đang xẩy ra, báo động.
-          Không được di chuyển! Không cử động! Nín thở! Đánh rắm cũng không được. Đừng làm gì cả!
        Trước khi tôi tôi kịp hỏi, có chuyện gì! “Spider” nói tiếp.
-          Tôi đang bay cao 10000 bộ, không trông thấy bạn, không thấy cả ngọn núi. Giữ bình tĩnh và đừng làm gì cả. Tránh nổ súng, cho đến khi trời quang đãng.
        Lúc đó trời bỗng trở nên tối, nhiều đám mây từ đâu bay đến che phủ bầu trời. Mọi người trong toán biệt kích Idaho nghe tiếng xe tăng (tanks) của địch di chuyển nơi hướng bắc, và tiếng chó sủa nơi hướng bãi đáp trực thăng. Rồi dường như địch quân báo động, lính Bắc Việt đang đi tà tà trên đường, bắt đầu chạy.
        Thêm một tiểu đội lính Bắc Việt di chuyển ngang qua, rồi rẽ về hướng tây. Tôi nhớ lại toán biệt kích Idaho do Lane chỉ huy trước đây, những lời dặn dò của “Spider”. Không được di chuyển, đừng làm gì cả!
        Vài phút sau, tôi nghe một tiếng súng bắn báo hiệu về hướng toán biệt kích đang bố trí. Tiếng súng của người lính Bắc Việt nào đó đang đi lùng chúng tôi, và có lẽ con chó đã đánh hơi được toán biệt kích. Tôi bắt buộc phải cho toán biệt kích di chuyển, càng xa càng tốt.
        Tôi ra lệnh bỏ cuộc phục kích, cắt dây mìn Claymore. Tôi dặn Sáu tiếp tục để ý máy nghe lén, rồi kéo xuống, thâu hồi trước khi di chuyển. Tiếng xe tăng địch lúc nẫy nơi hướng bắc, bây giờ đổi qua hướng tây, tôi ra lệnh cho toán biệt kích đi theo hướng đông. Trước khi di chuyển, Cầu rắc thật nhiều hạt tiêu nơi toán biệt kích bố trí để “gây khó khăn” cho mũi con chó săn.
        Chúng tôi tiếp tục theo sườn núi đi về hướng đông, đi mãi vẫn chưa hết ngọn núi hùng vĩ. Đến khoảng 6:00 giờ chiều, chúng tôi băng qua một thác nước nhỏ trên núi đổ xuống. Đi được khoảng mười lăm phút nữa, toán biệt kích tạm dừng lại nghỉ lấy sức. Vì trời nhiều mây nên bắt đầu tối, nhưng Sáu với hơn 5 năm trong đơn vị SOG, nói vẫn phải tiếp tục di chuyển.
        Khi trời tối hẳn, toán biệt kích Idaho đã hết “xíu quách”, vừa ướt vừa đói. “Spider” cho biết, thời tiết trở nên xấu hơn. Tiếp tục đi, chúng tôi nghe tiếng động cơ xe vận tải Molotova của quân đội Bắc Việt nơi hướng nam, trên con đường chúng tôi định tổ chức phục kích, bắt sống tù binh. Sáu leo lên một cây cao quan sát, rồi trở xuống báo cáo. Xe Molotova chở lính Bắc Việt đến đúng chỗ toán biệt kích định phục kích, rồi dàn hàng ngang tiến lên với đèn đóm đi lùng toán biệt kích mà họ biết đang ở trong khu vực.
        Chúng tôi chia ca ăn cơm tối thật nhanh rồi tìm chỗ bố trí ngủ qua đêm. Đến khoảng 1:30 phút sáng, Sáu đánh thức cả toán biệt kích dậy, anh ta trông thấy lính Bắc Việt cầm đèn đang di chuyển vế hướng toán biệt kích. Nhưng sau đó, những ngọn đèn hết dầu và toán lính Bắc Việt phải quay trở về.
        Khi tia nắng đầu tiên của buổi bình minh nhô lên, toán biệt kích Idaho di chuyển theo hướng đông bắc lên đỉnh núi. Leo núi cả ngày, tôi có cảm tưởng ngọn núi này lớn nhất trên mặt đất. Khi lên đến đỉnh núi, lúc đó đã hết nắng, trời bắt đầu tối. Chân tay người nào cũng rã rời, tôi mở máy, liên lạc với “Bat Cat”, danh hiệu chiếc phi cơ chỉ huy, bay bao vùng hành quân Prairie Fire 24 tiếng đồng hồ trong ngày. Tôi báo cho “Bat Cat” biết, chúng tôi sẽ nằm trên đỉnh núi cả ngày nếu thời tiết không trở nên tốt hơn. Sau đó tôi gửi tín hiệu “OK” cho “Spider”.
        Đến 7:00 giờ sáng hôm sau, tôi ra lệnh cho Sáu và Sơn đi tìm dấu vết chiến xa của địch mà toán biệt kích nghe được hôm mới xâm nhập, Shore và Tuấn đi tìm suối để lấy nước uống cho cả toán.
        Sơn và Sáu đi mấy tiếng đồ hồ, quay trở lại báo cáo, trông thấy toán đi tìm dấu vết biệt kích và nghe tiếng chó sủa. Toán biệt kích phải di chuyển, trước sau gì, chó cũng đánh hơi được toán biệt kích xâm nhập. Muời phút sau, chúng tôi di chuyển xuống phiá nam của ngọn núi. Đi xuống được khoảng 1000 thước, toán biệt kích đổi hướng đi theo hướng tây. Chúng tôi đi băng qua nhiều con đường mòn mới xây không có trên bản đồ, nhưng đã được xử dụng qua lại rất thường, mặt đường đất bị nén xuống. Khi trời bắt đầu tối, toán biệt kích Idaho đến một triền núi, có nhiều tảng đá lớn, rất tốt cho vấn đề phòng thủ nên bố trí đóng quân đêm.
        Sáng hôm sau, “Covey” đã lên bao vùng sớm, tôi báo cáo và yêu cầu được triệt xuất càng sớm càng tốt. Sáu leo lên một cây cao, dùng gương (kính) soi để “Covey” xác định điểm đứng chính xác của toán biệt kích. Từ trên cao “Spider” chỉ điểm cho chúng tôi một bãi đất trống, có thể làm bãi đáp cho cuộc triệt xuất.
        Khoảng 30 phút sau, “Spider” báo tin cho chúng tôi biết, thời tiết đã quang đãng nên sĩ quan hành quân S-3 trên căn cứ hành quân tiền phương Phú Bài ra lệnh, thả thêm một toán biệt kích khác vào vùng trước khi triệt xuất toán Idaho. Chúng tôi phải chờ...
        Toán biệt kích di chuyển, tìm ra bãi đáp khoảng 9:00 giờ sáng, và bố trí chờ được triệt xuất. Tôi được biết, lúc đó có một toán biệt kích hoạt động trong vùng Pairie Fire chạm địch, bị tổn thất và được ưu tiên triệt xuất khẩn cấp. Trong khi đó toán biệt kích SOG thứ hai đã xâm nhập vào mục tiêu “Echo-8” thay cho chúng tôi.
        Khoảng 11:00 giờ trưa, toán biệt kích kia đã được triệt xuất, “Spider” quay trở lại làm việc với toán biệt kích Idaho. Đó là lần đầu tiên, chúng tôi được trực thăng thuộc sư đoàn 101 Nhẩy Dù Hoa Kỳ vào “bốc” đưa về căn cứ hành quân tiền phương Phú Bài.
        Về đến Phú Bài, tôi được một vị thiếu tá trong ban hành quân S-3 “nhai” (chew, xài xể), cho là tôi chết nhát, chưa gì đã hoảng hốt. Tôi phân bua về toán biệt kích của Lane trước đây, về tiếng chó sủa... Ông ta không cần biết, ra lệnh cho toán biệt kích Idaho chuẩn bị cho chuyến xâm nhập ngày hôm sau tại một mục tiêu khác. Có lẽ ông thiếu tá S-3 này điên khùng, hay là ông ta thuộc về phe địch. Tôi tin rằng ông ta chưa từng trông thấy một người lính Bắc Việt. Ngày hôm sau, toán biệt kích Idaho tái diễn chuyện “bắn giết trên bãi đáp” năm lần.


Dallas, Texas 
vđh

No comments:

Post a Comment