Friday, November 30, 2012

Đường Đi Không Đến 23


23. 23


Sáng hôm sau chúng tôi ăn cơm xong thì đồng chí Phó chính ủy đường dây và anh trạm trưởng về. Cả hai trút ba-lô và súng xuống vạt nứa.


Ông Phó chính ủy nói:


- Bỏ mạng rồi.


- Khó xoi quá – Anh trạm trưởng kêu lên – Tụi Mỹ nằm khít rim.


- Bọn này ác thật. Bỗng nhiên lại nhảy xuống Bùi Gia Mập mười ngàn quân rồi nằm ỳ đó không chịu đi đâu cả. Thế có chết không kia chứ? Mỗi ngày mình phải cung cấp cho lính kẹt nằm tại đây hàng ngàn lít gạo… Gạo đào đâu ra?

Ông Phó chính ủy hỏi anh trạm trưởng:

- Bây giờ tôi định mở đường sang phía Đông cậu xem có được không? Chứ để nằm ỳ ở đây, nội lính nó phá thôi cũng lộ hết mục tiêu, cậu thấy thế nào?

- Dạ!

Tiếng “dạ” của anh trạm trưởng có vẻ miễn cưỡng, không tin tưởng sự chuyển hướng ấy sẽ mang lại kết quả.

Ông Phó chính ủy nói tiếp:

- Chuyển đường sang hướng Đông thì gần căn cứ địch lắm, có thể bị lộ hoặc bị ăn pháo, nhưng nếu để nằm lại đây cứ mỗi ngày ùn thêm vài trăm thì sớm muộn gì cũng lộ, mà lộ thì ăn B52. Cậu thấy thế nào?

- Dạ tôi cũng thấy thế đó!

- Thế thì cơm nước xong tôi với cậu lội tiếp nhé. Hễ xoi không thông là sáng mai bắt đầu cho đi.

- Dạ!

Cơm nước xong, hai người lại quảy ba-lô đi xoi đường. Ông Chín thì lại đi bẻ nhánh cây từ trong rừng xa mang về từng ôm đem rải trên mặt sân tiếp tục cái công việc hôm qua nghĩa là ngụy trang cho bằng được cái sân mới nghe. Tôi thì nằm võng nghĩ ngợi lơ mơ. Việt soạn ba-lô. Hắn ngồi quay lưng lại tôi dường như sợ tôi trông thấy những của nổi của chìm của hắn.

Thu thì xuống suối gội đầu. Tôi nằm trên võng, có thể nhìn rõ cả Việt lẫn Thu.

Bộ đội ở ngoài kia bắt đầu đi lãnh gạo. Họ đi ngang qua chỗ tôi nằm, người nào cũng ngó vào một cái, thỉnh thoảng có người kêu lên

- Nhà! nhà tụi bây!

- Có người ở!

Rồi họ đi qua trước đôi mắt lạnh nhạt của tôi. Thỉnh thoảng tôi mới điều động đôi mắt của tôi khỏi ánh tóc xoả của Thu mà quay lại phía đạo quân đi lãnh gạo. Nếu ông Chín biết tôi chăm chú nhìn Thu hơn nhìn bộ đội ổng sẽ qui cho tôi mất hết lập trường.

Những anh bộ đội mặt bủn da vàng đi khật khừ trông đến thương tâm. Tôi thú thật thấy nhiều anh tàn tạ quá tôi không dám nhìn. Không hiểu đau ốm như thế nào mà mặt mày sưng lên và vàng như nghệ. Kẻ thì buộc ruột tượng ngang lưng, người thì vắt vai lòng thòng lểnh thểnh , những người không còn ruột tượng thì lấy quần dài túm ống lại và vắt trên vai, hai ống chẻ ra bỏ thòng ra sau lưng trông rất chửi đời.

Thu đứng một lúc rồi vốc nước lên gội. Bọt xà phòng sùi lên trắng xoá. Lâu quá tôi mới trông thấy bọt xà-phòng trên mái tóc đàn bà.

Tóc Thu không dài. Có lẽ Thu làm tóc trước khi đi.. Bây giờ đã đến lúc làm lại rồi mà không có tiệm thành thử nó hơi ngay ngay cong cong xem cũng hay. Đối với tôi ở Thu cái gì cũng hay cả. Thu cúi đầu xuống, rủ tóc ra phía trước để khỏi ướt lưng. Cái gáy của Thu để lộ ra trắng như một miếng dừa nào. Ở lẫn trong mái tóc đen huyền, mãng gáy ấy càng ánh lên một cách tàn nhẫn.

Chắc Thu vẫn biết tôi đang nhìn Thu nhưng Thu cứ làm như không biết.

Thu đang đóng một vở kịch độc đáo chỉ có một vai và cũng chỉ có một khán giả thôi. Diễn viên vờ không biết mình được xem, còn người đang xem vờ không biết mình đang say sưa xem biểu diễn.

Đôi chân của nàng lại phô bày ra….niềm mơ ước. Nước chung quanh nàng xao động và tan ra cùng với cái bóng nàng in trên mặt nước, như cái kỷ niệm vừa phai.

Có một thời một cái hình tượng gần giống như thế nằm trong sự ôm ấp của chàng. Có những lần chàng tưởng như mình kiệt sức, nhưng khi đi cạnh nàng thì chàng thấy chàng vươn lên. Có lần đang đi bỗng sụp xuống ôm chặt lấy đôi chân nàng. Nàng khụy xuống bám vào cổ chàng. Thế là chàng bế xốc nàng đi lẫn vào trong rừng. Ở đó không có ai, chỉ có những vật vô tri. Chàng hấp tấp biến nàng trở thành một thực thể trong trạng thái tự nhiên để cho chàng hành hạ, dày vò. Và nàng cũng lặng lẽ đón những cực hình vui thú đó. Hai người đứng nhìn suốt nhau. Rồi đột nhiên họ không nhìn thấy nhau nữa. Người này đối với người kia là một khối mơ hồ mà họ chỉ cảm thấy bằng răng, bằng lưỡi, và bằng sự cọ xát, vặn vẹo, rên rỉ. Họ đứng, rồi ngồi, rồi nằm phơi trải tất cả vẻ đẹp thiên nhiên của họ cùng thiên nhiên làm cho những chiếc lá úa cũng run lên như những thớ thịt của rừng được hồi sinh.

Nhớ lại cái hạnh phúc quá ư cụ thể đó, tôi thấy trong người bứt rứt khó ở. Tôi biết sức khoẻ của tôi chưa đến nỗi bi quan.

Bộ đội đi rào rào, chí choé nói chuyện làm tôi quay lại nhìn. Từ cảnh tiên tôi bị lọt tỏm vào một cảnh trần tục quá trần tục. Một bên thì quá tươi đẹp thơ mộng, còn một bên thì quá gồ ghề cực nhọc với những con người áo quần lôi thôi lếch thếch đi dằng dặc, mắt ngó xuống, chân bước nặng chịt. Họ đi lãnh gạo, nhưng họ không lãnh được gạo vì gạo đã hết rồi.

Những người trở về gặp những người vừa đi, hai bên chửi ầm cả lên. Kẻ lên tới kho về không cũng chửi mà những kẻ chưa lên tới kho cũng chửi. Họ chửi cái kẻ đã không phát gạo cho họ để cho họ phải vác xác tới kho rồi vác xác trở lộn về với những cái ruột tượng trống không và với những cái dạ dày ọc ạch nước suối. Nhưng kẻ có trách nhiệm phát gạo tự hỏi gạo đâu mà phát?

Họ ngồi dồn cục lại ở chung quanh nhà tôi và nói chuyện ồn ào bất biết chủ nhà là ai. Họ ngó nghiêng nhìn vào cái nhà bếp của chúng tôi, có người vừa leo lên gác vừa nói:

- Leo lên tìm ngụm nước coi!

Thế là cứ tự tiện leo. Một nhóm kháo với nhau:

- Ê tụi này! Có phụ nẻo nghe!

- Đâu? Đâu?…

- Đấy kia dưới suối! Suỵt! Sụyt! Nó tắm, để coi chơi !

- Chắc dân thiểu số!

- Ờ, thiểu số thì hay lắm!

- Tha hồ coi!

- Nó không có ngượng gì đâu.

- Nó còn mời mình xuống tắm chung và lặn mò cá leo với nó nữa mà!

Một cậu cãi lại:

- Con này không phải phụ nữ Thượng đâu.

- Chứ con gái gì đây?

- Con gái thiểu số không trắng như vậy.

- Mẹ! Trông ngứa mắt quá.

- Sốt bỏ mẹ đi, lại còn!…

Một cậu tán thêm vào câu chuyện hài hước:

- Ăn cơm lược không?

Một cậu khác đáp:

- Không “lược“!

- Ăn “chấu” “lược” không ?

- Ngộ ăn “chấu” không “lược” !

- Há… dậy chớ… ứ “lược” không?

- Há… cái ló ở lâu mà cố? (Cái đó ở đâu mà có).

Rồi cả bọn cười ầm lên sặc sụa.

Cậu kia lại giải thích:

- Đó! Ăn cơm không được, ăn cháo cũng không được, sốt rét triền miên, nhưng nghe tới cái đó thì anh nhảy dựng lên ngay!

- Há há há..

- Mẹ! Đùi trắng quá mầy ơi !

- Sụyt!

Tôi vừa muốn ra miệng thì ông Chín đã bảo:

- Nè! Các cậu là bộ đội cách mạng nghe! Tư tưởng và hành động như thế đó hả?

Một tràng cười nổi lên ở ngay trước nhà. Một tiếng phản đối trả lại câu nói của ông Chính:

- Thằng cha nào thầy đời đó hả?

- Đ.M muốn dạy ông hả? Ông học 18 lớp huấn luyện rồi đây nhé. Trường Ái Quốc 1, Ái Quốc 2 ông đều dự nốt, thằng nào hơn ông mà làm trời?

Có lẽ chưa bao giờ ông Chín bị người ta xối nước vào mặt lạnh toát như lần này. Ông giận tái mặt, tôi thấy đôi môi ông run run. Chắc ông đang giằn câu nói mà ông sắp nói ra.

Nếu tôi ở vào trường hợp ông thì tôi thụt cổ rùa luôn rồi, còn ông thì không . Ông già gân vẫn chậm rãi bước xuống thang. Ông tằng hắng hai ba cái liền, đến cái cuối cùng thì chân cũng vừa chạm đất. Ông nói:

- Tôi đây, tôi nói nhưng tôi không muốn làm thầy đời ai hết.

Đám lính im thin thít. Ông Chín nói tiếp:

- Tôi chỉ muốn khuyên các đồng chí làm hoặc nói điều gì thì phải xem điều đó có sai lập trường không? Nhất là các đồng chí là chiến sĩ tiền phong của giai cấp.

- Thôi dẹp đi ông già!

Một tiếng quát từ trong bụi rậm. Tôi nghễnh cổ nhìn, thì ra một anh chiến sĩ vàng võ đang làm xấu trong bụi vừa đứng dậy.

Anh ta nói oang oang:

- Tôi nghe ông nói tôi hết mắc … ngay! Tôi đứng dậy liền để trả lời cho ông rõ. Cái gì mà lập trường với lập bò? Ông làm như ông là đại lý độc quyền cái món lập trường ấy vậy – Anh chiến sĩ vỗ ngực pạch pạch – Tôi mấy chục vết thương trong mình đây! Như vậy mà tôi phải nghe ông giảng lập trường hả?

Ông Chín vẫn bình tĩnh:

- Tôi không giảng, tôi chỉ nói.

- Nói cái gì, đùi trắng thì chúng tôi nói đùi trắng. Chớ phải chúng tôi nói đùi đen hay sao mà ông bảo chúng tôi mất lập trường?

Ông Chín ôn hoà:

- Nhưng chiến sĩ cách mạng đâu có quyền nói như vậy.

- Tại sao không? Ông giảng cho tôi nghe.

- Chuyện đùi đàn bà nói ra chỗ này gợi những ý nghĩ không tốt cho anh em ta.

- Tại sao không tốt? – Anh lính càng tỏ ra ương ngạnh và hiếu chiến – Lính tôi đâu phải những thằng không có ….

- Nhưng mà nói để làm gì? Cái đùi đàn bà có bồi dưỡng cho lập trường giai cấp của các đồng chí không?

Lũ lính thấy có kẻ đứng ra chống mũi chịu sào bèn nhao nhao lên:

- Có chớ ! Có chớ!

- Đùi đàn bà bồi dưỡng lập trường ghê lắm chứ!

Ông Chín trợn mắt:

- Mấy người đừng có lếu láo nghe!

Một anh khác có vẻ là học sinh nói rất ôn tồn:

- Xin lỗi bác là người đáng cha đáng chú nếu cãi nhau với bác thì thành ra mất tư cách. Đây cháu xin trình bày ý nghĩ của cháu thôi. Quả thật như vậy, đùi đàn bà bồi dưỡng lập trường cho chúng cháu rất nhiều. Bằng chứng là trong những vở ba-lê “Hồ Thiên Nga” của Liên Xô, có hằng trăm người vũ nữ tuyệt đẹp mà người nào cũng phơi trần cặp đùi của mình trước khán giả.

Trong tiểu thuyết “Con đường đau khổ” của Alexis Tolstoi, tác giả có tả cặp đùi của một nữ tài tử như sau : “Cặp đùi của nàng đáng thưởng cho một huân chương vàng!”. Xem đó thì việc chúng tôi nói nữ đồng chí kia có cặp đùi trắng đẹp quá có gì là mất lập trường, thưa bác?

Ông Chín đuối lý nhưng ông cũng không chịu im. Ông nói:

- Đó là chuyện nghệ thuật nghiêm chỉnh, còn đây là các chú đùa cợt.

Anh lính khi nãy ứng đáp ngay:

- Xem đùi đàn bà chẳng ai nghiêm trang được cả, trừ những đứa liệt dương và những thằng thiến đó thôi. Còn lũ lính chiến chúng tôi là lính có… cho nên xem đùi đàn bà là xem đùi đàn bà, ai muốn nghĩ sao thì nghĩ. Ông không phải lo hộ cho chúng tôi làm chi cho nhọc tuổi già.

Ông Chín hỏi giọng gay gắt:

- Chỉ huy các đồng chí là ai?

Tôi thở dài, trong lòng tôi ái ngại vì sợ câu chuyện dằng dai sẽ lọt vào tai Thu. Điều này làm cho tôi đau khổ. Tôi nhìn xuống suối. Thu đang từ dưới suối đi lên. Nghe cãi ồm ồm nãy giờ có lẽ Thu đã đoán ra câu chuyện. Thu dừng lại hỏi tôi:

- Chuyện gì đó anh?

Tôi hơi ấp úng định chối quanh không nói sự thật nhưng một anh chiến sĩ đã nói cướp ngay:

- Chuyện của chị đấy, chị có muốn nghe không?

Thu tươi cười, tay cầm mớ tóc rủ rủ cho nước văng ra và hỏi:

- Có chuyện gì các đồng chí cứ nói! Lâu quá tôi không được ai chú ý tới cũng buồn. Tôi là con gái, tôi thích người ta chú ý đến tôi luôn. Tôi là văn công.

- Vậy hả? Thế thì hay quá!

Cả đám chiến sĩ reo thích chí. Anh chiến sĩ có gương mặt vàng ẽo lúc nãy, được thế lấy trớn nói rất hăng:

- Có gì đâu! Chúng tôi bị ông lão này chụp cho một cái mũ mất lập trường rất to.

- Tại sao?

- Cũng vì chị đấy!

Thu tròn xoe đôi mắt và bằng những cử chỉ duyên dáng và rất sân khấu. Người nữ diễn viên có lẽ rất hứng thú khi đứng trước nhiều cặp mắt chăm chú nhìn mình, nàng nói:

- Tại tôi? Tôi làm gì mà các anh chịu chụp một cái mũ to dữ vậy?

Anh chiến sĩ nói ngay:

- Vì bọn tôi lúc nãy đi ngang qua suối… e hèm! Chúng tôi đi lãnh gạo về, đi rất mệt cho nên thấy suối chảy thì nghe cơn khát dấy lên, chúng tôi nhìn xuống suối và do đó chúng tôi bắt gặp một hiện tượng mà chúng tôi cho rằng là đẹp. Đó là đôi chân của chị.

Thu hơi ửng đôi má, đôi mắt Thu chớp chớp.

- Ồ! Thế à!

- Vâng, chỉ có thế. Xin chị chớ phiền. Chúng tôi không nói gì mất lập trường. Quả tình đôi chân chị đẹp thật. Chúng tôi đã từng xem ba-lê Liên Xô và thấy đôi chân của người Việt Nam ta đẹp không kém trình độ quốc tế.

Tôi suýt bật cười vì nhận xét của người chiến sĩ ngây thơ.

Thu hơi ngượng nhưng có lẽ Thu thích. Người con gái nào mà chẳng thích người khác khen mình đẹp?

Thu nói:

- Trong nghệ thuật múa ba-lê đôi chân là cốt yếu. Và trước nhất là đôi chân phải đẹp. Tôi có biết nghệ thuật này chút đỉnh cho nên tôi cũng biết thêm rằng hiện nay ở Việt Nam mình có trường đào tạo diễn viên ba-lê. Riêng đôi chân phải luyện tập bồi dưỡng sắc đẹp cho nó từ bé.

Cả bọn chiến sĩ nhao nhao lên lấy câu nói của Thu làm cái khiêng để chống lại mũi gươm của ông Chín.

Thu nói tiếp:

- Xem đôi chân đẹp, biết thưởng thức vẻ đẹp của nó thì có gì là mất lập trường. Lập trường đâu phải là thứ gì nhẹ giá quá mà lúc nào người ta cũng đánh mất.

Thu lại mượn cái khối chiến sĩ này làm đòn xeo để bẩy tung đi cái cục gàn của ông Chín.

Thu còn nói tiếp:

- Ở đây không có sân khấu, nên tôi không thể biểu diễn cho các đồng chí xem được, chứ nếu ở Hà Nội thì tôi sẽ cho các đồng chí xem ngay một màn vũ lập trường.

Nói xong Thu để quần áo trên một tảng đá và đứng nhón trên mũi chân, vòng tay lên đầu làm vài ba động tác ba-lê rất đẹp.

Ông Chín tiu nghỉu đi lên tầng trên vì ông đã thấy trước mắt rằng ông không có đồng minh

No comments:

Post a Comment