Vấn đề Thanh Niên Xung Phong trong chiến tranh Việt Nam
Tác giả: François Guillemot
Người dịch: Phương Hòa
Người dịch: Phương Hòa
Bài khảo cứu khá dài về lịch sử và văn học nhằm chỉ ra một góc tối trong chiến tranh Việt Nam. Đọc để hiểu biết và tưởng nhớ những con người hết sức tội nghiệp (đa số thuộc phái nữ) đã đánh mất cả cuộc đời mình, chuốc lấy đau khổ cùng cực trong và sau khi phục vụ chiến tranh mà hầu như không được mấy ai chú ý. Và cũng để nhận ra sự phản bội sau chiến thắng của giới cầm quyền cao độ đến mức nào vì không mang lại tự do và hạnh phúc cho dân tộc như đã hứa hẹn.
"Không phải đảng viên, không phải dân quân, không phải quân đội, TNXP tồn tại giữa sự hy sinh và trừng phạt, giữa chủ nghĩa ái quốc và cạm bẫy chính trị."
"Không phải đảng viên, không phải dân quân, không phải quân đội, TNXP tồn tại giữa sự hy sinh và trừng phạt, giữa chủ nghĩa ái quốc và cạm bẫy chính trị."
"Máu V2 có thể chảy nhưng đường V2 không thể tắc"
(Biển tuyên truyền trên đường mòn Hồ Chí Minh trong thời kỳ chiến tranh)
"Lúc ấy họ là những người lính chỉ đáng giá ba xu"
(Những cô gái bị lãng quên của đường mòn Hồ Chí Minh, 2003)
Dẫn nhập
Dù "chiến tranh Việt Nam" đã chính thức kết thúc vào ngày 30 tháng 4 năm 1975 với sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn cách đây 35 năm, nhưng sự xung đột tại Việt Nam vẫn còn là đề tài cho rất nhiều câu hỏi đang được nghiên cứu. Như mọi người đều biết, từ năm 1954 đến 1975, ngoài việc bị lôi cuốn trong khuôn khổ Chiến tranh lạnh với một tầm vóc quốc tế quan trọng, sự xung đột này được thể hiện dưới hình thức một cuộc chiến huynh đệ tương tàn giữa hai Nhà nước đối lập nhau về một ý thức hệ và ngăn cách nhau bằng một đường biên giới. Ai cũng biết rõ những khía cạnh chính trị và quân sự của cuộc chiến, nhưng còn những vùng tối khác cần phải được nghiên cứu thêm, đặc biệt là ảnh hưởng của nó với các lực lượng dân công, bản chất của những đoàn quân được tuyển mộ, vai trò của phụ nữ, hàng loạt vấn đề xoay quanh "văn hóa chiến tranh" và những đoàn thể bị mắc trong gọng kềm của cuộc chiến đó.
Khi nêu lên vấn đề về bản chất của cuộc chiến, công trình nghiên cứu này nhằm mục đích nghiên cứu lịch sử của một lực lượng xã hội và quân sự có tên là "Thanh niên xung phong" trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam giữa hai nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (miền Bắc) và Việt Nam Cộng hòa (miền Nam) chủ yếu diễn ra từ năm 1965 đến 1975. Nụ cười rạng rỡ của các cô gái anh hùng trên nhật báo và phim ảnh tuyên truyền của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong chiến tranh đã chu du khắp thế giới, nhưng số phận bi thảm của chính những người nữ anh hùng vô danh này vẫn chưa được mọi người biết đến đầy đủ. Vấn đề này vẫn còn mang tính nhạy cảm ở Việt Nam dù người ta đã giới thiệu một bộ sử mang tính thực chứng về cuộc đấu tranh giải phóng đất nước; bộ sử này mới đây đã góp phần trong việc xác định một vị trí quan trọng hơn của các nhân vật lịch sử bị lãng quên, đặc biệt là của thành viên các đoàn Thanh niên xung phong.
Được chia làm bốn phần, đề tài tôi sẽ đề cập đến là cuộc phiêu lưu đầy giông bão của những "Thanh niên xung phong" đắm chìm trong ngọn lửa chiến tranh. Trong phần đầu, điều quan trọng là đặt ra những cột mốc lịch sử cần thiết để người đọc hiểu được việc hình thành lực lượng tập thể phục vụ chiến tranh này và, trong phần thứ hai, nhận ra được cơ cấu của nó, cùng những nam nữ thanh niên đã tham gia trong cuộc. Trong phần thứ ba, tôi xem xét hiện thực khốc liệt đổ lên cơ thể thanh niên xung phong, những người trải qua bao gian khó chiến tranh; đây cũng là vấn đề trọng tâm của công trình nghiên cứu này. Tôi sẽ phác thảo bức tranh những cơ thể trong chiến tranh này, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng; tôi sẽ xem xét quá trình sáng tạo, kết cấu, tan rã và cuối cùng là tái tạo những cơ thể đó. Trong phần cuối, tôi sẽ đề cập một cách ngắn gọn hậu quả của kinh nghiệm bi thảm này, và xem xét vai trò của các yếu tố tâm lý và hồi ức cá nhân, cũng như các nhân tố xã hội và lịch sử có liên quan. Những người chịu trách nhiệm và việc quản lý khó khăn thời hậu chiến sẽ được đề cập ngầm ẩn trong phần kết luận của công trình nghiên cứu bước đầu này.
I. Yêu cầu của cuộc chiến tranh nhân dân: việc hình thành một lực lượng thanh niên tập thể đặc biệt
Nhiệm vụ đầu tiên của "thời đại lịch sử" của chúng ta là dựng lên những cột mốc cần thiết để mọi người hiểu được hiện tượng này. Tuy nhiên, trước khi ta đi sâu vào quá trình hình thành của lực lượng tập thể ấy, thiết tưởng cần phải phân tích bản thân khái niệm về Thanh niên xung phong (sau đây viết tắt là TNXP). Có nhiều cách dịch cụm từ này bằng tiếng Anh cũng như tiếng Pháp [1]. Tên gọi "TNXP", được sử dụng để chỉ một tập hợp thanh niên nguyện hiến "thể xác và tâm hồn" cho chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong chiến tranh, dẫn đến nhiều khía cạnh cần phải xác định lại. Đó là một tổ chức xã hội và chính trị bao gồm những người trẻ (thanh niên) và được Nhà nước - Đảng của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lập ra từ năm 1950. Tổ chức này được chỉ định phải hoàn thành một nhiệm vụ được miêu tả bằng những thuật ngữ như "xung phong" hoặc "xung kích", một hình dung từ mạnh mẽ miêu tả một lực lượng thanh niên sẵn sàng xông lên, trong lòng họ chủ nghĩa duy ý chí hòa lẫn với lòng yêu nước [2].
Sự xuất hiện của lực lượng này - trên khái niệm có thể được xác định bằng ngày tháng cụ thể. Thuật ngữ này chính thức xuất hiện trong một chỉ thị của Ban thường vụ trung ương ngày 3 tháng 5 năm 1950 có liên quan đến chiến dịch động viên cho biên giới Việt-Trung khi chiến tranh Đông dương đang lúc đỉnh điểm [3]. Tiêu đề của chỉ thị đã chỉ ra mục đích phục vụ quân sự: "Về việc sửa đường và vận tải". Dù ngôn từ còn chịu ảnh hưởng khá nặng của chủ nghĩa Mao (Thanh niên đột kích đội - Youth Shock Brigades), chỉ thị ngày 3 tháng 5 năm 1950 sử dụng trực tiếp cụm từ tiếng Pháp "brigade de choc", một cụm từ chính trị-quân sự thông dụng trong các đảng cộng sản châu Âu thời bấy giờ.
Tính độc đáo và đặc thù của Việt Nam chính là đã chuyển đổi thuật ngữ này, xuất phát từ ngôn ngữ chính trị Trung-Xô, thành một thuật ngữ đặc trưng gắn liền với chiến tranh và với việc tái thiết hậu chiến. Những TNXP sẽ là đội tiên phong của hậu tuyến thời chiến tranh (hậu cần: phục vụ tuyến sau) và của việc chuyển sang xã hội chủ nghĩa trong thời bình. Tính đặc trưng của lực lượng này được nhắc lại trong định nghĩa rõ ràng của Trần Hữu Đính: "[là] một đội quân lao động, chiến đấu đặc biệt của tuổi trẻ Việt Nam và là một lực lượng dự bị hùng hậu cho giai cấp công nhân Việt Nam" [4]. Trong thời chiến, đội hậu vệ ở tuyến đầu này sẽ là những "tay và chân của cuộc chiến". Bách khoa Toàn thư Quân sự Việt Nam đưa ra một định nghĩa khác, trong đó những nhiệm vụ của TNXP được xác định rõ ràng hơn: "[là] lực lượng thanh niên Việt Nam tự nguyện, trực tiếp thực hiện nhiệm vụ phục vụ chiến đấu và một số nhiệm vụ khác (mở đường, sửa chữa đường, điều chỉnh giao thông, vận chuyển hàng quân sự, tải thương, quan sát và đánh dấu vị trí bom nổ chậm, thủy lôi của địch...) [5]". Về mặt lý thuyết, nhiều chỉ thị được soạn thảo trong thời gian này đều nhắc nhở rằng thanh niên xung phong "là một lực lượng lao động đặc biệt, có ba nhiệm vụ: lao động sản xuất, sẵn sàng chiến đấu và học tập rèn luyện [6]".
Những lời minh chứng của các cựu TNXP xác định vai trò thực sự của họ: "Trước những trận đánh, họ luôn `đi trước' mở đường, xây dựng chiến tuyến, rồi trực tiếp tham gia chiến đấu, cuối cùng họ lại chính là những người `về sau' thu dọn chiến trường, tải thương, chôn cất liệt sĩ [7]". Cụm từ "những người đi trước về sau" tự thân nó đã tổng kết được nhiệm vụ khổng lồ trên giao cho họ.
Dựa trên cụm từ chung "Thanh niên xung phong", nhiều khái niệm đã được những người lãnh đạo cộng sản Việt Nam chọn lựa để nối kết lực lượng thanh niên này vào quá trình tiến hóa của lịch sử và việc chép sử, vào các tình huống chiến tranh khác nhau từ 1950 đến 1975. Theo ghi chép trong sách sử chính thức, có nhiều lực lượng đã nối tiếp nhau kể từ tháng bảy 1950 và cũng được phân chia thành ba "thế hệ" lớn: thế hệ TNXP tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp; thế hệ TNXP chống Mỹ, giải phóng miền Nam; thế hệ TNXP xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (sau đại thắng mùa Xuân 1975) [8]. Có thể nói, dù xuất phát từ một nguồn gốc mang đậm dấu ấn của thế giới cộng sản, một kiểu mẫu Việt Nam mang tính quốc gia đã được lập ra cùng với cuộc chiến. Từ năm 1965, lực lượng tập thể Thanh niên xung phong đã được đặt cho một cái tên viết tắt là "TNXP", một phù hiệu biểu trưng [9], một màu xanh lá cây riêng biệt, một nền văn hóa (các khẩu hiệu, bài ca, phim ảnh) [10]. Bằng cách này, lực lượng - trên khái niệm và lực lượng tập thể TNXP trở nên rất dễ nhận ra. Ở đây tôi đặc biệt quan tâm đến các lực lượng TNXP được gọi là "chống Mỹ cứu nước" từ năm 1965 đến năm 1975.
Ngày 15 tháng bảy 1950, Hồ Chí Minh quyết định thành lập một lực lượng thanh niên đặc biệt để phục vụ chiến tranh. Thế là, một lần nữa, chúng ta thấy được cao trào của việc Mao-hóa trong quân đội nhân dân Việt Nam và có thể xác chứng được rằng, những TNXP đều phát xuất từ quá trình này. Để tranh thủ được sự ủng hộ của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa mới được thành lập (tháng 10 năm 1949), Đảng Cộng sản Đông Dương đã vạch ra một chiến lược chính trị quân sự mới. Vào tháng 6 năm 1950, Ban Thường vụ Trung ương của Việt Minh quyết định chuyển mặt trận chiến đấu lên biên giới thông qua một loạt những chiến dịch được gọi là "chiến dịch Biên giới" rồi đây sẽ giáng trả rất ác liệt lực lượng CEFEO (Đạo quân viễn chinh Pháp ở Viễn đông). Ngoài ra, những chiến dịch này còn cho phép kiểm soát một vùng biên giới Trung-Việt rộng lớn, mở ra những tuyến đường liên lạc với Trung Hoa của Mao và củng cố lại chiến khu Việt Minh ở Việt Bắc [11]. Khối lượng lớn công việc này cần đến việc tuyển mộ những lực lượng bổ sung quan trọng. Chính trong hoàn cảnh nhằm thiết lập một mối tương quan mới của lực lượng biên giới và tranh thủ sự ủng hộ quân sự của Trung Quốc - chiến lược đánh dấu bước ngoặt giữa chiến tranh tái chiếm của chủ nghĩa thực dân mới và mặt trận nóng bỏng của chiến tranh lạnh - mà nhóm "TNXP" đầu tiên đã ra đời.
Từ 1950 đến 1954, các lực lượng TNXP được thử nghiệm qua nhiều giai đoạn, một sự thử nghiệm đặt dưới sự kiểm soát trực tiếp của Hồ Chí Minh và của Vũ Kỳ, người thân tín của ông ta. Lúc đầu, khi còn được đặt dưới sự giám sát của hai tổ chức thanh niên của Đảng Cộng sản Đông dương [12], những đội TNXP đầu tiên chỉ quy tụ được vỏn vẹn có 225 thành viên, một con số được sử sách chính thức nhấn mạnh. Nhiệm vụ được trên giao cho họ với tư cách là "dân công" trên mặt trận Đông-Bắc chủ yếu là tham gia vào nỗ lực mở những tuyến đường và chuyển vận hàng tiếp tế vũ khí và thực phẩm [13]. Đặc biệt, lực lượng cơ động mới này còn cho phép bù đắp những thiếu thốn trong vận chuyển bằng đường sắt và thực hiện việc vận tải trong những vùng núi non hiểm trở khó đi lại. Nhiệm vụ của các TNXP nhanh chóng trở nên gian khổ khi họ phải đối mặt với chiến tranh. Những tử sĩ TNXP đầu tiên đã ngã xuống trong trận Đông Khê ngày 16 tháng 9 năm 1950. Đó là trận đánh quy mô đầu tiên đối với những TNXP đảm bảo một phần công tác vận chuyển 8 tấn hàng quân nhu thu được của Pháp cũng như công tác tải thương [14].
Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong chuyến kinh lý thanh tra Liên phân đội TNXP 312, ngày 20 tháng 3 năm 1951, tại Nà Cù, Bắc Kạn (vùng Việt Bắc), đã nhân cơ hội làm thơ về nhiệm vụ vẻ vang và dũng cảm mà những thanh niên mới được tuyển mộ cần phải hoàn thành. Trong chuyến viếng thăm bất ngờ này, người đứng đầu nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ứng tác và tặng các TNXP 4 câu thơ sau đây: "Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền. Đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên [15]."
Với chiến thắng biên giới, được minh họa bằng thất bại rúng động của quân Pháp từ cuối năm 1950 ở Cao Bằng, các lãnh đạo Việt Minh quyết định mở rộng việc động viên. Trong suốt những năm sau đó cho đến năm 1954, quân số của lực lượng đã lên đến hàng mấy vạn; theo các tài liệu nghiên cứu quân sự thì con số này dao động từ 14.000 đến 23.000 người được tuyển mộ [16].
Nhiệm vụ lớn cuối cùng của TNXP trong chiến tranh chống Pháp và Chính phủ Bảo Đại được cụ thể hóa bằng việc chuẩn bị phi thường trong trận đánh Điện Biên Phủ. Võ Nguyên Giáp đã cho tuyển mộ hàng vạn phu tạp dịch, phu khuân vác, dân công và những nhóm "TNXP" để hoàn thành một công việc gần như đội đá vá trời. Quân số của TNXP, vào giữa năm 1953 chỉ có khoảng 15.000, đã tăng lên để đạt được 22.000 người mới tuyển vào thời điểm ác liệt nhất của trận đánh [17]. Đặc biệt, 8.000 người được tuyển xuất phát từ hàng ngũ TNXP được đưa ra trực tiếp phục vụ mặt trận để bù đắp lại những tổn thất lớn trong quân đội nhân dân. Có nghĩa là trong số 42.000 quân được tuyển mộ cho chiến dịch Điện Biên Phủ, cứ 5 người thì có 1 người xuất phát từ hàng ngũ TNXP [18]. Vũ Thị Hòa thừa nhận: "Có thể nói sự phát triển Đoàn TNXP là do yêu cầu của chiến dịch Điện Biên Phủ [19]." Nhiệm vụ chủ yếu của TNXP trong thế trận Điện Biên Phủ là sửa chữa và mở đường, là trợ giúp, thậm chí, trong trường hợp cần thiết, là thay thế những người lính của bộ đội chính quy [20]. Như vậy, trong cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, những nhiệm vụ trên giao cho các TNXP được phân loại như sau: mở và sửa chữa những tuyến đường thông tin liên lạc, xây cầu và làm bè để vượt sông, lấp hố bom, phá bom nổ chậm, vận chuyển hàng quân nhu, khí tài và lương thực cho các chiến sĩ ngoài mặt trận [21]. Nói rõ ra, họ đảm bảo công tác hậu cần đặc biệt cho cuộc chiến tranh này.
Sau chiến tranh, các đội TNXP giải thể, họ được tổ chức lại và sung dụng vào cũng việc tái thiết nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong suốt thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, trọng tâm được đặt trên phong trào thi đua lao động trong việc xây dựng lại đường sá và trong công tác nông nghiệp [22]. Phụ nữ càng lúc càng đóng vai trò chủ yếu trong việc huy động nhân lực để xây dựng tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Theo kiểu "Những cô gái thép" trong thập niên 60 ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, thông qua các đội TNXP, người ta đã huy động ồ ạt thanh nữ Việt Nam nhằm hỗ trợ các kế hoạch năm năm để xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc trước khi họ được động viên thêm một lần nữa để phục vụ cho những nỗ lực của cuộc chiến tranh mới.
Từ 1965, một bước ngoặt căn bản được hình thành [23]. Dựa vào những kinh nghiệm trong quá khứ, Ủy ban Trung ương Đảng Lao động quyết định tổ chức hai lực lượng TNXP mới để đối phó với tình hình khẩn cấp khi quân Mỹ can thiệp vào miền Nam Việt Nam. Ngày 20 tháng 4 năm 1965, "Lực lượng TNXP Giải phóng Miền Nam Việt Nam" được thành lập tại Bảy Bàu (Tây Ninh) và đặt dưới quyền lãnh đạo của Nguyễn Đức Toàn, thành viên phong trào thanh niên của Đảng Nhân dân Cách mạng, phái viên chính trị ngầm của Hà Nội được cài cắm vào miền Nam [24]. Ngày 24 tháng 4, "Đội TNXP Chống Mỹ Cứu Nước" đầu tiên được thành lập ở tỉnh Thanh Hóa. Sau đó, phong trào này đã lan rộng khắp lãnh thổ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kể từ ngày 21 tháng 6 với chỉ thị số 71 của Thủ tướng quyết định chính thức thành lập những "Đội TNXP Chống Mỹ Cứu Nước tập trung" và khẳng định lại vai trò của nó trong việc phục vụ công tác giao thông vận tải [25]. Việc thành lập này, theo sáng kiến của Hồ Chí Minh, của Đảng ủy Trung ương và của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đã đạt sự nhất trí có thể nói là cao độ, và diễn ra trong một hoàn cảnh ý thức hệ đặc biệt được minh họa bằng hai phong trào thi đua rộng lớn nhắm vào giới thanh niên và phụ nữ. Ví dụ phong trào có tên là "Ba Sẵn Sàng", được phát động vào ngày 9 tháng 8 năm 1964, là một phong trào thi đua cách mạng rộng lớn nhắm vào thanh niên
1. Sẵn sàng gia nhập lực lượng võ trang đi chiến đấu;
2. Sẵn sàng khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, công tác, học tập;
3. Sẵn sàng đi bất cứ nơi nào tổ quốc cần [26].
Phong trào thứ hai, được gọi là "Ba Đảm Đang", có liên quan trực tiếp đến giới phụ nữ hơn, là một phong trào thi đua do hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động từ ngày 19 tháng 3 năm 1965, bao gồm
1. Gánh vác việc sản xuất và lao động thay cho nam giới ra mặt trận;
2. Gánh vác việc gia đình trong lúc chồng hoặc con trai vắng mặt;
3. Gánh vác việc trợ giúp cần thiết cho mặt trận và chuẩn bị chiến đấu [27].
Đối với các lực lượng TNXP được đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng (phong trào thanh niên của Mặt trận Dân tộc Giải phóng) lãnh đạo ở miền Nam, một phong trào thi đua tương tự cũng được phát động dưới tên gọi "Năm Xung Phong",
1. Xung phong tiêu diệt nhiều sinh lực địch;
2. Xung phong tòng quân giết giặc;
3. Xung phong trong các cuộc đấu tranh chính trị ở đô thị và nông thôn;
4. Xung phong phục vụ tiền tuyến;
5. Xung phong sản xuất nông nghiệp ở nông thôn [28].
Như vậy, các lực lượng TNXP Chống Mỹ mới đã được thành lập trong bầu không khí tổng động viên toàn quốc [29]. Ngoài ra, còn phải kể đến lời kêu gọi lòng yêu nước vang dội do Hồ Chí Minh tuyên đọc ngày 17 tháng 7 năm 1966 đã tạo được sự hưởng ứng rộng lớn trong ba đợt liên tiếp nhằm tuyển mộ TNXP cho cuộc chiến [30].
Để đối phó với tình hình chiến tranh khẩn cấp gắn liền với việc các lực lượng Mỹ đổ quân ồ ạt trong cuộc đối đầu, một đợt tuyển mộ tăng cường được phát động, và trong thời gian ngắn, đã có hơn 52.000 thanh niên gia nhập. Lòng yêu nước cuồng nhiệt nơi họ để hoàn thành việc giải phóng miền Nam được thể hiện qua khẩu hiệu "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" và được cụ thể hóa bằng hàng chục vạn chiến binh xây dựng nên đường mòn Hồ Chí Minh với một hệ thống chằng chịt dài 16.000 km. Trong suốt mười năm, tức từ 1965 đến 1975, "Lực lượng TNXP chống Mỹ" đã hình thành đội tiên phong nhiệt thành của một thế hệ trẻ hoàn toàn tận tụy với nỗ lực của chiến tranh. Họ trở thành mũi xung kích trong việc cung cấp võ khí và lương thực, tháo ngòi bom trên các tuyến đầu của mặt trận và đảm bảo các đường giao thông được thông suốt, một vấn đề sống còn trong việc chỉ đạo chiến tranh.
Hiện nay, những số liệu ước tính tổng quát liên quan đến nhiều thế hệ TNXP từ 1950 cho thấy có gần 220.000 cán bộ và đội viên tham gia. 80% quân số này thuộc quyền điều động của Bộ Giao thông Vận tải và ba phần tư các lực lượng này được hình thành từ những lực lượng TNXP tập trung của miền Bắc [31]. Quân số TNXP tập trung của miền Bắc lên đến 143.591 cán bộ và đội viên (chiếm khoảng 72% trong tổng số) [32]. Tuy nhiên số liệu được mọi người công nhận là 220.000 đội viên vẫn còn là một con số tối thiểu cần được đánh giá lại. Các nguồn thông tin chính thức khác xuất phát chủ yếu từ Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đưa ra con số tổng quát cao hơn nhiều là 330.000 cựu TNXP [33]. Thông tấn xã lại thông báo con số "hơn 335.800" cựu đội viên vào năm 2004 [34].
Có ba nét rõ rệt nổi bật từ quá trình phát triển của TNXP từ năm 1950 đến năm 1975: 1 - Quyết định đã được đưa ra từ cấp cao nhất của Nhà nước. Hồ Chí Minh đã đích thân giám sát việc thực hiện và theo dõi quá trình phát triển của phong trào trước khi trao lại quyền chỉ huy cho guồng máy của Đảng Lao động do Lê Duẩn lãnh đạo vào thời ấy; 2 - Việc tuyển mộ và biên chế lực lượng được thực hiện khẩn cấp mà không lường trước được những hậu quả về con người. Điều này đặc biệt lộ rõ trong thời kỳ từ 1965 đến 1975 với việc các cô gái xung phong gia nhập ồ ạt; 3 - Việc giải quyết quy chế và chế độ cho các cựu đội viên của lực lượng này thường muộn màng, cứng nhắc và mang nặng tính chính trị.
Trong chiến tranh, việc quản lý các nguồn nhân lực của TNXP chủ yếu mang tính ý thức hệ và quân sự. Nó được kiện toàn dần qua các chiến dịch tuyển mộ và sự phát triển các trận đánh. Tình cảm chung xuất phát từ việc quản lý lực lượng tập thể này - được thành lập vì và do chiến tranh cách mạng - vẫn là thứ tình cảm của một đội quân dự bị, phần đông là nữ, chịu đựng gian khổ mà không than thở, sẵn sàng tuân phục việc huấn thị ý thức hệ tuy sơ đẳngnhưng rất gắt gao. Với danh nghĩa ấy, đức vâng lời là một yêu cầu tuyệt đối như đã được nêu ra trong lời thề mười điểm hay còn được gọi là mười điều kỳ luật của các đội viên TNXP và nội quy của tổ chức. Điểm đầu tiên của lời thề nhắc lại sứ mệnh thiêng liêng của các TNXP là: "Sẵn sàng hy sinh vô điều kiện vì Tổ quốc Việt Nam, vì sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, ra sức xây dựng và bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, tích cực ủng hộ cách mạng giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc." [35]
II. Một lực lượng phục vụ chiến tranh: thành phần và cách nhận biết
Việc nghiên cứu lực lượng này - được hình thành từ một bô phận của tuổi trẻ Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh - đòi hỏi đi sâu tìm hiểu thành phần xã hội, sắc tộc hoặc địa phương của nó ngay cả khi những câu hỏi như: Ai? Ở đâu? và Bao nhiêu? vẫn còn đặt ra nhiều vấn đề.
Việc tập hợp những TNXP đã tiến triển trong những năm chiến tranh, nhưng sơ đồ tổ chức của lực lượng này không hề thay đổi theo dòng thời gian. Do đó, công trình nghiên cứu của tôi đặc biệt tập trung hơn vào thời kỳ của những "TNXP chống Mỹ", sơ đồ tổ chức của họ có dạng của một cấu trúc kim tự tháp mà trên đỉnh là Ban Bí thư Trung ương Đoàn, có Ban Chỉ đạo TNXP Trung ương tiếp sức. Ban Chỉ đạo này có dưới tay bốn Ban trọng yếu của TNXP có liên hệ với các cơ quan có sử dụng nhân lực của họ:
1. Ban Chỉ đạo TNXP tỉnh thành đoàn;
2. Ban Chỉ đạo TNXP ngành Giao thông Vận tải Trung ương;
3. Đoàn 559 phục vụ Quốc phòng [đường mòn Hồ Chí Minh];
4. Ban cán sự Thanh niên ngành Lâm nghiệp [36].
Xếp theo tầm mức quan trọng, ngành Giao thông Vận tải bỏ xa các cơ quan khác với 9 Cục và Ban có sử dụng các đơn vị TNXP: các Cục I, II, Đường sắt, Ôtô-ray, Đường sông, Đường biển, Quản lý Quân lương, các Ban 64 và 67. Ba phần tư số "TNXP chống Mỹ" được tuyển mộ được phân bổ vào các Cục và Ban này dưới sự lãnh đạo của Bộ Giao thông Vận tải. Đoàn 559 - nổi tiếng vì được sử dụng vào việc mở đường mòn Hồ Chí Minh xuyên qua rừng già - cũng tập hợp được khoảng 6.700 "Thanh niên Tình nguyện" trong số 120.000 quân mới tuyển [37].
Các Đội hoặc Tổng đội TNXP sau đó được chia thành Đại đội rồi thành Tiểu đội, đơn vị nền tảng của cấu trúc [38]. Các nhóm TNXP khác nhau thường mang một phiên hiệu riêng cho mình. Vì thế, người ta dễ nhận ra mỗi Liên đội, Đội, Đại đội hoặc Tiểu đội qua phiên hiệu của họ [39]. Từ 1965 đến 1975, Nguyễn Văn Đệ thống kê có đến 131 Đội, 34 Đại đội độc lập hoạt động tại các địa phương cũng như có 4 đội khác không ghi rõ nguyên quán [40]. Tuy nhiên, thực hiện việc thống kê các đội cho cả ba thời kỳ tuyển mộ không dễ. Trong suốt thời kỳ chiến tranh, có khoảng mười đội không thay đổi phiên hiệu [41]. Thêm vào đó là một số vấn đề khác như việc xây dựng lại các đơn vị, đặc biệt là đối với các đội đang lao động trên đường mòn Hồ Chí Minh, hoặc là việc cấp mã thiếu chính xác hay hoàn toàn tách biệt với công tác mã hóa thông thường [42].
Việc tuyển mộ xét theo vùng địa lý có thể được xác định lại cần cứ vào những chiến dịch động viên ở Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chiến dịch mộ quân và tuyển chọn TNXP đầu tiên kể từ tháng 8 năm 1950 chủ yếu liên quan đến các tỉnh Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang. Để đáp ứng nhu cầu về người cho chiến dịch Điện Biên Phủ, ba tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh cung ứng phần lớn quân mới tuyển. Đặc biệt, tỉnh Thanh Hóa, với việc huy động được 18.000 đội viên TNXP trong suốt cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, đã đóng góp nhiều nhất cho nỗ lực chiến tranh [43].
Trong thời kỳ từ 1965 đến 1975, việc tuyển mộ trở nên ồ ạt và thường xuyên để đáp ứng sự phát triển và những bất trắc của chiến tranh. Phạm vi địa lý của việc tuyển mộ bao gồm 24 tỉnh của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhưng chỉ một vài tỉnh mới chứng tỏ được phần đóng góp quan trọng của mình. Trên thực tế, đứng đầu vẫn là tỉnh Thanh Hóa khi, theo số liệu báo cáo, đã mộ được từ 33.000 đến 43.000 thanh niên sẵn sàng đưa ra phục vụ chiến tranh (chiếm khoảng 25% trên tổng số). Ba tỉnh khác là Nghệ An, Hà Tĩnh và Nam Hà theo sau với phần đóng góp là gần 15.000 người cho mỗi tỉnh. Ba tỉnh mới (Hải Hưng, Thái Bình, Quảng Bình) nối gót toán dẫn đầu này với một nỗ lực đóng góp từ 6.000 đến 10.000 quân mới tuyển. Bảy tỉnh này góp tổng cộng hơn 70% lực lượng TNXP trong thời kỳ chống Mỹ. Việc tuyển mộ cũng được triển khai theo vùng địa lý gắn liền với những địa phương gần mặt trận, chủ yếu liên quan đến ba khu vực sau đây: những vùng phụ cận ngay sát đường biên giới và đường mòn Hồ Chí Minh, chung quanh khu vực cảng Hải Phòng và thành phố Hà Nội (tuyển được khoảng 6.000 quân).
Những chiến dịch tuyển mộ cũng tuân theo một lịch phân chia định kỳ rõ rệt. Như tôi đã đề cập đến việc này trên đây, từ 1965 đến 1975, những TNXP được tuyển ồ ạt qua ba thời kỳ, mỗi thời kỳ có hạn phục vụ là ba năm, theo thống kê sau đây của Nguyễn Văn Đệ: thời kỳ I, từ 1965 đến 1967, tuyển được 73.851 người (với 25 đợt tuyển); thời kỳ II, từ 1968 đến 1971, tuyển được 27.770 người (với 15 đợt tuyển); thời kỳ III, từ 1972 đến 1975, tuyển được 41.770 người (với 35 đợt tuyển) [44]. Thời kỳ đầu tiên từ 1965 đến 1967 cho thấy một tỷ lệ tuyển mộ rất cao (chiếm 51,50% trên tổng số), điều này được lý giải như là việc khai động thế trận kháng chiến và tổng động viên các lực ượng quốc gia phục vụ mặt trận (các chiến dịch "Ba sẵn sàng" và "Ba đảm đang").
Tuy không đi sâu nghiên cứu xã hội học, việc tuyển mộ TNXP do đây vẫn là một công việc tự thân nó còn phải làm rất nhiều, vấn đề thành phần xã hội của TNXP cũng cần được đặt ra. Những người được tuyển mộ là ai? Về mặt chính thức, việc tuyển mộ hoàn toàn nhắm vào những thanh niên không phân biệt giai cấp xã hội, tôn giáo, nguồn gốc sắc tộc, nhưng trên thực tế thì lại không mấy rõ ràng [45] Hà Nội, Nxb Thanh Niên, 1967, tr. 7-8.. Đại đa số TNXP đều được chọn từ thanh niên nông thôn: "chủ yếu là thanh niên xuất thân từ các hợp tác xã nông nghiệp, học sinh các trường sơ cấp và chuyên nghiệp và con em cán bộ." [46] Trong số họ, đa phần là những thiếu niên nam nữ tuổi từ 15 đến 20. Trong nhiều trường hợp, tuổi quy định để gia nhập TNXP hạ xuống còn 13 tuổi. Đó chính là trường hợp đặc biệt của những nhóm "TNXP Giải phóng Miền Nam" có độ tuổi từ 13 đến 24 tuổi [47]. Trong số những thanh nữ được tuyển thì học sinh nữ hiện diện rất thường xuyên. Do đó, một báo cáo của chiến dịch thi đua năm 1967 chỉ rõ ra rằng "một số khá đông những học sinh nữ cấp II và III đã tạm thời rời khỏi ghế nhà trường để nắm lấy cơ hội duy nhất này - chỉ xảy ra một lần mỗi thế kỷ - để đem thân phục vụ cho Tổ quốc" [48]. Điều này cho phép hiểu ngầm rằng những thanh nữ 12 hoặc 13 tuổi cũng có thể được tuyển trong trường hợp cần thiết.
Đối với những thiếu niên-lính này (thậm chí trong một vài trường hợp là trẻ em-lính), vô khí chỉ là cuốc chim đơn giản, xẻng lớn và hành trang trí thức ít ỏi mang theo người chỉ là vài năm học sơ cấp ở trường. Họ gặp nhau và chỉ trong mấy ngày là bị đẩy ra tuyến lửa. Không có kiến thức quân sự, tất cả họ đều được huấn luyện tại chỗ như câu khẩu hiệu "Khắc làm, khắc biết" đã tóm ý [49]. Đối với những học sinh nữ ở các thành phố chẳnng biết gì ngoài việc cầm bút, tham gia các cũng việc lặt vặt trong gia đình, hãy còn được mẹ nuông chiều và ban đêm vẫn còn sợ ma thì sự hụt hẫng của họ thật dữ dội [50]. Sau khi được tập hợp và biên chế thành đơn vị, những TNXP được nhanh chóng gọi ra tuyến lửa. Văn Tùng và Nguyễn Hồng Thanh nhắc lại những điều kiện khủng khiếp của chuyến lên đường ra mặt trận:
"Nhiều đội viên chưa một lần xa nhà. Phần lớn họ là những thanh niên nông thôn, chưa quen đi bộ đường xa 5 - 7 km, nay phải hành quân mang nặng, phải trèo đèo, lội suối, qua truông dài hun hút. Có đơn vị khi lên đường vẫn chưa có dép, hoặc có nhưng không đúng cỡ, phần lớn anh em phải đi chân đất, bàn chân phồng rộp. Một số đội viên TNXP đã ngã xuống ngay trên đường hành quân, vì bom đạn Mỹ hoặc do rắn cắn, chưa kịp một ngày cống hiến." [51]
Về việc cung cấp, thông tư ngày 30 tháng 6 năm 1965 có quy định về khẩu phần, lương bổng, trang phục, nhưng tất cả đều thiếu. Về mặt thực phẩm, ngày 11 tháng tám 1965, Bộ Nội vụ ra sắc lệnh về khẩu phần lương thực chính thức hằng tháng phải phân phối cho các TNXP [52]. Dù cho rất rõ ràng, những sắc lệnh có liên quan đến việc tiếp tế vẫn đơn thuần mang tính lý thuyết và hoàn toàn không phù hợp với thực tế khắc nghiệt của chiến trường. Do Mỹ ném bom thường xuyên nên tình trạng thiếu thốn (lương thực và quần áo) rất phổ biến, không thể thực hiện việc tiếp tế liên tục hay đều đặn được [53].
Khi phân tích ngắn gọn về thành phần của lực lượng này, tôi tưởng cũng nên đi sâu vào tỷ lệ đàn ông/đàn bà (thậm chí có thể nói tỷ lệ trẻ trai/trẻ gái căn cứ vào tuổi của một vài em trong số đó). Từ năm 1965, việc tuyển mộ ồ ạt thanh niên mới cho các đoàn "TNXP chống Mỹ cứu nước" chính thức đưa tỷ lệ hiện diện của nữ trong lực lượng lên trên 50% [54]. Trên đường mòn Hồ Chí Minh, TNXP của Đoàn 559 hầu như gồm toàn các cô gái. Trong một vài Đội, tỷ lệ thanh nữ chiếm hơn 70% [55]. Đại đội 551 (TNXP 55) gồm 105 nữ trên 131 đội viên với tỷ lệ là 80% [56]. Đại đội TNXP 873 (được thành lập ngày 2 tháng giêng năm 1966) có 170 nữ trên 200 quân được tuyển, tỷ lệ là 85% [57]. Một số nhóm khác do nam giới chỉ huy thì gồm toàn thanh nữ như trường hợp Đại đội 512 có nhiệm vụ bảo vệ Hà Nội, Đại đội 459 làm công tác công binh trên dãy Trường Sơn hoặc Đại đội C333 nổi danh do được Hồ Chí Minh khen thưởng [58].
Những cô gái này làm đủ thứ công việc: xung phong gỡ mìn, lái xe tải nặng, làm y tá cấp cứu, sửa chữa các tuyến đường giao thông, lấp hố bom... Những câu chuyện kể về họ đều giống nhau, đan xen giữa sự hy sinh vô hạn, lòng dũng cảm mẫu mực và định mệnh đau thương không thể tránh khỏi. Hiện nay, những nữ anh hùng tập thể có số phận gắn liền với nhau này đều được đưa vào đền thờ các liệt sĩ được sử sách chính thức cũng nhận. Trong số những nữ liệt sĩ nổi tiếng nhất, phải kể đến: mười cô gái tại ngã ba Đồng Lộc ở tỉnh Hà Tĩnh và mười hai cô gái ở Truông Bồn trong tỉnh Nghệ An [59]. Đặc biệt, mười cô gái tại ngã ba Đồng Lộc (huyện Can Lộc) ở tỉnh Hà Tĩnh được thần thánh hóa và người ta đã dựng lên một đài tưởng niệm nguy nga để tôn vinh họ [60]. Tiểu chú chính thức về họ được ghi như sau: "Ngày 24 tháng bảy 1968, sau 18 lần địch đánh phá, một loạt bom thả trúng vào hầm, mười cô gái Đồng Lộc đã hy sinh vào lúc năm giờ chiều, trong tư thế tay vẫn cầm dụng cụ sản xuất" [61]. Với những dụng cụ như xẻng, cuốc chim, xô, các công cụ của thợ cơ khí trong tay, thì dù tràn đầy lòng dũng cảm và ý chí, việc chống chọi lại sức tấn cũng của bom pháo thường vẫn là vô nghĩa.
Những nỗi đau dai dẳng vẫn còn hằn sâu trong suốt những năm hậu chiến. Những địa điểm hiểm nguy nhất đã được các cựu TNXP đặt cho những cái tên rất cụ thể: "Cửa tử thần", "Đèo lò lửa", "Ngã tư thịt chó", "Ngã ba âm phủ", "Đồi thịt xáo", "Đất của những hồn ma kêu hú", "Thung lũng những oan hồn lạc lối" [62]. Đường 20 tháng bảy, được đặt tên lại là "đường Quyết thắng", hiển nhiên là ví dụ tiêu biểu nhất cho những cửa tử thần này. Trong vòng chưa đầy một năm, nơi đó đã có 200 đội viên TNXP tử nạn và 700 người khác bị thương [63]. Lại một ví dụ khác, từ tháng ba đến tháng 10 năm 1968, tại Ngã Ba Đồng Lộc, chốt chặn tất yếu phải vượt qua trên đường Nam tiến phát xuất từ đường mòn Hồ Chí Minh (đường mòn HCM), máy bay B52 đã thả 48.600 quả bom đủ mọi loại [64]. Lịch sử của lực lượng này được đánh dấu bằng hàng loạt địa danh bị nguyền rủa cũng như biết bao nấm mộ ngoài trời. Trong hai cuộc chiến tranh Đông Dương, những tên đồi, tên ngã tư và tên đường giao thông chiến lược do TNXP đặt đã đi vào lịch sử và trở thành những nơi của hồi ức.
Phụ lục 1: Tổng cộng tạm thời về số lượng TNXP chống Mỹ cứu nước tính theo các tỉnh [65]
III. Một lực lượng giữa lòng chiến tranh: việc đem thân xác ra thử thách
"Những bông hoa trên tuyến lửa" chắc chắn là cụm từ có ý nghĩa nhất và thường xuyên được sử dụng để tóm tắt số phận bi thảm của những cô gái TNXP ngoài mặt trận [66]. Do lực lượng TNXP được hình thành từ hơn 50% là nữ và do người ta vẫn chưa làm được gì nhiều để biết được số phận của họ ra sao, chúng ta hãy thử xem hiện nay chiến tranh còn dai dẳng như thế nào trong thịt da của những đóa "Hoa lan trong rừng cháy" này, như nhà văn Minh Lợi đã nhắc đến điều đó trong truyện ngắn của mình [67]. Từ vài năm nay, những cựu Nữ TNXP thuật lại sự thật họ đã trải qua và nó khác hẳn với chủ nghĩa anh hùng mà Nhà nước vẫn tuyên truyền. Những câu hỏi liên quan đến thân xác của phụ nữ trong hoàn cảnh chiến tranh bắt đầu lộ rõ qua lời kể của những người còn sống sót. Thông qua những câu chuyện kể của họ, họ đòi hỏi phải có một cách nhìn nhận nhất định về chiến tranh gắn liền với nhận định của Svetlana Alexievitch: "Những câu chuyện kể của phụ nữ có một bản chất khác và bàn về một chủ đề khác. Chiến tranh, dưới mắt phụ nữ, có những màu sắc riêng, những mùi vị riêng, cách giải thích riêng và không gian tình cảm riêng của họ. Cuối cùng là những từ ngữ riêng. Người ta thấy trong những câu chuyện đó không có anh hùng cũng chẳng có những chiến công phi thường nào, mà đơn giản chỉ là những cá nhân bị cuốn vào một công việc phi nhân tính của con người" [68].
Nói chung, những lời chứng của phụ nữ thường nhuốm vẻ rụt rè, rụt rè vì bản tính phụ nữ, rụt rè vì tập thể mà mình đang sống cùng. Về việc rụt rè cho tập thể, nhà nghiên cứu Zineb Ali Ben-ali có nói về vấn đề "chối từ ký ức" và "dấu vết" văn chương bằng cách liên hệ đến trường hợp chiến tranh ở Algeri. Nhà nghiên cứu đã đưa ra nhận định nền tảng: "cũng như việc lãng quên (một số) lực lượng tham gia vào cuộc chiến, chúng ta lãng quên sự khổ đau mà họ đã phải hứng chịu. Thực tế, người ta hay bỏ qua khía cạnh này của cuộc chiến [. . . ..]. Bỏ qua những lực lượng bị đau khổ cũng dẫn đến việc lãng quên sự tham gia của lực lượng nữ giới." [69] Lời chứng của một trong các nữ TNXP miền Nam từng bị vây hãm bởi kẻ thù, đã tóm gọn những khổ đau bằng những lời sau: "sốt rét, tóc rụng, ăn rau rừng lót dạ, nhiều bạn đã lả đi. Chúng tôi phải mở đường máu để vào vùng có dân, bòn từng lon gạo nấu cháo cho anh em" [70], Tuổi Trẻ (21-4-2005)..
Tất cả những cựu đội viên TNXP đều xác nhận như thế. Điều kiện sinh hoạt dọc đường mòn HCM vô cùng cam khổ. Trong hồi ký của mình, tướng Đồng Sĩ Nguyên, Chính ủy Đoàn 559, phụ trách điều hành quân sự trên tuyến đường này, nhiều lần nhắc đến những cam go cận kề cái chết dành cho các lực lượng chiến đấu cũng như TNXP [71]. Để đề cập đến vấn đề gian khổ của chiến tranh, rặng Trường Sơn là minh chứng hùng hồn. Trong vùng "rừng thiêng nước độc" này không thiếu chỗ cho những đe dọa đến tính mạng: bệnh sốt rét, cái đói và cái chết; hậu quả của thời tiết khắc nghiệt, bùn lầy, đỉa, tai nạn hàng ngày, bom đạn, chất độc hóa học. . . Cảm giác bao trùm là sự đau đớn, sợ hãi và nỗi kinh hoàng. Chúng ta hãy cùng xem xét một số tác nhân chính làm suy yếu lực lượng.
Sốt, đói và khát
Tác nhân đầu tiên, đó là sốt. Bệnh ảnh hưởng đến toàn lực lượng. Theo Hoàng Công Ánh, phụ nữ đặc biệt là nạn nhân của bệnh này [72]. Dọc đường mòn HCM, bệnh tấn công cả lực lượng chiến đấu lẫn TNXP. Sốt không chỉ gây ra do khí hậu. Bác sĩ phẫu thuật Lê Cao Đài báo cáo về việc các loại bò cạp, nhện rừng cũng gây ra những vết cắn đau nhức, sưng tấy [73]. Thêm vào đó là các con đỉa, vắt, là nỗi lo sợ của các cô gái [74]. Các loại bọ "đen và to" [75], các loại côn trùng đủ loại, tham lam hút máu người gây ngứa ngáy, sưng tấy trên da thịt. Thân thể mỏi mệt và ẩm ướt là nơi lý tưởng thu hút bầy muỗi và ruồi vàng nhiều vô kể [76]. Tất cả đã khiến cho cơ thể nhiễm cơn sốt tàn tạ.
Tiếp theo là cái đói. Cái đói gặm mòn các cô gái TNXP. Các con số có được về khẩu phần ăn khiến người ta kinh ngạc. Theo qui định, mỗi đội viên được hưởng 24 kg gạo mỗi tháng. Nhưng do vì gạo thường thiếu hoặc không đến được bởi các trận đánh bom, khẩu phần ăn giảm sút nghiêm trọng, có thể chỉ còn 4 kg mỗi tháng cho một người [77]. Đôi khi chỉ có cháo để ăn. Muối thường thiếu và rau tươi thì hầu như không có. Để bù đắp, các cô hái rau rừng; đôi khi các cô may mắn hái được rau rừng, nhưng cũng nguy hiểm vì rau có thể nhiễm chất độc hóa học. Vì thế đa số các cô gái có biệt tài hái rau rừng và được gán cho biệt danh "các bà chúa rau rừng" [78]. Đặc biệt vào mùa mưa, măng rừng mọc rất nhiều trở thành nguồn rau tươi chủ yếu [79]. Nhiều khi các cô săn được khỉ và đó là các dịp có thịt tươi để cải thiện bữa ăn, dù việc giết thịt như thế trông có vẻ dã man.
Để cải thiện, các cô gái TNXP nghĩ ra một số cách. Các cô tìm cách tiếp cận trạm hậu cần số 16, liên hệ xin thực phẩm của các đơn vị chiến đấu; đổi lại là các màn biểu diễn nghệ thuật hoặc ca nhạc [80]. Sự thiếu thốn trầm trọng thực phẩm đã khiến mọi người nghĩ nhiều đến cái ăn, đến sự ghen tị và phương thức để làm sao có thêm cái ăn. Việc phân phối khẩu phần dựa vào vị trí chức vụ [81]. Và trong thực tế, họ thường góp thực phẩm để ăn chung với nhau.
Cùng với nỗi khổ của cái đói là cái khát vào mùa khô. Nguyễn Thị Lan, một cựu đội viên kể lại câu chuyện sau đã xảy ra trên đường HCM: "Một lần hành quân giữa rừng, phát hiện một hố bom đầy nước, chúng tôi xúm vô vốc đầy bi đông và uống cho đã khát, đến lúc ai đó khẽ nhá đèn pin mới phát hiện toàn xác người" [82].
Phải sống trong hoàn cảnh cực kỳ cam khổ, lực lượng đóng trên đường mòn HCM, đặc biệt các lực lượng có vị thế thứ yếu trong tổ chức quân đội nhân dân, phải buộc lòng tìm mọi cách để duy trì sự tồn tại, từ việc hái rau dại, củ rừng đến săn thỏ rừng hay bắt ăn các loại côn tròng có chứa chất protein. Thông thường chất hóa học do địch rải xuống làm giảm nguồn cung cấp dinh dưỡng này từ núi rừng [83].
Sự suy tàn thể chất
Tiếp xúc với chiến tranh, ở mặt trận hoặc trong chiến khu, đã khiến cho sức khỏe của các cô gái suy kiệt. Huỳnh Thị Tiếp, một đội viên TNXP của lực lượng Giải phóng Miền Nam nhớ lại mình không muốn nhìn vào gương để khỏi thấy sắc diện đang dần xuống của mình [84]. Khí hậu khắc nghiệt của Trường Sơn đã khiến da nổi ghẻ, tóc trên đầu nhiều chấy rận, các bộ phận kín trong người ngứa ngáy đến phát điên. Tóc đầy gầu, bạc màu và dần rụng [85]. Bọ bám trên người khiến cho các cô không ăn, ngủ được [86]. Dương Thu Hương chua chát nhận xét về mối gắn bó chặt chẽ giữa loại bọ với chiến tranh: "Tôi nằm xuống ván, gối đầu lên tay, đăm đăm nhìn kèo hầm. Dọc theo kẽ nứt của cây kèo, một đàn rệp béo mọng xếp hằng nằm nghỉ. Lũ rệp thời chiến là những ông hoàng bà chúa. Chúng được tự do và luôn luôn no đủ. Người ta hiến máu cho chúng một cách vui vẻ vì, so với lệ phí của bom đạn thì đó chỉ là những khoản thuế còm. . ." [87]
Sự ẩm ướt thường trực và việc không thể hong tóc cho khô đã tác động tinh thần các cô gái [88]. Ghẻ lở và nấm mốc hoành hành, theo cách nói của Nguyễn Văn Đệ. Chúng tấn công mọi ngóc ngách trên cơ thể: kẽ bàn tay, bàn chân, háng, nách và cuối cùng phát triển cả ở bầu vú. Các vùng ẩm ướt đều dần dần bị ảnh hưởng. Không thuốc men, không điều kiện tắm rửa kỹ lưỡng, tình trạng quá khắc khổ này tác động ngay đến tinh thần, công việc, sức khoẻ và còn để lại những hậu quả nặng nề sau chiến tranh [89]. Thảm họa này ảnh hưởng trực tiếp đến những đơn vị TNXP toàn nữ, làm cho giới lãnh đạo lực lượng lo lắng và cảnh báo Bộ Y tế, nhưng dường như cơ quan này cũng bị bất ngờ. Biết các cô gái bị những vết loét trên ngực, nhưng những người lãnh đạo quân đội ở Hà Nội chỉ có thuốc đỏ để gửi cho họ [90].
Vấn đề vệ sinh vùng kín của phụ nữ ít được đề cập tới, bởi đó là chuyện rất riêng của nữ giới. Về nguyên tắc, một đơn vị nữ TNXP hơn 500 người thì được tiếp nhận thêm một nữ bác sĩ đặc trách "bệnh phụ nữ" [91]. Một cựu Phụ trách đội Nữ TNXP, cảm thông cho tình cảnh của chị em trong đơn vị mình, đã viết bản tường trình về "bệnh phụ nữ", liên quan đến tình trạng vệ sinh kinh nguyệt, cho biết về việc thiếu thuốc men, băng vệ sinh, đồng phục để thay và ít có điều kiện tắm rửa [92]. Một tài liệu về "Thể dục vệ sinh với TNXP", xuất bản năm 1973, trong chiến tranh, trở lại vấn đề kinh nguyệt và những nguyên tắc vệ sinh cần phải tuân thủ. Cuối tập tài liệu là nhắc nhở tầm quan trọng của việc giữ gìn vệ sinh hàng ngày, và những lời khuyên không thể nào thực hiện được tại chỗ trong tình hình lúc bấy giờ [93]. Về công việc làm thì được khuyên là trong những ngày hành kinh thì "làm việc ít hơn ngày thường". Lẽ ra, do tình trạng yếu sức đương nhiên của thời kỳ kinh nguyệt, các cô không phải đương đầu với thời tiết khắc nghiệt, mưa to gió lớn. Và rồi trọng điểm của bệnh tật là từ những rối loạn kinh nguyệt, nguyên nhân dẫn đến, và thái độ phải đương đầu với thực trạng, làm sao để tránh bớt ảnh hưởng [94]. Về phương diện vệ sinh, với những lời khuyên trong tài liệu, nếu nó xứng đáng được in ra, thì người ta chỉ biết tự hỏi làm sao các cô gái có thể áp dụng được trong điều kiện giữa rừng sâu và dưới đạn bom? Rất nhiều những dẫn chứng chỉ ra rằng các tiêu chuẩn thi đua yêu nước chỉ là sự áp đặt. Dù gió giông, dù mưa bão, dù đêm khuya, trời quá nóng hay quá lạnh, các cô gái TNXP đều phải chấp nhận điều kiện làm việc khắc nghiệt bất kể đặc điểm riêng của nữ giới. Hầu hết các cô đều bị các vấn đề rối loạn về kinh nguyệt, như tắt kinh, bất thường hoặc đau đớn, và điều này, trong bối cảnh thiếu thốn thuốc men và băng vệ sinh nên chỉ có miếng vải mà thôi [95].
Nguyễn Văn Đệ trở lại vấn đề tắm rửa của TNXP sau một ngày làm việc mệt nhoài, theo ông, đó là "một vấn đề nan giải": "Con trai còn qua loa chịu được, nhưng chị em thật là cực hết sức, nhất là những chị em bị bệnh ngoài da, đêm nằm ngứa không sao chịu nổi" [96]. Nhu cầu tắm rửa càng được nhân lên trong điều kiện thiếu thốn quần áo, hết sức bất tiện: "Khó khăn nhất là các đội viên nữ. Những ngày đến tháng vẫn phải mặc quần áo ướt suốt ngày để đi làm. Đến một vuông vải xô để thay cũng thiếu" [97]. Những dẫn chứng cho thấy tình trạng thiếu thốn là phổ biến, đặc biệt ở vùng ác liệt của chiến trường.
Thân thể bị tàn phế
Những vết thương tàn phá cơ thể, tay chân đã đành, ngực và đầu cũng không tránh khỏi. Cựu chiến sĩ TNXP, Nguyễn Thị Vân đã kể lại trong phim tài liệu "Những cô gái bị bỏ quên của đường Trường Sơn" rằng cô bị thương ở phổi, sườn và ngực. Nhà văn Cao Tiến Lê kể trong truyện ngắn "Tiếng đêm" một hình ảnh cảm động giữa một chiến sĩ lái xe với một cô TNXP, giao liên trên đường Trường Sơn. Trêu sự vụng về của cô gái trong khi đang ngắm nhìn cô, anh chưa phát hiện ngay cô là thương binh. Sau khi mời cô uống nước, anh mới bắt đầu quan sát cô qua ánh lửa pháo sáng: "Việt sững sờ khi nhìn vào hai tay đang bưng nước. Trời ơi! Hai bàn tay không có. Từ cổ tay trở ra đã bị cắt cụt. Cô kẹp ca nước giữa hai cùi tay. Thấy Việt nhìn sững sờ, như tủi thân, cô đặt ca nước lên thùng, ngồi xuống thu cùi tay giữa hai đầu, rồi quay một sang chỗ khác" [98].
Ra mặt trận từ năm 20 tuổi, nhà văn Dương Thu Hương là một nhân chứng hùng hồn về cuộc chiến thảm khốc này. Bà hãy còn giữ những hình ảnh chấn động về cuộc chiến, để mô tả lại một cách chân phương, không hoa mỹ, trong tiểu thuyết của mình. Ngay từ những trang đầu trong tác phẩm Tiểu thuyết vô đề, bà đã mô tả cái chết bi thảm của sáu cô gái trong rừng, mà mùi hôi thối dậy lên nồng nặc, đã dẫn đường cho những người sống đến tìm: "Chúng tôi hướng vào gốc rừng đã toả ra mùi thối khủng khiếp mà đi. Tới vực Cô hồn, gặp sáu cái xác truồng. Xác đàn bà. Vú và cửa mình bị xẻo, ném vung vãi khắp đám cỏ xung quanh. Nhờ những tấm khăn dù, nhờ những chiếc cổ áo sơ mi kiểu lá sen tròn và hai ve nhọn mà chúng tôi nhận ra đấy là những người con gái Miền Bắc. Có lẽ họ thuộc một binh trạm hoặc một đơn vị TNXP cơ động nào đó bị lạc. Cũng có thể họ đi kiếm măng hoặc rau rừng như chúng tôi rồi vấp bọn thám báo" [99]. Một đại tiệc cho côn trùng, "say sưa chè chén". Dĩ nhiên, lối viết có vẻ ly kỳ, bi thảm đã cho ta thấy rõ sự kinh khủng của chiến tranh, theo cách của hai tiểu thuyết gia: Malaparte (Ý) hay Remarque (Đức) nổi tiếng về việc miêu tả những thảm cảnh của hai cuộc chiến tranh tại Âu Châu. Tuy nhiên, văn của Dương Thu Hương dao động giữa hư ảo và thực tế khốc liệt của chiến tranh. Xuyên qua tác phẩm, chị dám nói lên những điều cấm kỵ của những năm 90 về sự lừa phỉnh của chiến tranh và tính chất của nó. Sự kinh tởm tuyệt đối được trình bày ở đây một cách rất thực, không che giấu, mà chẳng thể mong gì hơn ở những bản tường trình mới đây của Lê Cao Đài hay những cán bộ lãnh đạo TNXP như Nguyễn Văn Đệ. Vả lại, trong tập này, Dương Thu Hương đề cập nhiều hơn về khía cạnh xâm hại tình dục và tàn phế do chiến tranh, hai bi kịch còn ít được nhắc đến bởi thực chất tàn bạo của nó.
Chấn thương tâm thần và thể xác
Trong những điều kiện sống cực kỳ gian khổ, TNXP phải thích nghi cả thể xác lẫn tâm hồn. Sống trong chiến tranh, người ta dễ bị chấn thương tinh thần và việc phát lên điên loạn cũng cần được nêu lên. Trong Tiểu thuyết vô đề, Dương Thu Hương viết tiếp: "Mấy cậu sốt rét ác tính điên rồ, cởi hết áo quần ra mà nhảy múa, la hét" [100]. Cuộc sống xa gia đình kéo theo nỗi nhớ nhà và những lo ngại triền miên. Với việc chuyển đổi khắc nghiệt từ hòa bình sang chiến tranh, từ cuộc sống đời thường sang quân ngũ, từ tình cảm đến nỗi sợ hãi, một dạng "hội chứng" đã xuất hiện, nhất là trong giới nữ. Nó đã đánh lạc hướng các nhà lãnh đạo nam giới ở các đơn vị nữ TNXP. Hiện tượng này được gọi là "điên tập thể". Nguyễn Văn Đệ nhắc lại tình huống đã dẫn đến hội chứng này: "Có khi chị em đang xúm lại đọc một bức thư của gia đình gửi đến, bỗng một người xúc động khóc nấc lên thế là cả tiểu đội, đại đội như có sự phản ứng, kích động dây chuyền tất cả đều la hét, khóc toáng lên và cứ thế lan ra từ đại đội này sang đại đội khác. Họ khóc, họ kêu, họ chạy, nhảy, thậm chí trèo cả lên cây nói cười lảm nhảm hàng tiếng đồng hồ" [101].
Đó là một thực tế, một bộ phận cựu chiến sĩ nữ TNXP bị chìm trong bệnh cuồng bởi chiến tranh. Đương đầu với hiện tượng này, các nhà lãnh đạo quân sự và chính trị cũng lúng túng, lo ngại, bởi không ai biết phải giải quyết thế nào. Đặc biệt liên quan đến những chiến sĩ mới, hiện tượng này cũng mờ dần theo thời gian và thói quen thời chiến. Nguyễn Văn Đệ kể lại rằng mãi lâu sau chiến tranh mà những hiện tượng điên cuồng tương tự cũng xuất hiện trong đội ngũ lính trẻ quân đội nhân dân và ngay trong đơn vị TNXP của ông [102]. Một bằng chứng cũng đã được tướng Đồng Sĩ Nguyên xác nhận trong cuộc trò chuyện với Hiền, một thủ lĩnh TNXP đương nhiệm, mới hơn một năm trên đường mòn HCM. Cô cho rằng "bệnh hay cười" đang dần trở lại và lan toả trong lực lượng TNXP [103]. Trong bối cảnh đặc biệt ở môi trường không thân thiện, như bị lãnh đạo áp chế, cuộc sống bị đảo lộn bất thần và thô bạo, thì sự điên cuồng tập thể xuất hiện như một phản kháng cuối cùng. Đó như là một phản ứng tự vệ, chứ không vì mục đích chính trị hay nổi loạn cá nhân. Trước hết phải thử dùng sức mạnh tập thể để phản kháng, cả tâm hồn và thể xác, với sự khủng bố tinh thần, sự thô bạo chết người. Ở một nơi mà người ta không thể chịu đựng nổi những cuộc tranh luận chính trị, một nơi mà việc đào ngũ khó thực hiện được, thì những cuộc khủng hoảng tập thể coi như là phương cách tốt nhất để giải toả sự dồn nén cả tinh thần lẫn vật chất đè nặng lên đôi vai của những người trẻ tuổi này, trong điều kiện sống quá khắc nghiệt. Nó cho phép gắn kết tinh thần và thể xác của một đại đội, cùng chung nỗi tuyệt vọng vì một sự tồn tại như một cái án treo.
Cơ thể suy tàn
Cuối cùng, cái chết đến với những cơ thể suy yếu nhất. Lê Cao Đài cho biết rằng trên mặt trận Tây Nguyên, "Anh em đã tổng kết có 32 kiểu chết ở Tây Nguyên: chết do ốm, chết do bom đạn, chết đuối, chết do rắn cắn, chết do cây đè, chết do ăn phải nấm độc, chết do voi giày, chết do bắn nhầm nhau" [104]. Người ta cũng có thể chết vì đói, Nguyễn Văn Đệ nhớ lại [105]. Số khác, vì quá khát, chết vì uống phải nước uống bị ngộ độc. Số khác có thể là nạn nhân của những tai nạn thương tâm. 10 thanh niên bị 1 ôtô goòng chở đầy hàng hoá, cán chết giữa đêm khuya [106]. Số khác thì không sống nổi bởi những vết thương và những cuộc mổ xẻ liên tục. Những người hấp hối được giấu ở những nơi chật hẹp, như là tiền đồn của họ trước lúc ra đi vĩnh viễn [107]. Cuối cùng là một con số không kể xiết những người tự nguyện chấm dứt cuộc đời [108]. Không thể đánh giá hết sự bỏ ngũ. Tự tử, đào ngũ, mất tích, coi như 3 bản án tử hình. Dầu sao, sau cuộc đào ngũ, vấn đề sống còn được đặt ra. Đối với đơn vị mất người, cuộc đào ngũ đồng nghĩa với việc mất tích. Cuối cùng, nhiều vụ mất tích đươc nêu ra. Nhiều thanh niên bị kiệt sức và đơn độc, đã mất xác trong rừng sâu. Cũng có khi họ may mắn gặp lại đơn vị, tiểu đội hay đại đội, là may mắn sống còn. Trong nhiều trường hợp khác, người ta đã phát hiện xác của họ, và lại còn những trường hợp tồi tệ hơn, họ biệt tích vĩnh viễn mà không để lại vết tích gì (khoảng 300.000 người mất tích trong chiến tranh) [109].
Việc cáng thương (vận chuyển thương binh) do nữ TNXP đảm nhiệm, cũng xảy ra nhiều chuyện đau lòng. Nhiều khi họ phải vác trên lưng những thương binh nặng đi hàng bao nhiêu cây số, mà các thương binh, vì bị đau đớn quá, đã cắn xé hay đánh đập các cô gái tội nghiệp này [110]. Rất nhiều khi vì thiếu phương tiện, thiếu thuốc men, xa thành phố, xa bệnh viện, tự thấy tình hình quá bi đát, họ đã dũng cảm chờ chết. Thân thể các thương binh và bệnh binh sốt rét tạo nên 1 hình ảnh hùng tráng mà bác sĩ Lê Cao Đài đã can đảm mô tả trong cuốn nhật ký chiến trường của mình [111]. Bệnh kiết lỵ, sốt rét, bệnh nặng ngoài da, đã nhanh chóng biến các thân thể lụi tàn thành những bộ xương, nằm chờ chết như một niềm an ủi cuối cùng.
Thân thể huyễn hoặc và gợi cảm
Tuy nhiên, một hình ảnh yên bình khác cũng đi song song với cảnh đáng sợ trên. Đó là lúc các cô gái cùng chia sẻ niềm vui, sự tương trợ cùng nhau trong bữa cơm chung. Một huyền thoại về cô gái TNXP đã được cánh lái xe lan truyền "Chúng tôi đi qua, được chào hỏi bằng những trận cười giòn tan. Qua ánh sáng của những vì sao, tôi thoáng thấy Nguyễn Thị Thanh, một cô gái với hàm răng sáng bóng, chiếc thắt lưng gọn gàng ôm lấy thân cô trong bẽ đồ veste oai nghi" [112].
Trong các trường hợp khác, một cô giao liên có thể là tâm điểm chú ý của các chàng lái xe trên dãy Trường Sơn. Cô là hiện thân hoàn hảo của một cô gái TNXP: "Cô đột nhiên xuất hiện trước mắt chúng tôi như một bông hoa lạ giữa rừng, khiến cả cánh lái xe chúng tôi sững sờ nhìn theo. Trong chiếc áo lính gọn gàng, quăn lụa màu đen, đầu đội chiếc mũ kaki mềm bao trùm khuôn một xinh xắn, với nước da hồng hào. Lại còn đôi mắt hình hạt dẻ và tỏa sáng trí thông minh, đôi lông mày mỏng dính vẽ nên một đường cong tuyệt đẹp" [113].
Trên đường mòn HCM, các đội nữ TNXP thường quan hệ với các đơn vị bộ đội, mang lại niềm vui cho họ. Nhà văn Đỗ Chu viết rằng "một quan hệ láng giềng làm họ vui sướng" [114] khi nói về việc bố trí một đại đội bộ đội gần khu lán của các cô gái trẻ. Tiếng cười của họ làm dịu đi không khí bức bối của rừng rú: "Ai cười phía trước đây nhỉ? Lại mấy cô bạn TNXP" Việt nói, anh là lái xe tải trên đường mòn [115].
Những cuộc tình bị cấm đoán làm thành một phần của trận tuyến. Đắm đuối hay bi kịch, nó tồn tại như một ý chí muốn làm giảm đi sự thô cứng và đau đớn của chiến tranh. Tình yêu đôi khi cũng là bó buộc. Sự tập trung trong rừng, sự chung chạ trong lán trại, tạo điều kiện cho thân xác gần gũi. Bác sĩ Lê Cao Đài lưu ý một câu chuyện về những quan hệ tôn ti trật tự, hiểu ngầm là "quyền của cấp trên", hẳn khá phổ biến. Đêm nọ, một cô gái làm ngạc nhiên mọi người khi bị phát hiện cùng một sĩ quan của bộ phận y tế; cả hai đều xấu hổ. Nhưng cô gái là người chịu búa rìu. Một đồng đội hỏi cô là không sợ mang thai hay sao? Cô gái vừa khóc vừa trả lời rằng sếp nói với cô anh ấy làm điều phải làm. Lê Cao Đài than thở là chính những người hay dạy đạo đức cho người khác lại phạm luật. Ông ghi nhận với sự dè bỉu: "Thủ trưởng đã có cách!... ", sau này trở thành câu nói đùa trong Viện mỗi khi chúng tôi ở trong tình thế khó xử. Và cũng xuất hiện một câu vè: `Thủ trưởng nhìn em, thủ trưởng cười. Đau lòng em lắm thủ trưởng ơi!'" [116]
Nhưng thường thì tình yêu là bất khả, trễ tràng hay bi kịch. Tình yêu kết hôn với sự chai sạn của thực tế, được tưởng tượng như là cánh cửa mở vào tương lai tốt đẹp, như trong các trang nhật ký của những người trẻ tuổi điên cuồng trong chiến tranh [117]. Đặng Thị Vân, một cựu TNXP tâm sự: "Đó là chiến tranh mà, ngày mai chẳng biết ra sao nên chẳng ai dám yêu đương, hứa hẹn. Có chăng là tình cảm đồng đội sống chết có nhau" [118].
Không ít phần sự thật về những chủ đề tế nhị và khó đề cập như hãm hiếp, bạo hành thân thể phụ nữ, bước đi từ phụ nữ trong chiến tranh đến phụ nữ của chiến tranh, xứng đáng được nghiên cứu kỹ hơn Khi họ đi tìm lương thực để khỏi đói, các nữ TNXP có thể gặp nhiều bất trắc. Nguyễn Văn Đệ gợi lại với sự bối rối trong thứ ngôn ngữ nín lặng, việc đi tìm lương thực nơi trại lính đó: "Thật không sao kể hết những gian khổ, khó khăn mà chị em nữ TNXP đã phải gánh chịu và khắc phục" [119]. Về phía người Mỹ đối địch, nếu ta tin vào các bằng chứng ghê sợ của GI trong chiến tranh, người đàn bà Việt Nam trở thành con mồi tình dục [120]. Ta không dám tưởng tượng số phần của nữ TNXP, đôi khi đơn độc trong rừng, đối đầu với một chiến binh Việt hay Mỹ, kẻ thù thực sự hay cùng phe.
Thân thể sống sót, tinh thần bồng bềnh
Sống còn là một mệnh lệnh hằng ngày. Ai đã đến đó thì những khoảnh khắc vui tươi là quan trọng. Các cô gái mang tính khôi hài đặc biệt trên tiền tuyến. Cuốn theo những người lính, họ cười, khóc và ca hát dưới bom đạn [121]. Những bài ca của họ được sử dụng cho nhu cầu tuyên truyền và lên tinh thần cho các đơn vị. Do vậy mà các đội ca múa nhằm tuyên truyền "Tiếng hát át tiếng bom" được thành lập. Bộ phận tuyên truyền đã tổ chức các chiến dịch nâng cao tinh thần với khẩu hiệu "Biết đi là biết múa, biết nói là biết hát, mỗi cán bộ, đội viên TNXP là một diễn viên", khẩu hiệu đã trở thành mệnh lệnh cho vở kịch bi hùng này [122]. Có ít ví dụ liên quan đến hệ lụy của chiến tranh và tác động của bom hay chất hóa học lên thân thể các TNXP được kể ra. Tức là người ta biết điều ấy, biết rằng tiếng nổ điếc tai của bom, mảnh pháo để lại những vết hằn không thể phai. Trong địa ngục của chiến tranh, dù có những niềm vui hiếm hoi, cuộc sống thường nhật của TNXP đắm chìm trong thất vọng mênh mông, một nỗi đau khó tả; ở đó sự sống và cái chết dính chằng vào nhau, ở đó có sự táo bạo và can đảm, đôi khi máy móc, làm thành một bản năng tuyệt vời cho sống còn.
Thích ứng hay quen thuộc cho phép giữ hy vọng sống còn. Sự quen thuộc là từ chủ của nhiệm vụ này, cái chết và sự sống tranh nhau số phận của các thanh niên dấn thân vào trận chiến. "Ban đầu đi thì tôi cảm thấy vất vả, thì dần dần bạn bè khuyên bảo rồi thấy quen dần, về phần con gái thấy cũng bình thường", Đinh Thị Hợi nói thế với một chủ nghĩa định mệnh rõ rệt [123]. Về khả năng thích ứng này, nhà thơ Phạm Tiến Duật nhắc lại kỷ niệm đặc biệt của ông:
"Đơn vị tôi đi qua Đồng Lộc rất nhiều lần và chứng kiến những hy sinh của các chiến sĩ pháo cao xạ và các cô gái TNXP. Một lần dừng lại, tôi quá ngạc nhiên vì một bên là mùi đạn khói vẫn còn khét lẹt, chết chóc rình rập, một bên vẫn ngửi thấy hương lá sả trên tóc các cô gái TNXP, tiếng đùa cợt rất thời bình của họ. Dường như cái chết với họ, bom đạn với họ chẳng là gì." [124]
Sự chứng thực như vậy làm nổi lên tính định mệnh của sự việc, như Lê Minh Khuê mô tả những nữ anh hùng không tên, "những con quỉ mặt đen", trở nên vô cảm, trong truyện ngắn "Những ngôi sao xa xôi" viết năm 1971 [125]. Huỳnh Thị Tiếp nhớ lại các cô TNXP của lực lượng miền Nam: "Tôi không bao giờ quên được những đêm mưa sương lạnh cóng, những ngày khát nước đói cơm, những trận giáp lá cà thư hùng với giặc, cái chết và cái sống chỉ cách nhau trong đường tơ kẽ tóc, nhưng nhớ cũng chỉ để mà nhớ thôi, bởi tôi cũng không biết cách nào để diễn tả lại những hình ảnh đó được" [126].
Làm sao mô tả, làm sao kể lại ảnh hưởng của những trận bom rải thảm vẫn ám ảnh tâm trí trong bốn mươi năm qua? Những ví dụ bi kịch này không phủ nhận lời của nhà văn Phạm Tiến Duật sau 11 năm trên dãy Trường Sơn: "Có nhiều chuyện trên đường mòn HCM mà người ta không nói tới: khó khăn, cực nhọc, hy sinh và cả thất bại. Tất cả những tác phẩm nói rằng con đường mòn là một thắng lợi vĩ đại đều rất khoa trương" [127]. Bao nhiêu đôi mắt mù lòa, bao nhiêu vầng trán vỡ tan, bao nhiêu mảnh bom khăm sâu vào da thịt?
IV. Những đớn đau sau chiến tranh: Khả khăn hồi phục cơ thể
Sự kết thúc của chiến tranh chấm dứt cái chết không báo trước và tàn bạo. Một niềm hy vọng vô bờ lan tỏa minh chứng rằng tất cả việc ấy không phải là vô ích. Nhưng các cựu TNXP, giải ngũ và thường là giải luôn cái tinh thần trong trẻo, phải chịu đựng những thử thách thể xác và tâm lý thường nhắc họ nhớ lại những đớn đau đã qua. Trong một ý nghĩa nào đó, sự sống còn trong chiến tranh được tiếp nối bằng cuộc đấu tranh không cân sức sau chiến tranh. Nhà nghiên cứu Lê Thi (Dương Thị Thoa) có một công trình quan trọng về vị trí của những phụ nữ độc thân, trong bối cảnh xã hội Việt Nam, truyền thống và trọng nam khinh nữ [128]. Trong một cuộc điều tra160 cựu nữ TNXP, học giả này thấy rằng sau khi mãn hạn phục vụ, nói chung các cô gái TNXP quay về làng. Nghiên cứu cung cấp một vài số liệu chính xác về cũng việc của TNXP sau chiến tranh. Đa số làm nông nghiệp (76,3%) ở các nông trường quốc doanh hay hợp tác xã nông nghiệp, số ít làm trong lĩnh vực hành chánh, những người khác làm công nhân (4,3%) hay làm thuê kiểu công nhật (6,7%) và số còn lại hoàn toàn mất khả năng lao động (12,5%) [129]. Đối với những cựu TNXP tuổi đời chỉ khoảng 20, việc quay về đời sống dân sự ở quê nhà là rất phức tạp. Sự hy sinh, khắc kỷ, dũng cảm trong những năm tháng chiến tranh tương ứng với thương tật, đớn đau và rối loạn tinh thần trong thời gian hòa bình.
Sự hao mòn thể xác trong những năm chiến tranh là khó khăn đặc biệt để vượt qua. Những người xung quanh nhìn nhân dạng của họ nặng nề một cách khủng khiếp: "Khi nó trở về, bệnh tật và xấu xí ốm đau khổ lắm đến nỗi không ai muốn nhìn nó nữa", bà mẹ của Đinh Thị Hợi, một cựu TNXP đã nói như thế. Khi trở về, các cô gái TNXP trong độ tuổi 24-25, đều mong muốn có con. Những đứa con ra đời thường ngoài hôn nhân, làm tăng lời đàm tiếu của dân làng và sự chối bỏ của cộng đồng. Đối mặt với hiện tượng này, năm 1982, tờ Nhân dân ghi nhận: "Ta có thể thấy dư luận xã hội còn quá khắt khe và ngay cả một số cán bộ đảng viên cũng có thái độ kiểu phong kiến hà khắc" [130].
Do vậy, khi trở về từ chiến tranh, các cựu nữ TNXP giáp mặt với sự tìm kiếm bình yên một cách bất khả, đi tìm lại nữ tính của mình, bởi vì bi kịch thường kéo dài và tái lộ. Đa số họ có con bị tàn tật, do ảnh hưởng kinh hoàng của chất hóa học trong rừng sâu. Những bi kịch này không thường được nhắc tới, chỉ thi thoảng xuất hiện vài dòng trên báo chí hay trong văn học, vạch lại số phận đớn đau của họ. Giữa lời nói và nụ cuời, những dòng lệ rơi. . .
Làm gì đây cho hàng ngàn cô gái bệnh tật, thương tật, rối loạn trong xã hội sau chiến tranh? Họ trở thành gánh nặng, không tương thích chút nào với hình ảnh lý tưởng của chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi mạnh mẽ đầy ý chí, với hình ảnh người lao động trẻ đầy sức khỏe, được tuyên truyền chính thức ở các nước xã hội chủ nghĩa. Dựa trên điều tra cá nhân phụ nữ độc thân, trong đó có nhiều cựu TNXP, Lê Thi trình bày một phân tích thẳng thắn về tương lai khó khăn sau chiến tranh của họ. Ngoài ra, sự khinh bỉ của xã hội, hóa thân của truyền thống đa thê, và sự lạm dụng tình dục cũng được nêu ra. Một số đàn ông dù đã có gia đình, đã lợi dụng nhu cầu muốn có con và kết bạn của những người phụ nữ này để có quan hệ tình dục với họ. Sau đó họ bỏ rơi những người phụ nữ đó, không hề giúp đỡ tài chính [131].
Đặc biệt, Lê Thi quan tâm đến tình trạng các cựu nữ TNXP bị ảnh hưởng chất da cam trên mặt trận Trường Sơn. Bà ghi nhận trường hợp của 5.000 cựu TNXP tỉnh Ninh Bình, chiếm 70% số lượng các cô gái trong giai đoạn chiến tranh. Năm 1999, một cuộc thăm dò tiến hành với 160 phụ nữ từng phục vụ trên đường mòn HCM và nam Lào, thì thấy 127 người vẫn độc thân sau khi về lại làng quê vì quá lứa hay vì bệnh tật. 33 người trong số họ bị bệnh vì chất da cam và vài người có con bị dị tật hay đần độn. Họ có các vấn đề thần kinh, đau đầu thường xuyên, mất ngủ, đau khớp, suy nhược, rối loạn thị lực [132].
Những trường hợp bi kịch được nêu ra là Đoàn Thị Dậu và Trần Thị Thơm, với số phận hoàn toàn đổ nát vì vết thương chiến tranh. Mảnh bom ấn sâu vào đầu họ và không thể lấy ra được, nó tác động nặng nề lên hệ thống thần kinh. Họ sống giữa những cơn điên loạn và lang thang câm nín. Nhiều người khác trốn tránh và sống chật vật trong chùa, bị cầm tù bởi những thương tổn của chiến tranh và những đau đớn [133]. Hơn ba mươi năm sau chiến tranh, báo chí tiếp tục nêu ra những "thung lũng không chồng" nơi nương náu của hàng trăm phụ nữ đơn côi [134]. Các bài báo nhắc đến những thân phận phụ nữ sống trong cùng khổ, đôi khi nuôi con không cha (như nhà không nóc) sau khi đã cống hiến sắc đẹp, tuổi xuân, lý tưởng, lòng can đảm cho tổ quốc [135]. Một phóng viên báo Công an Nhân dân nêu lên trường hợp của 40 cựu nữ TNXP của tỉnh Thái Bình hiện sống trong các ngôi chùa [136].
Đôi khi người ta quên. Nếu thân thể bị hằn sâu như vậy, ngoài sốt rét, tai họa, còn là những đớn đau tâm lý: ác mộng ám ảnh, các cơn co giật, la hét, đau đầu... Chán chường, nghèo đói, câm lặng, bi kịch dai dẳng với gánh nặng đứa con tật nguyền, cái giá của sự dấn thân quá nặng nề. Mỗi số phận minh chứng rằng người phụ nữ không chỉ bị tàn phai da thịt, mất đi nữ tính trong chiến tranh mà còn là sau chiến tranh, khi họ cố hồi phục thể xác và tâm lý. Những người này trở thành 5 không, sau khi cha mẹ mất đi: "không chồng, không con, không nhà, không chế độ, và độc thân" [137]. Một cách nói về sự cùng cực xã hội của họ. Nỗi buồn chiến tranh, như Bảo Ninh đã tỉ mỉ mô tả, không chỉ dành cho những người đàn ông.
Vấn đề dẫn dắt cuộc chiến là không thể khác. Cũng như việc sử dụng phụ nữ trong chiến tranh. Nó không là đặc biệt trong một xứ sở như đã mô tả bởi các công trình của Claude Quétel [138]. Nhưng việc sử dụng và quản lý nhân lực cho chiến tranh ở Liên Xô, Trung Quốc và Việt Nam cộng sản là một chiến lược chính trị, nhằm đáp ứng đòi hỏi của "chiến tranh nhân dân". Đặc biệt đối với Việt Nam, cuộc chiến 1965-1975 liên quan đến phụ nữ hơn hết, những người "đi trước, về sau" đó, nếu họ còn sống sót sau mỗi trận đánh.
Các câu hỏi liên quan đến cách dẫn dắt cuộc chiến cần được nêu lên. Khi chúng ta biết rằng 80% trận bom Mỹ là nhắm vào các tuyến liên lạc; có đúng đắn không khi tập trung ở đó những người được tuyển mộ trẻ tuổi không có sự chuẩn bị quân sự để chịu đựng những may rủi chết người? Không bắt bẻ được rằng 4000 cái chết của TNXP là đau đớn nhẹ nhàng để bảo đảm cuộc sống bình thường ở Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cho phép một chiến thắng dẫn đến thống nhất. Chắc chắn. Khi ấy thì những quan hệ chính trị và quân sự dường như đáng trách ở chỗ là một phần lớn TNXP bị lịch sử xử tệ dù đã dâng hiến sự hy sinh khổng lồ. Vấn đề chi phí xã hội và nhân bản vẫn còn được đặt ra, trong và sau chiến tranh. Phải chăng cả một thế hệ đã bị hy sinh cho bàn thờ của lòng kiêu hãnh, sự ngây thơ và của sự bất tài?
Đối với nhà văn Xuân Vũ, có điều gì đó không đo lường được trong cách những nhà lãnh đạo của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa áp đặt cho sự hy sinh: "Họ bắt con người phải hy sinh quá nhiều. Sự hy sinh trở thành vô bờ bến, không có thời hạn, không có điều kiện. Vì thế sự hy sinh đã trở thành những cực hình, chứ nó không mang tính chất tự nguyện của cách mạng" [139]. Không phải đảng viên, không phải dân quân, không phải quân đội, TNXP tồn tại giữa sự hy sinh và trừng phạt, giữa chủ nghĩa ái quốc và cạm bẫy chính trị. Phải đợi đến cuối năm 2004, hội cựu TNXP mới được phép thành lập trong một hội nghị, tập hợp nhiều thế hệ TNXP, ở Hà Nội; cuối cùng thì vai trò của họ đã được công nhận [140].
Kết luận
Qua vài nét lớn, vấn đề TNXP với vai trò, thành phần và số phận của họ, đã rõ ràng hơn. Còn một việc nữa, như thường nói ở Pháp, là "bổn phận kế thừa" có lẽ cần thiết để lập bảng tổng kết lịch sử cho công cuộc này của chiến tranh. Cái mà chúng ta biết hiện nay chỉ là phần nổi của tảng băng vì vẫn còn nhiều câu hỏi chưa có câu trả lời. Việc thống nhất lãnh thổ và xã hội là một cái được, là niềm tự hào của nhiều người Việt Nam, nhưng cái giá phải trả để thoả mãn tham vọng chính trị ấy vẫn chưa được đong đếm. Đối với một số người, với hiện trang Việt Nam và vai trò phụ nữ trong xã hội Việt Nam hiện nay, thì cái giá đó quá đắt.
Vấn đề TNXP vừa thú vị và vừa phức tạp; nó liên quan mật thiết đến sự tiến triển của xã hội và chính trị Việt Nam từ 1950. Trong cả hai cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ, thanh niên đóng vai trò trung tâm, ngay cả khi họ bị kẹt giữa chủ nghĩa ái quốc đầy đòi hỏi và việc sử dụng chính trị lạnh lùng. Sự hy sinh của họ là thực sự, nhưng cái chủ nghĩa ái quốc đòi hỏi ở họ giống một phương tiện thu hút nhân lực trong những điều kiện hết sức nghiệt ngã, khiến ta gặp khó khăn trong việc xác định hành động của họ bao nhiêu phần xuất phát từ chủ nghĩa anh hùng, và bao nhiêu phần chỉ đơn giản nhằm mục đích tồn tại. Chủ nghĩa anh hùng và bi kịch là hai mặt tự thân của cuộc chiến cốt nhục tương tàn, việc giải phóng người này đồng thời là sự khuất phục và biến mất của người kia. Đằng sau những trang sách anh hùng và tuyên truyền chính thức, đằng sau những diễn văn biện giải, che giấu một sự thật sống sượng hơn, đau khổ hơn, và bi kịch hơn; nó liên quan đến số phận bi thảm của hàng vạn thanh niên vừa đầy nhiệt huyết, vừa bị cưỡng bách, những người bị chiến tranh bẻ gãy cả thể xác lẫn tâm lý. Sự thực ấy, ban đầu được tô vẽ bằng những màu sắc câm lặng, dần dần lộ rõ hình hài, chuyển hoá hình ảnh tinh luyện của các cô gái trẻ với nụ cười sáng ngời thành những khuôn mặt mệt mỏi, chằng chịt những vết bị chiến tranh cắt nát, hằn sâu đau khổ và điên loạn.
Giống như các đồng nghiệp ở Liên Xô, phụ nữ Việt Nam không những không bị cấm ra mặt trận, mà còn ở ngay chính giữa mặt trận [141]. Các cô gái TNXP trực tiếp tham gia chiến đấu, đặc biệt là trên đường mòn HCM, nơi có sự hoà nhập nhất với quân chủ lực, và với những người trong đội TNXP Giải phóng miền Nam thì chiến đấu là nhiệm vụ chính thức. Như chúng ta thấy, trong phần lớn thời gian, ranh giới giữa bộ đội nơi tiền tuyến và các lực lượng hậu cần không hề tồn tại. Việc lực lượng hậu cần cũng hứng chịu lửa đạn là chuyện bình thường của mọi cuộc chiến [142], nhưng trường hợp Việt Nam trở nên đặc biệt do một số lý do: độ tuổi tuyển mộ quá trẻ, họ gần như hoàn toàn không được chuẩn bị chút nào, và cách thức quản lý thuần chính trị và quân sự được áp dụng với họ. Sĩ quan trong Quân đội Nhân dân Việt Nam và cựu cán bộ TNXP bị ảnh hưởng nặng nề bởi những đau đớn khủng khiếp thường nhật của các cô gái làm việc cùng họ, hoặc dưới quyền họ, phải chịu đựng. Nhưng tất cả bị tấm màn im lặng phủ kiến, bởi người ta muốn đây phải là cuộc chiến tranh nhân dân.
Trong logic chiến tranh của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tổng động viên quần chúng và việc cưỡng bách thanh niên tòng quân (qua phong trào Ba sẵn sàng) biến mỗi công dân thành một chiến sĩ không phân biệt giới tính. Giới lãnh đạo Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nắm chắc mục tiêu `dân tộc-cộng sản', thẳng tiến vào Nam đến chiến thắng tại Sài Gòn, không dừng bước trước bất kỳ trở ngại nào và không ngần ngại trước bất kỳ hy sinh nào. Chủ nghĩa anh hùng và bi kịch liên hệ mật thiết với nhau, vì vậy chính sử sẽ không thể phân biệt chúng rạch ròi. Tuy vậy, vào giữa thập niên 1990, cựu TNXP bắt đầu giành lại lịch sử của mình; điều này có thể sẽ cho phép họ góp phần giúp ta hiểu rõ hơn vai trò then chốt mà họ đã đóng trong cuộc chiến tranh thống nhất đã đòi hỏi nơi họ những hy sinh khủng khiếp nhường ấy. Vì lý do này, họ hẳn có thể nắm giữ một phần của việc viết sử trong tương lai.
Trong quá trình nghiên cứu của tôi, một câu hỏi thứ hai thường xuyên được đặt ra: vấn đề phụ nữ trong chiến tranh, đặc biệt là ý thức về sự tàn tạ về bản chất sinh lý của phụ nữ và của người mẹ. Ni cô Phương nhấn mạnh điểm này một cách rõ ràng, nhưng khiêm tốn, khi bà kể ra bí mật của mình, một bí mật phụ nữ đã ảnh hưởng những TNXP sống sót trở về: "Chúng tôi đã mất điều làm cho chúng tôi là phụ nữ" [143]. Trong bài thuyết trình khiêm tốn nhưng đầy ý nghĩa, nhà văn Lê Minh Khuê nêu lên vấn đề thân xác phụ nữ trong và sau thời kỳ chiến tranh: "Có một điều không ai biết, không được nhắc tới dù nhắc xa xôi, vì ở Việt Nam người ta cấm kỵ xem như ô nhục xấu xa, đó là đời sống thân xác của người đàn bà" [144]. Nguyễn Văn Đệ cũng viết về sự cạnh tranh giữa đàn ông và phụ nữ, và việc phái yếu đã đứng lên trong thử thách như thế nào [145]. Các cô gái chẳng thua kém gì cánh con trai, và thậm chí còn táo bạo và can đảm hơn trên chiến trường. Tướng Đồng Sĩ Nguyên chứng kiến công việc của TNXP trên đường mòn HCM đã ca ngợi: "Đặc biệt, ở Trường Sơn, các nữ TNXP không phải là phái yếu như nhiều người thường nghĩ. Trái lại họ là `phái mạnh'" [146]. Bất chấp những hình ảnh tuyên truyền lừa bịp, cách thức quản lý chiến tranh cách mạng thuộc giống đực. Một cuộc chiến vì đàn ông, chống lại đàn ông, do đàn ông dẫn dắt. Ngay cả khi các đơn vị TNXP gồm toàn phụ nữ thì chỉ huy cũng vẫn là đàn ông. Cơ bản mà nói, người ta đã tiến hành cuộc chiến mà không mảy may quan tâm đến những đặc thù sinh lý và văn hóa của phụ nữ trong chiến tranh; trên thực tế, những điều này đã bị bỏ qua, coi nhẹ hoặc rơi vào quên lãng. Nói cách khác, thu hoạch của chiến thắng 1975 hoàn toàn chỉ thuộc về đàn ông. Cũng như bao cuộc chiến khác, khi "cánh đàn ông từ chiến trường trở về", dù theo nghĩa đen hay nghĩa bóng, tái tạo một Việt Nam xã hội chủ nghĩa chiến thắng và đầy đực tính, đã không đếm xỉa đến sự dấn thân của phụ nữ trong chiến tranh nhân dân. Đây là một dạng "trừng phạt dục tính", thắm đẫm trong cuộc trở về của quyền lực Khổng giáo và đực tính, được minh hoạ bằng màu kaki hiện diện khắp phía Bắc vĩ tuyến 17 mãi cho đến thời kỳ mở cửa vào năm 1986, được biết đến với tên gọi Đổi mới.
Thực tế, mặc dù các cô gái đóng một vai trò quan trọng trong chiến tranh, lời nói của họ bị chìm nghỉm trong cả một đại dương tuyên truyền. "Còn có một cuộc chiến mà chúng ta không biết", Svetlana Alexievitch khẳng định [147]. Việc buộc chính sử, với điện thờ các anh hùng của nó, thừa nhận cách nhìn khác về một cuộc chiến với đầy thông số chi tiết đậm nét về tâm sinh lý, là điều hết sức khó. Ta có thể thấy điều này qua cuộc đối thoại giữa Svetlana Alexievitch và một nhân viên kiểm duyệt về trường hợp Liên Xô, một ví dụ hoàn toàn có thể áp dụng được vào trường hợp Việt Nam: "Có gì hay ở những chi tiết sinh lý này? Rốt cuộc quý vị chỉ hạ thấp phụ nữ bằng cách tập trung vào cơ thể của họ. Tước vòng nguyệt quế của các nữ anh hùng và khiến họ trở thành những phụ nữ bình thường. Thành giống cái. Nhưng với chúng tôi họ là những nữ Thánh!" [148]
Đây là vấn đề thực sự. Ngoài những cống hiến hiển nhiên vào cuộc chiến đực tính này, các cô gái TNXP còn được bộ máy tuyên truyền sử dụng như những hình ảnh thần thánh. Để dẫn dắt cuộc chiến và tổ chức tuyển binh, người ta cần những gương mặt nữ đầy khích lệ, những nụ cười rạng rỡ như một lợi thế giới tính hóa. Hình ảnh Nguyễn Thị Kim Huế, thần tượng của TNXP, được chụp cạnh "Bác Hồ" năm 1967, vẫn tiếp tục được sử dụng cho đến tận ngày hôm nay. Không phải ngẫu nhiên mà tấm ảnh biểu trưng này được dùng làm bìa cho cuốn Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp giải phóng phụ nữ mới xuất bản gần đây [149]. Chân dung trẻ trung của mười cô gái hy sinh vì bom Mỹ trên tượng đài Đồng Lộc cũng góp phần vào hiện tượng này. Người ta thăm viếng các cô gái trẻ chết ngoài chiến trường gần như với nghi lễ tôn giáo, như thể để tự thuyết phục mình là họ đã có niềm tin tốt đẹp và cách hành xử đúng đắn trong một cuộc chiến tranh tế mạng, được tiến hành nhân danh chủ nghĩa cộng sản dân tộc đầy đực tính. Không biết việc dựng tượng đài kỷ niệm và trao huy chương liệu có đủ để siêu việt hóa thực tế hàng vạn thân thể phụ nữ bị hủy hoại, tàn phai, tật nguyền, và chao đảo mãi mãi?
François Guillemot là chuyên viên nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia (CNRS), phụ trách kho tài liệu Việt Nam tại Viện Nghiên cứu Đông Á (IAO, Lyon, Pháp). Ông lấy bằng tiến sĩ về lịch sử tại Ecole pratique des hautes études (EPHE, Paris) năm 2003. Hiện ông nghiên cứu về những vấn đề văn hoá trong chiến tranh của người Việt, và về chủ nghĩa dân tộc phi cộng sản của người Việt, chẳng hạn như về Đảng Đại Việt. Tiểu luận này được thuyết trình lần đầu tại hội thảo quốc tế, "Bản sắc cơ thể ở Việt Nam: Chuyển hoá và Đa dạng", tại Ecole normale superieure lettres et sciences humaines, Lyon. Tác giả cảm ơn Christopher E. Goscha, Agathe Larcher, Claire và William J. Duiker, Vatthana Pholsena, Tuong Vu, Edward Miller và Trang Cao đã giúp ông dịch (từ tiếng Pháp sang tiếng Anh) và hiệu đính tiểu luận này để đăng trên Journal of Vietnamese Studies vào mùa thu 2009.
Nguồn: Journal of Vietnamese Studies, Volume 4, Number 3, Fall 2009.
Bài viết được dịch từ nguyên bản tiếng Pháp, có sự hiệu đính của tác giả François Guillemot.
(Biển tuyên truyền trên đường mòn Hồ Chí Minh trong thời kỳ chiến tranh)
"Lúc ấy họ là những người lính chỉ đáng giá ba xu"
(Những cô gái bị lãng quên của đường mòn Hồ Chí Minh, 2003)
Dẫn nhập
Dù "chiến tranh Việt Nam" đã chính thức kết thúc vào ngày 30 tháng 4 năm 1975 với sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn cách đây 35 năm, nhưng sự xung đột tại Việt Nam vẫn còn là đề tài cho rất nhiều câu hỏi đang được nghiên cứu. Như mọi người đều biết, từ năm 1954 đến 1975, ngoài việc bị lôi cuốn trong khuôn khổ Chiến tranh lạnh với một tầm vóc quốc tế quan trọng, sự xung đột này được thể hiện dưới hình thức một cuộc chiến huynh đệ tương tàn giữa hai Nhà nước đối lập nhau về một ý thức hệ và ngăn cách nhau bằng một đường biên giới. Ai cũng biết rõ những khía cạnh chính trị và quân sự của cuộc chiến, nhưng còn những vùng tối khác cần phải được nghiên cứu thêm, đặc biệt là ảnh hưởng của nó với các lực lượng dân công, bản chất của những đoàn quân được tuyển mộ, vai trò của phụ nữ, hàng loạt vấn đề xoay quanh "văn hóa chiến tranh" và những đoàn thể bị mắc trong gọng kềm của cuộc chiến đó.
Khi nêu lên vấn đề về bản chất của cuộc chiến, công trình nghiên cứu này nhằm mục đích nghiên cứu lịch sử của một lực lượng xã hội và quân sự có tên là "Thanh niên xung phong" trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam giữa hai nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (miền Bắc) và Việt Nam Cộng hòa (miền Nam) chủ yếu diễn ra từ năm 1965 đến 1975. Nụ cười rạng rỡ của các cô gái anh hùng trên nhật báo và phim ảnh tuyên truyền của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong chiến tranh đã chu du khắp thế giới, nhưng số phận bi thảm của chính những người nữ anh hùng vô danh này vẫn chưa được mọi người biết đến đầy đủ. Vấn đề này vẫn còn mang tính nhạy cảm ở Việt Nam dù người ta đã giới thiệu một bộ sử mang tính thực chứng về cuộc đấu tranh giải phóng đất nước; bộ sử này mới đây đã góp phần trong việc xác định một vị trí quan trọng hơn của các nhân vật lịch sử bị lãng quên, đặc biệt là của thành viên các đoàn Thanh niên xung phong.
Được chia làm bốn phần, đề tài tôi sẽ đề cập đến là cuộc phiêu lưu đầy giông bão của những "Thanh niên xung phong" đắm chìm trong ngọn lửa chiến tranh. Trong phần đầu, điều quan trọng là đặt ra những cột mốc lịch sử cần thiết để người đọc hiểu được việc hình thành lực lượng tập thể phục vụ chiến tranh này và, trong phần thứ hai, nhận ra được cơ cấu của nó, cùng những nam nữ thanh niên đã tham gia trong cuộc. Trong phần thứ ba, tôi xem xét hiện thực khốc liệt đổ lên cơ thể thanh niên xung phong, những người trải qua bao gian khó chiến tranh; đây cũng là vấn đề trọng tâm của công trình nghiên cứu này. Tôi sẽ phác thảo bức tranh những cơ thể trong chiến tranh này, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng; tôi sẽ xem xét quá trình sáng tạo, kết cấu, tan rã và cuối cùng là tái tạo những cơ thể đó. Trong phần cuối, tôi sẽ đề cập một cách ngắn gọn hậu quả của kinh nghiệm bi thảm này, và xem xét vai trò của các yếu tố tâm lý và hồi ức cá nhân, cũng như các nhân tố xã hội và lịch sử có liên quan. Những người chịu trách nhiệm và việc quản lý khó khăn thời hậu chiến sẽ được đề cập ngầm ẩn trong phần kết luận của công trình nghiên cứu bước đầu này.
I. Yêu cầu của cuộc chiến tranh nhân dân: việc hình thành một lực lượng thanh niên tập thể đặc biệt
Nhiệm vụ đầu tiên của "thời đại lịch sử" của chúng ta là dựng lên những cột mốc cần thiết để mọi người hiểu được hiện tượng này. Tuy nhiên, trước khi ta đi sâu vào quá trình hình thành của lực lượng tập thể ấy, thiết tưởng cần phải phân tích bản thân khái niệm về Thanh niên xung phong (sau đây viết tắt là TNXP). Có nhiều cách dịch cụm từ này bằng tiếng Anh cũng như tiếng Pháp [1]. Tên gọi "TNXP", được sử dụng để chỉ một tập hợp thanh niên nguyện hiến "thể xác và tâm hồn" cho chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong chiến tranh, dẫn đến nhiều khía cạnh cần phải xác định lại. Đó là một tổ chức xã hội và chính trị bao gồm những người trẻ (thanh niên) và được Nhà nước - Đảng của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lập ra từ năm 1950. Tổ chức này được chỉ định phải hoàn thành một nhiệm vụ được miêu tả bằng những thuật ngữ như "xung phong" hoặc "xung kích", một hình dung từ mạnh mẽ miêu tả một lực lượng thanh niên sẵn sàng xông lên, trong lòng họ chủ nghĩa duy ý chí hòa lẫn với lòng yêu nước [2].
Sự xuất hiện của lực lượng này - trên khái niệm có thể được xác định bằng ngày tháng cụ thể. Thuật ngữ này chính thức xuất hiện trong một chỉ thị của Ban thường vụ trung ương ngày 3 tháng 5 năm 1950 có liên quan đến chiến dịch động viên cho biên giới Việt-Trung khi chiến tranh Đông dương đang lúc đỉnh điểm [3]. Tiêu đề của chỉ thị đã chỉ ra mục đích phục vụ quân sự: "Về việc sửa đường và vận tải". Dù ngôn từ còn chịu ảnh hưởng khá nặng của chủ nghĩa Mao (Thanh niên đột kích đội - Youth Shock Brigades), chỉ thị ngày 3 tháng 5 năm 1950 sử dụng trực tiếp cụm từ tiếng Pháp "brigade de choc", một cụm từ chính trị-quân sự thông dụng trong các đảng cộng sản châu Âu thời bấy giờ.
Tính độc đáo và đặc thù của Việt Nam chính là đã chuyển đổi thuật ngữ này, xuất phát từ ngôn ngữ chính trị Trung-Xô, thành một thuật ngữ đặc trưng gắn liền với chiến tranh và với việc tái thiết hậu chiến. Những TNXP sẽ là đội tiên phong của hậu tuyến thời chiến tranh (hậu cần: phục vụ tuyến sau) và của việc chuyển sang xã hội chủ nghĩa trong thời bình. Tính đặc trưng của lực lượng này được nhắc lại trong định nghĩa rõ ràng của Trần Hữu Đính: "[là] một đội quân lao động, chiến đấu đặc biệt của tuổi trẻ Việt Nam và là một lực lượng dự bị hùng hậu cho giai cấp công nhân Việt Nam" [4]. Trong thời chiến, đội hậu vệ ở tuyến đầu này sẽ là những "tay và chân của cuộc chiến". Bách khoa Toàn thư Quân sự Việt Nam đưa ra một định nghĩa khác, trong đó những nhiệm vụ của TNXP được xác định rõ ràng hơn: "[là] lực lượng thanh niên Việt Nam tự nguyện, trực tiếp thực hiện nhiệm vụ phục vụ chiến đấu và một số nhiệm vụ khác (mở đường, sửa chữa đường, điều chỉnh giao thông, vận chuyển hàng quân sự, tải thương, quan sát và đánh dấu vị trí bom nổ chậm, thủy lôi của địch...) [5]". Về mặt lý thuyết, nhiều chỉ thị được soạn thảo trong thời gian này đều nhắc nhở rằng thanh niên xung phong "là một lực lượng lao động đặc biệt, có ba nhiệm vụ: lao động sản xuất, sẵn sàng chiến đấu và học tập rèn luyện [6]".
Những lời minh chứng của các cựu TNXP xác định vai trò thực sự của họ: "Trước những trận đánh, họ luôn `đi trước' mở đường, xây dựng chiến tuyến, rồi trực tiếp tham gia chiến đấu, cuối cùng họ lại chính là những người `về sau' thu dọn chiến trường, tải thương, chôn cất liệt sĩ [7]". Cụm từ "những người đi trước về sau" tự thân nó đã tổng kết được nhiệm vụ khổng lồ trên giao cho họ.
Dựa trên cụm từ chung "Thanh niên xung phong", nhiều khái niệm đã được những người lãnh đạo cộng sản Việt Nam chọn lựa để nối kết lực lượng thanh niên này vào quá trình tiến hóa của lịch sử và việc chép sử, vào các tình huống chiến tranh khác nhau từ 1950 đến 1975. Theo ghi chép trong sách sử chính thức, có nhiều lực lượng đã nối tiếp nhau kể từ tháng bảy 1950 và cũng được phân chia thành ba "thế hệ" lớn: thế hệ TNXP tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp; thế hệ TNXP chống Mỹ, giải phóng miền Nam; thế hệ TNXP xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (sau đại thắng mùa Xuân 1975) [8]. Có thể nói, dù xuất phát từ một nguồn gốc mang đậm dấu ấn của thế giới cộng sản, một kiểu mẫu Việt Nam mang tính quốc gia đã được lập ra cùng với cuộc chiến. Từ năm 1965, lực lượng tập thể Thanh niên xung phong đã được đặt cho một cái tên viết tắt là "TNXP", một phù hiệu biểu trưng [9], một màu xanh lá cây riêng biệt, một nền văn hóa (các khẩu hiệu, bài ca, phim ảnh) [10]. Bằng cách này, lực lượng - trên khái niệm và lực lượng tập thể TNXP trở nên rất dễ nhận ra. Ở đây tôi đặc biệt quan tâm đến các lực lượng TNXP được gọi là "chống Mỹ cứu nước" từ năm 1965 đến năm 1975.
Thanh Niên Xung Phong
Từ 1950 đến 1954, các lực lượng TNXP được thử nghiệm qua nhiều giai đoạn, một sự thử nghiệm đặt dưới sự kiểm soát trực tiếp của Hồ Chí Minh và của Vũ Kỳ, người thân tín của ông ta. Lúc đầu, khi còn được đặt dưới sự giám sát của hai tổ chức thanh niên của Đảng Cộng sản Đông dương [12], những đội TNXP đầu tiên chỉ quy tụ được vỏn vẹn có 225 thành viên, một con số được sử sách chính thức nhấn mạnh. Nhiệm vụ được trên giao cho họ với tư cách là "dân công" trên mặt trận Đông-Bắc chủ yếu là tham gia vào nỗ lực mở những tuyến đường và chuyển vận hàng tiếp tế vũ khí và thực phẩm [13]. Đặc biệt, lực lượng cơ động mới này còn cho phép bù đắp những thiếu thốn trong vận chuyển bằng đường sắt và thực hiện việc vận tải trong những vùng núi non hiểm trở khó đi lại. Nhiệm vụ của các TNXP nhanh chóng trở nên gian khổ khi họ phải đối mặt với chiến tranh. Những tử sĩ TNXP đầu tiên đã ngã xuống trong trận Đông Khê ngày 16 tháng 9 năm 1950. Đó là trận đánh quy mô đầu tiên đối với những TNXP đảm bảo một phần công tác vận chuyển 8 tấn hàng quân nhu thu được của Pháp cũng như công tác tải thương [14].
Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong chuyến kinh lý thanh tra Liên phân đội TNXP 312, ngày 20 tháng 3 năm 1951, tại Nà Cù, Bắc Kạn (vùng Việt Bắc), đã nhân cơ hội làm thơ về nhiệm vụ vẻ vang và dũng cảm mà những thanh niên mới được tuyển mộ cần phải hoàn thành. Trong chuyến viếng thăm bất ngờ này, người đứng đầu nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ứng tác và tặng các TNXP 4 câu thơ sau đây: "Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền. Đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên [15]."
Với chiến thắng biên giới, được minh họa bằng thất bại rúng động của quân Pháp từ cuối năm 1950 ở Cao Bằng, các lãnh đạo Việt Minh quyết định mở rộng việc động viên. Trong suốt những năm sau đó cho đến năm 1954, quân số của lực lượng đã lên đến hàng mấy vạn; theo các tài liệu nghiên cứu quân sự thì con số này dao động từ 14.000 đến 23.000 người được tuyển mộ [16].
Nhiệm vụ lớn cuối cùng của TNXP trong chiến tranh chống Pháp và Chính phủ Bảo Đại được cụ thể hóa bằng việc chuẩn bị phi thường trong trận đánh Điện Biên Phủ. Võ Nguyên Giáp đã cho tuyển mộ hàng vạn phu tạp dịch, phu khuân vác, dân công và những nhóm "TNXP" để hoàn thành một công việc gần như đội đá vá trời. Quân số của TNXP, vào giữa năm 1953 chỉ có khoảng 15.000, đã tăng lên để đạt được 22.000 người mới tuyển vào thời điểm ác liệt nhất của trận đánh [17]. Đặc biệt, 8.000 người được tuyển xuất phát từ hàng ngũ TNXP được đưa ra trực tiếp phục vụ mặt trận để bù đắp lại những tổn thất lớn trong quân đội nhân dân. Có nghĩa là trong số 42.000 quân được tuyển mộ cho chiến dịch Điện Biên Phủ, cứ 5 người thì có 1 người xuất phát từ hàng ngũ TNXP [18]. Vũ Thị Hòa thừa nhận: "Có thể nói sự phát triển Đoàn TNXP là do yêu cầu của chiến dịch Điện Biên Phủ [19]." Nhiệm vụ chủ yếu của TNXP trong thế trận Điện Biên Phủ là sửa chữa và mở đường, là trợ giúp, thậm chí, trong trường hợp cần thiết, là thay thế những người lính của bộ đội chính quy [20]. Như vậy, trong cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, những nhiệm vụ trên giao cho các TNXP được phân loại như sau: mở và sửa chữa những tuyến đường thông tin liên lạc, xây cầu và làm bè để vượt sông, lấp hố bom, phá bom nổ chậm, vận chuyển hàng quân nhu, khí tài và lương thực cho các chiến sĩ ngoài mặt trận [21]. Nói rõ ra, họ đảm bảo công tác hậu cần đặc biệt cho cuộc chiến tranh này.
Từ 1965, một bước ngoặt căn bản được hình thành [23]. Dựa vào những kinh nghiệm trong quá khứ, Ủy ban Trung ương Đảng Lao động quyết định tổ chức hai lực lượng TNXP mới để đối phó với tình hình khẩn cấp khi quân Mỹ can thiệp vào miền Nam Việt Nam. Ngày 20 tháng 4 năm 1965, "Lực lượng TNXP Giải phóng Miền Nam Việt Nam" được thành lập tại Bảy Bàu (Tây Ninh) và đặt dưới quyền lãnh đạo của Nguyễn Đức Toàn, thành viên phong trào thanh niên của Đảng Nhân dân Cách mạng, phái viên chính trị ngầm của Hà Nội được cài cắm vào miền Nam [24]. Ngày 24 tháng 4, "Đội TNXP Chống Mỹ Cứu Nước" đầu tiên được thành lập ở tỉnh Thanh Hóa. Sau đó, phong trào này đã lan rộng khắp lãnh thổ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kể từ ngày 21 tháng 6 với chỉ thị số 71 của Thủ tướng quyết định chính thức thành lập những "Đội TNXP Chống Mỹ Cứu Nước tập trung" và khẳng định lại vai trò của nó trong việc phục vụ công tác giao thông vận tải [25]. Việc thành lập này, theo sáng kiến của Hồ Chí Minh, của Đảng ủy Trung ương và của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đã đạt sự nhất trí có thể nói là cao độ, và diễn ra trong một hoàn cảnh ý thức hệ đặc biệt được minh họa bằng hai phong trào thi đua rộng lớn nhắm vào giới thanh niên và phụ nữ. Ví dụ phong trào có tên là "Ba Sẵn Sàng", được phát động vào ngày 9 tháng 8 năm 1964, là một phong trào thi đua cách mạng rộng lớn nhắm vào thanh niên
1. Sẵn sàng gia nhập lực lượng võ trang đi chiến đấu;
2. Sẵn sàng khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, công tác, học tập;
3. Sẵn sàng đi bất cứ nơi nào tổ quốc cần [26].
Phong trào thứ hai, được gọi là "Ba Đảm Đang", có liên quan trực tiếp đến giới phụ nữ hơn, là một phong trào thi đua do hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động từ ngày 19 tháng 3 năm 1965, bao gồm
1. Gánh vác việc sản xuất và lao động thay cho nam giới ra mặt trận;
2. Gánh vác việc gia đình trong lúc chồng hoặc con trai vắng mặt;
3. Gánh vác việc trợ giúp cần thiết cho mặt trận và chuẩn bị chiến đấu [27].
Đối với các lực lượng TNXP được đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng (phong trào thanh niên của Mặt trận Dân tộc Giải phóng) lãnh đạo ở miền Nam, một phong trào thi đua tương tự cũng được phát động dưới tên gọi "Năm Xung Phong",
1. Xung phong tiêu diệt nhiều sinh lực địch;
2. Xung phong tòng quân giết giặc;
3. Xung phong trong các cuộc đấu tranh chính trị ở đô thị và nông thôn;
4. Xung phong phục vụ tiền tuyến;
5. Xung phong sản xuất nông nghiệp ở nông thôn [28].
Như vậy, các lực lượng TNXP Chống Mỹ mới đã được thành lập trong bầu không khí tổng động viên toàn quốc [29]. Ngoài ra, còn phải kể đến lời kêu gọi lòng yêu nước vang dội do Hồ Chí Minh tuyên đọc ngày 17 tháng 7 năm 1966 đã tạo được sự hưởng ứng rộng lớn trong ba đợt liên tiếp nhằm tuyển mộ TNXP cho cuộc chiến [30].
Để đối phó với tình hình chiến tranh khẩn cấp gắn liền với việc các lực lượng Mỹ đổ quân ồ ạt trong cuộc đối đầu, một đợt tuyển mộ tăng cường được phát động, và trong thời gian ngắn, đã có hơn 52.000 thanh niên gia nhập. Lòng yêu nước cuồng nhiệt nơi họ để hoàn thành việc giải phóng miền Nam được thể hiện qua khẩu hiệu "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" và được cụ thể hóa bằng hàng chục vạn chiến binh xây dựng nên đường mòn Hồ Chí Minh với một hệ thống chằng chịt dài 16.000 km. Trong suốt mười năm, tức từ 1965 đến 1975, "Lực lượng TNXP chống Mỹ" đã hình thành đội tiên phong nhiệt thành của một thế hệ trẻ hoàn toàn tận tụy với nỗ lực của chiến tranh. Họ trở thành mũi xung kích trong việc cung cấp võ khí và lương thực, tháo ngòi bom trên các tuyến đầu của mặt trận và đảm bảo các đường giao thông được thông suốt, một vấn đề sống còn trong việc chỉ đạo chiến tranh.
Hiện nay, những số liệu ước tính tổng quát liên quan đến nhiều thế hệ TNXP từ 1950 cho thấy có gần 220.000 cán bộ và đội viên tham gia. 80% quân số này thuộc quyền điều động của Bộ Giao thông Vận tải và ba phần tư các lực lượng này được hình thành từ những lực lượng TNXP tập trung của miền Bắc [31]. Quân số TNXP tập trung của miền Bắc lên đến 143.591 cán bộ và đội viên (chiếm khoảng 72% trong tổng số) [32]. Tuy nhiên số liệu được mọi người công nhận là 220.000 đội viên vẫn còn là một con số tối thiểu cần được đánh giá lại. Các nguồn thông tin chính thức khác xuất phát chủ yếu từ Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đưa ra con số tổng quát cao hơn nhiều là 330.000 cựu TNXP [33]. Thông tấn xã lại thông báo con số "hơn 335.800" cựu đội viên vào năm 2004 [34].
Có ba nét rõ rệt nổi bật từ quá trình phát triển của TNXP từ năm 1950 đến năm 1975: 1 - Quyết định đã được đưa ra từ cấp cao nhất của Nhà nước. Hồ Chí Minh đã đích thân giám sát việc thực hiện và theo dõi quá trình phát triển của phong trào trước khi trao lại quyền chỉ huy cho guồng máy của Đảng Lao động do Lê Duẩn lãnh đạo vào thời ấy; 2 - Việc tuyển mộ và biên chế lực lượng được thực hiện khẩn cấp mà không lường trước được những hậu quả về con người. Điều này đặc biệt lộ rõ trong thời kỳ từ 1965 đến 1975 với việc các cô gái xung phong gia nhập ồ ạt; 3 - Việc giải quyết quy chế và chế độ cho các cựu đội viên của lực lượng này thường muộn màng, cứng nhắc và mang nặng tính chính trị.
Trong chiến tranh, việc quản lý các nguồn nhân lực của TNXP chủ yếu mang tính ý thức hệ và quân sự. Nó được kiện toàn dần qua các chiến dịch tuyển mộ và sự phát triển các trận đánh. Tình cảm chung xuất phát từ việc quản lý lực lượng tập thể này - được thành lập vì và do chiến tranh cách mạng - vẫn là thứ tình cảm của một đội quân dự bị, phần đông là nữ, chịu đựng gian khổ mà không than thở, sẵn sàng tuân phục việc huấn thị ý thức hệ tuy sơ đẳngnhưng rất gắt gao. Với danh nghĩa ấy, đức vâng lời là một yêu cầu tuyệt đối như đã được nêu ra trong lời thề mười điểm hay còn được gọi là mười điều kỳ luật của các đội viên TNXP và nội quy của tổ chức. Điểm đầu tiên của lời thề nhắc lại sứ mệnh thiêng liêng của các TNXP là: "Sẵn sàng hy sinh vô điều kiện vì Tổ quốc Việt Nam, vì sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, ra sức xây dựng và bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, tích cực ủng hộ cách mạng giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc." [35]
II. Một lực lượng phục vụ chiến tranh: thành phần và cách nhận biết
Việc nghiên cứu lực lượng này - được hình thành từ một bô phận của tuổi trẻ Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh - đòi hỏi đi sâu tìm hiểu thành phần xã hội, sắc tộc hoặc địa phương của nó ngay cả khi những câu hỏi như: Ai? Ở đâu? và Bao nhiêu? vẫn còn đặt ra nhiều vấn đề.
Việc tập hợp những TNXP đã tiến triển trong những năm chiến tranh, nhưng sơ đồ tổ chức của lực lượng này không hề thay đổi theo dòng thời gian. Do đó, công trình nghiên cứu của tôi đặc biệt tập trung hơn vào thời kỳ của những "TNXP chống Mỹ", sơ đồ tổ chức của họ có dạng của một cấu trúc kim tự tháp mà trên đỉnh là Ban Bí thư Trung ương Đoàn, có Ban Chỉ đạo TNXP Trung ương tiếp sức. Ban Chỉ đạo này có dưới tay bốn Ban trọng yếu của TNXP có liên hệ với các cơ quan có sử dụng nhân lực của họ:
1. Ban Chỉ đạo TNXP tỉnh thành đoàn;
2. Ban Chỉ đạo TNXP ngành Giao thông Vận tải Trung ương;
3. Đoàn 559 phục vụ Quốc phòng [đường mòn Hồ Chí Minh];
4. Ban cán sự Thanh niên ngành Lâm nghiệp [36].
Xếp theo tầm mức quan trọng, ngành Giao thông Vận tải bỏ xa các cơ quan khác với 9 Cục và Ban có sử dụng các đơn vị TNXP: các Cục I, II, Đường sắt, Ôtô-ray, Đường sông, Đường biển, Quản lý Quân lương, các Ban 64 và 67. Ba phần tư số "TNXP chống Mỹ" được tuyển mộ được phân bổ vào các Cục và Ban này dưới sự lãnh đạo của Bộ Giao thông Vận tải. Đoàn 559 - nổi tiếng vì được sử dụng vào việc mở đường mòn Hồ Chí Minh xuyên qua rừng già - cũng tập hợp được khoảng 6.700 "Thanh niên Tình nguyện" trong số 120.000 quân mới tuyển [37].
Các Đội hoặc Tổng đội TNXP sau đó được chia thành Đại đội rồi thành Tiểu đội, đơn vị nền tảng của cấu trúc [38]. Các nhóm TNXP khác nhau thường mang một phiên hiệu riêng cho mình. Vì thế, người ta dễ nhận ra mỗi Liên đội, Đội, Đại đội hoặc Tiểu đội qua phiên hiệu của họ [39]. Từ 1965 đến 1975, Nguyễn Văn Đệ thống kê có đến 131 Đội, 34 Đại đội độc lập hoạt động tại các địa phương cũng như có 4 đội khác không ghi rõ nguyên quán [40]. Tuy nhiên, thực hiện việc thống kê các đội cho cả ba thời kỳ tuyển mộ không dễ. Trong suốt thời kỳ chiến tranh, có khoảng mười đội không thay đổi phiên hiệu [41]. Thêm vào đó là một số vấn đề khác như việc xây dựng lại các đơn vị, đặc biệt là đối với các đội đang lao động trên đường mòn Hồ Chí Minh, hoặc là việc cấp mã thiếu chính xác hay hoàn toàn tách biệt với công tác mã hóa thông thường [42].
Trong thời kỳ từ 1965 đến 1975, việc tuyển mộ trở nên ồ ạt và thường xuyên để đáp ứng sự phát triển và những bất trắc của chiến tranh. Phạm vi địa lý của việc tuyển mộ bao gồm 24 tỉnh của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhưng chỉ một vài tỉnh mới chứng tỏ được phần đóng góp quan trọng của mình. Trên thực tế, đứng đầu vẫn là tỉnh Thanh Hóa khi, theo số liệu báo cáo, đã mộ được từ 33.000 đến 43.000 thanh niên sẵn sàng đưa ra phục vụ chiến tranh (chiếm khoảng 25% trên tổng số). Ba tỉnh khác là Nghệ An, Hà Tĩnh và Nam Hà theo sau với phần đóng góp là gần 15.000 người cho mỗi tỉnh. Ba tỉnh mới (Hải Hưng, Thái Bình, Quảng Bình) nối gót toán dẫn đầu này với một nỗ lực đóng góp từ 6.000 đến 10.000 quân mới tuyển. Bảy tỉnh này góp tổng cộng hơn 70% lực lượng TNXP trong thời kỳ chống Mỹ. Việc tuyển mộ cũng được triển khai theo vùng địa lý gắn liền với những địa phương gần mặt trận, chủ yếu liên quan đến ba khu vực sau đây: những vùng phụ cận ngay sát đường biên giới và đường mòn Hồ Chí Minh, chung quanh khu vực cảng Hải Phòng và thành phố Hà Nội (tuyển được khoảng 6.000 quân).
Những chiến dịch tuyển mộ cũng tuân theo một lịch phân chia định kỳ rõ rệt. Như tôi đã đề cập đến việc này trên đây, từ 1965 đến 1975, những TNXP được tuyển ồ ạt qua ba thời kỳ, mỗi thời kỳ có hạn phục vụ là ba năm, theo thống kê sau đây của Nguyễn Văn Đệ: thời kỳ I, từ 1965 đến 1967, tuyển được 73.851 người (với 25 đợt tuyển); thời kỳ II, từ 1968 đến 1971, tuyển được 27.770 người (với 15 đợt tuyển); thời kỳ III, từ 1972 đến 1975, tuyển được 41.770 người (với 35 đợt tuyển) [44]. Thời kỳ đầu tiên từ 1965 đến 1967 cho thấy một tỷ lệ tuyển mộ rất cao (chiếm 51,50% trên tổng số), điều này được lý giải như là việc khai động thế trận kháng chiến và tổng động viên các lực ượng quốc gia phục vụ mặt trận (các chiến dịch "Ba sẵn sàng" và "Ba đảm đang").
Tuy không đi sâu nghiên cứu xã hội học, việc tuyển mộ TNXP do đây vẫn là một công việc tự thân nó còn phải làm rất nhiều, vấn đề thành phần xã hội của TNXP cũng cần được đặt ra. Những người được tuyển mộ là ai? Về mặt chính thức, việc tuyển mộ hoàn toàn nhắm vào những thanh niên không phân biệt giai cấp xã hội, tôn giáo, nguồn gốc sắc tộc, nhưng trên thực tế thì lại không mấy rõ ràng [45] Hà Nội, Nxb Thanh Niên, 1967, tr. 7-8.. Đại đa số TNXP đều được chọn từ thanh niên nông thôn: "chủ yếu là thanh niên xuất thân từ các hợp tác xã nông nghiệp, học sinh các trường sơ cấp và chuyên nghiệp và con em cán bộ." [46] Trong số họ, đa phần là những thiếu niên nam nữ tuổi từ 15 đến 20. Trong nhiều trường hợp, tuổi quy định để gia nhập TNXP hạ xuống còn 13 tuổi. Đó chính là trường hợp đặc biệt của những nhóm "TNXP Giải phóng Miền Nam" có độ tuổi từ 13 đến 24 tuổi [47]. Trong số những thanh nữ được tuyển thì học sinh nữ hiện diện rất thường xuyên. Do đó, một báo cáo của chiến dịch thi đua năm 1967 chỉ rõ ra rằng "một số khá đông những học sinh nữ cấp II và III đã tạm thời rời khỏi ghế nhà trường để nắm lấy cơ hội duy nhất này - chỉ xảy ra một lần mỗi thế kỷ - để đem thân phục vụ cho Tổ quốc" [48]. Điều này cho phép hiểu ngầm rằng những thanh nữ 12 hoặc 13 tuổi cũng có thể được tuyển trong trường hợp cần thiết.
Đối với những thiếu niên-lính này (thậm chí trong một vài trường hợp là trẻ em-lính), vô khí chỉ là cuốc chim đơn giản, xẻng lớn và hành trang trí thức ít ỏi mang theo người chỉ là vài năm học sơ cấp ở trường. Họ gặp nhau và chỉ trong mấy ngày là bị đẩy ra tuyến lửa. Không có kiến thức quân sự, tất cả họ đều được huấn luyện tại chỗ như câu khẩu hiệu "Khắc làm, khắc biết" đã tóm ý [49]. Đối với những học sinh nữ ở các thành phố chẳnng biết gì ngoài việc cầm bút, tham gia các cũng việc lặt vặt trong gia đình, hãy còn được mẹ nuông chiều và ban đêm vẫn còn sợ ma thì sự hụt hẫng của họ thật dữ dội [50]. Sau khi được tập hợp và biên chế thành đơn vị, những TNXP được nhanh chóng gọi ra tuyến lửa. Văn Tùng và Nguyễn Hồng Thanh nhắc lại những điều kiện khủng khiếp của chuyến lên đường ra mặt trận:
"Nhiều đội viên chưa một lần xa nhà. Phần lớn họ là những thanh niên nông thôn, chưa quen đi bộ đường xa 5 - 7 km, nay phải hành quân mang nặng, phải trèo đèo, lội suối, qua truông dài hun hút. Có đơn vị khi lên đường vẫn chưa có dép, hoặc có nhưng không đúng cỡ, phần lớn anh em phải đi chân đất, bàn chân phồng rộp. Một số đội viên TNXP đã ngã xuống ngay trên đường hành quân, vì bom đạn Mỹ hoặc do rắn cắn, chưa kịp một ngày cống hiến." [51]
Về việc cung cấp, thông tư ngày 30 tháng 6 năm 1965 có quy định về khẩu phần, lương bổng, trang phục, nhưng tất cả đều thiếu. Về mặt thực phẩm, ngày 11 tháng tám 1965, Bộ Nội vụ ra sắc lệnh về khẩu phần lương thực chính thức hằng tháng phải phân phối cho các TNXP [52]. Dù cho rất rõ ràng, những sắc lệnh có liên quan đến việc tiếp tế vẫn đơn thuần mang tính lý thuyết và hoàn toàn không phù hợp với thực tế khắc nghiệt của chiến trường. Do Mỹ ném bom thường xuyên nên tình trạng thiếu thốn (lương thực và quần áo) rất phổ biến, không thể thực hiện việc tiếp tế liên tục hay đều đặn được [53].
Khi phân tích ngắn gọn về thành phần của lực lượng này, tôi tưởng cũng nên đi sâu vào tỷ lệ đàn ông/đàn bà (thậm chí có thể nói tỷ lệ trẻ trai/trẻ gái căn cứ vào tuổi của một vài em trong số đó). Từ năm 1965, việc tuyển mộ ồ ạt thanh niên mới cho các đoàn "TNXP chống Mỹ cứu nước" chính thức đưa tỷ lệ hiện diện của nữ trong lực lượng lên trên 50% [54]. Trên đường mòn Hồ Chí Minh, TNXP của Đoàn 559 hầu như gồm toàn các cô gái. Trong một vài Đội, tỷ lệ thanh nữ chiếm hơn 70% [55]. Đại đội 551 (TNXP 55) gồm 105 nữ trên 131 đội viên với tỷ lệ là 80% [56]. Đại đội TNXP 873 (được thành lập ngày 2 tháng giêng năm 1966) có 170 nữ trên 200 quân được tuyển, tỷ lệ là 85% [57]. Một số nhóm khác do nam giới chỉ huy thì gồm toàn thanh nữ như trường hợp Đại đội 512 có nhiệm vụ bảo vệ Hà Nội, Đại đội 459 làm công tác công binh trên dãy Trường Sơn hoặc Đại đội C333 nổi danh do được Hồ Chí Minh khen thưởng [58].
Những cô gái này làm đủ thứ công việc: xung phong gỡ mìn, lái xe tải nặng, làm y tá cấp cứu, sửa chữa các tuyến đường giao thông, lấp hố bom... Những câu chuyện kể về họ đều giống nhau, đan xen giữa sự hy sinh vô hạn, lòng dũng cảm mẫu mực và định mệnh đau thương không thể tránh khỏi. Hiện nay, những nữ anh hùng tập thể có số phận gắn liền với nhau này đều được đưa vào đền thờ các liệt sĩ được sử sách chính thức cũng nhận. Trong số những nữ liệt sĩ nổi tiếng nhất, phải kể đến: mười cô gái tại ngã ba Đồng Lộc ở tỉnh Hà Tĩnh và mười hai cô gái ở Truông Bồn trong tỉnh Nghệ An [59]. Đặc biệt, mười cô gái tại ngã ba Đồng Lộc (huyện Can Lộc) ở tỉnh Hà Tĩnh được thần thánh hóa và người ta đã dựng lên một đài tưởng niệm nguy nga để tôn vinh họ [60]. Tiểu chú chính thức về họ được ghi như sau: "Ngày 24 tháng bảy 1968, sau 18 lần địch đánh phá, một loạt bom thả trúng vào hầm, mười cô gái Đồng Lộc đã hy sinh vào lúc năm giờ chiều, trong tư thế tay vẫn cầm dụng cụ sản xuất" [61]. Với những dụng cụ như xẻng, cuốc chim, xô, các công cụ của thợ cơ khí trong tay, thì dù tràn đầy lòng dũng cảm và ý chí, việc chống chọi lại sức tấn cũng của bom pháo thường vẫn là vô nghĩa.
Phụ lục 1: Tổng cộng tạm thời về số lượng TNXP chống Mỹ cứu nước tính theo các tỉnh [65]
III. Một lực lượng giữa lòng chiến tranh: việc đem thân xác ra thử thách
"Những bông hoa trên tuyến lửa" chắc chắn là cụm từ có ý nghĩa nhất và thường xuyên được sử dụng để tóm tắt số phận bi thảm của những cô gái TNXP ngoài mặt trận [66]. Do lực lượng TNXP được hình thành từ hơn 50% là nữ và do người ta vẫn chưa làm được gì nhiều để biết được số phận của họ ra sao, chúng ta hãy thử xem hiện nay chiến tranh còn dai dẳng như thế nào trong thịt da của những đóa "Hoa lan trong rừng cháy" này, như nhà văn Minh Lợi đã nhắc đến điều đó trong truyện ngắn của mình [67]. Từ vài năm nay, những cựu Nữ TNXP thuật lại sự thật họ đã trải qua và nó khác hẳn với chủ nghĩa anh hùng mà Nhà nước vẫn tuyên truyền. Những câu hỏi liên quan đến thân xác của phụ nữ trong hoàn cảnh chiến tranh bắt đầu lộ rõ qua lời kể của những người còn sống sót. Thông qua những câu chuyện kể của họ, họ đòi hỏi phải có một cách nhìn nhận nhất định về chiến tranh gắn liền với nhận định của Svetlana Alexievitch: "Những câu chuyện kể của phụ nữ có một bản chất khác và bàn về một chủ đề khác. Chiến tranh, dưới mắt phụ nữ, có những màu sắc riêng, những mùi vị riêng, cách giải thích riêng và không gian tình cảm riêng của họ. Cuối cùng là những từ ngữ riêng. Người ta thấy trong những câu chuyện đó không có anh hùng cũng chẳng có những chiến công phi thường nào, mà đơn giản chỉ là những cá nhân bị cuốn vào một công việc phi nhân tính của con người" [68].
Nói chung, những lời chứng của phụ nữ thường nhuốm vẻ rụt rè, rụt rè vì bản tính phụ nữ, rụt rè vì tập thể mà mình đang sống cùng. Về việc rụt rè cho tập thể, nhà nghiên cứu Zineb Ali Ben-ali có nói về vấn đề "chối từ ký ức" và "dấu vết" văn chương bằng cách liên hệ đến trường hợp chiến tranh ở Algeri. Nhà nghiên cứu đã đưa ra nhận định nền tảng: "cũng như việc lãng quên (một số) lực lượng tham gia vào cuộc chiến, chúng ta lãng quên sự khổ đau mà họ đã phải hứng chịu. Thực tế, người ta hay bỏ qua khía cạnh này của cuộc chiến [. . . ..]. Bỏ qua những lực lượng bị đau khổ cũng dẫn đến việc lãng quên sự tham gia của lực lượng nữ giới." [69] Lời chứng của một trong các nữ TNXP miền Nam từng bị vây hãm bởi kẻ thù, đã tóm gọn những khổ đau bằng những lời sau: "sốt rét, tóc rụng, ăn rau rừng lót dạ, nhiều bạn đã lả đi. Chúng tôi phải mở đường máu để vào vùng có dân, bòn từng lon gạo nấu cháo cho anh em" [70], Tuổi Trẻ (21-4-2005)..
Tất cả những cựu đội viên TNXP đều xác nhận như thế. Điều kiện sinh hoạt dọc đường mòn HCM vô cùng cam khổ. Trong hồi ký của mình, tướng Đồng Sĩ Nguyên, Chính ủy Đoàn 559, phụ trách điều hành quân sự trên tuyến đường này, nhiều lần nhắc đến những cam go cận kề cái chết dành cho các lực lượng chiến đấu cũng như TNXP [71]. Để đề cập đến vấn đề gian khổ của chiến tranh, rặng Trường Sơn là minh chứng hùng hồn. Trong vùng "rừng thiêng nước độc" này không thiếu chỗ cho những đe dọa đến tính mạng: bệnh sốt rét, cái đói và cái chết; hậu quả của thời tiết khắc nghiệt, bùn lầy, đỉa, tai nạn hàng ngày, bom đạn, chất độc hóa học. . . Cảm giác bao trùm là sự đau đớn, sợ hãi và nỗi kinh hoàng. Chúng ta hãy cùng xem xét một số tác nhân chính làm suy yếu lực lượng.
Sốt, đói và khát
Tác nhân đầu tiên, đó là sốt. Bệnh ảnh hưởng đến toàn lực lượng. Theo Hoàng Công Ánh, phụ nữ đặc biệt là nạn nhân của bệnh này [72]. Dọc đường mòn HCM, bệnh tấn công cả lực lượng chiến đấu lẫn TNXP. Sốt không chỉ gây ra do khí hậu. Bác sĩ phẫu thuật Lê Cao Đài báo cáo về việc các loại bò cạp, nhện rừng cũng gây ra những vết cắn đau nhức, sưng tấy [73]. Thêm vào đó là các con đỉa, vắt, là nỗi lo sợ của các cô gái [74]. Các loại bọ "đen và to" [75], các loại côn trùng đủ loại, tham lam hút máu người gây ngứa ngáy, sưng tấy trên da thịt. Thân thể mỏi mệt và ẩm ướt là nơi lý tưởng thu hút bầy muỗi và ruồi vàng nhiều vô kể [76]. Tất cả đã khiến cho cơ thể nhiễm cơn sốt tàn tạ.
Tiếp theo là cái đói. Cái đói gặm mòn các cô gái TNXP. Các con số có được về khẩu phần ăn khiến người ta kinh ngạc. Theo qui định, mỗi đội viên được hưởng 24 kg gạo mỗi tháng. Nhưng do vì gạo thường thiếu hoặc không đến được bởi các trận đánh bom, khẩu phần ăn giảm sút nghiêm trọng, có thể chỉ còn 4 kg mỗi tháng cho một người [77]. Đôi khi chỉ có cháo để ăn. Muối thường thiếu và rau tươi thì hầu như không có. Để bù đắp, các cô hái rau rừng; đôi khi các cô may mắn hái được rau rừng, nhưng cũng nguy hiểm vì rau có thể nhiễm chất độc hóa học. Vì thế đa số các cô gái có biệt tài hái rau rừng và được gán cho biệt danh "các bà chúa rau rừng" [78]. Đặc biệt vào mùa mưa, măng rừng mọc rất nhiều trở thành nguồn rau tươi chủ yếu [79]. Nhiều khi các cô săn được khỉ và đó là các dịp có thịt tươi để cải thiện bữa ăn, dù việc giết thịt như thế trông có vẻ dã man.
Để cải thiện, các cô gái TNXP nghĩ ra một số cách. Các cô tìm cách tiếp cận trạm hậu cần số 16, liên hệ xin thực phẩm của các đơn vị chiến đấu; đổi lại là các màn biểu diễn nghệ thuật hoặc ca nhạc [80]. Sự thiếu thốn trầm trọng thực phẩm đã khiến mọi người nghĩ nhiều đến cái ăn, đến sự ghen tị và phương thức để làm sao có thêm cái ăn. Việc phân phối khẩu phần dựa vào vị trí chức vụ [81]. Và trong thực tế, họ thường góp thực phẩm để ăn chung với nhau.
Cùng với nỗi khổ của cái đói là cái khát vào mùa khô. Nguyễn Thị Lan, một cựu đội viên kể lại câu chuyện sau đã xảy ra trên đường HCM: "Một lần hành quân giữa rừng, phát hiện một hố bom đầy nước, chúng tôi xúm vô vốc đầy bi đông và uống cho đã khát, đến lúc ai đó khẽ nhá đèn pin mới phát hiện toàn xác người" [82].
Phải sống trong hoàn cảnh cực kỳ cam khổ, lực lượng đóng trên đường mòn HCM, đặc biệt các lực lượng có vị thế thứ yếu trong tổ chức quân đội nhân dân, phải buộc lòng tìm mọi cách để duy trì sự tồn tại, từ việc hái rau dại, củ rừng đến săn thỏ rừng hay bắt ăn các loại côn tròng có chứa chất protein. Thông thường chất hóa học do địch rải xuống làm giảm nguồn cung cấp dinh dưỡng này từ núi rừng [83].
Sự suy tàn thể chất
Tiếp xúc với chiến tranh, ở mặt trận hoặc trong chiến khu, đã khiến cho sức khỏe của các cô gái suy kiệt. Huỳnh Thị Tiếp, một đội viên TNXP của lực lượng Giải phóng Miền Nam nhớ lại mình không muốn nhìn vào gương để khỏi thấy sắc diện đang dần xuống của mình [84]. Khí hậu khắc nghiệt của Trường Sơn đã khiến da nổi ghẻ, tóc trên đầu nhiều chấy rận, các bộ phận kín trong người ngứa ngáy đến phát điên. Tóc đầy gầu, bạc màu và dần rụng [85]. Bọ bám trên người khiến cho các cô không ăn, ngủ được [86]. Dương Thu Hương chua chát nhận xét về mối gắn bó chặt chẽ giữa loại bọ với chiến tranh: "Tôi nằm xuống ván, gối đầu lên tay, đăm đăm nhìn kèo hầm. Dọc theo kẽ nứt của cây kèo, một đàn rệp béo mọng xếp hằng nằm nghỉ. Lũ rệp thời chiến là những ông hoàng bà chúa. Chúng được tự do và luôn luôn no đủ. Người ta hiến máu cho chúng một cách vui vẻ vì, so với lệ phí của bom đạn thì đó chỉ là những khoản thuế còm. . ." [87]
Sự ẩm ướt thường trực và việc không thể hong tóc cho khô đã tác động tinh thần các cô gái [88]. Ghẻ lở và nấm mốc hoành hành, theo cách nói của Nguyễn Văn Đệ. Chúng tấn công mọi ngóc ngách trên cơ thể: kẽ bàn tay, bàn chân, háng, nách và cuối cùng phát triển cả ở bầu vú. Các vùng ẩm ướt đều dần dần bị ảnh hưởng. Không thuốc men, không điều kiện tắm rửa kỹ lưỡng, tình trạng quá khắc khổ này tác động ngay đến tinh thần, công việc, sức khoẻ và còn để lại những hậu quả nặng nề sau chiến tranh [89]. Thảm họa này ảnh hưởng trực tiếp đến những đơn vị TNXP toàn nữ, làm cho giới lãnh đạo lực lượng lo lắng và cảnh báo Bộ Y tế, nhưng dường như cơ quan này cũng bị bất ngờ. Biết các cô gái bị những vết loét trên ngực, nhưng những người lãnh đạo quân đội ở Hà Nội chỉ có thuốc đỏ để gửi cho họ [90].
Vấn đề vệ sinh vùng kín của phụ nữ ít được đề cập tới, bởi đó là chuyện rất riêng của nữ giới. Về nguyên tắc, một đơn vị nữ TNXP hơn 500 người thì được tiếp nhận thêm một nữ bác sĩ đặc trách "bệnh phụ nữ" [91]. Một cựu Phụ trách đội Nữ TNXP, cảm thông cho tình cảnh của chị em trong đơn vị mình, đã viết bản tường trình về "bệnh phụ nữ", liên quan đến tình trạng vệ sinh kinh nguyệt, cho biết về việc thiếu thuốc men, băng vệ sinh, đồng phục để thay và ít có điều kiện tắm rửa [92]. Một tài liệu về "Thể dục vệ sinh với TNXP", xuất bản năm 1973, trong chiến tranh, trở lại vấn đề kinh nguyệt và những nguyên tắc vệ sinh cần phải tuân thủ. Cuối tập tài liệu là nhắc nhở tầm quan trọng của việc giữ gìn vệ sinh hàng ngày, và những lời khuyên không thể nào thực hiện được tại chỗ trong tình hình lúc bấy giờ [93]. Về công việc làm thì được khuyên là trong những ngày hành kinh thì "làm việc ít hơn ngày thường". Lẽ ra, do tình trạng yếu sức đương nhiên của thời kỳ kinh nguyệt, các cô không phải đương đầu với thời tiết khắc nghiệt, mưa to gió lớn. Và rồi trọng điểm của bệnh tật là từ những rối loạn kinh nguyệt, nguyên nhân dẫn đến, và thái độ phải đương đầu với thực trạng, làm sao để tránh bớt ảnh hưởng [94]. Về phương diện vệ sinh, với những lời khuyên trong tài liệu, nếu nó xứng đáng được in ra, thì người ta chỉ biết tự hỏi làm sao các cô gái có thể áp dụng được trong điều kiện giữa rừng sâu và dưới đạn bom? Rất nhiều những dẫn chứng chỉ ra rằng các tiêu chuẩn thi đua yêu nước chỉ là sự áp đặt. Dù gió giông, dù mưa bão, dù đêm khuya, trời quá nóng hay quá lạnh, các cô gái TNXP đều phải chấp nhận điều kiện làm việc khắc nghiệt bất kể đặc điểm riêng của nữ giới. Hầu hết các cô đều bị các vấn đề rối loạn về kinh nguyệt, như tắt kinh, bất thường hoặc đau đớn, và điều này, trong bối cảnh thiếu thốn thuốc men và băng vệ sinh nên chỉ có miếng vải mà thôi [95].
Nguyễn Văn Đệ trở lại vấn đề tắm rửa của TNXP sau một ngày làm việc mệt nhoài, theo ông, đó là "một vấn đề nan giải": "Con trai còn qua loa chịu được, nhưng chị em thật là cực hết sức, nhất là những chị em bị bệnh ngoài da, đêm nằm ngứa không sao chịu nổi" [96]. Nhu cầu tắm rửa càng được nhân lên trong điều kiện thiếu thốn quần áo, hết sức bất tiện: "Khó khăn nhất là các đội viên nữ. Những ngày đến tháng vẫn phải mặc quần áo ướt suốt ngày để đi làm. Đến một vuông vải xô để thay cũng thiếu" [97]. Những dẫn chứng cho thấy tình trạng thiếu thốn là phổ biến, đặc biệt ở vùng ác liệt của chiến trường.
Thân thể bị tàn phế
Những vết thương tàn phá cơ thể, tay chân đã đành, ngực và đầu cũng không tránh khỏi. Cựu chiến sĩ TNXP, Nguyễn Thị Vân đã kể lại trong phim tài liệu "Những cô gái bị bỏ quên của đường Trường Sơn" rằng cô bị thương ở phổi, sườn và ngực. Nhà văn Cao Tiến Lê kể trong truyện ngắn "Tiếng đêm" một hình ảnh cảm động giữa một chiến sĩ lái xe với một cô TNXP, giao liên trên đường Trường Sơn. Trêu sự vụng về của cô gái trong khi đang ngắm nhìn cô, anh chưa phát hiện ngay cô là thương binh. Sau khi mời cô uống nước, anh mới bắt đầu quan sát cô qua ánh lửa pháo sáng: "Việt sững sờ khi nhìn vào hai tay đang bưng nước. Trời ơi! Hai bàn tay không có. Từ cổ tay trở ra đã bị cắt cụt. Cô kẹp ca nước giữa hai cùi tay. Thấy Việt nhìn sững sờ, như tủi thân, cô đặt ca nước lên thùng, ngồi xuống thu cùi tay giữa hai đầu, rồi quay một sang chỗ khác" [98].
Ra mặt trận từ năm 20 tuổi, nhà văn Dương Thu Hương là một nhân chứng hùng hồn về cuộc chiến thảm khốc này. Bà hãy còn giữ những hình ảnh chấn động về cuộc chiến, để mô tả lại một cách chân phương, không hoa mỹ, trong tiểu thuyết của mình. Ngay từ những trang đầu trong tác phẩm Tiểu thuyết vô đề, bà đã mô tả cái chết bi thảm của sáu cô gái trong rừng, mà mùi hôi thối dậy lên nồng nặc, đã dẫn đường cho những người sống đến tìm: "Chúng tôi hướng vào gốc rừng đã toả ra mùi thối khủng khiếp mà đi. Tới vực Cô hồn, gặp sáu cái xác truồng. Xác đàn bà. Vú và cửa mình bị xẻo, ném vung vãi khắp đám cỏ xung quanh. Nhờ những tấm khăn dù, nhờ những chiếc cổ áo sơ mi kiểu lá sen tròn và hai ve nhọn mà chúng tôi nhận ra đấy là những người con gái Miền Bắc. Có lẽ họ thuộc một binh trạm hoặc một đơn vị TNXP cơ động nào đó bị lạc. Cũng có thể họ đi kiếm măng hoặc rau rừng như chúng tôi rồi vấp bọn thám báo" [99]. Một đại tiệc cho côn trùng, "say sưa chè chén". Dĩ nhiên, lối viết có vẻ ly kỳ, bi thảm đã cho ta thấy rõ sự kinh khủng của chiến tranh, theo cách của hai tiểu thuyết gia: Malaparte (Ý) hay Remarque (Đức) nổi tiếng về việc miêu tả những thảm cảnh của hai cuộc chiến tranh tại Âu Châu. Tuy nhiên, văn của Dương Thu Hương dao động giữa hư ảo và thực tế khốc liệt của chiến tranh. Xuyên qua tác phẩm, chị dám nói lên những điều cấm kỵ của những năm 90 về sự lừa phỉnh của chiến tranh và tính chất của nó. Sự kinh tởm tuyệt đối được trình bày ở đây một cách rất thực, không che giấu, mà chẳng thể mong gì hơn ở những bản tường trình mới đây của Lê Cao Đài hay những cán bộ lãnh đạo TNXP như Nguyễn Văn Đệ. Vả lại, trong tập này, Dương Thu Hương đề cập nhiều hơn về khía cạnh xâm hại tình dục và tàn phế do chiến tranh, hai bi kịch còn ít được nhắc đến bởi thực chất tàn bạo của nó.
Trong những điều kiện sống cực kỳ gian khổ, TNXP phải thích nghi cả thể xác lẫn tâm hồn. Sống trong chiến tranh, người ta dễ bị chấn thương tinh thần và việc phát lên điên loạn cũng cần được nêu lên. Trong Tiểu thuyết vô đề, Dương Thu Hương viết tiếp: "Mấy cậu sốt rét ác tính điên rồ, cởi hết áo quần ra mà nhảy múa, la hét" [100]. Cuộc sống xa gia đình kéo theo nỗi nhớ nhà và những lo ngại triền miên. Với việc chuyển đổi khắc nghiệt từ hòa bình sang chiến tranh, từ cuộc sống đời thường sang quân ngũ, từ tình cảm đến nỗi sợ hãi, một dạng "hội chứng" đã xuất hiện, nhất là trong giới nữ. Nó đã đánh lạc hướng các nhà lãnh đạo nam giới ở các đơn vị nữ TNXP. Hiện tượng này được gọi là "điên tập thể". Nguyễn Văn Đệ nhắc lại tình huống đã dẫn đến hội chứng này: "Có khi chị em đang xúm lại đọc một bức thư của gia đình gửi đến, bỗng một người xúc động khóc nấc lên thế là cả tiểu đội, đại đội như có sự phản ứng, kích động dây chuyền tất cả đều la hét, khóc toáng lên và cứ thế lan ra từ đại đội này sang đại đội khác. Họ khóc, họ kêu, họ chạy, nhảy, thậm chí trèo cả lên cây nói cười lảm nhảm hàng tiếng đồng hồ" [101].
Đó là một thực tế, một bộ phận cựu chiến sĩ nữ TNXP bị chìm trong bệnh cuồng bởi chiến tranh. Đương đầu với hiện tượng này, các nhà lãnh đạo quân sự và chính trị cũng lúng túng, lo ngại, bởi không ai biết phải giải quyết thế nào. Đặc biệt liên quan đến những chiến sĩ mới, hiện tượng này cũng mờ dần theo thời gian và thói quen thời chiến. Nguyễn Văn Đệ kể lại rằng mãi lâu sau chiến tranh mà những hiện tượng điên cuồng tương tự cũng xuất hiện trong đội ngũ lính trẻ quân đội nhân dân và ngay trong đơn vị TNXP của ông [102]. Một bằng chứng cũng đã được tướng Đồng Sĩ Nguyên xác nhận trong cuộc trò chuyện với Hiền, một thủ lĩnh TNXP đương nhiệm, mới hơn một năm trên đường mòn HCM. Cô cho rằng "bệnh hay cười" đang dần trở lại và lan toả trong lực lượng TNXP [103]. Trong bối cảnh đặc biệt ở môi trường không thân thiện, như bị lãnh đạo áp chế, cuộc sống bị đảo lộn bất thần và thô bạo, thì sự điên cuồng tập thể xuất hiện như một phản kháng cuối cùng. Đó như là một phản ứng tự vệ, chứ không vì mục đích chính trị hay nổi loạn cá nhân. Trước hết phải thử dùng sức mạnh tập thể để phản kháng, cả tâm hồn và thể xác, với sự khủng bố tinh thần, sự thô bạo chết người. Ở một nơi mà người ta không thể chịu đựng nổi những cuộc tranh luận chính trị, một nơi mà việc đào ngũ khó thực hiện được, thì những cuộc khủng hoảng tập thể coi như là phương cách tốt nhất để giải toả sự dồn nén cả tinh thần lẫn vật chất đè nặng lên đôi vai của những người trẻ tuổi này, trong điều kiện sống quá khắc nghiệt. Nó cho phép gắn kết tinh thần và thể xác của một đại đội, cùng chung nỗi tuyệt vọng vì một sự tồn tại như một cái án treo.
Cơ thể suy tàn
Cuối cùng, cái chết đến với những cơ thể suy yếu nhất. Lê Cao Đài cho biết rằng trên mặt trận Tây Nguyên, "Anh em đã tổng kết có 32 kiểu chết ở Tây Nguyên: chết do ốm, chết do bom đạn, chết đuối, chết do rắn cắn, chết do cây đè, chết do ăn phải nấm độc, chết do voi giày, chết do bắn nhầm nhau" [104]. Người ta cũng có thể chết vì đói, Nguyễn Văn Đệ nhớ lại [105]. Số khác, vì quá khát, chết vì uống phải nước uống bị ngộ độc. Số khác có thể là nạn nhân của những tai nạn thương tâm. 10 thanh niên bị 1 ôtô goòng chở đầy hàng hoá, cán chết giữa đêm khuya [106]. Số khác thì không sống nổi bởi những vết thương và những cuộc mổ xẻ liên tục. Những người hấp hối được giấu ở những nơi chật hẹp, như là tiền đồn của họ trước lúc ra đi vĩnh viễn [107]. Cuối cùng là một con số không kể xiết những người tự nguyện chấm dứt cuộc đời [108]. Không thể đánh giá hết sự bỏ ngũ. Tự tử, đào ngũ, mất tích, coi như 3 bản án tử hình. Dầu sao, sau cuộc đào ngũ, vấn đề sống còn được đặt ra. Đối với đơn vị mất người, cuộc đào ngũ đồng nghĩa với việc mất tích. Cuối cùng, nhiều vụ mất tích đươc nêu ra. Nhiều thanh niên bị kiệt sức và đơn độc, đã mất xác trong rừng sâu. Cũng có khi họ may mắn gặp lại đơn vị, tiểu đội hay đại đội, là may mắn sống còn. Trong nhiều trường hợp khác, người ta đã phát hiện xác của họ, và lại còn những trường hợp tồi tệ hơn, họ biệt tích vĩnh viễn mà không để lại vết tích gì (khoảng 300.000 người mất tích trong chiến tranh) [109].
Việc cáng thương (vận chuyển thương binh) do nữ TNXP đảm nhiệm, cũng xảy ra nhiều chuyện đau lòng. Nhiều khi họ phải vác trên lưng những thương binh nặng đi hàng bao nhiêu cây số, mà các thương binh, vì bị đau đớn quá, đã cắn xé hay đánh đập các cô gái tội nghiệp này [110]. Rất nhiều khi vì thiếu phương tiện, thiếu thuốc men, xa thành phố, xa bệnh viện, tự thấy tình hình quá bi đát, họ đã dũng cảm chờ chết. Thân thể các thương binh và bệnh binh sốt rét tạo nên 1 hình ảnh hùng tráng mà bác sĩ Lê Cao Đài đã can đảm mô tả trong cuốn nhật ký chiến trường của mình [111]. Bệnh kiết lỵ, sốt rét, bệnh nặng ngoài da, đã nhanh chóng biến các thân thể lụi tàn thành những bộ xương, nằm chờ chết như một niềm an ủi cuối cùng.
Thân thể huyễn hoặc và gợi cảm
Tuy nhiên, một hình ảnh yên bình khác cũng đi song song với cảnh đáng sợ trên. Đó là lúc các cô gái cùng chia sẻ niềm vui, sự tương trợ cùng nhau trong bữa cơm chung. Một huyền thoại về cô gái TNXP đã được cánh lái xe lan truyền "Chúng tôi đi qua, được chào hỏi bằng những trận cười giòn tan. Qua ánh sáng của những vì sao, tôi thoáng thấy Nguyễn Thị Thanh, một cô gái với hàm răng sáng bóng, chiếc thắt lưng gọn gàng ôm lấy thân cô trong bẽ đồ veste oai nghi" [112].
Trong các trường hợp khác, một cô giao liên có thể là tâm điểm chú ý của các chàng lái xe trên dãy Trường Sơn. Cô là hiện thân hoàn hảo của một cô gái TNXP: "Cô đột nhiên xuất hiện trước mắt chúng tôi như một bông hoa lạ giữa rừng, khiến cả cánh lái xe chúng tôi sững sờ nhìn theo. Trong chiếc áo lính gọn gàng, quăn lụa màu đen, đầu đội chiếc mũ kaki mềm bao trùm khuôn một xinh xắn, với nước da hồng hào. Lại còn đôi mắt hình hạt dẻ và tỏa sáng trí thông minh, đôi lông mày mỏng dính vẽ nên một đường cong tuyệt đẹp" [113].
Trên đường mòn HCM, các đội nữ TNXP thường quan hệ với các đơn vị bộ đội, mang lại niềm vui cho họ. Nhà văn Đỗ Chu viết rằng "một quan hệ láng giềng làm họ vui sướng" [114] khi nói về việc bố trí một đại đội bộ đội gần khu lán của các cô gái trẻ. Tiếng cười của họ làm dịu đi không khí bức bối của rừng rú: "Ai cười phía trước đây nhỉ? Lại mấy cô bạn TNXP" Việt nói, anh là lái xe tải trên đường mòn [115].
Những cuộc tình bị cấm đoán làm thành một phần của trận tuyến. Đắm đuối hay bi kịch, nó tồn tại như một ý chí muốn làm giảm đi sự thô cứng và đau đớn của chiến tranh. Tình yêu đôi khi cũng là bó buộc. Sự tập trung trong rừng, sự chung chạ trong lán trại, tạo điều kiện cho thân xác gần gũi. Bác sĩ Lê Cao Đài lưu ý một câu chuyện về những quan hệ tôn ti trật tự, hiểu ngầm là "quyền của cấp trên", hẳn khá phổ biến. Đêm nọ, một cô gái làm ngạc nhiên mọi người khi bị phát hiện cùng một sĩ quan của bộ phận y tế; cả hai đều xấu hổ. Nhưng cô gái là người chịu búa rìu. Một đồng đội hỏi cô là không sợ mang thai hay sao? Cô gái vừa khóc vừa trả lời rằng sếp nói với cô anh ấy làm điều phải làm. Lê Cao Đài than thở là chính những người hay dạy đạo đức cho người khác lại phạm luật. Ông ghi nhận với sự dè bỉu: "Thủ trưởng đã có cách!... ", sau này trở thành câu nói đùa trong Viện mỗi khi chúng tôi ở trong tình thế khó xử. Và cũng xuất hiện một câu vè: `Thủ trưởng nhìn em, thủ trưởng cười. Đau lòng em lắm thủ trưởng ơi!'" [116]
Nhưng thường thì tình yêu là bất khả, trễ tràng hay bi kịch. Tình yêu kết hôn với sự chai sạn của thực tế, được tưởng tượng như là cánh cửa mở vào tương lai tốt đẹp, như trong các trang nhật ký của những người trẻ tuổi điên cuồng trong chiến tranh [117]. Đặng Thị Vân, một cựu TNXP tâm sự: "Đó là chiến tranh mà, ngày mai chẳng biết ra sao nên chẳng ai dám yêu đương, hứa hẹn. Có chăng là tình cảm đồng đội sống chết có nhau" [118].
Không ít phần sự thật về những chủ đề tế nhị và khó đề cập như hãm hiếp, bạo hành thân thể phụ nữ, bước đi từ phụ nữ trong chiến tranh đến phụ nữ của chiến tranh, xứng đáng được nghiên cứu kỹ hơn Khi họ đi tìm lương thực để khỏi đói, các nữ TNXP có thể gặp nhiều bất trắc. Nguyễn Văn Đệ gợi lại với sự bối rối trong thứ ngôn ngữ nín lặng, việc đi tìm lương thực nơi trại lính đó: "Thật không sao kể hết những gian khổ, khó khăn mà chị em nữ TNXP đã phải gánh chịu và khắc phục" [119]. Về phía người Mỹ đối địch, nếu ta tin vào các bằng chứng ghê sợ của GI trong chiến tranh, người đàn bà Việt Nam trở thành con mồi tình dục [120]. Ta không dám tưởng tượng số phần của nữ TNXP, đôi khi đơn độc trong rừng, đối đầu với một chiến binh Việt hay Mỹ, kẻ thù thực sự hay cùng phe.
Thân thể sống sót, tinh thần bồng bềnh
Sống còn là một mệnh lệnh hằng ngày. Ai đã đến đó thì những khoảnh khắc vui tươi là quan trọng. Các cô gái mang tính khôi hài đặc biệt trên tiền tuyến. Cuốn theo những người lính, họ cười, khóc và ca hát dưới bom đạn [121]. Những bài ca của họ được sử dụng cho nhu cầu tuyên truyền và lên tinh thần cho các đơn vị. Do vậy mà các đội ca múa nhằm tuyên truyền "Tiếng hát át tiếng bom" được thành lập. Bộ phận tuyên truyền đã tổ chức các chiến dịch nâng cao tinh thần với khẩu hiệu "Biết đi là biết múa, biết nói là biết hát, mỗi cán bộ, đội viên TNXP là một diễn viên", khẩu hiệu đã trở thành mệnh lệnh cho vở kịch bi hùng này [122]. Có ít ví dụ liên quan đến hệ lụy của chiến tranh và tác động của bom hay chất hóa học lên thân thể các TNXP được kể ra. Tức là người ta biết điều ấy, biết rằng tiếng nổ điếc tai của bom, mảnh pháo để lại những vết hằn không thể phai. Trong địa ngục của chiến tranh, dù có những niềm vui hiếm hoi, cuộc sống thường nhật của TNXP đắm chìm trong thất vọng mênh mông, một nỗi đau khó tả; ở đó sự sống và cái chết dính chằng vào nhau, ở đó có sự táo bạo và can đảm, đôi khi máy móc, làm thành một bản năng tuyệt vời cho sống còn.
"Đơn vị tôi đi qua Đồng Lộc rất nhiều lần và chứng kiến những hy sinh của các chiến sĩ pháo cao xạ và các cô gái TNXP. Một lần dừng lại, tôi quá ngạc nhiên vì một bên là mùi đạn khói vẫn còn khét lẹt, chết chóc rình rập, một bên vẫn ngửi thấy hương lá sả trên tóc các cô gái TNXP, tiếng đùa cợt rất thời bình của họ. Dường như cái chết với họ, bom đạn với họ chẳng là gì." [124]
Sự chứng thực như vậy làm nổi lên tính định mệnh của sự việc, như Lê Minh Khuê mô tả những nữ anh hùng không tên, "những con quỉ mặt đen", trở nên vô cảm, trong truyện ngắn "Những ngôi sao xa xôi" viết năm 1971 [125]. Huỳnh Thị Tiếp nhớ lại các cô TNXP của lực lượng miền Nam: "Tôi không bao giờ quên được những đêm mưa sương lạnh cóng, những ngày khát nước đói cơm, những trận giáp lá cà thư hùng với giặc, cái chết và cái sống chỉ cách nhau trong đường tơ kẽ tóc, nhưng nhớ cũng chỉ để mà nhớ thôi, bởi tôi cũng không biết cách nào để diễn tả lại những hình ảnh đó được" [126].
Làm sao mô tả, làm sao kể lại ảnh hưởng của những trận bom rải thảm vẫn ám ảnh tâm trí trong bốn mươi năm qua? Những ví dụ bi kịch này không phủ nhận lời của nhà văn Phạm Tiến Duật sau 11 năm trên dãy Trường Sơn: "Có nhiều chuyện trên đường mòn HCM mà người ta không nói tới: khó khăn, cực nhọc, hy sinh và cả thất bại. Tất cả những tác phẩm nói rằng con đường mòn là một thắng lợi vĩ đại đều rất khoa trương" [127]. Bao nhiêu đôi mắt mù lòa, bao nhiêu vầng trán vỡ tan, bao nhiêu mảnh bom khăm sâu vào da thịt?
IV. Những đớn đau sau chiến tranh: Khả khăn hồi phục cơ thể
Sự kết thúc của chiến tranh chấm dứt cái chết không báo trước và tàn bạo. Một niềm hy vọng vô bờ lan tỏa minh chứng rằng tất cả việc ấy không phải là vô ích. Nhưng các cựu TNXP, giải ngũ và thường là giải luôn cái tinh thần trong trẻo, phải chịu đựng những thử thách thể xác và tâm lý thường nhắc họ nhớ lại những đớn đau đã qua. Trong một ý nghĩa nào đó, sự sống còn trong chiến tranh được tiếp nối bằng cuộc đấu tranh không cân sức sau chiến tranh. Nhà nghiên cứu Lê Thi (Dương Thị Thoa) có một công trình quan trọng về vị trí của những phụ nữ độc thân, trong bối cảnh xã hội Việt Nam, truyền thống và trọng nam khinh nữ [128]. Trong một cuộc điều tra160 cựu nữ TNXP, học giả này thấy rằng sau khi mãn hạn phục vụ, nói chung các cô gái TNXP quay về làng. Nghiên cứu cung cấp một vài số liệu chính xác về cũng việc của TNXP sau chiến tranh. Đa số làm nông nghiệp (76,3%) ở các nông trường quốc doanh hay hợp tác xã nông nghiệp, số ít làm trong lĩnh vực hành chánh, những người khác làm công nhân (4,3%) hay làm thuê kiểu công nhật (6,7%) và số còn lại hoàn toàn mất khả năng lao động (12,5%) [129]. Đối với những cựu TNXP tuổi đời chỉ khoảng 20, việc quay về đời sống dân sự ở quê nhà là rất phức tạp. Sự hy sinh, khắc kỷ, dũng cảm trong những năm tháng chiến tranh tương ứng với thương tật, đớn đau và rối loạn tinh thần trong thời gian hòa bình.
Do vậy, khi trở về từ chiến tranh, các cựu nữ TNXP giáp mặt với sự tìm kiếm bình yên một cách bất khả, đi tìm lại nữ tính của mình, bởi vì bi kịch thường kéo dài và tái lộ. Đa số họ có con bị tàn tật, do ảnh hưởng kinh hoàng của chất hóa học trong rừng sâu. Những bi kịch này không thường được nhắc tới, chỉ thi thoảng xuất hiện vài dòng trên báo chí hay trong văn học, vạch lại số phận đớn đau của họ. Giữa lời nói và nụ cuời, những dòng lệ rơi. . .
Làm gì đây cho hàng ngàn cô gái bệnh tật, thương tật, rối loạn trong xã hội sau chiến tranh? Họ trở thành gánh nặng, không tương thích chút nào với hình ảnh lý tưởng của chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi mạnh mẽ đầy ý chí, với hình ảnh người lao động trẻ đầy sức khỏe, được tuyên truyền chính thức ở các nước xã hội chủ nghĩa. Dựa trên điều tra cá nhân phụ nữ độc thân, trong đó có nhiều cựu TNXP, Lê Thi trình bày một phân tích thẳng thắn về tương lai khó khăn sau chiến tranh của họ. Ngoài ra, sự khinh bỉ của xã hội, hóa thân của truyền thống đa thê, và sự lạm dụng tình dục cũng được nêu ra. Một số đàn ông dù đã có gia đình, đã lợi dụng nhu cầu muốn có con và kết bạn của những người phụ nữ này để có quan hệ tình dục với họ. Sau đó họ bỏ rơi những người phụ nữ đó, không hề giúp đỡ tài chính [131].
Đặc biệt, Lê Thi quan tâm đến tình trạng các cựu nữ TNXP bị ảnh hưởng chất da cam trên mặt trận Trường Sơn. Bà ghi nhận trường hợp của 5.000 cựu TNXP tỉnh Ninh Bình, chiếm 70% số lượng các cô gái trong giai đoạn chiến tranh. Năm 1999, một cuộc thăm dò tiến hành với 160 phụ nữ từng phục vụ trên đường mòn HCM và nam Lào, thì thấy 127 người vẫn độc thân sau khi về lại làng quê vì quá lứa hay vì bệnh tật. 33 người trong số họ bị bệnh vì chất da cam và vài người có con bị dị tật hay đần độn. Họ có các vấn đề thần kinh, đau đầu thường xuyên, mất ngủ, đau khớp, suy nhược, rối loạn thị lực [132].
Những trường hợp bi kịch được nêu ra là Đoàn Thị Dậu và Trần Thị Thơm, với số phận hoàn toàn đổ nát vì vết thương chiến tranh. Mảnh bom ấn sâu vào đầu họ và không thể lấy ra được, nó tác động nặng nề lên hệ thống thần kinh. Họ sống giữa những cơn điên loạn và lang thang câm nín. Nhiều người khác trốn tránh và sống chật vật trong chùa, bị cầm tù bởi những thương tổn của chiến tranh và những đau đớn [133]. Hơn ba mươi năm sau chiến tranh, báo chí tiếp tục nêu ra những "thung lũng không chồng" nơi nương náu của hàng trăm phụ nữ đơn côi [134]. Các bài báo nhắc đến những thân phận phụ nữ sống trong cùng khổ, đôi khi nuôi con không cha (như nhà không nóc) sau khi đã cống hiến sắc đẹp, tuổi xuân, lý tưởng, lòng can đảm cho tổ quốc [135]. Một phóng viên báo Công an Nhân dân nêu lên trường hợp của 40 cựu nữ TNXP của tỉnh Thái Bình hiện sống trong các ngôi chùa [136].
Đôi khi người ta quên. Nếu thân thể bị hằn sâu như vậy, ngoài sốt rét, tai họa, còn là những đớn đau tâm lý: ác mộng ám ảnh, các cơn co giật, la hét, đau đầu... Chán chường, nghèo đói, câm lặng, bi kịch dai dẳng với gánh nặng đứa con tật nguyền, cái giá của sự dấn thân quá nặng nề. Mỗi số phận minh chứng rằng người phụ nữ không chỉ bị tàn phai da thịt, mất đi nữ tính trong chiến tranh mà còn là sau chiến tranh, khi họ cố hồi phục thể xác và tâm lý. Những người này trở thành 5 không, sau khi cha mẹ mất đi: "không chồng, không con, không nhà, không chế độ, và độc thân" [137]. Một cách nói về sự cùng cực xã hội của họ. Nỗi buồn chiến tranh, như Bảo Ninh đã tỉ mỉ mô tả, không chỉ dành cho những người đàn ông.
Vấn đề dẫn dắt cuộc chiến là không thể khác. Cũng như việc sử dụng phụ nữ trong chiến tranh. Nó không là đặc biệt trong một xứ sở như đã mô tả bởi các công trình của Claude Quétel [138]. Nhưng việc sử dụng và quản lý nhân lực cho chiến tranh ở Liên Xô, Trung Quốc và Việt Nam cộng sản là một chiến lược chính trị, nhằm đáp ứng đòi hỏi của "chiến tranh nhân dân". Đặc biệt đối với Việt Nam, cuộc chiến 1965-1975 liên quan đến phụ nữ hơn hết, những người "đi trước, về sau" đó, nếu họ còn sống sót sau mỗi trận đánh.
Các câu hỏi liên quan đến cách dẫn dắt cuộc chiến cần được nêu lên. Khi chúng ta biết rằng 80% trận bom Mỹ là nhắm vào các tuyến liên lạc; có đúng đắn không khi tập trung ở đó những người được tuyển mộ trẻ tuổi không có sự chuẩn bị quân sự để chịu đựng những may rủi chết người? Không bắt bẻ được rằng 4000 cái chết của TNXP là đau đớn nhẹ nhàng để bảo đảm cuộc sống bình thường ở Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cho phép một chiến thắng dẫn đến thống nhất. Chắc chắn. Khi ấy thì những quan hệ chính trị và quân sự dường như đáng trách ở chỗ là một phần lớn TNXP bị lịch sử xử tệ dù đã dâng hiến sự hy sinh khổng lồ. Vấn đề chi phí xã hội và nhân bản vẫn còn được đặt ra, trong và sau chiến tranh. Phải chăng cả một thế hệ đã bị hy sinh cho bàn thờ của lòng kiêu hãnh, sự ngây thơ và của sự bất tài?
Đối với nhà văn Xuân Vũ, có điều gì đó không đo lường được trong cách những nhà lãnh đạo của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa áp đặt cho sự hy sinh: "Họ bắt con người phải hy sinh quá nhiều. Sự hy sinh trở thành vô bờ bến, không có thời hạn, không có điều kiện. Vì thế sự hy sinh đã trở thành những cực hình, chứ nó không mang tính chất tự nguyện của cách mạng" [139]. Không phải đảng viên, không phải dân quân, không phải quân đội, TNXP tồn tại giữa sự hy sinh và trừng phạt, giữa chủ nghĩa ái quốc và cạm bẫy chính trị. Phải đợi đến cuối năm 2004, hội cựu TNXP mới được phép thành lập trong một hội nghị, tập hợp nhiều thế hệ TNXP, ở Hà Nội; cuối cùng thì vai trò của họ đã được công nhận [140].
Kết luận
Qua vài nét lớn, vấn đề TNXP với vai trò, thành phần và số phận của họ, đã rõ ràng hơn. Còn một việc nữa, như thường nói ở Pháp, là "bổn phận kế thừa" có lẽ cần thiết để lập bảng tổng kết lịch sử cho công cuộc này của chiến tranh. Cái mà chúng ta biết hiện nay chỉ là phần nổi của tảng băng vì vẫn còn nhiều câu hỏi chưa có câu trả lời. Việc thống nhất lãnh thổ và xã hội là một cái được, là niềm tự hào của nhiều người Việt Nam, nhưng cái giá phải trả để thoả mãn tham vọng chính trị ấy vẫn chưa được đong đếm. Đối với một số người, với hiện trang Việt Nam và vai trò phụ nữ trong xã hội Việt Nam hiện nay, thì cái giá đó quá đắt.
Vấn đề TNXP vừa thú vị và vừa phức tạp; nó liên quan mật thiết đến sự tiến triển của xã hội và chính trị Việt Nam từ 1950. Trong cả hai cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ, thanh niên đóng vai trò trung tâm, ngay cả khi họ bị kẹt giữa chủ nghĩa ái quốc đầy đòi hỏi và việc sử dụng chính trị lạnh lùng. Sự hy sinh của họ là thực sự, nhưng cái chủ nghĩa ái quốc đòi hỏi ở họ giống một phương tiện thu hút nhân lực trong những điều kiện hết sức nghiệt ngã, khiến ta gặp khó khăn trong việc xác định hành động của họ bao nhiêu phần xuất phát từ chủ nghĩa anh hùng, và bao nhiêu phần chỉ đơn giản nhằm mục đích tồn tại. Chủ nghĩa anh hùng và bi kịch là hai mặt tự thân của cuộc chiến cốt nhục tương tàn, việc giải phóng người này đồng thời là sự khuất phục và biến mất của người kia. Đằng sau những trang sách anh hùng và tuyên truyền chính thức, đằng sau những diễn văn biện giải, che giấu một sự thật sống sượng hơn, đau khổ hơn, và bi kịch hơn; nó liên quan đến số phận bi thảm của hàng vạn thanh niên vừa đầy nhiệt huyết, vừa bị cưỡng bách, những người bị chiến tranh bẻ gãy cả thể xác lẫn tâm lý. Sự thực ấy, ban đầu được tô vẽ bằng những màu sắc câm lặng, dần dần lộ rõ hình hài, chuyển hoá hình ảnh tinh luyện của các cô gái trẻ với nụ cười sáng ngời thành những khuôn mặt mệt mỏi, chằng chịt những vết bị chiến tranh cắt nát, hằn sâu đau khổ và điên loạn.
Giống như các đồng nghiệp ở Liên Xô, phụ nữ Việt Nam không những không bị cấm ra mặt trận, mà còn ở ngay chính giữa mặt trận [141]. Các cô gái TNXP trực tiếp tham gia chiến đấu, đặc biệt là trên đường mòn HCM, nơi có sự hoà nhập nhất với quân chủ lực, và với những người trong đội TNXP Giải phóng miền Nam thì chiến đấu là nhiệm vụ chính thức. Như chúng ta thấy, trong phần lớn thời gian, ranh giới giữa bộ đội nơi tiền tuyến và các lực lượng hậu cần không hề tồn tại. Việc lực lượng hậu cần cũng hứng chịu lửa đạn là chuyện bình thường của mọi cuộc chiến [142], nhưng trường hợp Việt Nam trở nên đặc biệt do một số lý do: độ tuổi tuyển mộ quá trẻ, họ gần như hoàn toàn không được chuẩn bị chút nào, và cách thức quản lý thuần chính trị và quân sự được áp dụng với họ. Sĩ quan trong Quân đội Nhân dân Việt Nam và cựu cán bộ TNXP bị ảnh hưởng nặng nề bởi những đau đớn khủng khiếp thường nhật của các cô gái làm việc cùng họ, hoặc dưới quyền họ, phải chịu đựng. Nhưng tất cả bị tấm màn im lặng phủ kiến, bởi người ta muốn đây phải là cuộc chiến tranh nhân dân.
Trong logic chiến tranh của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tổng động viên quần chúng và việc cưỡng bách thanh niên tòng quân (qua phong trào Ba sẵn sàng) biến mỗi công dân thành một chiến sĩ không phân biệt giới tính. Giới lãnh đạo Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nắm chắc mục tiêu `dân tộc-cộng sản', thẳng tiến vào Nam đến chiến thắng tại Sài Gòn, không dừng bước trước bất kỳ trở ngại nào và không ngần ngại trước bất kỳ hy sinh nào. Chủ nghĩa anh hùng và bi kịch liên hệ mật thiết với nhau, vì vậy chính sử sẽ không thể phân biệt chúng rạch ròi. Tuy vậy, vào giữa thập niên 1990, cựu TNXP bắt đầu giành lại lịch sử của mình; điều này có thể sẽ cho phép họ góp phần giúp ta hiểu rõ hơn vai trò then chốt mà họ đã đóng trong cuộc chiến tranh thống nhất đã đòi hỏi nơi họ những hy sinh khủng khiếp nhường ấy. Vì lý do này, họ hẳn có thể nắm giữ một phần của việc viết sử trong tương lai.
Trong quá trình nghiên cứu của tôi, một câu hỏi thứ hai thường xuyên được đặt ra: vấn đề phụ nữ trong chiến tranh, đặc biệt là ý thức về sự tàn tạ về bản chất sinh lý của phụ nữ và của người mẹ. Ni cô Phương nhấn mạnh điểm này một cách rõ ràng, nhưng khiêm tốn, khi bà kể ra bí mật của mình, một bí mật phụ nữ đã ảnh hưởng những TNXP sống sót trở về: "Chúng tôi đã mất điều làm cho chúng tôi là phụ nữ" [143]. Trong bài thuyết trình khiêm tốn nhưng đầy ý nghĩa, nhà văn Lê Minh Khuê nêu lên vấn đề thân xác phụ nữ trong và sau thời kỳ chiến tranh: "Có một điều không ai biết, không được nhắc tới dù nhắc xa xôi, vì ở Việt Nam người ta cấm kỵ xem như ô nhục xấu xa, đó là đời sống thân xác của người đàn bà" [144]. Nguyễn Văn Đệ cũng viết về sự cạnh tranh giữa đàn ông và phụ nữ, và việc phái yếu đã đứng lên trong thử thách như thế nào [145]. Các cô gái chẳng thua kém gì cánh con trai, và thậm chí còn táo bạo và can đảm hơn trên chiến trường. Tướng Đồng Sĩ Nguyên chứng kiến công việc của TNXP trên đường mòn HCM đã ca ngợi: "Đặc biệt, ở Trường Sơn, các nữ TNXP không phải là phái yếu như nhiều người thường nghĩ. Trái lại họ là `phái mạnh'" [146]. Bất chấp những hình ảnh tuyên truyền lừa bịp, cách thức quản lý chiến tranh cách mạng thuộc giống đực. Một cuộc chiến vì đàn ông, chống lại đàn ông, do đàn ông dẫn dắt. Ngay cả khi các đơn vị TNXP gồm toàn phụ nữ thì chỉ huy cũng vẫn là đàn ông. Cơ bản mà nói, người ta đã tiến hành cuộc chiến mà không mảy may quan tâm đến những đặc thù sinh lý và văn hóa của phụ nữ trong chiến tranh; trên thực tế, những điều này đã bị bỏ qua, coi nhẹ hoặc rơi vào quên lãng. Nói cách khác, thu hoạch của chiến thắng 1975 hoàn toàn chỉ thuộc về đàn ông. Cũng như bao cuộc chiến khác, khi "cánh đàn ông từ chiến trường trở về", dù theo nghĩa đen hay nghĩa bóng, tái tạo một Việt Nam xã hội chủ nghĩa chiến thắng và đầy đực tính, đã không đếm xỉa đến sự dấn thân của phụ nữ trong chiến tranh nhân dân. Đây là một dạng "trừng phạt dục tính", thắm đẫm trong cuộc trở về của quyền lực Khổng giáo và đực tính, được minh hoạ bằng màu kaki hiện diện khắp phía Bắc vĩ tuyến 17 mãi cho đến thời kỳ mở cửa vào năm 1986, được biết đến với tên gọi Đổi mới.
Thực tế, mặc dù các cô gái đóng một vai trò quan trọng trong chiến tranh, lời nói của họ bị chìm nghỉm trong cả một đại dương tuyên truyền. "Còn có một cuộc chiến mà chúng ta không biết", Svetlana Alexievitch khẳng định [147]. Việc buộc chính sử, với điện thờ các anh hùng của nó, thừa nhận cách nhìn khác về một cuộc chiến với đầy thông số chi tiết đậm nét về tâm sinh lý, là điều hết sức khó. Ta có thể thấy điều này qua cuộc đối thoại giữa Svetlana Alexievitch và một nhân viên kiểm duyệt về trường hợp Liên Xô, một ví dụ hoàn toàn có thể áp dụng được vào trường hợp Việt Nam: "Có gì hay ở những chi tiết sinh lý này? Rốt cuộc quý vị chỉ hạ thấp phụ nữ bằng cách tập trung vào cơ thể của họ. Tước vòng nguyệt quế của các nữ anh hùng và khiến họ trở thành những phụ nữ bình thường. Thành giống cái. Nhưng với chúng tôi họ là những nữ Thánh!" [148]
Đây là vấn đề thực sự. Ngoài những cống hiến hiển nhiên vào cuộc chiến đực tính này, các cô gái TNXP còn được bộ máy tuyên truyền sử dụng như những hình ảnh thần thánh. Để dẫn dắt cuộc chiến và tổ chức tuyển binh, người ta cần những gương mặt nữ đầy khích lệ, những nụ cười rạng rỡ như một lợi thế giới tính hóa. Hình ảnh Nguyễn Thị Kim Huế, thần tượng của TNXP, được chụp cạnh "Bác Hồ" năm 1967, vẫn tiếp tục được sử dụng cho đến tận ngày hôm nay. Không phải ngẫu nhiên mà tấm ảnh biểu trưng này được dùng làm bìa cho cuốn Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp giải phóng phụ nữ mới xuất bản gần đây [149]. Chân dung trẻ trung của mười cô gái hy sinh vì bom Mỹ trên tượng đài Đồng Lộc cũng góp phần vào hiện tượng này. Người ta thăm viếng các cô gái trẻ chết ngoài chiến trường gần như với nghi lễ tôn giáo, như thể để tự thuyết phục mình là họ đã có niềm tin tốt đẹp và cách hành xử đúng đắn trong một cuộc chiến tranh tế mạng, được tiến hành nhân danh chủ nghĩa cộng sản dân tộc đầy đực tính. Không biết việc dựng tượng đài kỷ niệm và trao huy chương liệu có đủ để siêu việt hóa thực tế hàng vạn thân thể phụ nữ bị hủy hoại, tàn phai, tật nguyền, và chao đảo mãi mãi?
François Guillemot là chuyên viên nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia (CNRS), phụ trách kho tài liệu Việt Nam tại Viện Nghiên cứu Đông Á (IAO, Lyon, Pháp). Ông lấy bằng tiến sĩ về lịch sử tại Ecole pratique des hautes études (EPHE, Paris) năm 2003. Hiện ông nghiên cứu về những vấn đề văn hoá trong chiến tranh của người Việt, và về chủ nghĩa dân tộc phi cộng sản của người Việt, chẳng hạn như về Đảng Đại Việt. Tiểu luận này được thuyết trình lần đầu tại hội thảo quốc tế, "Bản sắc cơ thể ở Việt Nam: Chuyển hoá và Đa dạng", tại Ecole normale superieure lettres et sciences humaines, Lyon. Tác giả cảm ơn Christopher E. Goscha, Agathe Larcher, Claire và William J. Duiker, Vatthana Pholsena, Tuong Vu, Edward Miller và Trang Cao đã giúp ông dịch (từ tiếng Pháp sang tiếng Anh) và hiệu đính tiểu luận này để đăng trên Journal of Vietnamese Studies vào mùa thu 2009.
Nguồn: Journal of Vietnamese Studies, Volume 4, Number 3, Fall 2009.
Bài viết được dịch từ nguyên bản tiếng Pháp, có sự hiệu đính của tác giả François Guillemot.
dân xứ Lừa gửi lúc 09:44, 30/08/2010 - mã số 20017
Thì ra những nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt các cô gái TNXP có lẽ là dấu hiệu của "bệnh hay cười". Tội nghiệp cho hàng trăn ngàn con người ngây thơ yếu đuối bị vùi dập cả cuộc đời! Đọc bài này vài bận thấy đời khác hẳn đi!Ông Hồ trực tiếp lập ra TNXP, không biết ông có ý thức về tình cảnh các thành viên TNXP chăng? Theo các bài phóng sự, ông Hồ thường hỏi thăm về sức khỏe các phụ nữ đến viếng dinh Chủ tịch, vậy ông có từng hỏi ai về các nữ TNXP? Còn Tướng Đồng Sĩ Nguyên báo cáo cho ông Hồ như thế nào? Không lẽ các báo cáo đều lừa dối?
Nhìn lại sinh hoạt xã hội thời bao cấp, đời sống bây giờ đỡ hơn nhiều dù vẫn đang ở dưới đáy trong xếp hạng với các nước khác. Tương tự khi so với nữ TNXP thời chiến, hiện nay các cô dâu ngoại và phụ nữ, em gái bị bán có lẽ cũng đỡ hơn nhiều.
Nhưng có thể nào ta chấp nhận sự "cải thiện" như thế không?!
Kẻ Học Đòi gửi lúc 20:57, 29/08/2010 - mã số 20008
Buồn quá!
Thanh Nguyen gửi lúc 23:59, 28/08/2010 - mã số 20000
Có những bài viết thế này chúng ta mới có cái thực tế bên cạnh những bài viết tuyên truyền hoàn toàn che mờ thực tế. Những số phận nữ TNXP thật đáng thương...
No comments:
Post a Comment