Những ngày trên giường bệnh, ông Mười Phi vẫn cố gắng hoàn thành những tư liệu kể về cuộc chuyển tiền ngược chiều |
TT - Trước khi chấm dứt tuyến đường vận chuyển quá cảnh
trên đất bạn, Ban cán sự K đã phải giải quyết một việc vô cùng hệ
trọng, mà có thể coi đó là một kỳ công đáng ghi vào lịch sử.
Đó là việc cứu được một số rất lớn tiền riel trước khi
diễn ra cuộc đảo chính của Lonnol. Ông Mười Phi, trưởng ban tài chính
đặc biệt của Trung ương Cục, bí danh là N.2683, đã kể cho tác giả biết
toàn bộ vụ việc và trao lại cho tác giả tất cả những tư liệu liên quan.
Âm mưu của Lonnol
Trong suốt thời kỳ chiến tranh, miền Bắc chi viện cho
miền Nam không chỉ có vũ khí mà còn cả một khối lượng rất lớn tiền để
chi tiêu cho sự nghiệp kháng chiến. Số tiền đó gồm nhiều loại: đôla Mỹ,
tiền Sài Gòn, tiền baht Thái và đặc biệt là tiền riel của Campuchia,
mang bí danh là tiền R. Tiền R có vai trò rất quan trọng đối với hoạt
động của tất cả các bộ phận kháng chiến của miền Nam. Lúc đó tiền R được
dùng để mua sắm những nhu yếu phẩm như gạo, thực phẩm, quần áo, thuốc
men, hóa chất... từ đất Campuchia tiếp tế cho Trung ương Cục miền Nam và
từ đó cung cấp cho các khu. Vì thế, tại kho tiền trong căn cứ nội địa
của Trung ương Cục luôn có một khối lượng tiền R rất lớn, đảm bảo thường
xuyên cung ứng cho các đơn vị kinh doanh trong việc mua sắm trên đất
Campuchia.
Trước khi Lonnol tiến hành đảo chính Sihanouk, Lonnol
đã tính tới việc đổi tiền để vô hiệu hóa số tiền riel được lưu giữ trên
đất VN. Chắc chắn Lonnol không biết cụ thể số tiền đó là bao nhiêu,
nguồn gốc từ đâu đến, nhưng ông ta có đủ những thông tin để biết rằng
phía VN dùng rất nhiều tiền riel để giải quyết những nhu cầu trên đất
Campuchia, trong đó có việc mua chuộc binh lính, sĩ quan, mua sắm hàng
hóa… Chủ trương đổi tiền được giữ bí mật và chỉ công bố vào ngày bắt đầu
đổi tiền là ngày 24-2 và kết thúc vào 10-3-1970 (trước khi đảo chính
một tuần). Cùng với lệnh đổi tiền là lệnh phong tỏa toàn tuyến biên giới
Việt - Miên để "bóp chết" toàn bộ số tiền R trên đất VN.
Để tiến hành đổi tiền, Lonnol phải in những giấy tờ
liên quan đến đổi tiền như các bảng thông báo, các bản quy định, tờ
khai... Nhân viên của Lonnol đến một cơ sở in hiện đại mà họ tin tưởng
nhất, đó là xưởng in Wath Phnom để in những giấy tờ này. Thật may mắn là
Nhà in Wath Phnom lại là một cơ sở của Ban cán sự K. Người quản lý nhà
in là một thanh niên Việt kiều tên Trần Chí Năng. Cha của Trần Chí Năng
là ông Trần Quang Mẫn, quê tại huyện Tân Châu, tỉnh An Giang.
Ông đã sống lâu năm trên đất Campuchia rồi trở thành
một viên chức cao cấp trong Kho bạc Quốc gia của Vương quốc Campuchia
nên rất được chính quyền sở tại tin cẩn. Cả ông Mẫn và con trai đều là
cơ sở của Ban cán sự K, và đều là đảng viên. Chí Năng sinh năm 1948, tức
là năm 1970 mới 22 tuổi. Trước đó Ban cán sự K đã tính đến chuyện đưa
Chí Năng vào vị trí trọng yếu trong nhà in Wath Phnom để vừa kinh doanh,
vừa in ấn những tài liệu bí mật của ban. Vì thế ban đã gửi Năng đi học
ba năm tại Hong Kong về kỹ thuật in, đặc biệt là kỹ thuật in offset để
làm bản kẽm (cliché). Khi trở về, Năng đã có vị trí như một chuyên gia
hàng đầu của nhà in này. Năng có một bạn gái người Campuchia tên Peou
Lun, cùng học Trường trung học Sisowath ở Phnom Penh và sau đó trở thành
vợ chồng. Nhờ đó phía chính quyền Campuchia coi anh như đã "đồng hóa"
rồi.
"Giải cứu"
Bằng Tổ quốc ghi công liệt sĩ Trần Chí Năng
|
Khi nhân viên của Lonnol đến đặt in bí mật những tờ
thông báo đổi tiền, cũng theo "thông lệ" chung là đòi một món tiền hoa
hồng hậu hĩnh. Năng thực hiện đúng thủ tục đó và nhận lời cho in gấp.
Ngay lúc đó quân lính Lonnol đã vây chung quanh nhà in để đảm bảo bí mật
của kế hoạch này.
Riêng vợ Năng là người Campuchia thì có thể ra vào bình
thường. Năng trao cho vợ tin mật để báo ngay về Ban cán sự K. Peou Lun
lẳng lặng ra đi tay không và đến ban K để báo gấp tin dữ. Ngay lập tức
tin này được báo về Trung ương Cục, và toàn bộ số tiền R ở căn cứ Trung
ương Cục đã được đưa gấp trở lại đất Campuchia trước khi Lonnol phong
tỏa biên giới và trước khi lệnh đổi tiền được ban hành.
Khi lệnh đổi tiền được công bố ngày 24-2-1970, toàn bộ
số tiền của Trung ương Cục đã được phân phối cho các cơ sở trên toàn đất
Campuchia, để đổi một cách bình thường sang tiền R mới. Sau khi đổi
xong, số tiền mới đã được các ông Mười Phi và Lữ Minh Châu là trưởng và
phó ban N.2683 đang có mặt trên đất Campuchia, cùng với ông Tư Cam tổ
chức chôn giấu tại một kho hàng của Công ty Hắc Lỷ. Mọi việc xong xuôi
mới nổ ra cuộc đảo chính của tướng Lonnol và biên giới bị phong tỏa.
Đến lúc đó lại nảy ra vấn đề nan giải: làm sao chuyển
được tiền về? Số tiền đã đổi bị chôn chân trên đất Campuchia luôn bị đe
dọa bởi sự kiểm soát của Chính phủ Lonnol. Bí thư Trung ương Cục Phạm
Hùng chỉ thị cho N.2683 phải bằng mọi giá đưa được tiền về. Chấp hành
chỉ thị này lại là một kỳ công nữa: chính các ông Mười Phi, Lữ Minh
Châu, Tư Cam đã nảy ra sáng kiến đóng tiền vào những bao nilông lớn,
lồng một bao khác bên ngoài và đổ đầy mắm "bù hóc" lên trên.
Hai xe tải lớn của hãng buôn Hắc Lỷ vẫn thường chở loại
mắm này sang bán ở đồng bằng Nam bộ lại đi một chuyến mắm nữa như
thường lệ, nhưng cố tình chọc thủng nhiều lỗ trên miệng túi để xe chạy
xóc thì mắm trào ra xe bốc mùi sặc sụa. Theo trinh sát cho biết, con
đường sang Tây Ninh dẫn tới Trung ương Cục đã bị khóa chặt. Chính ông
Mười Phi là người bố trí đường dây an toàn đi theo hướng qua Túc Mía để
xuống Tây Nam bộ.
140 chiến sĩ đã được huy động để bảo vệ hai xe "bù hóc"
này bằng cách phục kích bí mật ở những nơi có trạm gác. Nếu gặp rắc rối
không cho qua thì chiến đấu, nếu cần phải trả bằng máu, quyết không để
mất món "mắm" có ý nghĩa sống còn đó. Mắm "bù hóc" vốn rất nặng mùi,
không quen thì từ xa đã không chịu nổi. Khối lượng hai xe tải lớn, lại
bị "rò rỉ” nhiều nên bốc mùi nồng nặc, làm cho ngay cả lính Lonnol cũng
phải lảng tránh.
Cuối cùng, đến ngày 10-4, tức 20 ngày sau đảo chính,
toàn bộ số tiền đó đã được chuyển qua Túc Mía rồi vượt biên giới an toàn
về ngả An Giang, tập kết trở lại ở kho tiền của Trung ương Cục tại Tân
Biên, tây bắc Tây Ninh, không mất một đồng nào. Rất may là mấy hôm sau
khi tiền đã được chở về, quân đội Sài Gòn phối hợp với Chính phủ Lonnol
tổ chức một chiến dịch càn quét lớn suốt từ An Giang vượt qua biên giới.
Địa điểm yết hầu Túc Mía đã bị đốt phá tan tành.
Sau đó hai vợ chồng Trần Chí Năng cũng bí mật rút về
căn cứ của Trung ương Cục. Nhưng rất không may, trong một chuyến công
tác Trần Chí Năng đã hi sinh. Vợ Trần Chí Năng từ đó mang tên chồng. Sau
ngày giải phóng, chị cùng hai con gái sống hẳn ở miền Nam. Gia đình có
bằng Tổ quốc ghi công và bằng chứng nhận liệt sĩ của Trần Chí Năng.
ĐẶNG PHONG
--------
Để chi viện tiền cho miền Nam một tổ chức mới ra đời,
hoạt động theo cách: lấy công khai làm bình phong cho bí mật, mọi hoạt
động bí mật đều lấy danh nghĩa công khai.
Xem tiếp phần 5 Quỷ Ngọai Tệ Đặt Biệt
Xem tiếp phần 5 Quỷ Ngọai Tệ Đặt Biệt
No comments:
Post a Comment