---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------Sau khi hiệp định ngưng chiến Paris được ký kết vào năm 1973, chấm dứt chiến tranh Việt Nam trên giấy tờ, quân đội Hoa Kỳ có cớ rút lui “trong danh dự”. Quân Lực VNCH không còn được yểm trợ đúng mức nên thiếu sức mạnh để đánh phá khu vực đường mòn HCM. Cộng Quân coi như được HK bật đèn xanh, tự do chuyển người và vũ khí xâm lấn miền Nam.
Friday, November 30, 2012
Xương Trắng Trường Sơn 2
Bên kia, toán khiêng anh lính gãy chân đã bắt đầu khởi hành. Bệnh nhân nằm ngửa trên võng, cái ngực gần sát với cây đòn, vì chiếc võng mắc thật thằng để tránh cho anh ta khỏi bị ngâm xuống nước càng ít càng tốt Anh ta nằm, nhưng có lẽ không an tâm, cho nên anh ta đưa hai tay lên bám chiếc đòn đề phòng những người khiêng loạng choạng đong đưa.
Nhưng vừa bước xuống suối là những người khiêng đã ngấm đến cổ rồi, thành thử ra cả người anh bệnh binh cũng bị ngâm dưới nước. Anh ta cố ngóc lên để thở. Chẳng còn cách nào khác để cho anh’ta thoải mái hơn.
Anh Khẩu đội trưởng lui cui cùng với những anh đội viên của anh ta tổ chức khiêng cái nòng pháo. Trông vừa chua chát vừa muốn bật cười.
Tổ chức chiến đấu gì kỳ cục vậy chứ ? Người ta cứ ném tất cả vô đây và ở ngoài kia cứ tổ chức ăn mừng, hoan hô sự sáng suốt của đảng và cứ cười tít mắt lên mà tưởng như chiến thắng hiển hách đã ngửi thấy đến nơi rồi.
Họ có biết đâu những đơn vị nguyên lành của họ khi vô đến hang hùm nọc rắn này rồi, trở thành tàn quân trở thành thổ phỉ hung hãn chuyên đi cướp giật của đồng đội, thậm chí lột cả đồ đạc những người ốm mê man để làm hành trang sống lẩn lút trong rừng Và cuối cùng để quay về quê cũ, họ có biết đâu những cậu thanh niên hăng tiết vịt cắt tay lấy máu viết huyết tâm thư dâng lên đảng đòi vào Nam chiến đấu giờ đây lại là những người chửi đảng to tiếng và độc ác hơn ai hết.
Còn lũ tôi đây thì không đánh ai, vì những người tôi muốn đánh thì không có ở quanh đây, nhưng tinh thần thì xuống thấp hơn ngọn cỏ.
- Âm ầm ầm!
Những người khiêng anh bệnh binh trợt chân ngã hằng loạt. Cả anh bệnh binh và những người khiêng bi nước cuốn đi. Trên mặt nước chỉ còn trông thấy những cái đầu nhấp nhô và những cánh tay quơ lên tìm cái gì để bám.
Những người mạnh thì bơi vào bờ, còn anh bệnh binh bị nước đập tấp vào một cái nhánh của cây cổ thụ đã quay sang như chiếc cầu từ chiều hôm qua. Những người kia bò lên bờ lóp ngóp, kẻ ngồi người đứng, vuốt mặt lia lịa mà nhìn dòng suối. Kẻ mất ba lô người sút dép, mất nón, tuột áo, mất quần.
Họ không buồn tìm cách vớt anh bạn kia lên nữa. Nhưng cũng may, anh thương binh cứ nắm chắc nhánh cây và nhô hẳn đầu lên mà gào. Tiếng gào của anh ta vang dội vào vách đá, làm như ở đằng kia cũng có một người bị nạn và đang gào kêu cứu như anh !
- Bớ là… là… ông… nư… ức ơi !
Mồm anh ta hả to ra, bị nước vọt vào làm tiếng kêu của anh ta đứt quãng hoặc tắt ngấm đi.
Sự đau khổ đó làm động lòng bác sĩ Năm Cà Dom. Năm Cà Dom lại phóng xuống nước lần nữa, lôi anh thương binh lên bờ.
Sự bi thảm đã lên mức đó, tràn ngập cả trái tim tím bầm của tôi nhưng đây chưa phải là điểm cao nhất .
Từ dưới dòng, hai con người lần lần theo vách đá đi lên. Hai người này không dám lội ra xa bờ vì có lẽ họ sợ nước cuốn.
Bỗng tôi kêu lên:
- Ông Chín ! Trời ơi ông Chín !
Tôi không trông thấy mặt mũi ông già nhưng tôi biết đó là ông Chín vì trên lưng trên đầu ông um tùm những nhánh cây. Cơ khổ ông già. Cứ hễ đi ra một bước là giắt lá cây đầy mình. Ông có ý thức che mắt địch nhưng ông lại không biết áp dụng địa hình cũng giống in như một kẻ bị lệ thuộc vào những công thức, những giáo điều mà họ chỉ biết nghe theo chớ không đời nào dám nghĩ khác đi đừng nói chi nghĩ ngược lại.
Ông Chín đi qua rừng cây bị chất khai quang chết trụi không còn một cái lá xanh, ông vẫn giắt lá xanh, hay như bây giờ đây, lội giữa suối mà vẫn ngụy trang. Tên phi công nào đần độn nhất từ trên cao cũng nhận ra một mớ cây trôi lên, ngược dòng suối.
Ông Chín ngước mắt nhìn tôi. Mắt ông chỉ còn bằng hai hạt tiêu. Có lẽ ông nhận ra tôi, nên ông đưa tay vẫy vẫy. Tôi gặp ông Chín ở trạm ba, cách trạm làng Ho một trạm. Tôi qua mặt ông Chín rồi tôi sốt ông Chín lại vượt qua tôi. Chiều hôm qua chúng tôi lại gặp nhau trước khi vượt sông. Khi bắt đầu lao thân vào lòng suối thì tôi không còn thấy ông Chín đâu nữa.
Ông Chín đã lội tới chỗ tôi đứng. Tôi đưa tay lôi ông Chín lên và hỏi:
- Giao liên không giúp cho ông nữa à ?
- Có biết nó đi đâu đâu !
- Thằng ác thật, nó bỏ ông già thế này.
Tôi nhìn ông Chín. Những nhánh lá vẫn còn dính trên người ông Chín như nhũng người bạn trung thành. Tôi đưa tay rút một nhánh vứt đi và bảo:
- Bỏ đi cụ ạ ! Cho nó nhẹ ! Lội dưới suối mà ngụy trang lá cây thế này cản nước lội mệt lắm.
Nhưng ông già giáo điều đã xua tay:
- Ấy chết ! Đồng chí cứ giữ mãi cái lối khinh địch đó, không chịu bỏ. Tôi bảo cho đồng chí biết từ đây trở vô, lúc nào trên trời cũng có mắt của thằng địch nó dòm mình lom lom. Mình mà sơ hở một chút là bị nó ngay.
Tôi đã tranh luận về việc trốn máy bay với ông Chín không biết bao nhiêu lần. Ông Chín cũng bị thiên hạ phản đối không biết bao nhiêu lần, nhưng ông Chín vẫn chứng nào tật ấy nghĩa là khi ra đi thì y như một bụi cây rậm đang di động.
Tôi nhìn thấy da thịt ông Chín đã đóng rong, đầu ngón tay móp như trái táo khô, hai vành tai tím như tai người chết , còn mồm thì thở vừa ra hơi nước vừa chảy ra nước. Tôi biết ông Chín bết bát lắm rồi, nhưng tôi làm gì được trước một cụ già như thế?
Tôi bảo:
- Cụ ngồi xuống đi bồi dường sức khỏe một chút rồi đi.
- Thằng dắt đường đâu rồi ?
- Nó vừa đi qua !
- Nó không chờ, thì biết đường nào mà đi ?
- Cứ đi đại lại thôi, hễ còn thấy người bệnh treo võng dọc bờ suối thì đúng là đường đi.
-Thế hả?
Ở phía dưới dòng một người khác bạn đường của ông Chín lúc nãy đã đến ngay chỗ ông Chín đứng. Tay anh ta với lên nắm lấy ống chân của ông Chín làm cho ông giật mình, ông rút chân lên.
Anh bạn kia không còn chỗ bám, và rơi sụt xuống nước. Tôi nhanh tay chụp lấy tóc anh ta và kẻo xểnh anh ta lên bờ.
Trời ơi t Tôi đã vớt đúng một cái thây ma. Tôi đã tự dưng chuốc vào mình một cái tai họa…
Cái người tôi vừa kẻo lên là một cái xác không hồn. Hình như anh ta phải chết lúc này nhưng vì trông thấy chúng tôi ở đây như một cái đích rất gần, cho nên anh ta cố lần vách đá tới đây để mà trút hơi thở cuối cùng. Tôi gọi Năm Cà Dom:
-Về ngay đây !
- Gì nữa đó?
- Về ngay đây ?
Năm Cà Dom vốn là một người tốt bụng, một bác sĩ còn có lương tâm, cho nên nghe tiếng kêu cứu của tôi thì nhảy ùm xuống nước bơi về ngay.
- Gì thế?
- Đây này,bác sĩ về mà giải quyết.
Năm Cà Dom nói ngay:
- Đánh gió, làm hô hấp nhân tạo ngay!
Rồi Năm móc túi ba lô lấy cù là, vạch lưng anh bệnh binh xoa, nắn bóp cạo lia lịa không hở tay. Rồi anh làm hô hấp nhân tạo. Chỉ trong vòng mười phút là anh ta cử động được ngay.
Năm nói:
- Anh này chưa có chết, nhưng vì ngâm mình dưới nước lâu nên bị vọp bẻ không đi được. Nếu anh không lôi nó lên nó bị nước cuốn tay chân cứng đờ không bơi được là uống nước chết đắm ngay.
Trên khoảng đất có mấy thước vuông của tôi như cái nền nhà bị nước ngập, có đủ các giới, các thành phần, các miền, đủ cả. Cái sự có mặt của anh bị vọp bẻ làm cho số người trở nên phong phú lên. Anh ta là lính.
Tôi mới nhận ra anh ta là cái anh chàng đi bằng hai cây gậy mà tôi và Thu gặp cách đây mấy trạm. Anh ta có chiếc khăn lông con treo ở quai nón dưới cắm lòng thòng như một bộ râu vĩ đại. Do đó, tôi và Thu gọi anh ta là ông già Noël.
Ông già Noël còn trẻ quá. Hôm nay tôi mới nhìn tận mặt ông ta. Ông ta chỉ là một học sinh. Không biết đau ốm thế nào mà đôi chân cứ đi cà lỉa, cho nên khác hơn mọi người, ông già Noël đi với hai chiếc gậy.
Bây giờ thì ông ta nằm đây trên tảng đá lạnh như nước đá, mà thịt ông ta cũng không ấm hơn nước đá, đang nhờ ông bác sĩ hảo tâm làm cho sống lại.
Tôi cũng không biết làm sao nữa. Tôi biết tôi không thể giúp ai, và chắc chắn không ai có thể giúp tôi. Mỗi một người tự xem cái bản thân mình là một cái nợ đối với mình.
Năm Cà Dom hảo:
-Thời đi thì đi.
- Ta đi đi…
Ông Chín cố mở đôi mắt hẹp khổ của ông ra mà nhìn chúng tôi ngạc nhiên về sự thúc giục của bác sĩ Năm Cà Dom. Có lẽ theo ông Chín thì người ta chỉ cớ thể đi tới đây thôi. Và nằm, và ngồi và ngủ tại đây để chờ Trung ương tới, đưa ra khỏi con suối ” tuyệt long lãnh” này, bằng tàu bay xe tăng, xe lội nước hay bằng phép Tiên phép Phật gì thì bằng, chứ còn như ông, một ông lão già năm mươi bốn tuổi, dù ai nói gì thì nói, ông không thể nào xem con đường này là con đường vinh quang cho được.
Bỗng ông Chín hắt hơi. Rồi ông Chín hắt hơi mấy cái nền. Ông Chín nhìn quanh quất rồi nói:
- Có mùi gì lạ vậy mấy chú ?
- Mùi gì đâu ông Chín.
- Mấy chú không ngửi thấy à ?
- Mùi thây ma chớ mùi gì nữa. – Năm Cà Dom vọt miệng đáp.- Ba cái thây ma kết súng thành tổ tam tam chế nằm chết thẳng cẳng trên võng bên kia gộp đá kia kìa .
Ông Chín ngạc nhiên, ông hỏi:
- Sao chết dữ vậy ?
- Đói chết, bịnh chết chứ sao ông già !
Năm Cà Dom lại giục:
- Bởi vậy cho nên chúng mình phải rời khỏi khu vực này ngay. Chốc nữa nắng lèn, thây ma sẽ sình lên vỡ ra. Nước vàng nó chảy xuống suối mình ngâm mình dưới nước ghê lắm . Ngửi lấy cái không khí này vào người, bị dịch hạch dịch tả dịch… dịch đủ thứ dịch…
Năm Cà Dom nhìn chỗ nào cũng phát hiện ra bệnh, ớn quá. Nào gãy giò, nào nhiễm trùng, nào dịch hạch v.v… Bệnh nào cũng chẳng hiền cả.
Thật là buồn cười. Bây giờ kiểm điểm lại trên chặng đường này, chúng tôi cương quyết rời bỏ cái nền đá này là vì sợ bệnh dịch, chớ không phải vì nôn nóng đi vô giải phóng Miền Nam. Còn kiểm điểm lại động cơ thường trực của những người đi trên con đường này thì mỗi người một khác: tôi thì vì nhớ nhà quá mà xin về, Thu thì vì không biết gì nên xung phong đi, còn bác sĩ Năm Cà Dom về để làm cái nghề cũ là nuôi ngựa đua v.v…
Thế nhưng những người lãnh đạo ngồi ngoài Hà Nội cứ rung đùi ngỡ rằng mình đã tận dụng, thậm chí lạm dụng, lợi dụng lòng yếu nước của mọi người để biến họ thành công cụ sống thực hiện những điều mong ước của họ một cách tốt đẹp, không ngờ rằng tất cả những người vượt Trường Sơn, không có trường hợp đặc biệt, đều oán trách, hận thù Trung ương Đảng.
Khi chiến tranh, có lẽ một trong những vấn đề phải đặt lên hàng đầu là phương tiện. Đối với một kẻ thù quá thừa thải phương tiện như Mỹ, thì có lẽ người lãnh đạo sáng suốt phải nghĩ tới việc đó trước khi xông vào đánh đá.
Tôi biết có những chiếc xe cút kít của hợp tác xã được cải tiến để chở phân bón lúa. Thế mà không biết do sáng kiến của ai, những chiếc xe ấy được đưa vào làng Ho để giúp cho pháo binh tải pháo !
Tôi không hiểu những nhà chiến thuật nào đã nghĩ ra cái sáng kiến vĩ đại đó.
Có phải chăng họ nghĩ rằng cái chiến trường mà bộ đội chánh quy của họ đang lao vào đánh nhau với Mỹ là một thứ hợp tác xã mà những xã viên bê trễ thối chí cũng dùng những chiếc xe cút kít này tải pháo trên những con đường bằng phẳng như ở làng quê ?
Họ đã lạm dụng sức con người và lòng tin của con người đến mức độ xưa nay chưa từng có.
Họ bắt con người hy sinh quá mức.
Nếu có thể, tôi xin kết luận một câu: Nếu anh muốn làm chiến tranh, anh phải có đầy đủ phương tiện, nếu không, đừng làm.
tiếp theo Xương Trắng Trường Sơn 3
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment