Friday, November 30, 2012

Đường Đi Không Đến 30


Chương 30
Một buổi sáng, tôi thức sớm. Tôi định tập thể dục để lấy gân cốt. Nhưng vừa thọc chân vào dép thì tôi nghe tiếng khóc, tiếng khóc oà lên như có người chết.

Tôi nhìn ra ngoài, đảo mắt nhìn tìm xem ai khóc. Rồi tôi đi thẳng ra bụi nứa trước cửa nhà. Tôi hỏi một cậu bộ đội:

- Ai khóc vậy?

- Thằng Trớn nó mất đồ nó khóc – Cậu bộ đội vừa nói vừa trỏ tay.

Thì ra, người mất đồ là cái cậu hằng ngày vẫn đến mượn cái bật lửa của tôi. Đã bốn năm hôm rồi, tôi gặp cậu ta ở đây và cậu chỉ nằm một mình.

Tôi thấy xót xa quá. Tôi hỏi:

- Cậu Trớn mất hết đồ đạc phải không?

Cậu thanh niên ngước lên nhìn tôi, mắt đẫm nước mắt, mồm cậu méo xệch, đầu cậu ngoẻo sang một bên.

- Chúng nó lấy hết đồ đạc của em anh ạ! Đêm qua sốt, em nằm mê man ..hu ..hu… – Trớn đưa tay gạt nước mắt và khóc ngọt ngào – Chúng nó lấy của em hết tất cả những “món đồ chiến lược”, hu … hu . Thế nầy em đây làm sao tới nơi được? hu ..hu…! …

Trớn cứ quệt nước mắt mà khóc trước cái ba-lô bị trút hết đồ cũng có cái miệng méo xệch như miệng chủ nó . Tôi ngồi xuống bên Trớn. Tôi đưa ta cầm lấy cái ba-lô. Nó lép kẹp như một bao từ trâu đã trút hết cỏ.

Trớn lại cầm lấy cái ba-lô dốc ngược xuống, những món đồ còn lại tuôn hết ra đất.

Trớn ném cái ba-lô sang một bên rồi nói:

- Đấy anh xem những món đồ chiến lược của em mất hết rồi, khác nào nó chặt chân em!

Tôi nhìn dưới đất thấy một quân phục còn mới, một cái áo cổ vuông, một cái quần đùi, một cái áo lót mồ hôi của nhà máy dệt Đồng Xuân, một tấm vải mủ rách, mấy băng đạn AK.

Tôi thầm nghĩ: chắc có lẽ cậu này thuộc một binh chủng đặc biệt cho nên có những món đồ chiến lược. Nếu mất những món đồ đó thì cậu ta không thể hoàn thành nhiệm vụ được.

Tôi không định hỏi, nhưng Trớn nói ngay:

- Chúng em mỗi đứa được hai bộ quai dép, một bộ tra vào dép rồi, còn một bộ cất kỹ trong ba lô để phòng đường xa, không có nó thì không đi được. – Trớn đưa bàn chân ra và tiếp – Cái quai dép của em đứt mấy lần rồi mà em chỉ nối chứ không dám thay cái mới. Bây giờ thì nó lấy cả dép lẫn quai của em rồi. Còn bộ quai dép xơ-cua bỏ trong ba-lô nó cũng lấy tuốt.

Trớn xốc từng cái quần cái áo lên và nói:

- Cái túi thuốc nó cũng lấy luôn. Nửa kí-lô mì chính (bột ngọt) em không dám ăn còn nguyên với nửa kí-lô muối nó cũng lấy mất. Mất những thứ đó, em chỉ còn có chết!

Tôi mới hiểu ra những “món đồ chiến lược” là những món đồ gì?

Bỗng Trớn cuống cả lên. Trớn cầm lấy chiếc áo mới, xộc tay vào từng túi.

Thấy anh ta bối rối, tôi hỏi:

- Mất chứng minh thư đi đường à?

- Không, cái đó thì em lại không thiết. Giao liên nó không cho em đi thì em càng thích .

Trớn ngồi xuống xộc tay vào các túi của chiếc ba-lô với một cử chỉ vô cùng tuyệt vọng, anh ta hất cái ba-lô văng ra:

- Thôi rồi, mất nữa rồi!

- Vàng à?

- Không, một món hàng chiến lược quan trọng nhất, đó là cái bật lửa!

Tôi nói:

- Theo tôi biết, để cho các cậu không dám trốn vì trong mình không có bật lửa, mỗi tiểu đội chỉ có một cái bật lửa do tiểu đội trưởng giữ, sao cậu có riêng một cái?

Trớn hơi quạu, cậu ta câng câng cái mặt lên:

- Ờ, của em chứ! Em mua cái bật lửa 3 số 5, em nghiện thuốc lá mà!

Tôi khổ tâm vô cùng, nhưng không biết làm gì để giúp cậu bé, tôi vỗ vai cậu ta và bảo:

- Tớ sẽ cho cậu mượn bật lửa mãi mãi!

Rồi tôi đi vào nhà. Thu đã thức dậy, nàng ngồi trên võng, gác một chân lên mép võng, một chân thòng xuống dép, để trần ra đến đầu gối. Tôi bàng hoàng. Thu không ngờ tôi đang bị xúc động vì đôi chân của nàng hay nàng muốn khoe với tôi đôi chân mà nàng biết rằng tôi mê đắm. Nàng cứ ngồi nguyên như vậy và duỗi thẳng chân đau ra, tươi cười với tôi:

- Anh xem này, cái cổ chân của em thường rồi!

Đôi chân Thu tuy hơi gầy, dày sành đạp sỏi hơn một tháng nay nhưng cũng vẫn cứ ửng lên màu quí phái.

Tôi nhìn cái bắp chân trắng muốt. Bỗng nhiên tôi ngồi khuỵu xuống đất.

Tôi đưa tay ra, bất giác tôi bóp mạnh một cái.

- Đau không? Em thấy đau không?

- Đa….au! Thu cau mặt.

- Thế sao bảo như thường rồi?

- Anh bóp mạnh quá – Thu vui vẻ – Vừa thôi chứ anh! Anh lại muốn khiêng em trên vai nữa à?

Mắt Thu lấp lánh niềm vui. Tôi nghe mặt mình nóng bừng. Tôi không đứng lên nổi nữa.

Tôi đưa ngón tay gõ gõ vào bàn chân Thu. Thu đập vào vai tôi. Không bỏ lỡ cơ hội, tôi chụp lấy cổ tay Thu siết chặt và nghiến răng ken két:

- Dữ hả? Dữ hả?

Thu nhắm mắt vung tay ra và kêu lên:

- Ôi đau, trông anh như muốn nuốt sống em vậy!

- Ừ, ừ nuốt sống!

Tôi đứng phắt đậy, định nói, định làm cái gì nhưng tôi lại chạy vụt ra ngoài. Một chốc định thần xong, tôi trở vào. Tôi nói:

- Đêm hôm đó, anh ngủ trên ngọn cây, anh lấy làm ân hận sao mình đã đi bệnh xá làm gì để phải chịu một đêm cô đơn bạc tóc như vậy.

Tôi kể tiếp cho Thu nghe về tiếng gọi của cặp chim ân tình, việc cọp rình và chiếc bi-đông rời trúng lưng “Ông” ta. Thu ngồi chăm chú nghe, hai tay thu lên ngực và rùng mình từng chập.

Tôi nói tiếp:

- Anh sẽ thấy bớt cô đơn hơn nếu cùng lúc đó, ở nhà em cũng nghe tiếng chim ấy với anh!

Thu nhìn tôi đôi mắt hơi lơ mơ:

- Tiếng chim như thế nào?

- Nếu nhại thì khó lắm nhưng đại khái là một con trống và một con mái. Con trống kêu:”đến đây nhé!“, con mái đáp:“mau đến đây!“

- Anh chỉ tưởng tượng! – Thu với tay tát vào vai tôi.

Tôi cười xoa:

- Thì nằm giữa rừng anh tưởng tượng như vậy mà nhớ em.

Đôi má ửng lên, Thu vui vẻ nói:

- Để yên, em kể cho anh nghe sự tích con chim ấy. Nhưng em hỏi anh nghe tiếng chim đó lúc khuya và khi nó hót tiếng cuối cùng hoà hợp nhau là trời bắt đầu đâm mây ngang phải không?

- Phải! – Tôi nói tiếp – Đôi chim ấy là đôi tình nhân em nhỉ?

- Vâng!

- Ước gì chúng mình là đôi chim đó!

Mặt Thu bỗng biến sắc, rắn lên như mặt hồ đang ấm nắng mùa xuân bỗng trở thành băng giá. Thu nhìn tôi trân trân không chớp mắt. Còn tôi thì vẫn cứ cười đùa và trêu ghẹo Thu bằng những cái nháy mắt của tôi.

Thu kêu lên như bị ai hốt hồn:

- Ơ ơ! Anh! Em không biết đâu đấy! Em không thích anh đùa như thế.

- Không, anh không đùa đâu, anh nói thật để cho em đề phòng.

Thu cúi nhìn mũi chân nàng. Tôi nói luôn:

- Anh hôn bàn chân đau của em một cái nhé. Cho nó khoẻ lên rồi mai đi! Nhưng không phải anh hôn chân em đâu mà chính là anh hôn cái nghệ thuật của chân em cống hiến cho đời. – Tôi nói một cách hết sức bình thường – vì thế anh không yêu em thì anh không chịu được.

Thu vẫn không ngước lên. Những mớ tóc xoà ra phía trước che hầu kính gương mặt Thu. Thu đưa tay ôm sát ngực như để ghìm lại trái tim đang đập mạnh. Thu cho cả cái chân đau xuống dép như để lấy thăng bằng. Thu lẩm bẩm:

- Ai anh cũng yêu!

Tôi vui vẻ:

- Em trách anh làm gì chuyện đó?

- Không, em đâu có trách anh!

Thu lặng lẽ nhìn tôi với đôi mắt đờ dại không còn ánh sáng. Rồi Thu khẽ lắc đầu:

- Anh đừng yêu em!

- Tình yêu như trái chín. Làm sao ngăn cản được?

- Em không chịu đựng nổi tình cảm mãnh liệt của anh!

Tôi quì sụp xuống và ôm chặt lấy đôi chân nàng.

Tôi nghe như có một khối nam châm hút tôi vào một vật gì mềm mại và ngạt ngào hương.

Bên tai tôi tiếng gió rít, tiếng suối reo. Một cánh buồm đang no gió hứa hẹn một cuộc vượt trùng dương.


Hết Chương 30 - Xem Tiếp Chương 31
__________________


Trả Lời Với Trích Dẫn
#32
Old 03-07-2012, 06:50 PM
khatranac's Avatar
Ngày, tháng tham gia: Sep 2010
Bài Gởi: 1,131
THREAD STARTER
Wink Đường Đi Không Đến - Xuân Vũ

Chương 31

Bên ngoài đang lao nhao lên, không biết việc gì. Mấy người giao liên mệt lử đang ngồi ngoài sân.

Khanh hỏi:

- Xem chung quanh chuồng, không có dấu chân của Ổng à?

- Không có đâu. Đêm qua đâu có tiếng chim “tránh khỏi” quanh vùng này- một người dộng dộng chiếc gậy xuống đất và nói tiếp:

- Chuồng không có lỗ trống, chung quanh không có dấu chân “Ông lớn” thì chỉ còn các “Ông nhỏ” nhà mình thôi chứ ai vô đây?

Khanh bảo:

- Anh em toả rộng ra tìm xem, kẻo nghi oan cho người ta.

Ngoài mặt thì Khanh nói vậy để anh em trong trạm không chĩa mũi nhọn vào khách, nhưng sự thực thì Khanh nghi quyết cho khách. Cái vụ con heo bị xén mất cái đùi sau mới xảy ra hôm trước đâu có lâu gì. Nhưng khách mà Khanh nghi nhất là “khách trời ơi”.

Khanh bảo:

- Các cậu ra nói với anh chỉ huy tốp “bê quay” cho tập trung tất cả vô đây! Nói trạm trưởng mời!

Khanh không dám dùng tiếng bảo, mà nhũn nhặn nói là “mời”. Lạ quá, một con lợn ở giữa chuồng lại mất tích trong đêm qua. Chỉ có Phật trên toà sen mới im lặng được. Cái vụ trước Khanh đã bỏ qua rồi. Chiều hôm qua khi đám “bê quay” đến, Khanh đã ái ngại, nhưng làm sao bây giờ. Dù sao thì mình cũng phải coi họ là….đồng chí.

Họ bắt bằng cách nào mà con heo không kêu?

Tôi hỏi:

- “Bê quay” là đơn vị nào mà kỳ cục vậy đồng chí?

- Nó không phải là một đơn vị, nó là một đám vô tổ chức gồm tất cả lính của các đơn vị đi Nam mà quay trở lại. Đi Nam gọi là đi B, cho nên đi B mà quay trở lại, người ta gọi là “bê quay”!

Khanh lắc đầu nguầy nguậy:

- Cái tốp này thì ghê lắm đồng chí ạ! Nó không sợ cái gì hết muốn làm gì thì làm, kỷ luật quân đội chúng nó đem ra nó nấu giả cầy hết rồi.

Một người từ bên ngoài đi vào. Anh ta gầy gò, hai má hóp hẳn vào, hàm răng trên xỉa ra như cười. Anh ta nói giọng lạnh lùng, dường như anh cảm thấy trước có việc gì không hay:

- Tôi là Chừng, chỉ huy trung đội Bê quay đây. Đồng chí cho tập trung họ lại làm gì?

Khanh thấy hơi ngại vì phải tiếp xúc với mấy người này. Khanh nhã nhặn:

- Cũng có chút việc đồng chí ạ!

Những người mặc quần áo bộ đội, nhưng mỗi người một kiểu cách riêng, đã kéo vào. Chừng bảo:

- Ngồi cả đấy!

Khanh nói:

- Cách đây mấy hôm chúng tôi bị mất một cái đùi heo. Đáng lẽ thì phải nói mất cả con heo, nhưng vì người ta chỉ xén có một đùi. Con heo tôi vừa xổng ra khỏi chuồng gặp mấy trự, mấy trự đè con heo xuống xén phăng đi một đùi.

Các anh coi trên trời dưới thế có ai chơi ác vậy không? – Khanh cố thỏo đều đặn để không phải bốc lên – Đêm qua lại bị mất một con nữa. Lần này thì chúng tôi mất nguyên con.

Chừng không đủ kiên nhẫn nghe tiếp. Anh cắt ngang:

- Chuyện đó có ăn thua gì chúng tôi. – Nói xong Chừng ngồi chồm hỗm xuống và móc thuốc ra cuộn hút một cách bình thản.

Khanh hơi nóng mắt.

- Có chứ! không thì sao tôi “dời” các anh vô đây làm gì? Các anh xem đó, trạm chúng tôi có mấy anh em, ở giữa rừng sâu này kí cóp nuôi được mấy con heo tự túc. Các anh đáng lý phải thương chúng tôi lắm mới phải. Các anh lại làm như thế!

Một anh mặc áo cổ vuông quần đùi, để lột tay đầy nốt thâm đen, nghênh mặt lên, cái mặt tròn như cái bánh ếch trần. Anh ta nói rất nhanh:

- Chúng tôi hiểu ý của đồng chí chạm chưởng rồi tức nà đồng chí nghi anh em chúng tôi đã nàm thịt con nợn của đồng chí chứ gì!

Chúng tôi không thể nàm những chuyện như vậy, mặc dù chúng tôi đang bị “thích” cho một cái chữ không tốt nên trán nà thằng “Bê quay”, nhưng quay thì quay chứ, đi B chúng tôi không đi thì chúng tôi quay lại. Trở về Bắc chúng tôi sẽ ra khỏi quân đội. Nhưng hễ nà Bê quay rồi thì chúng tối không còn ra cái thớ gì nữa hay sao?

Một anh gầy nhom, răng khểnh, tóc xụ xuống che cái trán như một cái lưỡi trai, anh ta dựng một tay lên đầu gối và nói theo nhịp giơ lên bổ xuống của cánh tay này và không nhìn vào trạm trưởng:

- Chúng tôi vào quân đội không phải để ăn cắp! Vì thế người ta không thể muốn trét bùn vào mặt chúng tôi lúc nào thì trét, và nhất định là chúng tôi không thể để người ta trét bừa. Chúng tôi quay trở lại vì chúng tôi không thích đi Nam. Như thế không phải là chúng tôi hoàn toàn mất hết phẩm chất. Chúng tối bị lột mũ, lột sao trên đầu nhưng chúng tôi không cần.

Một người gầy nhom đứng phắt lên lêu đêu khẳng khiu như một cái cọc mắc võng.

Anh ta nói giọng từ tốn, chấm phết rất rõ ràng như một giáo viên đang giảng bài:

- Trạm mất đồ, trạm có quyền nghi ngờ. Đó là quyền của trạm. Chúng tôi là khách chỉ nghỉ chân một đêm ở đây rồi đi. Và chúng tôi bị trạm nghi ngờ. Phải nói trắng ra như vậy. – Anh ta nuốt nước bọt một cách trầm tĩnh

– Thế nhưng nếu muốn buộc tội kẻ khác, chỉ nghi ngờ thôi chưa đủ, cần phải có bằng chứng. Chúng tôi, những kẻ bị nghi ngờ, không biết dúng hay sai, mong chờ trạm trưởng bằng chứng đích xác!

Chừng, nãy giờ ngồi hút thuốc, xem như chuyện của ai không phải chuyện của mình, bây giờ mới lên tiếng:

- Tôi nói thật với anh nhé anh trạm trưởng – Chừng cười mũi – trong đời tôi chưa bị ai làm nhục nhưng trên đường Trường Sơn này thì tôi bị rất nhiều lần, mà đây là một. Tôi đã từng mang nhiều thương tích trong người đây, đây, và đây – Anh xăn quần vạch bụng và đập vào tay

– Nhưng ngày hôm nay tôi coi công lao của tôi như dã tràng xe cát chỉ vì tôi không chịu đi Nam, chứ đến bây giờ nếu tôi tình nguyện đi thì tôi sẽ được phục hồi chức vụ cũ. Nhưng đối với tôi cái gì tôi đã quyết định rồi là tôi không thay đổi. Tôi nói như thế để cho các anh biết rõ về tôi là một thằng như thế nào!

Chừng ngưng một chút rồi tiếp:

- Người ở đây năm cha ba mẹ, cá mè một lứa không ai khiển được ai. Cho nên các anh mất lợn thì các anh cứ tìm bằng chứng, nếu các anh bắt được ai , người đó chịu, còn tôi thì tôi chẳng chịu trách nhiệm về ai cả.

Khanh nói:

- Ở đây không phải chúng tôi đòi các anh thường bồi gì cả.

Một anh “Bê quay” la to:

- Chúng tôi chỉ yêu cầu các đồng chí đừng có đem ách giữa đường mà mang vào cổ chúng tôi.

- Vậy cái gì đây? – một anh giao liên ném một cái ga-men vào giữa sân rồi đứng nghênh mặt nhìn đám “Bê quay”: – Còn chối nữa thôi?

- Nhưng đâu phải của chúng tôi?

Anh giao liên nóng tiết, nhảy cỡn lên như đạp phải gai:

- Các anh cương quyết không nhận phải không?

- Có đâu mà nhận?

Anh giao liên quay ra ngoài nói tiếng thiểu số. Một chốc hai anh thiểu số mang vào ba chiếc ba-lô no phình.

Đám Bê quay bắt đầu nhớn nhác. Chừng nhìn xuống đất. Chẳng ngờ những bằng chứng laị rõ rệt một cách tàn nhẫn như thế. Khanh rất tức tối không họ cự laị Khanh, nhưng bây giờ Khanh lại thấy khổ.

Khanh muốn ngăn anh giao liên lại, nhưng hai anh thiểu số đã mở mấy chiếc ba-lô và lôi ra những gói thịt luộc chảy nước ròng ròng. Họ ném tất cả xuống đất. Nào thịt nạc, nào gan, nào phèo… Cái đầu lợn còn nguyên. Cặp mắt con lợn trợn lên và cái miệng bạnh ra như cười đời.

- Ba-lô này có phải là ba-lô của các anh không?

Hai anh thiểu số khoa tay múa chân. Họ nói sùi cả bọt mép. Một người sấn tới trước đám “Bê quay” nom sát vào mặt họ và vung cả nắm tay lên.

Khanh nói bằng tiếng thiểu số một thôi dài. Hai người thanh niên mới chịu nín hẳn.

Khanh nói với Chừng:

- Thôi cho anh em về đi. Ba-lô của anh nào thì cứ mang về.

Chừng đứng đậy, phủi đít chửi đổng một câu:

– … mẹ! ngày mai có ra đường lấy cái thúng mà úp cái đầu lại!

Tôi và Thu đứng trong nhà xem rõ từ đầu đến cuối. Nhìn những miếng thịt nằm lăn lóc trên sân tôi không còn hiểu ra làm sao nữa.

Anh chàng cao lêu đêu và cái anh có mái tóc như cái lưỡi trai vẫn còn ở đó đợi cho mọi người đi hết rồi, hai chàng hiệp sĩ mới bước ra hay tay xách mấy cái ba-lô kéo lết dưới đất vừa đi vừa lầm bầm:

- Mẹ nó, nó sợ xấu mặt không xách, cứ để cho mình!

Anh cómái tóc như lưỡi trải ngó quanh quất rồi bước ra xách ba-lô và quay lại chợt trông thấy Thu, anh ta cố ý làm ra vẻ tự nhiên. Anh ta cất giọng hát:

- Súng một nòng, đạn hai viên, bắn ai chẳng bắn , tôi chỉ bắn cái thuyền quyên của nàng… i i i i.... rồi ngất ngưỡng đi thẳng.

Khanh ngồi trong nhà cố ý tránh mặt để họ lấy ba-lô của họ cho đỡ ngượng. Khanh quay sang tôi và Thu:

- Anh chị xem họ coi trời bằng vung chưa?

Khanh lắc đầu và thở dài. Khanh lấy thuốc ngồi hút, chẩm rãi phà từng ngụm khói và lại lắc đầu:

- Tôi làm trạm trưởng ở xứ này đã hai năm. Tôi đã đụng với các bố nhiều trận lắm, có trận các bố suýt bắn tôi, nhưng chưa có trận nào tôi bị như trận này.Tôi thắng mà tôi khổ tâm . Thắng mà khổ hơn bại, còn hơn đại bại.

Tôi kiếm cách lảng đi, không muốn nghe thêm.

Qua con sông này rồi thì tôi mới chắc ăn. Dù bệnh nặng người ta cũng không đưa ra Bắc nữa.

Cho nên đã có những người như tôi khi qua được con sông này rồi, lột nón xá dài.

Còn ai lơ mơ không quyết tâm đi Nam thì nằm lại đây “suy nghĩ”, hoặc tìm, hoặc tạo lý do để mà “quay”.

Tôi và Thu là tiêu biểu cho hai hạng người trên đây: Tôi thì sợ bệnh nặng, bị cáng trở ra Bắc. Còn Thu thì suy nghĩ với chiều hướng làm “bê quay”!

Riêng ông Chín thì đã đuổi kịp một trong những người mang đồ ăn giúp ông nhưng các vị này đã xơi hết nhẵn rồi.

Chúng tôi thấy ở trong trạm chật chội và riêng Thu đã bị anh trạm trưởng trổ mòi lôi thôi, cho nên chúng tôi dời ra rừng mong tìm lấy sự yên tĩnh.

No comments:

Post a Comment