11. 11
Đang đi bỗng tôi dừng lại lắng tai nghe. Cái gì hình như có tiếng người rên rỉ. Tôi lắng tai nghe kỹ lại rồi nói với Việt:
- Có tiếng người thật cậu ạ!
- Sao tôi không nghe gì hết?
- Đấy …. Cậu phải lắng tai thật kỹ.
- À…à…!
- Có lẽ một người bị thương hay bị nạn gì đó.
Tiếng rên bỗng to lên. Hình như nạn nhân nghe chúng tôi bàn tán với nhau nên kêu to lên để cầu cứu.
Tôi nói:
- Mình đi vào hướng này chừng vài bước thì sẽ thấy ngay.
Nói xong tôi bước về hướng có tiếng rên. Việt bảo:
- Thây kệ nó anh, làm quái gì cho mệt!
- Coi có ai bị thương, bị nạn, mình cứu dùm! Trên đường này toàn là anh em mình chớ ai vô đây!
Nghe
tôi nói, Việt bèn đi theo tôi – Quả thật chỉ cách bờ suối vài mươi bước
có một cái củi phủ đầy lá, mới nhìn tôi ngỡ rằng đó là cái chuồng lợn.
Tiếng người rên rỉ trong cái củi ấy phát ra làm cho tôi sửng sốt. Sao
lại có chuyện kỳ cục vậy? Tôi bước tới và nhanh tay giở một cành lá nom
sát vào song củi. Tối om, không thấy gì hết chỉ thấy hai chấm sáng phản
chiếu về phía tôi, làm cho tôi hơi ái ngại. Tôi lùi lại, thì trong cái
bóng mờ mờ đó thấy có sự cử động. Tôi giở tung một cành lá lên, thì trời
ơi… đúng là một con người …một thằng người đã hoá thành con vật, hay
con vật đang hóa ra người? Hắn chìa tay ra xin tôi nhưng không rõ hắn
muốn xin gì. Tôi định thần nhìn kỹ. Và Việt reo lên:
- Mỹ! Mỹ anh ạ!
- Hả… cái gì?
- Thằng Mỹ mà.
- Thế hả… ờ ờ…
- Anh xem mặt mũi râu ria nó kìa …há há…. Mẹ kiếp sao lại chui gọn vào cái củi này mà nằm vậy?
Hắn
nằm trong một cái củi trông như một con dã nhơn, tay chân dài lõng
thõng, lông lá rậm rì. Hắn lại chìa tay ra xin. Nhưng chúng tôi có cái
gì đâu mà cho hắn?
Việt hỏi:
- Anh có biết tiếng Mỹ không, nói với nó vài câu xem tại sao nó lại vô nằm nghỉ mát ở đó vậy?
Tôi
bèn ngẫm nghĩ một lúc rồi lục soát lại trong trí tôi lôi ra mấy câu
tiếng Ăng-Lê mà tôi đã bỏ lấp trong bụi bặm thời gian mấy chục năm qua…
- Sao anh nằm đây? Anh tên gì?
Nhưng tên Mỹ kia chỉ nhóp nhép miệng thôi, hắn nói không ra tiếng.
Thiệt là khó xử cho bọn tôi. Làm gì bây giờ? Cứu hắn ư? hay đi báo cho anh trạm trưởng?
Chắc chắn có một người nào đó đã bắt được hắn và đã ban cho hắn cuộc sống “vui vẻ” thế này.
Thật
tình tôi không thêm không bớt. Cái củi nhốt hắn chẳng khác cái chuồng
lợn. Những chấn song to bằng cái cột nhà. Cái nắp chuồng làm bằng những
thân cây to hơn và cái chân phải của hắn bị xích vào một gốc cây sống mà
người ta dùng làm 1 trong 4 cái cái trụ chuồng. Nếu không bị xích, tên
Mỹ kia cũng không thể tung ra nỗi vì cái khối lượng gỗ trên đầu hắn quá
nặng, so với sức lực cùng kiệt của hắn.
Tôi nói với Việt:
- Về cho anh trạm trưởng hay đi.
- Làm quái gì! Kệ nó anh ạ! Hơi nào mà nhân đạo.
- Làm thế này coi kỳ quá. Ai lại đối xử với tù binh như vậy.
- Ở cái xứ rừng này mà…
- Rừng thì rừng, cũng phải văn minh một tí chứ.
- Anh toàn lo những việc bao đồng .
Nói xong Việt lôi tôi đi. Tôi còn dùng dằng nửa ở nửa đi thì có tiếng người đi tới rồi tiếng gắt gỏng:
- Ai đó?
- Tôi.. tôi đây!
Tiếng chân dẫm trên nhánh khô nghe răng rắc có vẻ hấp tấp lắm
- Ai? … Tới thả thằng Mỹ hả?
- Không, tôi coi thôi mà!
Tôi vừa dứt thì anh trạm trưởng ló mặt tới:
- Ủa sao không đi đổi thịt đi?
- Thấy chuyện lạ, tôi mới ghé đây xem.
Tôi vừa nói vừa nhìn anh trạm trưởng. Tay anh xách một cái gà-mên và mấy món chi chi khác.
Tôi
nghĩ thầm chắc anh ta đem thức ăn cho thằng Mỹ, phải vậy mới được chứ.
Dù nó là kẻ thù nhưng bây giờ nó ở trong tay mình rồi, mình phải đối xử
tử tế với nó.
Anh trạm trưởng nói ngay:
-Anh xem ngộ không? Khà khà….
Tôi được nghe anh trạm trưởng kể lại về tên Mỹ này và lý do tại sao hắn phải chịu sự trừng phạt như sau:
-
Một hôm hai anh chiến sĩ từ quân y về đơn vị đi ngang qua trảng, ở gần
đây có một cái trảng lớn lắm. Cả một vùng đất rộng, không có cây mọc. Nó
trọc lóc như sân bay vậy. Mà thật, máy bay trực thăng đáp xuống đó nó
bắt anh em mình luôn. Bởi vậy cho nên người ta ngán, không dám băng qua
cái trảng đó. Mà nếu không đi băng qua trảng thì phải đi vòng. Thay vì
mất một tiếng đồng hồ, đi vòng phải mất 3 tiếng.
Thế
cho nên hai anh em thương binh mới bàn nhau là băng qua trảng cho khoẻ.
Bệnh mới ra viện mà! Thế là hai anh em rủ nhau đi. Xin nói thêm là hai
anh có mang cả súng theo. Quả thật cái gì mình sợ thì thường hay xảy đến
cho mình.
Hai
anh đi được một phần trảng thì có tiếng máy bay. Mà ở đây máy bay trực
thăng độc lắm anh ơi! Nó qua trảng trống thì nó bay rất chậm và bay sát
mặt đất để xem hể có người thì đáp xuống ngay. Trời đất! Nó bắt người ta
như diều xớt gà vậy anh ơi! Nó bắt người ta luôn. Có lần nó xớt một cô y
tá.
Ăn
quen cho nên chồn đèn mắc bẫy, anh cũng rõ là khi người ta thuộc quy
luật thi người ta tìm cách đối phó chớ! Dại gì để cho nó chơi mãi.
Hai
anh thương binh lính quýnh không biết làm thế nào, vì bốn phía đều
không có lấy một cái bóng cây để núp, mà chiếc trực thăng đã tới nơi
rồi. Một anh nhanh trí bèn rút khăn ra vẫy vẫy. Còn anh kia thì giấu
súng trong bụi cỏ và ngồi chờ. Quả thật trực thăng thấy khăn trắng thì
tưởng có người muốn về chơi bên xứ Mỹ với hắn cho nên đáp xuống ngay
không chút ngần ngại. Một tên Mỹ nhảy xuống… chưa kịp làm gì thì đoành
đoành… Anh chiến sĩ kia giương súng bắn máy bay. Thằng phi công hoảng
quá bèn cất cánh lên, bỏ thằng này lại.
Bỏ
mẹ rồi, nó bay lên đâu dám bắn xuống bởi vì nó sợ trúng cái thằng ở
dưới này. Nó bay thẳng về báo cáo. Chập sau chúng nó kéo nhau trở lại
hàng đàn nhưng không còn ai hết!
Thế là tham thì thâm. Muốn bắt người ta, chẳng dè bị người ta bắt. Cuối cùng thì tôi phải nuôi báo cô cái thằng ôn dịch này.
-
Là vì..- Anh trạm trưởng kể tiếp – hai anh thương binh kia giải nó về
đơn vị, dọc đường trong lúc nghỉ trưa, nó đã giật súng AK và đập một anh
suýt bể đầu, bây giờ loạn thần kinh không chữa được. Hai anh đều chủ
quan vì thấy thằng Mỹ hiền lành quá, bảo cái gì cũng làm theo, cho nên
hai anh không trói nó lại. May mà nó không biết bắn AK, chứ nếu nó biết
bắn thì chết cả rồi. Và bây giờ nó nằm ở đây!
Để
đáp lại tấm thạnh tình của ông Mỹ, đơn vị của hai anh chiến sĩ kia đã
làm cái củi này… Sau khi đã giã cho mềm xương, họ mới tống vào đây và
giao cho tôi … khì … khì…. Họ còn giao cho tôi một ít gạo và bảo cho nó
ăn vừa đủ sống, lại còn bảo tôi lâu lâu nhớ xối cho nó vài thùng nước
cho nó tắm. Đó, nó cứ tắm theo kiểu đó cho nên quần áo mục hết còn mình
mẩy thì ra thế đó!
Anh trạm trưởng nói tiếp, giọng anh rất thản nhiên trước những cực hình mà thằng Mỹ chịu đựng. Anh ta cười khoái chí:
- Tôi như lũ sơn thần thổ địa trong Phong Kiếm Xuân Thu vậy, anh nhớ không?
- Ờ.. ờ… trong Phong Kiếm Xuân Thu…
-
Anh nhớ cái hồi Tôn Hành Giả bị Phật tổ nhốt nằm dưới Ngũ Hành Sơn
không ? Hàng ngày sơn thần thổ địa vâng lệnh Phật tổ đem đá cục tới cho
ăn và đem nước suối đến cho y uống …đó!
- À, tôi nhớ ra rồi!
-
Tôi bây giờ cũng vậy – Anh trạm trưởng vui vẻ tiếp – Ngày nào tôi cũng
mang cơm tới cho nó ăn đủ sức để ngo ngoe thôi, đừng để nó chết. Đại
khái là như vậy. Kể cũng vui vui, nhưng tôi không dám cho anh biết vì
anh làm văn nghệ mà, anh biết được thì anh về anh làm văn, anh nói lung
tung ra ảnh hưởng không tốt.
Tôi cười:
- Bây giờ tôi biết rồi thì làm sao?
- Tùy anh! Anh cứ nói cho đúng lập trường thì thôi!
Rồi
anh giao liên lấy cơm trong gà-mên ra cho tên Mỹ ăn. Trông thiệt thảm
hại hết sức, tôi không dám nhìn. Anh trạm trưởng ném vắt cơm vào trong
củi. Thằng Mỹ vội chụp lấy, không cần xem đó là vật gì, đút vào mồm nhai
ngấu nghiến và thau láu cặp mắt nhìn bọn tôi. Anh trạm trưởng cắt
nghĩa:
-
Nó ăn như vậy hơn hai tháng rồi đó. Không hiểu các chả nuôi nó làm gì,
đem mà “bụp” cho rồi cho khoẻ cái thân nó. Trước sau gì cũng phải chầu
trời mà, nhưng các chả muốn hành tội nó để trả thù, cho nó nếm đủ mọi
cực hình giữa cái Trường Sơn này, chớ nếu cho nó chết ngay thì nó sướng
hơn mình hay sao?
Tôi
hỏi tên của tên Mỹ lần nữa, nhưng hắn không đáp. Có lẽ hắn quên mất đi
tên tuổi của hắn, hay hắn không muốn xưng hô ra làm gì.
Tên Mỹ ăn cơm xong hồi lâu nhưng anh trạm trưởng cứ dần dà không cho hắn uống nước. Anh trạm trưởng nói:
-
Lâu lâu các cha trong đơn vị ra đây. Ối chao! Đó là ngày xấu nhất của
hắn. Các cha làm đủ thứ trò. Nào là đem cơm ra ăn trước mặt hắn, nào hút
thuốc phà khói vào củi v.v… Thằng này ghiền tợn lắm đồng chí ạ! Nghe
khói thuốc là tỉnh dậy ngay. Các chả chơi ác lắm, các chả cho nó điếu
thuốc mà không bao giờ cho lửa. Nó cứ cầm trên tay hoài nhưng không biết
làm sao hút. Rốt cuộc nó bỏ vào mồm nhai ngấu nghiến và nuốt luôn.
Có
lẽ muốn được xem lại cái cử chỉ đó tái diễn Việt bèn móc thuốc cuộn
thành điếu rồi đưa cho hắn. Việt vừa thò tay qua song củi thì hắn chộp
lấy ngay. Hắn đưa lên mũi hít hít, cặp mắt hắn sáng lên như cặp mắt của
người mới chết được hồi sinh.
Việt lại móc thuốc châm lửa hút. Tôi không thể chịu nổi cái trò chơi như vậy, tôi bảo:
-Cho nó tí lửa đi, tội nghiệp nó! Không biết con cái nhà ai vậy?
Tự nhiên tôi đâm ra thương thằng này. Không biết cha mẹ nó ở đâu, giờ này có hay con mình đang lâm đại nạn…
Chắc chắn thằng này sẽ chết nay mai. Cái chết là đã đành rồi, nhưng còn cha mẹ nó? Ai mà báo tin?
Anh
trạm trưởng đi ngoài suối một chốc rồi trở vào với một thùng nước trên
tay. Anh cầm thùng nước xối ào lên đầu thằng Mỹ. Thằng này vừa sợ lại
vừa mừng. Hắn ngữa hai bàn tay ra hứng lấy và cho vào mồm nuốt ừng ực.
Anh trạm trưởng giải thích:
- Vừa tắm vừa cho nó uống nước luôn.
Tôi đột nhiên nghĩ đến tôi. Mình có hơn gì nó? Chỉ khác với nó là mình không bị nhốt trong củi mà thôi.
Hai
đứa tiếp tục đi đổi thức ăn. Loài người xâu xé nhau đổ máu chỉ vì ăn.
Mới nói qua, nghe hơi thô lỗ nhưng suy cho kỹ quả là đúng như thế. Cái
món ăn có khi là một quốc gia, một cái nhà máy, một đồn điền, hay thật
sự chỉ là nắm cơm, một mẩu thịt.
Phải
chăng dưới mắt một số người, Miền Nam của Tổ Quốc ta là một miếng ăn,
một mâm cỗ , người thì muốn giữ, người thì muốn giật lấy tọng vào mồm.
Thằng Mỹ kia và tôi đây là nạn nhân thảm khốc của sự tranh giành ấy. Máu
đổ ra, người chết vô lý, nhưng ai cũng có lý của mình, cho nên hằng mấy
chục năm, người vẫn chết, máu vẫn đổ, không ai ngăn được, không ai chịu
ai!
Việt
cười thích thú vì cái trò cho thuốc hút mà không cho lửa của anh ta,
còn tôi thì càng nghĩ càng buồn. Miền Nam ta quả là mâm cỗ ngon lành.
Những kẻ lôi thôi lếch thếch vác súng đeo gươm đi trên đường này chịu
nắng mưa mang bệnh mang tật là để chiếm cho được cái mâm cỗ kia theo ý
định của một số người. Còn thằng Mỹ kia ở phương trời nào không biết,
dẫn xác đến đây là để giữ cái mâm cỗ kia, cũng theo ý định của một số
người. Mâm cỗ quá to nên người tranh cũng đông mà người giữ cũng đông.
Cái
xã hội loài người trên dãy Trường Sơn này bị ném vào một sự hèn mạt tột
cùng của vật chất. Họ chỉ nghĩ tới ăn. Không nên trách cứ, chê bai,
khinh bỉ họ, bởi vì ai sa vào cảnh của họ thì cũng sẽ như họ mà thôi.
Chắc chắn như thế! Chắc chắn!
No comments:
Post a Comment