18. 18
Ở
dưới đất nghe tiếng cành cây khô gãy răn rắc. Tôi nghe có mùi hôi thối
phất qua. Tôi rụt đầu vào như một cái máy. Ở chỗ có tiếng cành cây gãy
như có ánh sáng kỳ lạ, như hai mũi chĩa bằng điện chọc thẳng về phía
tôi. Tôi nhắm mắt lại nhưng hai tia sáng kia vẫn cứ soi mói vào người
tôi. Tôi co rút người lại như con cuốn chiếu. Tôi không dám thở nữa. Tôi
hơi ân hận sao hồi nãy mình không tìm một chỗ cao hơn mặc dù cái cháng
ba này cũng đã cao rồi.
Đôi
chim ân tình đã lảng đi đâu không thấy kêu than nữa. Có lẽ chúng lẫn
tránh một điều gì. Thay vào đó một tiếng chim khác, tiếng chim như bảo
mọi người hãy mau mau “Tránh khỏi! Tránh khỏi”
Đó
là con chim tiền tiêu của Chúa Sơn Lâm. Tiếng chim vang lên trong tâm
linh tôi, rung động đến từng sợi thần kinh nhỏ nhất trong đầu tôi. Tôi
có cái cảm giác là hai tia điện khi nãy đang từ gốc cây chọc thẳng vào
lưng võng của tôi nhoi nhói.
Thôi
rồi, tôi sẽ chết nơi đây, vào miệng cọp. Nó đã ngửi thấy con mồi đang
treo trước miệng nó chỉ gang tấc. Tôi thấy đau đớn quá!
Tôi
đã đi khắp nước Việt Nam, từ Nam Quan đến mũi Cà Mau. Vâng, đi làm cách
mạng! Tôi đã đạp lùi hàng vạn dậm sau chân mình. Để làm gì, để cho ai?
Không rõ! Cái chết là điều tất nhiên, nhưng, cũng như mọi điều khác, mỗi
cái chết đòi hỏi một lý lẽ. Thôi đành nhắm mắt!
Đột
nhiên nước mắt tôi trào ra. Tôi vụt nhớ tới mẹ tôi ở một nơi xa xôi giờ
này đinh ninh rằng tôi đang sống trên một thiên đưòng.
Bỗng… rốp! rột rột….! Véo…!
Tôi
nghe như một luồng gió vút qua những kẽ cây, tiếng những cành cây gãy
rôm rốp, những ngọn cây lớn lay động ào ào như một cơn trốt xoáy qua rồi
im hẳn.
Tôi
không dám thở mạnh nữa. Tôi không biết những tiếng động vừa qua có thật
hay không? Tôi lắng nghe xem con chim có còn kêu “tránh khỏi” nữa
không. Im phắc. Không có một tiếng côn trùng. Tất cả đều đã tản đi hết.
Lâu
lắm, không rõ là bao lâu tôi nghe lại giọng ân tình lúc nãy của đôi
chim đối đáp với nhau, ở phía xa. Có lẽ giây phút kinh hãi đêm nay đã
qua rồi chăng?
Tôi vẫn nằm im – tôi nghe toàn thân mồ hôi ướt đẫm, lưng áo cũng ướt, dán hẳn vào da.
Tiếng
đôi chim ân ái vang lên càng lúc càng nhặt. Tôi nghe hình như chúng
không còn xa nhau như trước nữa. Sau mỗi lần tiếng chim vang lên, lại
thấy chúng nhích lại gần nhau thêm một quãng.
Một thứ gì bàng bạc như ánh sáng từ trên cao đổ xuống chan hoà. Tôi ngước mặt nhìn lên, thầm cảm đội Ơn Trên.
Đôi chim qườ quạng suốt đêm tìm nhau kia đã kêu lên những tiếng hoà hợp. Trời đã sáng!
Tôi
nghiêng đầu nhìn xuống rồi tôi ngồi dậy nhìn xuống, nhìn quanh, không
có dấu vết gì đáng cho tôi sợ sệt. Áo tôi ướt đẫm như chiếc áo của những
người giao liên thiểu số cõng một lúc tám quả ĐK trên lưng.
Trí
khôn của tôi trở lại. Tôi chợt nhớ ra rằng “Ông Lớn” chỉ “chụp” mồi khi
nào “Ổng” trông thấy được cái cổ của con mồi. Không trông thấy được cái
cổ, không bao giờ “Ổng” chụp.
Tôi
ném ba-lô xuống đất, rút dao găm trong lưng chặt một nhánh cây. Tôi cầm
nhánh cây đập bốn phía như muốn xua đuổi những mảng bóng đen còn rơi
rớt lại.
Tôi
đứng dậy thò đầu ra nhìn bốn phía. Tôi mong có một bóng người đi qua.
Tôi suy nghĩ, đắn đo mãi. Rồi tôi cuốn võng. Nhưng kìa, tôi không thấy
chiếc bi-đông ở đâu. Tôi nhớ rõ là đêm qua tôi có uống nước. Mất cái
bi-đông thì cũng có nghĩa là xe hơi chạy đường trường không có bình
xăng. Tôi đeo cái võng vào lưng rồi tuột xuống.
Nhưng
nó đây rồi! Tôi reo lên khi chân vừa chấm đất. Chiếc bi-đông nằm trên
gốc cây, nút vẫn nhét kín, móp một chỗ, nhưng bên trong vẫn còn nước.
Tôi ôm chầm lấy chiếc bi-đông như bắt gặp một bửu bối.
Tôi
ngước nhìn lên cháng ba. Tôi nhớ lại sau khi uống nước xong tôi treo
chiếc bi-đông trên đầu võng, có lẽ tôi treo không cẩn thận, lúc Chúa Sơn
Lâm lò mò tới gốc cây, nó đã khôn ngoan rơi xuống như một nhát búa, có
thể trúng đầu Chúa Sơn Lâm, làm cho Chúa Sơn Lâm tưởng mình bị trời đánh
mà co giò phi như gió vào bụi rậm ?
Tôi
nhìn quanh gốc cây nhưng chẳng thấy một dấu vết nào của Chúa Sơn Lâm để
lại. Rồi đứng tựa lưng vào một gốc cây, tôi cầm cái nhánh cây trong tay
chìa ra phía trước đề phòng Chúa Sơn Lâm chụp. Tôi lấy cơm ra ăn, rồi
uống mấy viên kí-nin chận cữ. Xong, tôi quảy ba-lô đi tiếp. Tôi thấy bớt
sợ các thứ hiểm nguy, cảm thấy như vừa được thử thách trước một thứ
hiểm nguy ghê gớm và vui vẻ nhất!
Tôi
đi một quãng lại gặp một toán người, mặt mày cũng ngơ ngáo như toán
người hôm qua. Họ đang đốn cây. Tôi thấy thiệt vui khi được nói chuyện
với con người. Tôi hỏi một người:
- Ở đây gần đến bệnh xá chưa các đồng chí?
- Đi qua một con suối, rồi đi một rấn lên một quãng nữa, xong đụng một gốc cây thật to là rẽ sang bên phải.
- Độ mấy tiếng nữa đồng chí?
-
Chậm thì hai tiếng – người ấy nói tiếp – Nhưng sốt cái bụng sưng to,
nước da vàng giống màu trái bứa chín như tôi đây, lá lách số 3 rồi, nó
còn bảo tôi về lao động! Đồng chí còn tươi roi rói, nó không nhận đâu!
Mặc,
tôi cứ đi. Đi một chặp thì tới một khoảng đất trống. Tôi nhìn vào.
Không có dấu vết của sự sống. Chỉ có một mô đất… Tôi kêu lên. Chân tôi
bị trồng chặt dưới đất. Mô đất kia cao quá mặt đất một ít, chỉ vừa đủ để
gọi là một cái mô và nó dài như một nấm mồ. Tôi nghĩ như vậy. Và tôi
không lầm, vì dưới những hòn đất lục cục thòi ra hai cái bàn chân như
hai cái bàn chân của một người nằm ngủ đắp chăn, đầu quay về rừng chân
hướng ra đường như còn luyến tiếc con đường bỏ dở. Tôi nhỉn một tí. Tôi
không thấy gì ngoài hai bàn chân đã xanh đen. Chỉ trong giây lát nữa
thôi, hai bàn chân đó sẽ được bọc bằng một đôi tất cườm óng ánh, mà mỗi
hạt cườm là một chú nhặng xanh.
Những
gì lạ lùng nhất, kỳ quặc nhất, nếu anh chưa trông thấy ở đâu, hoặc anh
chưa hề nghĩ rằng nó có thể xảy ra ở đâu, anh sẽ thấy trên con đường này
lần đầu tiên, cũng như hôm nay, lần đầu tiên, tôi trông thấy thi thể
một con người được mai táng ở rừng theo nghi lễ … rừng.
Một
mảnh giấy gắn trên một cành cây sát lề đường ngay trước mặt tôi bị gió
lay động, lắc lư nhưng không bay lên được, như mảnh linh hồn người xấu
số chưa tan. Bất giác tôi nom vào. Trên tấm giấy có những dòng chữ, rõ
ràng từng nét. Lối chữ hơi ngoáy nhưng khá đẹp, câu trên câu dưới hẳn
hoi:
“Vào đây thì ở lại đây,
Bao giờ mộ mọc xanh cây thì về!”
Bao giờ mộ mọc xanh cây thì về!”
Tôi
như mờ cả mắt. Những chữ cứ như chạy trên mặt giấy lao xao như một đàn
mối càng chạy loạn. Mỗi chữ như một mảnh oan hồn muốn cất cánh bay đi
nhưng vẫn còn vấn vương cái xác nằm kia.
Tôi lại nhìn đôi bàn chân, rồi quay lưng đi.
Anh
ta tên gì? Kẻ bất hạnh đã mang theo những ý nghĩ gì xuống đáy mồ? Câu
hỏi đó sẽ làm đau khổ hằng triệu người có con em tập kết ra Bắc, có con
em vào Nam chiến đấu. Nhưng sẽ chẳng có ai có thể trả lời nổi, dù khi đã
kết thúc chiến tranh, ngoài một người mà người đó thì không bao giờ trả
lời nữa.
Tôi vừa đi vừa chạy như sợ người kia vùng dậy đuổi theo. Tôi chạy như vừa thoát nạn.
Tôi chạy một mạch, thấy mỏi chân, bèn đứng lại. Nhưng dù không mỏi tôi cũng không chạy được nữa bởi vì đã tới núi.
Đường mòn nhẵn chứng tỏ người ta đi lối này rất nhiều. Tôi đi chậm lại, vừa đi vừa thở, hai lỗ tai lùng bùng chập lâu mới hết.
Tôi đang đi bỗng dừng lại như chạm vào một cái gì trước mặt. Tôi thấy ngờ ngợ, rờn rợn. Tôi ngó quanh quất. Không thấy gì cả.
Đường
vắng tanh. Tử khí trùm cây cỏ. Tôi thấy chùng bước . Nhưng nếu tôi
không tiêm được mấy ống thuốc này thì không cắt cữ được, nằm đây mà sốt
thì một là chết, hai là quay về Bắc. Cả hai điều đó tôi xem như tai hoạ
ngang nhau. Bỗng nhiên tôi thấy như có ma lực đẩy phía sau lưng tôi.
Tôi
rẽ vào và rấn lên ít bước thì đụng vào …trời ơi, đụng vào một bộ xương.
Rõ ràng một bộ xương trong một cái hốc đá. Nó trắng một cách ghê rợn.
Tôi thấy không sợ hãi nhưng chỉ giật mình khi vừa trông thấy. Tôi bước
một bước đến gần bộ xương. Bên cạnh đó là một khẩu AK mà cái báng súng
đã bị mối mọt gậm hết chỉ còn trơ lại cái cốt sắt. Cái nòng súng cũng đã
mục đi. Sét kết khối và vỡ ra từng mảng. Tôi quay trở ra ngay và đi
tiếp vô phía bệnh xá.
Có
lẽ người này cũng đi bệnh xá như tôi. Đi đến đây anh ta kiệt sức. Anh
ta định nghỉ chân một chốc rồi đứng dậy đi tiếp. Nhưng anh đã không
gượng sức được cho nên anh ngồi xuống và không bao giờ đứng dậy nữa. Ai
biết anh ta tên gì, quê quán ở đâu? Cũng như anh bạn nằm dưới đất ló hai
bàn chân ra lúc nãy, anh bạn này đã đi và không đến
No comments:
Post a Comment